Bệnh chết héo Foc TR4, nỗi lo lớn nhất của người trồng chuối trên toàn Thế giới đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng tại Việt Nam. Cách nhận biết bệnh và các biện pháp phòng ngừa - Hội Làm vườn Việt Nam

Bệnh chết héo Foc TR4, nỗi lo lớn nhất của người trồng chuối trên toàn Thế giới đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng tại Việt Nam. Cách nhận biết bệnh và các biện pháp phòng ngừa

BBT: Chuối là cây ăn quả rất phổ biến, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao được trồng với diện tích lớn nhất trong số các loại cây ăn quả ở nước ta. Những năm gần đây, các doanh nghiệp và nông dân tại nhiều địa phương đang đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của cây trồng này, hình thành nên nhiều vùng sản xuất chuối tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên, người trồng chuối nước ta cũng như tại nhiều nước khác đang và sẽ gặp phải một vấn đề nan giải mà nhiều người cho rằng đây là mối đe dọa lớn nhất mang tính toàn cầu đối với nghề trồng chuối trên Thế giới, đó là bệnh chết héo FocTR4. Xin giới thiệu với ban đọc bài viết của PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng- Phó Chủ tịch HLV VN về vấn đề trên.

 Bệnh chết héo cây chuối do nấm Fusarium oxysporum f.sp.cubense, chủng Nhiệt đới 4 ( tropical race 4) gây ra, gọi tắt là bệnh chết héo Foc TR4 là bệnh hại đặc biệt nguy hiểm, có sức tàn phá ghê gớm đã gây thiệt hại đáng kể tại nhiều nước trồng chuối, đặc biệt là các nước châu Á. Bệnh cũng được phát hiện thấy ở Australia, châu Phi và Trung Mỹ và đang đe dọa trực tiếp các nước trồng chuối ở Nam Mỹ- khu vực xuất khẩu chuối lớn nhất của Thế giới.  Những năm gần đây bệnh đang lây lan nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu và trở thành một trong những mối lo ngại lớn nhất của người trồng chuối.  Nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đang đặc biệt quan tâm, tập trung nguồn lực cho công tác nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nhằm ngăn ngừa và khống chế có hiệu quả bệnh hại này.  Các chuyên gia bệnh cây cho rằng, sự xuất hiện của FocTR4 tại các nước trồng chuối mà hiện nay chưa có bệnh cũng chỉ là vấn đề thời gian. Nếu để bệnh bùng phát thành dịch, năng suất chuối có thế giảm tới 100%. Bệnh đặc biệt nguy hiểm và gây khó khăn rất lớn cho công tác bảo vệ thực vật bởi một số lý do chính sau đây:

  • Chủng TR4 là chủng nấm có khả năng gây bệnh và độc tính rất cao, khi xâm nhập vào cây nấm phát triển nhanh gây chết héo cây hàng loạt, nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng rất cao;
  • Hầu hết các giống chuối thương phẩm đang trồng phổ biến tại các nước, đặc biệt là các giống chuối tiêu và các giống thuộc nhóm Carvendish rất mẫn cảm và dễ bị nhiểm bệnh. Các giống chuối thuộc nhóm Carvendish trước đây từng chống chịu rất tốt đối với bệnh chết héo chuối do nấm Fusarium oxysporum f.sp.cubense gây ra, nhưng khi đó chủng nấm gây bệnh là chủng 1. Khi chủng nấm mới TR4 xuất hiện, các giống chuối này trở nên nhiễm bệnh rất nặng. Hiện nay, gần 50% các giống chuối được trồng để xuất khẩu trên Thế giới và tại Việt Nam thuộc nhóm chuối tiêu Carvendish.
  • Nấm bệnh có thể lưu tồn trong đất rất lâu (trên 30 năm), kể cả trong điều kiện đất không trồng chuối; khi gặp điều kiện thuận lợi và có ký chủ phù hợp, nấm tồn tại trong đất có khả năng xâm nhiễm và gây bệnh cho cây.
  • Con đường lây lan của nấm bệnh rất đa dạng và khó kiểm soát như: qua cây giống, tàn dư cây bệnh, qua đất, nước mưa, nước tưới tiêu, qua dụng cụ sản xuất, phương tiện giao thông, quần áo, giày dép dính đất mang theo nguồn bệnh …
  • Các loại thuốc bảo vệ thực vật hầu như không có hiệu lực hoặc hiệu lực rất thấp đối với nấm bệnh. Khi cây bị bệnh không có biện pháp chữa trị hiệu quả mà cần phải tiêu hủy để tránh lây lan. Hiện tại chỉ có các biện pháp chủ động phòng ngừa để cây không bị bệnh là chính.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra, giám định những năm gần đây do Viện Nghiên cứu Rau quả ( Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) và Cục Bảo vệ thực vật ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy FocTR4 đã xuất hiện tại một số địa phương trồng chuối như Phú Thọ, Lào Cai, Hưng Yên, Hà Nội…

