Bandar Toto Makau OLXTOTO OLXTOTO OLXTOTO TOTO12 KOITOTO KIKOTOTO KVTOTO OREO5D AGENOLX OLXTOTO TOTOT12 KOITOTO KIKOTOTO KVTOTO OREO5D AGENOLX OLXTOTO KOITOTO TOTO12 KIKOTOTO KVTOTO OREO5D OLXTOTO olxtoto login rtp olxtoto olxtoto link olxtoto. olxtoto 4d
BẢO VỆ THỰC VẬT PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG BỀN VỮNG VỚI NÔNG SẢN AN TOÀN - Hội Làm vườn Việt Nam

BẢO VỆ THỰC VẬT PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG BỀN VỮNG VỚI NÔNG SẢN AN TOÀN

  BBT: Trồng trọt càng đi vào thâm canh, dịch hại càng phát triển mạnh, thuốc hóa học BVTV càng sử dụng nhiều. Mặt khác, thâm canh trồng trọt còn kéo theo ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn dẫn đến sức khỏe con người bị đe dọa. Đấu tranh chống dịch hại để cây trồng cho năng suất cao và nông sản an toàn là một cuộc đấu tranh vì cuộc sống của nhân loại trong sự hòa hợp với thiên nhiên.  Vì vậy, trong phát triển nông nghiệp bền vững không thể không quan tâm tới bảo vệ thực vật.
 

trang-trai-rau-huu-co

Mở đầu

Dân số trên trái đất sẽ đạt 7,5 tỷ người vào năm 2020 (FAO, 1986). Vào đầu thế kỷ XXI thế giới ở trong tình trạng đói nghèo cao với gần 1,2 tỷ người sống trong tình trạng nghèo tuyệt đối (Pinstrup-Andersen and Cohen, 2000). Đáp ứng nhu cầu của nhân loại về sản phẩm nông nghiệp luôn là vấn đề vô cùng khẩn thiết. Trong khi đó, sản xuất lương thực trên thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn. Sản xuất lương thực trên thế giới hàng năm tăng thêm 3% trong thập niên 1970 và giảm đi 1% ở thập niên 1990. Đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị mất đi do thoái hóa và mở rộng đô thị. Trong thập niên cuối thế kỷ XX, ước tính mỗi năm thế giới bị mất 12 triệu ha đất canh tác (Vũ Ngọc Tuyên, 1994). Kết quả thống kê ở 93 nước cho thấy lương thực hàng năm tăng thêm do mở rộng diện tích trồng trọt chỉ đạt hơn 20% ở các nước phát triển và xấp xỉ 10% ở các nước Nam Á. Lương thực tăng thêm do tăng năng suất cây ngũ cốc ở các nước phát triển đạt trung bình 66% và đạt tới 80% ở các nước Nam Á (Klassen, 2000). Như vậy, tăng sản xuất lương thực là một thách thức rất lớn đối với nông nghiệp thế giới và để tăng sản xuất lương thực, không còn con đường nào khác là phải đi theo hướng thâm canh.  

Thực tiễn trên thế giới cho thấy một hiện tượng mang tính qui luật là trồng trọt càng đi vào thâm canh, dịch hại càng phát triển mạnh, thuốc hóa học BVTV càng sử dụng nhiều và tổn thất mùa màng do sâu bệnh càng gia tăng. Mặt khác, thâm canh trồng trọt còn kéo theo ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn dẫn đến sức khỏe con người bị đe dọa.

Đấu tranh chống dịch hại để cây trồng cho năng suất cao và nông sản an toàn là một cuộc đấu tranh vì cuộc sống của nhân loại trong sự hòa hợp với thiên nhiên. Cuộc đấu tranh này diễn ra một cách thường xuyên không chỉ theo sự sinh trưởng phát triển của cây trồng, mà còn theo suốt quá trình lịch sử của nhân loại, nó đã được bắt đầu từ rất lâu trước thời điểm xuất hiện văn minh nhân loại, xảy ra liên tục không ngừng đến ngày nay và không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc đấu tranh này sẽ vẫn tiếp tục đến chừng nào mà loài người còn tồn tại. Vì vậy, trong phát triển nông nghiệp bền vững không thể không quan tâm tới bảo vệ thực vật.

Bảo vệ thực vật - một tiềm năng nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng nông sản

Các loài dịch hại - những lực lượng thiên nhiên đã, đang và sẽ là mối đe dọa thường xuyên đối với ngành trồng trọt. Từ xa xưa, ông cha ta đã nhận thấy tác hại khôn lường của dịch hại “mùa von cõng con lên rừng” nghĩa là nếu vụ mùa bị bệnh lúa von thì sẽ bị thất bát, đói ăn.

Tổn thất năng suất thực tế trên thế giới do các dịch hại gây ra cho các cây đậu tương, lúa mì và bông chiếm khoảng 26-29% và cho các cây ngô, lúa nước và khoai tây tương ứng là 31%, 37%, 40% (Oerke, 2006). Những tổn thất do sâu bệnh hại gây ra ở Việt Nam không phải là nhỏ. Dịch rầy nâu năm 1977-1978 ở đồng bằng sông Cửu Long gây tổn thất khoảng 1 triệu tấn. Dịch rầy nâu, lúa lùn và lúa lùn xoăn lá năm 2006-2007 đã gây tổn thất ở đồng bằng sông Cửu Long hàng ngàn tỷ đồng. Dịch bệnh vi rút lúa lùn sọc đen trong vụ mùa 2009 gây tổn thất khoảng 200 ngàn tấn thóc thóc (Bộ Nông Nghiệp, 1980; Cục BVTV, 2010). Như vậy, hạn chế đến tối thiểu các tổn thất do dịch hại gây ra là một tiềm năng lớn để tăng năng suất và sản lượng của cây trồng.

