Bưởi Đại Minh được hồi sinh - Hội Làm vườn Việt Nam

Bưởi Đại Minh được hồi sinh

Bưởi Đại Minh được phát hiện từ hơn 300 năm trước, được mệnh danh là bưởi "tiến vua”. Trải qua một thời chìm nổi, nhiều hộ đã chặt bưởi để trồng cây khác. Khi khoa học chỉ ra những khiếm khuyết của lối canh tác truyền thống, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới thì bưởi Đại Minh đã hồi sinh…
 

Giong buoi quy ben song Chay - Anh 1

Thu hoạch bưởi

Xã Đại Minh thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái nằm bên bờ sông Chảy, nơi giáp ranh ba tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái. Theo gia phả họ Nguyễn ở làng Khả Lĩnh, cách nay hơn 300 năm, quan đại thần Ngô Vi Lã, do bất mãn với triều đình nhân một lần được sai đi thu lương thảo khu vực phía Bắc sông Hồng, ông mang theo cả gia đình và những người thân tín ngược sông Hồng, với ý định theo chúa Bầu đang trấn trị ở Tuyên Quang chống lại triều đình.

Tới Khả Lĩnh nghe tin chúa Bầu bị giết, ông dừng lại lập làng đổi họ và tên thành Nguyễn Viết Lãng. Nơi đây bưởi mọc thành rừng, lũ trẻ con hái bưởi đóng thành bè bơi sông, những quả đó trôi xuống hạ lưu, người ta vớt lên ăn thấy ngon lên ngược sông tìm đến làng Khả Lĩnh. Từ đó hàng năm dân làng Khả Lĩnh đều chọn những quả ngon nhất để tiến vua.

Do lối canh tác truyền thống, khai thác kiệt cùng cây bưởi mà không bổ sung dinh dưỡng cho đất, diệt trừ sâu bệnh, vườn bưởi bị thoái hóa. Nhất là bà con lại chặt bỏ những cây bưởi chua giúp bưởi thụ phấn chéo khiến năng suất giảm, chất lượng quả kém, mẫu mã xấu… không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Diện tích bưởi Đại Minh sụt giảm nhanh chóng, nhiều vườn bưởi bị chặt bỏ để trồng chè, sắn, khoai...

Giong buoi quy ben song Chay - Anh 2

Khách hàng đến xem vườn bưởi

Năm 2007, Viện Nghiên cứu rau quả tổ chức khảo sát, nghiên cứu rồi tập huấn cho 7 hộ ở các thôn: Khả Lĩnh, Cầu 17, Quyết Tiến "Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi Đại Minh", bón tổng hợp cân đối các loại phân, thụ phấn nhân tạo bổ sung… Trong đó, đáng chú ý nhất là việc dùng hoa bưởi chua thụ phấn cho cây bưởi ngọt. Đây là biện pháp kỹ thuật thụ phấn chéo, những hộ tham gia tập huấn năm 2010 được mùa to. Số tiền mà người dân trồng bưởi năm đó thu được khoảng 2,7 tỷ đồng, có hộ thu trên 140 triệu từ bưởi...

Xã Đại Minh hiện có 150ha bưởi, dự kiến năm nay thu về 40 tỷ tăng 8 tỷ so với năm 2015. Hầu hết các vườn bưởi của các hộ gia đình đều đã bán cho các thương lái.

Bưởi Đại Minh có nhiều đặc điểm quý như: Ngọt mát, dóc tép, mọng nước, mẫu quả đẹp, có hương thơm đặc trưng, đã trở thành giống cây ăn quả nổi tiếng của huyện Yên Bình. Diện tích giống bưởi Đại Minh hiện nay có trên 350ha, được trồng phổ biến tại 24 xã và 2 thị trấn, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 xã Đại Minh, Hán Đà, được trồng trên các loại đất đồi thấp và đất soi bãi ven sông Chảy.

