Hội Làm vườn và TT Tỉnh Thanh Hoá: 8 mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đa mục tiêu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hiệu quả cao, bền vững

BBT: Đến nay toàn Tỉnh Thanh Hóa có trên 100 mô hình ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa mục tiêu và liên kết chuỗi giá trị ở hầu hết các Hội huyện. Các mô hình đã thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao... 

Hội Làm vườn và TT Tỉnh Thanh Hoá:  8 mô hình

nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đa mục tiêu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

đạt hiệu quả cao, bền vững

 

Trích tham luận của HỘI LÀM VƯỜN VÀ TRANG TRẠI THANH HÓA 

Hằng năm, Hội LV & TT Tỉnh Thanh Hóa đều phát động mỗi Hội huyện xây dựng 1 - 2 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, liên kết theo chuỗi giá trị, … gắn với bảo vệ môi trường, làm cơ sở để hình thành nhân tố cho thi đua phát triển kinh tế VAC - Trang trại, nhất là Cuộc thi “Vườn đẹp - Trang trại kiểu mẫu” được UBND tỉnh giao thực hiện hàng năm, đến nay toàn tỉnh có trên 100 mô hình ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa mục tiêu và liên kết chuỗi giá trị ở hầu hết các Hội huyện. Các mô hình đã thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu trong số đó xin được giới thiệu một số mô hình đại diện cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và tổng hợp như sau:

1. Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của ông Nguyễn Xuân Thiên, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn

Quy mô nhà màng là 3,2 ha chuyên sản xuất dưa Vàng, hoa Lan công nghệ cao trong nhà lạnh, tất cả đều được tự động hoá đến 70%. Đây là mô hình kinh tế HTX (HTX Dịch vụ Cơ giới hóa Nông nghiệp Đông Tiến), việc tiếp cận chính sách tích tụ, tập trung đất đai được ông thực hiện rất tốt, nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đồng thời tổ chức liên kết dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ, sản xuất thức ăn gia súc, phân bón hữu cơ. Tổng doanh thu năm 2022 đạt hơn 17 tỷ đồng, lợi nhuận thu lại khoảng 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và cho trên 40 lao động thời vụ.

Các sản phẩm chủ lực của mô hình như: Dưa Kim Hoàng hậu, dưa Chuột baby đều được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ/ogranic: TCVN1101. Có thương hiệu trên thị trường và được chứng nhận là sản phẩm OCOP từ năm 2020.

Không chỉ phát triển nền nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao mà HTX còn mở rộng đầu tư về lĩnh vực chế tạo nhà màng, nhà kính, sản xuất rau củ quả, chuyển giao sản xuất và bao tiêu sản phẩm, …

2. Mô hình trang trại sinh thái xanh của gia đình thương binh ông Nguyễn Đình Tiếp

Mô hình hiện đại rộng 3,73 ha, được hình thành từ tàn tích của chiến tranh (11 hố bom) và núi đá, của gia đình thương binh ông Nguyễn Đình Tiếp, ở dãy núi đá vôi Hoàng Nghiêu, thôn Thái Sơn, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống. Trang trại được quy hoạch hiện, đại khoa học, có 02 hồ điều hoà nước, 10 ao nuôi cá, khu chuồng nuôi lợn hiện đại (500 con lợn thịt, 100 con lợn nái) và khu trồng cây ăn quả (1.000 gốc dừa xiêm) kết hợp nuôi gà ri, gà chọi. Do làm chủ được công nghệ, trang trại đã tự sản xuất ra con giống: gà, dê, lợn, … hình thành nên chuỗi sản xuất tuần hoàn, khép kín.

Theo hoạch toán của gia đình, nhiều năm gần đây doanh thu của trang trại đều đạt mức 6 tỷ đồng/năm, cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm. Giải quyết việc làm ổn định cho 6 lao động thường xuyên và gần 10 lao động theo thời vụ, mức lương giao động khoảng từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

3. Mô hình trang trại của ông Hoàng Ngọc Năm, xã Hoá Quỳ, huyện Như Xuân

Mô hình quy mô 3 ha. Trong đó, khoảng 2 ha trồng cây ăn quả, 0,6 ha làm chuồng trại chăn nuôi gà và nuôi lợn. Năm 2015, anh đăng ký và được chọn tham gia “Chương trình khởi nghiệp” của kênh VTC16. Trong chương trình có các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp trực tiếp tư vấn, giúp đỡ bà con nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Được hướng dẫn từ cách làm chuồng, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh, chế biến thức ăn tại chỗ, … từ đó hiệu quả chăn nuôi nâng lên rõ rệt, tỷ lệ sinh trưởng và phát triển của mỗi lứa gà đều đạt 95 - 97%. Với quy mô nuôi hiện nay, trang trại ông nuôi 20.000 con/lứa, xuất bán 500 tấn gà/năm.