Những vấn đề liên quan đến bảo vệ thực vật đã phát sinh do hoạt động kinh tế của con người và biến đổi khí hậu

Hoạt động kinh tế của con người trong điều kiện biến đổi khí hậu đã làm xuất hiện nhiều vấn đề nan giải như những thách thức mới của sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có nhiều vấn đề đã phát sinh liên quan đến bảo vệ thực vật có khả năng đe dọa trực tiếp đến độ bền vững của sự phát triển nông nghiệp. Đó là các vấn đề sau:

Suy giảm đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp. Nghiên cứu sinh quần cây lúa trong năm 2004-2005 cho thấy nơi quảng canh trong một kỳ điều tra bắt gặp trung bình 39,6-50,4 loài chân đốt và 12,1-45,5 loài ở nơi thâm canh; chỉ số đa dạng H’ ở nơi quảng canh là 2,97-5,37 và ở nơi thâm canh là 2,37-4,45 (Phạm văn Lầm và nnk., 2010). Suy giảm đa dạng sinh học không chỉ biểu hiện ở tỷ lệ số loài sinh vật bị thu hẹp phân bố hay biến mất, mà cả sự suy giảm về nguồn gen, tính đa dạng chức năng của các hệ sinh thái nông nghiệp.

Thay đổi về thành phần loài sâu hại và thiên địch bản địa trong sinh quần nông nghiệp. Những nghiên cứu ở trên thế giới cho thấy nhiều loài sinh vật bản địa đã thu hẹp phân bố và bị loại khỏi hệ sinh thái nông nghiệp - nơi có hoạt động kinh tế rất mạnh và thường xuyên của con người. Việc trồng cây nông nghiệp đã làm nghèo thành phần loài sinh vật trong nông sinh quần: nhiều loài thực vật bản địa bị đẩy ra khỏi nông sinh quần; những loài côn trùng ăn thực vật không thích nghi với cây trồng mới trở nên khan hiếm; một số loài thiên địch không bắt gặp được trong nông sinh quần do không có con mồi/vật chủ (là côn trùng ăn thực vật); chỉ một số ít loài côn trùng ăn thực vật có thể tồn tại được và với điều kiện thức ăn thích hợp, thiên địch ít nên những loài này đã phát triển thành loài ưu thế với số lượng lớn trong nông sinh quần.

Ở đồng bằng sông Hồng, nhiều loài côn trùng trước đây đã ghi nhận là sâu hại lúa, nhưng chưa bắt gặp lại được trong các năm 2004-2005 (Aiolopus thalassinus tamulusChondracris rosea, Locusta migratoria manilensisMythimna loreyi, M. venalba,...). Các loài Chilotraea auriciliaDeltocephalus oryzae, Tetroda histeroides trước đây phát sinh phổ biến trong sinh quần cây lúa, nhưng cũng chưa bắt gặp được trong các năm 2004-2005. Một số loài côn trùng hại lúa khác trước đây thường phát sinh thành dịch, nhưng trong nhiều năm gần đây đã không phát sinh thành dịch, chỉ xuất hiện với độ bắt gặp rất thấp (Nephotettix nigropictusN. virescensDicladispa armigeraMythimna separata). Các loài thiên địch trước đây đã ghi nhận được trên đồng lúa (Auberteterus alternecoloratus,Coccygomimus aethiops, C. nipponicus, Eriborus ryukuensis, Bracon hispaeStenobracon maculata, Tetrastichus ayyari, Cuphacera varia, Peribaea orbata,...), nhưng chưa bắt gặp trong các năm 2004-2005 (Phạm Văn Lầm và nnk., 2010). Sự thay đổi tương tự về thành phần sâu hại và thiên địch cũng quan sát được trong sinh quần cây chè, cây ăn quả có múi, cây rau họ hoa thập tự (Phạm Văn Lầm, 2013a, 2013b; Phạm Văn Lầm, Nguyễn Văn Liêm, 2005).

Sự thay đổi mức độ quan trọng kinh tế của dịch hại. Trên cây lúa, trong thập niên 1960 sâu đục thân lúa ngài hai chấm Scirpophaga incertulas và sâu đục thân 5 vạch đầu nâu Chilo suppressalis có tỷ lệ số lượng tương đương nhau và đều là những sâu hại phổ biến ở đồng bằng sông Hồng. Từ sau năm 1975, sâu đục thân lúa ngài hai chấm trở thành loài chiếm ưu thế tuyệt đối trong nhóm các loài sâu đục thân lúa (với hơn 90% tổng số cá thể trong mẫu điều tra). Các loài sâu đục thân khác (Sesamia inferensChilo suppressalisChilo polychrysa) có vị trí số lượng rất thấp. Sâu gai lúa Dicladispa armigera, sâu cắn gié Mythimna separata, rầy xanh đuôi đen Nephotettix spp., bệnh lúa von Fusarium moniliforme, bệnh tiêm lửa Helminthosporium oryzae trong thập niên 1960 xuất hiện rất phổ biến và nhiều khi phát sinh thành dịch. Từ thập niên 1990 đến nay, các loài sâu bệnh hại này trở thành không quan trọng. Trong khi đó, rầy nâu Nilaparvata lugens, sâu cuốn lá lúa loại nhỏ Cnaphalocrocis medinalis, rầy lưng trắng Sogatella furcifera, bệnh đạo ôn Pyricularia oryzae, bệnh khô vằn Rhizoctonia solani, bệnh bạc lá Xanthomonas oryzae pv. oryzae đang phát sinh với xu hướng ngày càng gia tăng (Pham Van Lam, 2010; Phạm Bình Quyền, 2003). Trồng giống cây chuyển gen dẫn đến làm gia tăng tính trầm trọng của các loài sâu hại không chủ đích. Nghiên cứu của Deng et al. (2003), Liu et al. (2002), Sun et al. (2002) cho thấy mật độ quần thể của các loài sâu hại không chủ đích (rệp muội bông Aphis gossypii, bọ xít Lygus lucorum, bọ trĩ Thrips tabaci, rầy xanh hai chấm Empoasca biguttula,...) trên giống bông chuyển gen Bt kháng sâu xanh đã tăng từ vài phần trăm đến 298,3% (dẫn theo Phạm Văn Lầm, 2009b).

