CÁC TBKT VỀ CÂY ĂN QUẢ - 2.Kỹ thuật cắt tỉa tạo tán, ghép cải tạo, xử lý rải vụ - trái vụ, thụ phấn bổ sung - Hội Làm vườn Việt Nam

CÁC TBKT VỀ CÂY ĂN QUẢ 2.Kỹ thuật cắt tỉa tạo tán, ghép cải tạo, xử lý rải vụ trái vụ, thụ phấn bổ sung

BBT: Các biện pháp như cắt tỉa tạo tán, ghép cải tạo, xử lý rải vụ - trái vụ, thụ phấn bổ sung... là những kỹ thuật được nghiên cứu, đúc kết từ thực tiễn sản xuất có vai trò rất quan trọng đang được áp dụng phổ biến trong nghề làm vườn ở nước ta.

Kỹ thuật cắt tỉa tạo tán, ghép cải tạo, xử lý rải vụ - trái vụ, thụ phấn bổ sung

TS. Nguyễn Văn Hiền ( Hội LVVN) - TS. Nguyễn Văn Dũng ( Viện phó Viên NC Rau quả)

1. Kỹ thuật cắt tỉa cành tạo tán

1.1. Đốn tỉa tạo hình, tạo tán

- Mục đích: Tạo cho cây có một thân chính chắc chắn, một khung tán vững vàng và phân bố đều trong không gian. Trong đó thân chính, các cành cấp 1, cấp 2, cấp 3 và nhánh phối hợp với nhau một cách hài hoà để tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời và nguồn dinh d­ưỡng lấy từ đất nhằm cho quả sớm và sản l­ượng cao.

- Cách tiến hành: Sau khi trồng 40 - 45 ngày tiến hành bấm ngọn cành ghép cách mắt ghép 20 – 30 cm, khi cây bật mầm phải tỉa bớt mầm, chỉ để lại 3 - 4 mầm khoẻ và phân bố đều về các hư­ớng (cành cấp 1), khi cành cấp 1 dài 30 – 35 cm lại tiến hành bấm ngọn để tạo cành cấp 2, chỉ để lại 2 – 3 cành khỏe, phân bố hợp lý về góc độ và h­ướng, cứ như­ vậy tới hết năm thứ hai hoặc thứ ba.

 1.2. Cắt tỉa cành cây ăn quả hàng năm

1.2.1. Cắt tỉa cho cây nhãn

- Cắt tỉa lần 1: Thời điểm sau thu quả 7 - 10 ngà

+ Đối với các vườn vải được cắt tỉa đều đặn hàng năm, thông thường bộ khung cành chính đã được ổn định. Do đó, công việc là cắt các đầu cành để loại bỏ 70 - 80% bộ lá cũ. Sau đó, cắt tỉa thưa các đầu cành bằng cách loại bỏ các cành nhánh nhỏ, yếu hoặc quá to để khống chế độ lớn về sau.

+ Đối với các vườn không được cắt tỉa đều đặn hàng năm, cây thường cao lớn, rậm rạp. Việc đầu tiên là cắt bỏ những cành mọc thẳng đứng ở giữa trung tâm của tán cây (những cành to, cao), cắt sát xuống tận gốc cành. Tạo cho cây có khoảng sáng mở ở trung tâm của tán cây. Cắt bỏ các cành trong tán, cành tăm, cành sâu bệnh, cành chen chúc nha

- Cắt tỉa lần 2: Thời điểm này, cây đã được chăm sóc tốt, ra được 1 - 2 đợt lộc. Việc cần giai đoạn này là thúc cho đợt lộc 2 hoặc 3 ra sớm để thành thục vào giữa đến cuối tháng 10 - 12 (với vải và nhãn) bằng cách kết hợp với tưới nước. Cắt bỏ toàn bộ các cành mọc trên thân và tỉa các nhánh nhỏ, khuất của bộ tán bên ngoài. 

- Cắt tỉa lần 3: Sau khi cây tắt hoa được 7 - 10 ngày, bước vào giai đoạn quả non. Giai đoạn này cây vải đã hình thành nên bộ tán lá khá dầy, nhiều cành lá che khuất nhau. Thời kỳ này tập trung tỉa bớt, quả để quả nhanh lớn và đồng đều đều.

1.2.2. Cắt tỉa cho cây có múi

-  Sau khi thu hoạch, bấm ngọn cành mẹ để tạo ra nhiều cành mang quả và tỉa bỏ cành vừa mang quả.