Năm 2018, ông thành lập Công ty CP Nông nghiệp sạch Như Xuân, do 10 cổ đông tham gia sáng lập và kết nạp 50 hộ gia đình là thành viên của công ty. Hình thức là liên kết các hộ chăn nuôi gà, lợn trên địa bàn để hưởng những chính sách tốt nhất từ các nhà cung cấp dịch vụ đầu vào. Doanh thu của công ty hàng năm đạt từ 27 - 30 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ thu nhập trong 4 tháng nuôi/1.000 con gà là 18 - 20 triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho các hộ chăn nuôi gà trong công ty. Riêng gia đình ông, đã đầu tư Cơ sở giết mổ sơ chế gà thịt, sản phẩm gà thịt, được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao mang thương hiệu “Gà sạch Năm Dung”. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi 100 con lợn/lứa. Doanh thu của trang trại gia đình ông đạt trên 3,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 1,2 tỷ đồng/năm. Trang trại tổng hợp của ông là sự kết giữa hợp chăn nuôi với trồng trọt được sản xuất theo nền nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, khép kín. Với cách thức chăn nuôi gà, lợn trên nền đệm lót sinh học, thì chất thải sẽ là nguồn phân bón hữu cơ cho vườn cây ăn quả, góp phần vào bảo vệ môi trường của địa phương.

4. Trang trại sản xuất rau - quả sạch của bà Nguyễn Thị Hoan, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương

Mô hình theo chu trình khép kín, không chất thải của bà Nguyễn Thị Hoan, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương. Tổng diện tích 2 ha. Trong đó, 8.000 m2 nhà màng để trồng các loại rau, dưa Kim Hoàng hậu; 200 m2 nuôi giun Quế; diện tích còn lại là ao nuôi ốc Nhồi thương phẩm và chuồng trại chăn nuôi gà. Để có được mô hình này bà Hoan đã đến tỉnh Phú Thọ để học tập, nhờ chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ khép kín, không chất thải. Phân của chăn nuôi, chất thải hữu cơ được xử lý bằng chế phẩm sinh học để nuôi giun Quế; giun Quế dùng để nuôi gia cầm và cá, … Trang trại đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm dưa Vàng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Doanh thu hàng năm đạt gần 2 tỷ đồng, lợi nhuận thu được 400 triệu đồng/năm. Tạo việc làm ổn định cho 4 - 5 lao động, mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

5. Mô hình Trang trại bưởi Plus của ông Nguyễn Xuân Khải, xã Yên Thọ, huyện Yên Định

Tổng diện tích 14 ha được quy hoạch trồng 3.000 cây bưởi diễn, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi cá cảnh theo hướng hữu cơ, chuỗi giá trị. Hằng năm, sản xuất ra khoảng 150 tấn bưởi diễn, doanh thu khoảng 4 tỷ đồng và thu lãi 1 tỷ đồng. Trang trại đã triển khai nuôi Ruồi lính đen quy mô lớn, mỗi ngày sản xuất ra khoảng 300 kg ấu trùng để chăn nuôi gia cầm, cá và chất thải hữu cơ từ ấu trùng làm phân bón cho cây bưởi - phân gia cầm, gia súc, quả bưởi loại, rác hữu cơ lại làm thức ăn cho ấu trùng, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín. Ngoài ra, mỗi năm trang trại trao tặng cho quân, dân trên Đảo Trường Sa khoảng 10 tấn quả bưởi.

Sản xuất theo quy trình hữu cơ từ năm 2017, đến tháng 10 năm 2020 đã được Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng (TQC) - Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cấp Giấy chứng nhận quả bưởi diễn được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ Quốc gia: TCVN1101. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Hoà Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà và TP HCM. Đặc biệt, trang trại đã ký kết với tập đoàn Grode là một trong những doanh nghiệp có chuỗi cung cấp nông sản sạch lớn nhất thị trường phía Nam, để phân phối độc quyền bưởi diễn mang thương hiệu “bưởi diễn Mộc Ân”, tại các tỉnh phía Nam.