Sự gia tăng nhanh tác hại của dịch hại. Các tính toán của FAO ở nửa sau thế kỷ XX đã khẳng định sự gia tăng năng suất cây trồng nông nghiệp trên toàn thế giới chậm hơn khoảng 1,5 lần so với sự gia tăng tổn thất do dịch hại gây ra. Tác hại của sâu bệnh hại ở đồng bằng sông Hồng tăng nhanh hơn nhiều so với mức độ tăng năng suất lúa. Trong các năm 1985-1993, năng suất lúa ở đồng bằng sông Hồng chỉ tăng khoảng 15%, trong khi đó diện tích bị nhiễm sâu bệnh hại tăng lên gấp 3-4 lần, diện tích mất trắng tăng gấp 6-7 lần. Điều này cho thấy khi thâm canh, sâu bệnh hại không chỉ gia tăng về mức độ phổ biến mà gia tăng cả về khả năng gây dịch (Phạm Bình Quyền, 2003).

Sự biến đổi của dịch hại dẫn đến hình thành những chủng/nòi sinh học có độc tính cao hơn. Sử dụng rộng rãi, liên tục một loại giống lúa kháng sâu bệnh dẫn đến hình thành các biotype mới ở sâu năn (Orseolia oryzae), rầy nâu (Nilaparvata lugens), bệnh đạo ôn (Pyricularia oryzae),... Sử dụng liên tục một loại giống cây trồng chuyển gen đã hình thành nòi mới kháng gen được chuyển và làm cho giống cây chuyển gen bị mật tác dụng. Thí dụ, sâu hồng (Pectinophora gossypiella) thu từ ruộng bông chyển gen Cry1A(c) có tính kháng độc tố Bt tăng lên 300 lần (Tabashnik et al., 2002).

Một trong những hậu quả không mong muốn của sự lạm dụng thuốc hóa học BVTV là dịch hại hình thành tính chống thuốc. Đầu thế kỷ XIX mới ghi nhận được một loài dịch hại chống thuốc. Từ khi thuốc BVTV nhóm hóa học hữu cơ ra đời, số loài dịch hại chống thuốc gia tăng dần: năm 1948 có 12-14 loài, năm 1985 có khoảng 500 loài và đến cuối thế kỷ XX ghi nhận được khoảng 900 loài côn trùng, vật gây bệnh cây và cỏ dại có tính chống các thuốc phổ biến đã được sử dụng trong nông nghiệp trên thế giới (Yudelman et al., 1998). Ở Việt Nam đã ghi nhận một số loài dịch hại chống thuốc như sâu tơ, rầy nâu, sâu xanh, nhện đỏ cam, rầy xanh và nhện đỏ nâu hại chè,...

Xuất hiện một số loài dịch hại mới. Trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số dịch hại mới (gồm cả dịch hại ngoại lai) khó phòng chống hơn. Đó là bệnh virút lúa lùn sọc đen phương Nam, nhện gié Steneotarsonemus spinki, rệp sáp giả sắn màu hồng Phenacoccus manihoti, rầy u lõm lá nhãn Cornegenapsylla sinica, rầy xám (rầy nâu nhỏ) Laodelphax striatellus, sâu gai ngô Dactylispa balyi, sâu đục thân mía bốn vạch đầu nâu Chilo tumidicostalis, bệnh nén hương lúa E. oryzae,... (Nguyễn Văn Đĩnh, Bùi Sĩ Doanh, 2012; Phạm Văn Lầm, 2009a, 2012;...).

Sự bùng phát một số dịch hại trong đất ở điều kiện chuyên canh. Một loại cây trồng cạn được trồng thâm canh liên tục trên cùng một khu đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho quần thể dịch hại trong đất tích lũy nhanh, dẫn đến bùng phát số lượng và khó phòng chống. Điển hình là ve sầu cà phê (Haphsa biudusaraPomponia daklacensis,Purana pigmentata,...), bệnh sưng rễ cải bắp (Plasmodiophora brassicae), bệnh chết nhanh trên hồ tiêu (Phytophthora capcisi), tuyến trùng nốt sần cà phê (Meloidogyne spp.),...  

Gia tăng nhanh mức độ xâm lấn hệ sinh thái nông nghiệp của sinh vật ngoại lai xâm hại. Từ những năm cuối thế kỷ XX, ở nước ta có một số loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã gia tăng mức độ xâm lấn các hệ sinh thái nông nghiệp và bùng phát thành dịch (ốc bươu vàng Pomacea canaliculata, cây trinh nữ thân gỗ Mimosa pigra, cây trinh nữ móc Mimosa diplotricha,...). Sự suy giảm đa dạng sinh học bản địa và hệ sinh thái bị phá vỡ là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nhanh sự xâm lấn của của các sinh vật ngoại lai xâm hại.

Những thách thức về bảo vệ thực vật đối với sự phát triển nông nghiệp bền vững

Với Nghị quyết 10/NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VI), hộ nông dân trở thành đơn vị kinh tế tự chủ và đã góp phần đáng kể vào sự phát triển nền nông nghiệp nước ta trong gần 30 năm qua. Nghị quyết 10/NQ/TW (hay Khoán 10) đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, khơi dậy tinh thần làm chủ của nông dân, tạo nên động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển, sản xuất nông nghiệp có bước ngoặt đáng chú ý. Nhưng, hộ nông dân với quy mô nhỏ bé, trình độ sản xuất lạc hậu, năng lực nội sinh thấp nên khi thực hiện Khoán 10 đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập về công tác BVTV. Những vấn đề bất cập này là những thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp bền vững.

Lãng quên các biện pháp canh tác, thủ công, vật lý. Nhiều biện pháp canh tác, thủ công, vật lý đã bị loại bỏ hoặc lãng quên, mặc dù chúng vẫn còn nguyên giá trị. Nông dân ở khắp cả nước hầu như không quan tâm tới áp dụng những biện pháp này để hạn chế dịch hại. Người trồng rau ở Bắc Ninh, Ninh Thuận hoàn toàn không áp dụng biện pháp canh tác, thủ công để phòng chống sâu hại. Tại ngoại thành Hà Nội chỉ với 4,7% số nông dân được hỏi đã trả lời có áp dụng biện pháp canh tác, thủ công để phòng chống dịch hại rau.

Sử dụng thuốc hóa học BVTV trở thành “thói quen” khó “cai” của nông dân. Trước Khoán 10, các HTX nông nghiệp quản lý, sử dụng thuốc BVTV. Sau Khoán 10, nhà nhà dùng thuốc, người người dùng thuốc. Biện pháp hóa học được coi là chủ đạo. Tại Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Tiền Giang và một số vùng khác có 98-100% số nông dân được hỏi đều trả lời chủ yếu dùng biện pháp hóa học để trừ sâu hại (Pham Van Lam et al., 2001).