- Tỉa các cành bị sâu bệnh, tỉa ngay sau khi phát hiện và tiêu hủy chúng.

- Tỉa thưa các cành vô hiệu hoặc không phù hợp: Thường xuyên cắt tỉa mầm dại (nếu trồng bằng cây ghép), cành mọc thẳng, cành mọc đâm vào trong tán cây, các cành mọc song song với nhau, cành mọc kẹp nhau, cành nạng chữ Y, cành mọc dày. Bấm ngọn những cành quá dài mọc không cân đối với tán cây.

- Với những cây bị khuyết tán có thể tận dụng cành vượt để tạo cành mới lấp vào khoảng trống. Có hai cách như sau: Hoặc là không cưa quá sát gốc cành vượt, sau một thời gian một số chồi sẽ mọc quanh vết cắt, chọn chồi khỏe và đúng hướng để lấp khoảng trống. Hoặc là cắt cành vượt ngay vị trí trên lá (càng sát gốc càng tốt) có hướng mọc về khoảng trống của tán cây.

- Tỉa cành tạo tán theo nguyên tắc từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong trên nền khung tán đã định dạnh từ giai đoạn kiến thiết cơ bản.

- Tỉa hoa, quả:  Cần tỉa bỏ sớm những hoa, quả dị hình, những cành hoa không có lá, những quả nhỏ ở những vị trí không thuận lợi hoặc những chùm quả dày.

Cắt tỉa hàng năm còn có tác dụng hạ độ cao, thuân tiện cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch ở vụ sau.

2. Kỹ thuật ghép cải tạo thay thế giống cây ăn quả

*Ưu điểm của việc ghép cải tạo:

- Tạo được giống có chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu người sản xuất.

- Rút ngắn thời gian từ trồng đến cho quả. Thời gian cây ra hoa kết quả được rút ngắn lại so với cây trồng từ ban đầu. Thời gian cây ghép cải tạo ra quả lần đầu chỉ từ 1 – 2 năm tùy theo giống.

- Có khả năng rải vụ giữa các giống chín sớm, chín muộn làm tăng hiệu quả sản xuất.   

- Tiết kiệm công lao động và vốn đầu tư ban đầu.

* Phương pháp ghép:

- Ghép nêm hoặc ghép áp đoạn cành.

- Ghép trực tiếp áp dụng trên cây dưới 8 tuổi.

- Ghép dán tiếp áp dụng đối với cây trên 8 tuổi.

Thời vụ ghép: Ghép vụ xuân (tháng 2, 3 và 4) và vụ thu (8, 9, 10).

Ghép cải tạo và ghép phục hồi các cây trên vườn nhằm thay đổi giống, phục hồi cây sinh trưởng yếu cằn cỗi trong vườn là một trong những phương pháp cơ bản trong cải tạo vườn tạp. Ghép cải tạo thay thế giống cây ăn quả đang được người dân áp dụng rộng rãi trên nhiều đối tượng và rất có hiệu quả trong sản xuất.

3. Kỹ thuật sản xuất rải vụ, trái vụ

3.1. Kỹ thuật khoanh vỏ, xử lý hóa chất cho nhãn

* Khoanh vỏ cho  nhãn:

Khoanh vỏ với vết khoanh có độ rộng khoảng 0,3 - 0,5 cm (tùy theo sức sinh trưởng của từng cây) tại cành cấp 1 hoặc cấp 2 ở độ cao từ 0,5 - 1,5 m tùy theo tuổi cây. Thời kỳ khoanh vào trung tuần tháng 11.

* Xử lý hóa chất:

Xử lý ra hoa bằng KCLO3 với liều lượng từ 30 - 40 gam/1 m đường kính tán vào cuối tháng 11 đến giữa tháng 12 bằng cách pha thành dung dịch và tưới trực tiếp vào vùng đất xung quanh hình chiếu của tán cây.

Xử lý cho nhãn ra hoa trái vụ, xử lý với liều lượng tương tự vào cuối tháng 2 - đầu tháng 3 đối với các cây nhãn không ra hoa trong điều kiện tự nhiên.