6. Trang trại của bà Nguyễn Thị Dung, thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành

Mô hình  quy mô 30 ha. Trong đó, 10 ha trồng cây mắc ca trồng xen cam canh, xen nghệ đang cho thu hoạch, 2 ha cây Thanh Long ruột đỏ, 7 ha bưởi da xanh, cam canh, 1 ha mít Thái và các loại cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi bò, lợn cỏ, nuôi giun Quế, ong mật. Trồng trọt và chăn nuôi theo chuỗi tuần hoàn khép kín ngay từ khi mới thành lập. Trang trại nằm trong khu đệm của Ban quản lý Rừng phòng hộ Vân Du, việc sản xuất phải đa mục tiêu vừa tạo ra giá trị sản phẩm, vừa phải bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cũng như việc thu hút được nhiều lao động ở địa phương. Mỗi năm doanh thu từ trang trại mang lại trên 3 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 50 lao động thời vụ, với mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Bà Nguyễn Thị Dung là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019” và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Năm 2021, gia đình thành lập Công ty TNHH Mắc ca Hồ Dung Green Farm và xây dựng khu sơ chế, chế biến hạt mắc ca thành các sản phẩm có giá trị, đang hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để công nhận sản phẩm OCOP. Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hoá cùng với Công ty đã đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hoá, cho thực hiện từ năm 2024 dự án sản xuất thử nghiệm: “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thử nghiệm dầu ăn, sữa chua và thức ăn chăn nuôi từ hạt mắc ca, tại tỉnh Thanh Hóa”.

7. Mô hình nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao của ông Chu Đình Sự, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hoá.

Tổng diện tích 10 ha, trong đó có 7 ha đầu tư xây dựng 17 nhà màng, để nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao khép kín, tuần hoàn. Áp dụng kỹ thuật nuôi theo tiến bộ mới 3 giai đoạn, nhằm giảm thiểu dịch bệnh; giảm chi phí sản xuất; tăng năng suất, nâng cao chất lượng tôm thương phẩm, nâng cao thu nhập, giảm tác động đến môi trường. Hệ thống nuôi được đảm bảo có hệ thống xử lý nước đầu vào, ao ươm, ao nuôi, hệ thống sục khí và ao chất thải được bố trí hồ sinh học xử lý trước khi thải ra môi trường. Nuôi tôm 3 giai đoạn gồm giai đoạn 1 ươm khoảng 20 ngày, sau đó chuyển sang giai đoạn nuôi thương phẩm khoảng 40 ngày và giai đoạn cuối cùng là thả tôm ra ao lớn chờ thu hoạch. Với cách làm này, hàng năm gia đình nuôi được 4 - 5 lứa, năng suất từ 25 - 30 tấn/ha. Doanh thu từ 2 - 2,5 tỷ đồng/ha, lợi nhuận thu được hàng năm từ 4 tỷ đồng trở lên. Tạo việc làm ổn định cho 1 kỹ sư, lương 20 triệu đồng/tháng; 4 lao động kỹ thuật, lương 12 triệu đồng/người/tháng và 7 lao động thời vụ, lương 8 triệu đồng/người/tháng.

8. Trang trại "xanh 3 sạch” của ông Lương Ngọc Lai (dân tộc Thái), xã Luận Thành, huyện Thường Xuân

 Mô hình đã dành được giải thưởng Lương Đình Của năm 2020. Sau nhiều năm làm trang trại nuôi gà thả vườn theo hình thức truyền thống, độc canh, hiệu quả thấp và cũng có khi thất bại.

Từ tháng 02 năm 2019, ông bắt đầu xây dựng dự án “Trang trại xanh 3 sạch”, với số vốn gần 2 tỷ đồng. Diện tích gần 7 ha, trong đó nuôi 10 nghìn con gà ri thả vườn (hiện nay quy mô là 32 nghìn con), xây dựng 1.050 m2 nhà màng để trồng dưa Vàng, 700 m2 nhà để nuôi giun Quế bằng phân gà. Giun Quế được quay lại để nuôi gà và chất thải từ giun Quế để trồng rau, quả. Đây là mô hình khép kín không chất thải, không sử dụng chất khích thích, thuốc tăng trưởng, phân hoá học, tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Doanh thu của trang trại 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu được là 600 triệu đồng/năm. Tạo việc làm ổn định cho 5 lao động, mức lương bình quân là 5,8 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Lai còn là Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã Luận Thành. Đặc biệt, trong quá trình khởi nghiệp, ông đã tập hợp thanh niên trong vùng cùng tham gia phát triển sản xuất. Từ Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp do ông khởi xướng, đến nay ông đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Luận Thành, với 8 hộ gia đình đều là thanh niên tham gia. Mỗi gia đình nuôi 3.000 con gà trở lên, cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 63
  • Lượt xem theo ngày: 6081
  • Tổng truy cập: 4022962