Gia tăng việc sử dụng thuốc hoá học BVTV. Sự gia tăng sử dụng thuốc hóa học BVTV biểu hiện tăng cả số người sử dụng và kinh doanh, khối lượng thuốc nhập khẩu và sử dụng.

Khối lượng thuốc BVTV nhập khẩu vào nước ta tăng lên đáng kể. Năm 1990 nhập 15.000 tấn thương phẩm, năm 1995: 25.666 tấn, năm 1998: 42.738 tấn, năm 2006: 71.345 tấn, năm 2007: 75.800 tấn, năm 2008: 108.121 tấn, năm 2009: 90.000 tấn và năm 2010: 70.000 tấn. Lượng thuốc dùng trong năm 1990 trung bình là 0,5 kg a.i./ha tăng lên hơn 1 kg a.i./ha vào năm 1996-1999, năm 1998 đạt tới 1,35 kg a.i./ha. Đến 2012, ước tính lượng thuốc sử dụng trung bình khoảng 2,0 kg a.i./ha (Đào Trọng Ánh, 2002; Cục BVTV, 2012; Nguyễn Xuân Hồng, 2012). So năm 1989 với 1998, diện tích gieo trồng hàng năm tăng cao nhất là 1,18 lần (1995-1999), còn khối lượng thuốc nhập khẩu và lượng thuốc dùng trên 1 ha đã tăng cao nhất tương ứng là 2,85 và 3,37 lần. Như vậy, chỉ số gia tăng lượng thuốc nhập khẩu và lượng thuốc dùng trên 1 ha cao hơn (tương ứng) là 2,4 và 2,85 lần so với chỉ số gia tăng diện tích gieo trồng.

Trước khoán 10, thuốc BVTV do cơ quan nhà nước cung ứng cho các HTX nông nghiệp. Sau khoán 10, thuốc BVTV được nhiều công ty trong và ngoài nước kinh doanh ngày càng rộng rãi. Đầu thập niên 1990 chỉ có vài trăm điểm kinh doanh thuốc BVTV, năm 2000 cả nước có khoảng 19.063 của hàng bán thuốc BVTV và năm 2010 con số này đạt tới 28.750 của hàng bán thuốc (Cục BVTV, 2000, 2012). Việc kinh doanh thuốc BVTV rộng rãi đã tạo điều kiện dễ dàng cho việc mua và sử dụng thuốc BVTV cả khi không cần thiết.

Số lần phun thuốc BVTV quá nhiều. Ở tỉnh Thái Nguyên, điều tra năm 1997 cho thấy có tới 66,7-68,6% số hộ nông dân trồng chè ở xã Tức Chanh và Vô Chanh đã phun thuốc 16-25 lần/năm; ở Tân Cương và Hóa Trung có 7,4-15,2% hộ nông dân phun thuốc trên cây chè nhiều hơn 25 lần/năm. Nhiều hộ nông dân ở Cao Phong (Hoà Bình) đã phun thuốc 20-25 lần/năm để trừ sâu bệnh hại cam. Nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Hồng phun 1-5 lần/vụ, trong đó phần lớn (69,6%) số người được hỏi đã phun 2-3 lần/vụ. Tại tỉnh Nam Định, số lần phun thuốc trong một vụ lúa tăng từ 2,2 lần ở năm 2007 lên 4,58 lần ở năm 2010. Tại đồng bằng sông Cửu Long, nông dân trồng lúa phun 2-6 lần/vụ, phần lớn (40,2%) phun 4 lần/vụ; có 35,6% số người được hỏi phun 6 lần/vụ. Nông dân ở đồng bằng sông Hồng trồng rau họ hoa thập tự thường phun 3-19 lần/vụ, đa số (58,5%) phun 7-10 lần/vụ. Tại ngoại ô Tp. Hồ Chí Minh, trên rau họ hoa thập tự có 17,4% nông dân phun 13-19 lần/vụ; 70,2% số người được hỏi đã phun 20-30 lần/vụ và có 12,4% người phun hơn 30 lần/vụ (Đào Trọng Ánh, 2002; Trần Văn Hội, 2012; Phạm Văn Lầm, 2003,...).

Sử dụng thuốc BVTV quá liều lượng khuyến cáo. Dùng thuốc hóa học BVTV quá liều lượng khuyến cáo là hiện tượng phổ biến của nông dân ở nhiều nơi. Nông dân tuân theo liều lượng hướng dẫn đạt tỷ lệ rất thấp. Tỷ lệ này ở vùng trồng lúa, vùng trồng rau họ hoa thập tự và vùng trồng chè tương ứng là 22,1-48,0; 0-26,7 và 23,5-34,1%. Nông dân trồng lúa, rau họ hoa thập tự và chè đã sử dụng liều lượng (tương ứng) tăng gấp 1,1-3,0; 5,0 và 4,0 lần liều lượng khuyến cáo, cá biệt có nơi đã tăng liều lượng thuốc lên gấp hơn 5 lần. Tại Đà Lạt, nông dân trồng cà chua, cải bắp sử dụng thuốc BVTV với liều lượng cao hơn khuyến cáo 1,2-1,5 lần. Tại tỉnh Nam Định, có 28-53% nông dân dùng thuốc không đúng liều lượng và nồng độ (Đào Trọng Ánh, 2002; Trần Văn Hội, 2012; Trần Khắc Thi và nnk., 2011).

Tình trạng pha trộn thuốc hoá học BVTV khi dùng. Pha trộn các thuốc không có sự hướng dẫn là một hiện tượng khá phổ biến. Có tới 66,7-90,0% nông dân trồng rau họ hoa thập tự ở ngoại thành Hà Nội và phụ cận thường hỗn hợp 2 loại thuốc hoặc hơn. Có 25,0-28,6% nông dân ở tỉnh Bắc Ninh, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã hỗn hợp 2 loại thuốc khi phun trừ rầy nâu (Đào Trọng Ánh, 2002; Lê Thị Kim Oanh, 2002). Tại tỉnh Nam Định, các hộ kinh doanh thuốc BVTV thường bán cho nông dân nhiều loại thuốc trong 1 lần phun (Trần Văn Hội, 2012).