3.2. Xử lý hóa chất khắc phục hiện tượng ra quả cách năm trên cây nhãn

- Hóa chất xử lý là KCLO3 và NaCLO3.  Xử lý lần thứ nhất vào 15 - 30/12 nhằm thúc đẩy quá trình hình thành hoa. Ở thời điểm này có thể tiến hành cho tất cả các cây trên vườn. Thời điểm xử lý thứ 2 tiến hành vào giữa tháng 2 đến đầu tháng 3, tiến hành xử lý cho những cây không ra hoa tự nhiên nhưng lộc trên cây bước vào giai đoạn bánh tẻ hoặc đã già.

- Liều lượng xử lý: 30 g hóa chất/1m đường kính tán. Xử lý bằng hoà lượng KCLO3 thích hợp vào 10 lít nước, tưới đều xung quanh hình chiếu tán cây. Sau thời gian xử lý 35 - 45 ngày tuỳ theo điều kiện thời tiết cây sẽ ra hoa.

 

3.3. Kỹ thuật xử lý cho na trái vụ, rải vụ

Thời gian thu hoạch quả phụ thuộc vào thời điểm cắt tỉa và tuỳ thuộc vào diễn biến khí hậu thời tiết trong năm. Vì vậy, thời gian cắt tỉa sẽ quyết định thời điểm bắt đầu cho thu hoạch quả mà người trồng na mong muốn.

a) Cắt tỉa cho na chính vụ

- Hàng năm tiến hành cắt tỉa tạo tán cho na để khống chế chiều cao cây, tạo cho cây trong vườn có chiều cao đồng đều, bộ tán thấp, sử dụng tối đa ánh sáng. Cắt tỉa giúp trẻ hoá cây, kích thích bật lộc, thuận lợi cho việc chăm sóc, thụ phấn, phun thuốc, bao quả, thu hoạch.

- Thời gian cắt tỉa: từ cuối tháng 2 - 3 dương lịch, sau tiết lập xuân

- Dùng kéo, cưa chuyên dụng: Tiến hành cắt bỏ cành la, cành võng, cành tăm hương, cành vượt, cành sâu bệnh. Cắt toàn bộ các cấp cành duy trì độ cao cây < 1,8 m. Vị trí cắt cành sát gốc cành với khoảng cách 15 - 20 cm, sau đó tuốt sạch lá.

b) Kỹ thuật cắt tỉa cho na trái vụ

- Cắt tỉa vào đầu tháng 6 - Thu hoạch quả giữa tháng 10

- Cắt tỉa vào cuối tháng 6 - Thu hoạch quả vào đầu tháng 11

- Cắt tỉa vào giữa tháng 7 - Thu hoạch quả vào cuối tháng 11

- Cắt tỉa vào đầu tháng 8 - Kết thúc thu hoạch quả vào cuối tháng 12

Điều khiển ra hoa trái vụ cũng là một khâu trong quy trình kỹ thuật thâm canh na. Đặc điểm của na là sau khi rụng lá, cành sẽ nảy chồi lá mới, trên đó có mang theo hoa. Nếu để tự nhiên na rụng lá vào tháng 12 - 1, ra hoa, quả vào tháng 5 - 6, chín quả vào tháng 9. Tùy từng vùng mà có cách xử lý ra hoa rải vụ như sau:

c) Biện pháp kỹ thuật để na ra hoa đậu quả sớm

Muốn na ra hoa sớm, kết quả vào tháng 4, thu hoạch vào đầu đến giữa tháng 8 thì cần thực hiện đồng thời một số biện pháp kỹ thuật sau:

- Cách 1: Sau thu hoạch quả tỉa bỏ cành la, cành vóng, cành sâu bệnh để tán thông thoáng. Vào tháng 12 vặt hết lá xanh trên tán hoặc dùng dung dịch Ethrel 40% ai, pha 25 ml với 10 lít nước (nồng độ 0,1% ai), phun ướt tán để na rụng lá. Sau 10 ngày thì na sẽ rụng hết lá. Vào đầu tháng 2 đốn phớt kết hợp với bón thúc cho mỗi cây  20 - 30 kg phân chuồng hoai mục và 3 – 10 kg NPK (5:10:3) đồng thời giữ ẩm liên tục, cây sẽ ra hoa và đậu quả vào tháng 4.