Khắc phục hạn chế của phương pháp canh tác quảng canh, bón phân không đúng kỹ thuật, chăm sóc chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật, bón thiếu hụt nguồn dinh dưỡng, đặc biệt là sự thiếu hụt các nguyên tố vi lượng, sử dụng thuốc BVTV trừ sâu bệnh chủ yếu là dùng thuốc hóa học một cách tràn lan… dẫn đến năng suất, chất lượng của các vườn bưởi còn thấp và không đồng đều.

Để nâng cao giá trị bưởi Đại Minh tạo thu nhập cho người trồng bưởi, ông Lã Tuấn Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Bình đề xuất với PGS.TS Đào Thanh Vân, Phó Trưởng phòng Đào tạo (ĐH Nông lâm Thái Nguyên) hướng dẫn để thực hiện đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón qua lá và bao quả đến năng suất, chất lượng bưởi Đại Minh” thực hiện từ năm 2015 - 2016.

Giong buoi quy ben song Chay - Anh 3

Ông Lã Tuấn Hưng bọc quả cho bưởi chống sâu bệnh và nám

Đề tài nghiên cứu thông qua các thí nghiệm áp dụng 2 loại phân bón qua lá (Đầu Trâu 902 và VS-21) kết hợp bón các loại phân hữu cơ, vô cơ cân đối: Đạm, lân, kali và sử dụng thuốc BVTV hợp lý, đồng thời áp dụng bao quả bằng 2 loại túi của Trung Quốc và Việt Nam sản xuất.

Kết quả thí nghiệm cho thấy: Năng suất bưởi tăng gấp rưỡi, đạt 25 tấn/ha so với năng suất trung bình toàn xã là 17 tấn/ha. Trọng lượng đạt 0,8kg/quả, vỏ quả mỏng, múi mọng, tôm ráo và nhiều nước, ăn đậm, mẫu quả đẹp không sần sùi bán được giá. Thu nhập 611 triệu đồng/ha, lợi nhuận 429 triệu đồng/ha so với thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha bưởi trồng đại trà hiện nay.

Đạt được kết quả này do áp dụng kỹ thuật phân bón Đầu trâu 902 qua lá và bao quả túi hiệu quả. Do chất lượng quả ngon, mẫu mã đẹp nên khách đến tận vườn mua với giá 25.000 - 30.000 đồng/quả, để gần Tết bán từ 50.000 - 60.000 đồng/quả.

Giong buoi quy ben song Chay - Anh 4

Chống cho bưởi khỏi gãy cành

Gia đình ông Nguyễn Văn Định ở thôn Minh Thân có 72 cây bưởi, (năm 2015 chọn 27 cây để làm thí nghiệm bón phân qua lá và bọc quả) bán được trên 240 triệu đồng. Tháng 10/2016 khi chúng tôi tới, ông bảo: "Bưởi bán được tháng nay rồi, cũng được hơn 300 triệu đồng. Nhà muốn giữ lại để gần Tết bán được giá, nhưng do neo người, nên bán luôn cả vườn lấy tiền một cục…".

Còn ông Trần Quang Khải ở thôn Khả Lĩnh thì bảo: "Nhà tôi bán từ hai tháng trước rồi, được hơn 100 triệu đồng. Ngày nào cũng có người đến hỏi, trả cao giá hơn nhưng mình bán rồi còn đâu. Thế mới tiếc chứ…".

Bưởi Đại Minh đã mang lại tiền tỷ cho người nông dân, kết quả của thí nghiệm đang tạo được niềm tin cho người trồng bưởi, nhiều hộ đăng ký làm theo công thức của đề tài. Huyện Yên Bình đã làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bưởi Đại Minh và sẽ công bố trong thời gian tới. Đề tài nghiên cứu đang góp phần giữ nguồn gen và phát huy giá trị cây bưởi quý.

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 13
  • Lượt xem theo ngày: 5806
  • Tổng truy cập: 3830704