Dùng thuốc hoá học đã cấm sử dụng, không rõ nguồn gốc và ngoài danh mục. Các thuốc wofatox 50EC (methyl parathion) và monitor 50EC (methamidophos) đã bị cấm dùng từ năm 1997 và 1998 (tương ứng). Tại Hà Tây cũ, năm 2002 có 40% số người được hỏi vẫn dùng thuốc monitor trên rau. Tại Vĩnh Phúc có 20-88,8% và 10% số người được hỏi vẫn dùng thuốc monitor và wofatox (tương ứng) trên rau trong các năm 1998-2001. Các thuốc mã lực 1.8EC và “mắt trâu” (ngoài danh mục) được dùng trên rau ở ngoại thành Hà Nội, Hà Tây cũ với tỷ lệ khá cao và tương ứng là 30-50% và 66,7%. Ở tỉnh Nam Định, trong các năm 2007-2012 còn 0,9-3,4% nông dân sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục (Trần Văn Hội, 2012; Phạm Văn Lầm, 2003; Lê Thị Kim Oanh, 2002).

Không tuân thủ thời gian cách ly. Một trong những tồn tại lớn nhất hiện nay đối với việc sử dụng thuốc hóa học BVTV là nông dân không tuân thủ thời gian cách ly. Tại tỉnh Nam Định, nhiều nông dân (36-78%) không đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc. Phần lớn các hộ nông dân chỉ áp dụng thời gian cách ly dưới 6 ngày. Có 29,1-54,6% nông dân thực hiện thời gian cách ly 4-6 ngày đối với các loại rau ăn lá. Đa số (35,0-60,0%) nông dân thực hiện thời gian cách ly 1-3 ngày và chỉ có 25,0-43,3% nông dân thực hiện thời gian cách ly 4-6 ngày đối với các loại đậu ăn quả, cà chua, cà các loại. Thời gian cách ly như vậy là không an toàn cho người tiêu dùng, tăng nguy cơ nhiễm độc thức ăn (Đào Trọng Ánh, 2002; Trần Văn Hội, 2012).

Không đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong phun thuốc hóa học BVTV. Nông dân sử dụng thuốc hóa học BVTV ít chú ý tới an toàn lao động. Có 42,4-87,9% người trồng chè ở tỉnh Thái Nguyên khi phun thuốc hóa học BVTV không dùng bảo hộ lao động. Ở đồng bằng sông Hồng, nông dân trồng lúa và trồng rau phun thuốc không dùng bảo hộ lao động đạt tỷ lệ 66,7-81,7% (Đào Trọng Ánh, 2002; Phạm Văn Lầm, 2003). Không dùng bảo hộ lao động khi phun thuốc đã làm tăng nguy cơ nhiễm độc thuốc BVTV. Kết quả khám lâm sàng 898 người thường xuyên phun thuốc ở vùng trồng lúa, rau, chè và nho cho thấy tỷ lệ người nhiễm độc mãn tính nghề nghiệp do thuốc hóa học BVTV gây ra là 16,3 - 20,4% (Lê Trung và nnk., 1998).

Trước đây, bình bơm, thuốc hóa học BVTV dùng chưa hết được bảo quản ở kho của HTX, nay hộ nông dân phải tự bảo quản. Nông dân trồng chè ở tỉnh Thái Nguyên bảo quản thuốc hóa học BVTV, bình bơm trong chuồng gia súc và ở bếp với tỷ lệ (tương ứng) là 19,2-75,8% và 9,1-62,5%. Rất ít (18,6%) hộ nông dân có nơi riêng để bảo quản dụng cụ chuyên dùng về BVTV. Khoảng 16,7-57,2% nông dân đã vứt bừa bãi bao bì thuốc hóa học BVTV trên nương chè và 72,7-97,0% nông dân phun thuốc xong rửa bình bơm xuống ao, suối, sông. Tại tỉnh Nam Định, có tới 60% nông dân vứt bao bì thuốc trên đồng ruộng và 36% nông dân vứt bao bì thuốc vào nơi quy định (Trần Văn Hội, 2012; Phạm Văn Lầm, 2003).

Yêu cầu đối với các biện pháp bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp xanh

Các loài sâu hại, vật gây bệnh cho cây trồng và cỏ dại là những thành viên không thể thiếu của các hệ sinh thái nông nghiệp. Nông nghiệp bền vững công nhận giá trị nội tại của mọi sinh vật: tất cả các loài sinh vật trong hệ sinh thái đều có giá trị như nhau, cùng tồn tại và thực hiện chức năng của chúng trong chu trình chuyển hoá vật chất tự nhiên theo nguyên tắc: loài này tồn tại được là nhờ vào loài khác, các loài dựa vào nhau, ức chế lẫn nhau. Trong hệ sinh thái nông nghiệp không có loài sinh vật nào có hại và cũng không có loài sinh vật nào có lợi. Một loài sinh vật được gọi là có hại hay có lợi là xuất phát từ lợi ích của con người. Khi ở mật độ quần thể thấp, các loài được gọi là có hại không làm giảm năng suất cây trồng, đôi khi còn làm tăng năng suất cây trồng do kích thích khả năng tự đền bù của cây trồng. Những loài được gọi là có hại chỉ trở thành loài hại thật sự khi tổn thất do chúng gây ra đạt mức không thể chấp nhận được, tức là khi mật độ quần thể của chúng đạt tới hoặc cao hơn ngưỡng gây hại kinh tế.

Sinh thái học là cơ sở, nền tảng của sản xuất nông nghiệp bền vững. Phát triển nông nghiệp bền vững là vận dụng các quy luật của tự nhiên để tạo nên một sinh quần nông nghiệp bền vững về mặt sinh thái, có tiềm năng cao về mặt kinh tế, có khả năng thoả mãn mọi nhu cầu của con người mà không tấn công thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường. Tính đa dạng sinh học được coi là một trong các nguyên tắc xây dựng nông nghiệp bền vững. Sự đa dạng sinh học bảo đảm được tính ổn định, bền vững của các hệ sinh thái nông nghiệp. Vì vậy, nông nghiệp bền vững chủ trương cùng chung sống với tất cả các loài sinh vật trong hệ sinh thái nông nghiệp, kể cả các loài được gọi là có hại. Nông nghiệp bền vững thực hiện chiến lược hạn chế chứ không tiêu diệt các loài có hại và để cho chúng tồn tại ở một mật độ thấp có thể chấp nhận được.