- Cách 2: vào thời điểm sau lập xuân 20 ngày, tiến hành cắt cành từ 20 – 30 cm, dùng thuốc siêu lân phun 7 ngày/lần. Khi nụ hoa na hé mở có màu trắng thì thụ phấn nhân tạo cho hoa. Đây là phương pháp thủ công rất hữu hiệu trong việc chủ động số quả trên mỗi cây, để có quả to đều và mẫu mã đẹp, kết hợp với việc sử dụng phân bón lá, chăm bón đúng quy trình kỹ thuật. Khi chăm sóc các mầm cây na nên xử lý tỉa thưa mầm, những mầm để lại cắt sâu khoảng 10 - 15 cm và vặt sạch lá. Những mầm này sau khoảng 10 - 15 ngày sẽ nhú hoa, cho quả nhanh to và nhanh thu hoạch (bình thường những quả đầu cành khoảng 125 -130 ngày cho thu hoạch thì những quả xử lý mầm thân chỉ khoảng 90 - 95 ngày đã cho thu hoạch).

d) Biện pháp kỹ thuật để na ra hoa đậu quả muộn

Ở những vùng khô hạn cục bộ trong năm, tiến hành cắt tỉa sau thu hoạch quả, đốn phớt hoặc đốn lửng và để na bị hạn hoặc xiết nước tới cuối tháng 2 mới tưới và kết hợp với việc bón phân cây sẽ ra hoa chậm lại.

Các biện pháp làm cho na ra quả trái vụ đều có kết hợp với việc bón phân và tưới nước.

3.3. Quy trình kỹ thuật thụ phấn bổ sung cho cây bưởi

Thụ phấn bổ sung là biện pháp kỹ thuật có tính quyết định đến năng suất các giống bưởi tại miền Bắc, có tác dụng rõ trong việc giảm thiểu những tác động của BĐKH ở giai đoạn bưởi ra hoa, đậu quả như: ẩm độ không khí cao, nhiệt độ thất thường, mưa nhiều,... Có thể thụ phấn bổ sung thủ công hoặc bằng cơ giới. Cụ thể như sau:

- Lựa chọn hoa ở thời kì nở hoa từ những cây bưởi khác giống với bưởi cần thu, tốt nhất là từ những cây bưởi chua được gieo từ hạt. Cây bưởi lấy hoa phải đảm bảo đã cho quả ổn định. Tùy theo số lượng phấn hoa cần mà định lượng hoa thu thập. Thông thường cứ 100 g hoa tươi sẽ thu được 2 - 3 g phấn hoa.

- Hoa dùng cho thụ phấn bổ sung được ngắt từ những cây bưởi khác giống với bưởi cần thụ và có khả năng cho năng suất cao và ổn định, tốt nhất là ngắt từ những cây bưởi chua gieo từ hạt. Hoa vừa ngắt vẫn còn hô hấp do vậy không nên cho vào ngay trong bao ni lông mà đặt lên trên những dụng cụ thoáng như sàng, hoặc rổ.  Dùng panh kẹp bỏ cánh và nhụy hoa để trong đĩa Pettri hoặc cốc có nắp đậy để sử dụng cho việc thụ phấn thủ công. Phấn hoa bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thường, có thể sử dụng trong 48 giờ nhưng tốt nhất là sử dụng thụ phân trong ngày.

a) Thụ phấn bằng tay

Lấy hoa bưởi chua đã chuẩn bị quét phấn hoa lên đầu nhụy của hoa cần thụ. Một hoa bưởi chua (hoa cho phấn) dùng thụ cho từ 8 - 10 hoa bưởi cần thụ. Một ngày thụ 2 lần, buổi sáng từ 8h30 đến 10h30, buổi chiều từ 14h đến 16h. Thụ bổ sung liên tục từ khi hoa nở rộ đến khi hoa bắt đầu tàn. Một chùm hoa bưởi chua chỉ cần thụ từ 1 đến 2 hoa, mỗi hoa chỉ cần thụ bổ sung 1 lần duy nhất.

b) Thụ phấn bằng cơ giới

 Dùng máy phun phấn phun hỗn hợp phấn lên các vị trí có hoa bưởi nở. Phun từ trên cao xuống thấp để khi phun ra, nếu hỗn hợp phấn chưa bám vào đầu nhụy của những hoa phía trên có thể rơi xuống bám vào hoa ở phía dưới. Phun 1 ngày 1 lần, có thể sáng hoặc chiều tùy điều kiện cụ thể. Buổi sáng phun trong khoảng thời gian từ 8h30 đến 10h30. Buổi chiều từ 14h đến 16h. Việc thụ phấn bằng cách phun phấn được thực hiện liên tục từ khi hoa bắt đầu nở rộ đến tàn hoa.

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 16
  • Lượt xem theo ngày: 6829
  • Tổng truy cập: 3854872