      Trước mắt, để góp phần ngăn chặn, khống chế sự lây lan của bệnh hại nguy hiểm này, chúng tôi giới thiệu tóm tắt một số đặc điểm chính để nhận biết bệnh và khuyến cáo các cán bộ nông nghiệp địa phương và bà con nông dân khi phát hiện thấy, hoặc nghi ngờ có bệnh tại địa phương nên thực hiện một số biện pháp xủ lý như sau:

  • Triệu chứng bệnh:

Cây chuối bị bệnh có biểu hiện ban đầu là các mép lá bị vàng, sau đó lan rộng vào hướng gân lá. Trên cây các lá già bị héo vàng trước, lá non vàng sau, đôi khi cuống lá bị gãy ở phần giữa phiến lá. Các lá vàng héo dần và treo trên thân giả ( Ảnh 1).

CHUOI 1

Khi bệnh nặng cây chuối bị chết héo nhưng thân không đổ ngã. Các chồi ( cây chuối con) xung quanh có thế vẫn phát triển nhưng sau đó cũng bị héo vàng với triệu chứng tương tự như cây mẹ. Chẻ dọc hoặc cắt ngang thân giả hoặc củ chuối sẽ thấy các bó mạch có màu nâu tím ( Ảnh 2).

CHUOI 3

Cây chuối mẫn cảm nhất vào giai đoạn chuối sinh trưởng khoẻ và chuẩn bị trỗ hoa. Cây bị bệnh muộn vẫn có thể cho buồng quả nhưng quả nhỏ,  không có giá trị thương phẩm. Nếu đứng trên cao (như trên bờ đê, chòi canh…) nhìn xuống các vườn chuối có thể dễ dàng quan sát thấy những cây chuối bị bệnh có lá màu vàng nổi rõ trên nền xanh của lá các cây chuối chưa bị bệnh ( Ảnh 3). 

20181113_133329

 

  • Những việc cần làm khi phát hiện thấy triệu chứng bệnh hoặc nghi ngờ có bệnh xuất hiện

+ Báo ngay cho cán bộ khuyến nông hoặc cán bộ bảo vệ thực vật tại địa phương biết để chẩn đoán, giám định bệnh chính xác và được hướng dẫn cách xử lý;

+ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương liên hệ và  gửi mẫu cây chuối bệnh về Cục Bảo vệ thực vật để giám định. Hiện nay, Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật của Cục đã có các cán bộ và thiết bị cần thiết, đủ năng lực để giám định nhanh và chính xác bệnh hại này.

+ Nếu kết quả chẩn đoán, giám định đúng là bệnh Foc TR4, các cán bộ bảo vệ thực vật tại địa phương hướng dẫn tiêu hủy cây bệnh và khử trùng đất tại hốc cây bị nhiễm bệnh và khu vực lân cận, đảm bảo không để nguồn bệnh lây lan, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn, tập huấn cho nông dân trồng chuối cách phát hiện và các biện pháp phòng ngừa, xử lý bệnh.

+ Khuyến cáo bà con nông dân không lấy cây giống từ các vườn cây bị bệnh; tốt nhất, nên sử dụng các nguồn giống sạch bệnh, có xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn cây giống. Đối với vườn chuối bị bệnh với tỷ lệ trên 5% nên chuyển đổi sang trồng cây trồng khác không phải là ký chủ của nấm bệnh Foc TR4.

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có diện tích chuối lớn cần quan tâm, ưu tiên bố trí kinh phí để các viện nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phòng trừ bệnh, đặc biệt là xác định các giống có khả năng kháng hoặc chống chịu bệnh, có năng suất, chất lượng tốt, thích ứng với điều kiện của các địa phương nước ta nhằm khuyến cáo cho sản xuất. Kinh nghiệm của một số nước đã thành công trong việc khống chế bệnh cho thấy chỉ có 02 giải pháp hiệu quả nhất trong phòng chống bệnh FocTR4 là sử dụng giống kháng bệnh và giữ sạch đất trồng chuối để không bị nấm bệnh xâm nhập và gây hại./.

                                                                                                        PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 13
  • Lượt xem theo ngày: 5351
  • Tổng truy cập: 3830249