Các biện pháp BVTV được áp dụng trong nông nghiệp bền vững phải phù hợp với nguyên lý của nông nghiệp bền vững. Những biện pháp mang tính chất sinh thái, phòng ngừa hơn là diệt trừ dịch hại sẽ được ưu tiên nghiên cứu áp dụng rộng rãi trong xây dựng phát triển nông nghiệp bền vững. Các biện pháp canh tác (như xen canh, luân canh cây trồng), biện pháp sinh học, sử dụng giống kháng dịch hại,... rất có ý nghĩa hạn chế nhiều loài dịch hại, đồng thời làm tăng sự đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp. Các biện pháp này cần được áp dụng rộng rãi trong phát triển nông nghiệp bền vững. Các biện pháp này được thực hiện đúng đắn, hợp lý vừa ngăn chặn được sự xuất hiện, tích lũy số lượng của dịch hại trên đồng ruộng, vừa góp phần tích cực vào việc tạo điều kiện cho thiên địch tồn tại. Một số biện pháp như thời vụ gieo trồng, luân canh cây trồng, sử dụng bẫy đèn, bẫy bằng chất dẫn dụ,... mang tính cộng đồng. Nghĩa là các biện pháp này chỉ cho kết quả cao khi được áp dụng trên một quy mô rộng của một cộng đồng nhất định. Xây dựng những cộng đồng để áp dụng các giải pháp BVTV hợp lý, thích hợp là phù hợp với nguyên tắc xây dựng nông nghiệp bền vững. Hạn chế sử dụng ở mức thấp nhất hoặc không sử dụng thuốc hóa học BVTV là một trong những yêu cầu của sản xuất nông nghiệp bền vững với nông sản an toàn. Vì vậy, trong sản xuất nông nghiệp bền vững với nông sản an toàn coi việc sử dụng thuốc hóa học BVTV để trừ dịch hại là thứ vũ khí cuối cùng khi đã áp dụng tất cả các biện pháp sẵn có mà không kìm hãm được dịch hại ở dưới mức gây hại kinh tế. Khi sử dụng thuốc hóa học phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng.

Các giải pháp bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp bền vững

Thực tiễn đã cho thấy chỉ có áp dụng các biện pháp BVTV theo hướng tổng hợp (IPM) thì mới mong có hiệu quả cao trong phòng chống dịch hại và đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế, môi trường và xã hội. Nguyên lý của IPM hoàn toàn phù hợp với nguyên lý phát triển nông nghiệp bền vững và nông nghiệp sạch. Vì vậy, IPM có thể được coi là một thành phần cơ bản trong sản xuất nông nghiệp bền vững với nông sản an toàn. Để IPM thực sự có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp bền vững với nông sản an toàn cần lưu ý các vấn đề dưới đây:

Quan điểm và nhận thức

Cần có quan điểm đúng đắn và nhận thức đầy đủ hơn về các nguyên lý/nguyên tắc, biện pháp cấu thành của IPM và nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc hóa học BVTV.

Chương trình IPM quốc gia huấn luyện nông dân đã đưa ra 4 nguyên tắc của IPM: Gieo, trồng cây khỏe; Bảo tồn các loài thiên địch trên đồng ruộng để chúng khống chế dịch hại dưới mức gây hại kinh tế; Thăm đồng thường xuyên hàng tuần để có quyết định xử lý đồng ruộng kịp thời; Nông dân thành chuyên gia hiểu rõ hệ sinh thái đồng ruộng để tự quyết định các biện pháp phải thực hiện (Cục BVTV, 1994). Các nguyên tắc này chưa phản ánh được các nội dung cơ bản trong định nghĩa về IPM của FAO (1972). Trong nhiều tài liệu của các nước phát triển, đặc biệt tài liệu của Hoa Kỳ đã đưa ra 5 nguyên lý của IPM. Để nhận thức đầy đủ hơn về nội dung của IPM, cần tham khảo các nguyên lý này: Để cho các loài dịch hại tồn tại ở mật độ thấp có thể chấp nhận được; Hệ sinh thái nông nghiệp là đối tượng để điều khiển và tác động; Sử dụng một cách tối đa các tác nhân gây chết tự nhiên đối với dịch hại; Bất cứ biện pháp BVTV nào cũng có thể gây ra hậu quả không mong muốn; Phòng chống dịch hại tổng hợp là chiến lược liên ngành khoa học (Bottrell, 1982).

Các biện pháp cấu thành của IPM bao gồm: Biện pháp kiểm dịch thực vật; Biện pháp canh tác; Các biện pháp di truyền; Biện pháp sinh học và sử dụng thuốc thảo mộc; Biện pháp thủ công và vật lý; Sử dụng các chất có hoạt tính sinh học cao, dầu khoáng để phòng chống dịch hại; Biện pháp hoá học. Tất cả các nhóm biện pháp vừa nêu (kể cả biện pháp hóa học) khi sử dụng đúng kỹ thuật thì đều phù hợp với sản xuất nông nghiệp bền vững. Nhưng, những biện pháp mang tính chất sinh thái và phòng ngừa sẽ được ưu tiên sử dụng trước. Trong đó, các biện pháp canh tác được sử dụng hợp lý và kết hợp với biện pháp sinh học sẽ là cơ sở chắc chắn (cốt lõi) cho sự áp dụng thành công mọi hệ thống IPM trên bất kỳ cây trồng nào trong sản xuất nông nghiệp bền vững.

Trong các nhóm biện pháp cấu thành của IPM, biện pháp hóa học là thứ vũ khí được sử dụng cuối cùng và khi sử dụng phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng. Khi đã áp dụng tất cả các biện pháp sẵn có khác mà không kìm hãm được dịch hại ở dưới mức gây hại kinh tế thì mới sử dụng biện pháp hóa học. Một số đông giảng viên của chương trình IPM quốc gia trong thập niên 1990 đã khẳng định “IPM là không dùng thuốc”. Đây là quan điểm không đúng, không phù hợp với nội dung định nghĩa IPM của FAO (1972) và của nhiều nước trên thế giới. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đều quan niệm IPM là sử dụng thuốc hóa học một cách “thông minh”.

Trong hầu hết các giáo trình, tài liệu hướng dẫn về biện pháp hóa học, nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc hóa học BVTV được nhắc tới theo thứ tự: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ/liều lượng và đúng kỹ thuật. Thiết nghĩ, trong 4 cái đúng nêu trên thì đúng lúc là cái đúng quan trọng nhất, là cái đúng cần được nhắc đến và thực hiện đầu tiên chứ không phải đúng thuốc. Nếu xác định được đúng lúc một cách chính xác thì sẽ bác bỏ được những lần phun thuốc không hợp lý. Đúng lúc là tiêu chí về thời gian, nhưng để xác định chính xác tiêu chí đúng lúc lại phải dựa vào chỉ tiêu về kích thước quần thể (tức là dựa vào ngưỡng gây hại kinh tế) và cấu trúc quần thể của loài dịch hại. Có ý kiến bác bỏ “ngưỡng gây hại kinh tế” trong IPM. Sự bác bỏ này là không nên. Ngưỡng gây hại kinh tế là cơ sở để bác bỏ những quyết định sử dụng thuốc hóa học BVTV không hợp lý. Bác bỏ ngưỡng gây hại kinh tế là mâu thuẫn với IPM. Chỉ khi xác định chính xác cái đúng đầu tiên “đúng lúc” thì mới cần xác định tiếp những cái đúng còn lại khác. Do đó, để cho hợp lôgíc, khi nói tới nguyên tắc 4 đúng cần nhắc và thực hiện theo thứ tự: đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ/liều lượng và đúng kỹ thuật.

Giải pháp khoa học công nghệ

Chọn lọc xây dựng cơ cấu cây trồng hợp lý và cơ cấu giống hợp lý cho mỗi loại cây trồng với bộ giống đa dạng thích nghi với địa phương.

Ứng dụng tối đa các biện pháp BVTV phi hóa học (biện pháp canh tác, thủ công,…) trong phòng chống dịch hại cây trồng nghiệp ở những nơi và vào những thời điểm có thể ứng dụng được.

Nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống cây trồng chống chịu sâu bệnh hại.

Nghiên cứu áp dụng các biện pháp duy trì, bảo vệ và nâng cao tính đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp nhằm khích lệ thiên địch tự nhiên để hạn chế dịch hại, góp phần giảm nhu cầu dùng thuốc hoá học, giảm dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, nâng cao sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thích hợp để sản xuất các chế phẩm sinh học từ vi sinh vật có ích hoặc xây dựng quy trình nhân nuôi lượng lớn các loài ký sinh và bắt mồi để thả vào sinh quần nông nghiệp nhằm thay thế một phần thuốc hóa học, góp phần giảm thiểu việc sử dụng thuốc hoá học BVTV trong sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nghiên cứu áp dụng xông hơi sinh học để khử trùng đất trước khi trồng cây trồng cạn nhằm hạn chế các vi sinh vật gây bệnh, tuyến trùng, côn trùng và cỏ dại ở trong đất đối với những nơi chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao (hoa, rau cao cấp,…).

Tiến hành nghiên cứu phát hiện và sử dụng các cây thực vật bản địa có tính độc để phát triển chế phẩm thảo mộc BVTV, góp phần thay thế chế phẩm thuốc hóa học BVTV.

Sử dụng thuốc hóa học đã và vẫn là một biện pháp quan trọng, không thể thiếu của IPM. Cần phải nghiên cứu các vấn đề xung quanh việc sử dụng hợp lý thuốc hóa học để giúp cho nông dân sử dụng an toàn và hiệu quả, giảm thiểu những tác động xấu do thuốc hóa học gây nên. Chọn lọc và xây dựng bộ thuốc hóa học thích hợp cho sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nghiên cứu và triển khai áp dụng rộng rãi quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP.

Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân

Khi có được những kết quả nghiên cứu mới và những tiến bộ kỹ thuật mới về BVTV cần nhanh chóng ứng dụng thử và chuyển giao tới tận người nông dân.

Phương pháp tốt nhất chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân là xây dựng mô hình trình diễn. Khi xây dựng thành công mô hình, tổ chức hội thảo đầu bờ và cho nông dân tham quan mô hình để mở rộng mô hình. Cũng có thể chuyển giao tiến bộ kỹ thuật BVTV bằng cách tổ chức lớp tập huấn cho nông dân theo kiểu các lớp học IPM, các câu lạc bộ IPM. 

Nâng cao hiểu biết về IPM cho nông dân

Hiện nay, trong thực tiễn sản xuất hiệu quả thực sự của IPM đạt chưa cao. Điều này chứng tỏ có những trở ngại về mặt kỹ thuật, kinh tế, xã hội và quan điểm. Những trở ngại này đã làm chậm trễ sự phát triển và ứng dụng IPM. Cản trở phổ biến nhất là sự thiếu hiểu biết về IPM. Sự áp dụng thành công IPM phụ thuộc rất nhiều vào việc tập huấn nâng cao nhận thức về vấn đề này cho cả nông dân và cán bộ cơ sở. Nhiệm vụ này cần được quan tâm thường xuyên.

Giải pháp chính sách

Nông dân cả nước thiếu tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nói chung và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về BVTV nói riêng. Trong xây dựng nông thôn mới, cần có chính sách về tài chính nhằm tạo ra nguồn kinh phí để đặt hàng các nhà khoa học viết tài liệu hướng dẫn kỹ thuật hỗ trợ nông dân.

Cần có chính sách/chủ trương khuyến khích phục hồi lại đội chuyên BVTV ở từng thôn/xã hoặc thành lập mới HTX dịch vụ BVTV để làm dịch vụ BVTV nhằm nâng cao hiệu quả và sự an toàn đối với con người, môi trường của việc sử dụng thuốc BVTV, cũng như giảm thiếu số người trực tiếp sử dụng thuốc BVTV.

Kết luận

Các loài dịch hại cây trồng - những lực lượng thiên nhiên lớn đã, đang và sẽ là mối đe dọa thường xuyên đối với sản xuất nông nghiệp bền vững với nông sản an toàn. Để đạt được mùa màng bội thu, người nông dân đã phải đấu tranh quyết liệt chống lại nhiều loài dịch hại cây trồng. Đấu tranh cho năng suất cây trồng cao, ổn định và nông sản an toàn là cuộc đấu tranh vì hạnh phúc của nhân loại. Đây là cuộc đấu tranh giữa một bên là con người và cây trồng với một bên là các sinh vật gây hại. Để giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, đòi hỏi người nông dân và các nhà khoa học BVTV không chỉ có những hiểu biết về dịch hại và cây trồng, mà còn phải có hiểu biết về bạn bè (thiên địch của dịch hại) và biết sử dụng thành thạo, hợp lý các biện pháp có sẵn trong tay để chống lại các loài dịch hại. Điều này nghĩa là phải áp dụng các biện pháp BVTV theo hướng tổng hợp (IPM) mới mong có hiệu quả cao trong phòng chống dịch hại và đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế, môi trường và xã hội. IPM là một chiến lược tiến bộ trong lĩnh vực BVTV và là chiến lược duy nhất để phòng chống dịch hại trong sản xuất nông nghiệp bền vững với nông sản an toàn.

Tài liệu tham khảo

1. Đào Trọng Ánh, 2002. Tóm tắt luận án TS Nông nghiệp, Hà Nội.

2. Bottrell D.G., 1982. Integrated pest management in rice in West Africa. WARDA, Liberia, 183-195.

3. Bộ Nông Nghiệp, 1980. Kết quả công tác phòng chống rầy nâu ở các tỉnh phía Nam 1977-1979. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

4. Cục BVTV, 1994. Hội nghị toàn quốc về quản lý tổng hợp dịch hại lúa. Hà Nội, 29-30/3/1994.

5. Cục BVTV, 2000. Tạp chí Bảo vệ thực vật, 5: 36-38.

6. Cục BVTV, 2010. Báo cáo công tác phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa đông xuân 2009-2010.

7. Cục BVTV, 2012. Hội thảo BVTV với môi trường nông nghiệp nông thôn. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội: 77-83.

8. Nguyễn Văn Đĩnh, Bùi Sĩ Doanh, 2012. Tạp chí Bảo vệ thực vật, 1: 45-49.

9. FAO, 1986. International Code of conduct on the distribution and use of pesticides. Rome, Italy.

10. Trần Văn Hội, 2012. Hội thảo “Khoa học và Công nghệ phát triển nông nghiệp bền vững tại tỉnh Nam Định”. Nam Định, tháng 4 năm 2012: 47-51.

11. Nguyễn Xuân Hồng, 2012. Tạp chí Bảo vệ thực vật, 2: 30-32.

12. Klassen W., 2000. Area-wide control of fruit flies and other insect pests (ed. by K.H. Tan). Penerbit Univ. Sains Malaysia. Penang: 21-38.

13. Phạm Văn Lầm, 2003. Hội thảo KHQG về BVTV phục vụ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội: 242-248.

14. Phạm Văn Lầm, 2009a. Báo cáo khoa học về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ ba, Hà Nội, 22/10/2009, Nxb Nông nghiệp: 179-183.

15. Phạm Văn Lầm, 2009b. Thông tin chuyên đề, số 2. Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và PTNT).

16. Pham Van Lam, 2010. Vietnam fifty years of rice research and development. MARD, Agr. Publ. House, Hanoi: 259-272.

17. Phạm Văn Lầm, 2012. Tạp chí Bảo vệ thực vật, 3: 47-52.

18. Phạm Văn Lầm, 2013a. Tạp chí Bảo vệ thực vật, 3: 41-46.

19. Phạm Văn Lầm, 2013b. Báo cáo Khoa học về Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật. Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ năm, Hà Nội, 18-10-2013, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội: 530-537.

20. Phạm Văn Lầm, Nguyễn Văn Liêm, 2005. Những vấn đề nghiên cứu cơ bản trong Khoa học Sự sống. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 212-214.

21. Phạm văn Lầm, Nguyễn Thế Thịnh, Trương Thị Lan, Nguyễn Văn Liêm, Nguyễn Kim Hoa, 2005. Công trình nghiên cứu khoa học về côn trùng. Quyển II, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội: 188-208.

22. Pham Van Lam, Hoang Thi Viet, Nguyen Kim Hoa et al., 2001. Workshop on Spodoptera in Southeast Asia, 14-16 March, 2001, Kuala Lumpur.

23. Lê Thị Kim Oanh, 2002. Tạp chí Bảo vệ thực vật, 1: 22-28.

24. Oerke E.C., 2006. Crop losses to pests. Journal of Agricultural Science, 144: 31-43.

25. Pinstrup-Andersen P., M. Cohen, 2000. Agricultural biotechnology and the poor (eds G.J. Persley, M.M. Lantin). Washington, USA:159-172.

26. Phạm Bình Quyền, 2003. Hệ sinh thái nông nghiệp và phát triển bền vững. Nxb ĐHQG, Hà Nội.

27. Tabashnik B. E., Y. B. Liu, T. J. Dennehy, M. A. Sims, M. S. Sisterson, R. W. Biggs, Y. Carriere, 2002. J. Econ. Entomol., 95:1018-1026.

28. Trần Khắc Thi, Tô Thị Thu Hà, Lê Thị Thủy, Dương Kim Thoa, Phạm Mỹ Linh, 2011. Kết quả điều tra thực trạng sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại tỉnh Lâm Đồng (báo cáo Dự án).

29. Lê Trung, Hà Huy Kỳ, Đặng Minh Ngọc, 1998. Hội thảo ảnh hưởng của hóa chất độc hại tới sức khỏe con người.

30. Yudelman M., A. Ratta, D. Nygaard, 1998. Pest management and food production: looking to the future. Int. Food Pol. Res. Inst. Washington, USA.

                                                                                                                     

                                                       Phạm Văn Lầm- Nguồn Viện BVTV : Tạp chí BVTV 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 11
  • Lượt xem theo ngày: 144
  • Tổng truy cập: 3844650