CHĂM SÓC CÂY BƯỞI VÀ CÂY NHÃN Ở PHÍA BẮC THỜI KỲ RA HOA ĐẬU QUẢ - Hội Làm vườn Việt Nam

CHĂM SÓC CÂY BƯỞI VÀ CÂY NHÃN Ở PHÍA BẮC THỜI KỲ RA HOA ĐẬU QUẢ

BBT: Ở các tỉnh phía Bắc, trong thời kỳ (cuối tháng 2 đến đầu tháng 4) cây bưởi và cây nhãn ra hoa, kết quả,  phát triển quả non. Đây là giai đoàn rất quan trọng quyết định năng suất và chất lượng quả. Chúng tôi xin giới thiệu lại bài viết của TS. Nguyễn Văn Hiền - Trưởng ban dự án của VACVINA (có bổ sung thêm một số điểm) về một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây bưởi, câu nhãn thời kỳ ra hoa, đậu quả cùng bà con nông dân  tham khảo để có được một vụ quả bội thu.

CHĂM SÓC CÂY BƯỞI VÀ CÂY NHÃN Ở PHÍA BẮC

THỜI KỲ RA HOA ĐẬU QUẢ

                                                                                   TS.Nguyễn Văn Hiền

                                                                                      Hội Làm vườn Việt Nam

 

Ở các tỉnh phía Bắc, đang trong thời kỳ (cuối tháng 2 đến đầu tháng 4) cây bưởi và cây nhãn ra hoa kết quả, ở giai đoạn phát triển quả non là thời điểm quan trọng để bảo đảm năng suất và chất lượng quả. Chúng tôi xin giới thiệu lại một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc quả non (có bổ sung thêm một số điểm) cùng bà con nông dân trồng bưởi và nhãn tham khảo để có được một vụ quả bội thu

1. Đối với cây bưởi

a) Cắt tỉa hoa và quả non

Đối với những cây bưởi sinh trưởng tốt, ra quá nhiều hoa thì chúng ta phải tỉa bớt những chùm hoa kẹ, những hoa bé, dị dạng, bị sâu hại cắn để cây có điều kiện nuôi dưỡng các chùm hoa chính.

Những quả bưởi sau khi đậu được khoảng 2 - 3 tuần là thời điểm rụng quả sinh lý, những cây chăm sóc kém có thể rụng quả hàng loạt. Vì vậy cần tiến hành tỉa bớt quả trên chùm sai, tỉa các quả nhỏ, quả dị dạng... để tạo điều kiện cho các quả chính phát triển tốt.

- Tùy độ tuổi, tình hình sinh trưởng và phát triển của cây mà số quả cần để lại trên cây khác nhau.

- Cần theo rõi quá trình rụng quả sinh lý và khả năng đậu quả trên mỗi chùm hoa để tiến hành tỉa quả. Việc tỉa quả có thể tiến hành làm 2 lần :

+ Tỉa quả lần 1: Sau khi đậu quả 2 tuần

+ Tỉa quả lần 2: Tiến hành cách lần 1 khoảng 2 tuần

- Trong quá trình tỉa quả cần tỉa bỏ quả nhỏ, quả dị dạng, quả ở những chùm quá dày, quả ra ở vị trí không thuận lợi, cắt bỏ những cành ra hoa nhưng không có khả năng đậu quả, cành tăm, cành khô. Dùng kéo chuyên dụng để cắt tỉa. Cần vệ sinh, khử trùng kéo cắt trước khi cắt tỉa quả.

Lưu ý: Những năm gần đây, do những BĐKH đã dẫn đến hiện tượng cây bưởi ra hoa rải rác từ 2 đến 3 đợt trước đợt hoa chính vụ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả chính vụ. Để khắc phục cần tiến hành tỉa bỏ hết các đợt hoa, quả trái vụ.

- Bao quả: Bao quả từ sớm, lúc qủa bưởi mới ra to bằng quả chanh nên sử dụng một trong các thuốc trừ sâu sinh học có  hoạt chất như Abamectin hoặc Ebamectin benzoate hoặc azadirachtin, kết hợp với một trong các thuốc trừ nấm có gốc như Fosetyl aluminnium hoặc mancozeb phun cho cây 1 lần. Sau phun thuốc 3 - 4 tiếng đồng hồ khi nước thuốc phun trên cây vừa khô. Lúc này dùng bao túi chuyên dùng để bao quả. Tốt nhất bao quả bằng túi bao chuyên dụng mã số: 3B - 27 (do Đài Loan sản xuất), kích thước bao 37 x 33 cm, có dây kẽm buộc miệng bao và để bao đến khi thu hoạch, không bị ruồi vàng gây hại. Việc bao quả sẽ đảm bảo được không có bất kỳ sâu bệnh hại nào có thể gây hại đến quả. Giúp mẫu mã quả đẹp khi thu hoạch, chất lượng quả tốt và đặc biệt có thể đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm

b) Chăm sóc và bón phân

- Trong giai đoạn này cây rất cần chất dinh dưỡng để tập trung nuôi quả. Vì vậy sau khi tiến hành tỉa quả lần 1 khoảng 1 tuần thì tiến hành bổ sung dinh dưỡng cho cây.

- Lượng phân bón phụ thuộc vào tuổi cây, tình trạng phát triển của cây, chất đất. Nếu sau khi thu hoạch bón nhiều phân, cây sinh trưởng phát triển tốt, lá xanh tốt thì ta bón ít và ngược lại cây cằn cỗi, lá không xanh tốt thì bón nhiều.

Có thể dùng phân đơn hoặc phân NPK tổng hợp để bón cho cây.

- Lượng phân bón cho cây giai đoạn mang quả non như sau:

+ Đối với cây 5 tuổi:

Bón 0,1kg phân lân + 0,1kg Kali + 0,1kg đạm urê cho một cây; Hoặc bón 0,5 kg NPK 16:6:16 (hoặc 5:10:3) cho một cây.

+ Đối với cây 6 tuổi trở lên:

Bón 0,2 - 0,3 kg đạm urê + 0,3 - 0,4 kg kali cho một cây; Hoặc bón 01 kg NPK 16:6:16 (hoặc 5:10:3) cho một cây.

- Cách bón: Phân bón được hòa vào nước và tưới đều xung quanh tán cây hoặc rải phân đều lên bề mặt tính từ hình chiếu tán của cây trở vào phía gốc. Sau đó lấp nhẹ lớp đất lên trên, tránh làm tổn thương đến rễ và tiến hành tưới nước cho cây.

Tùy vào sức phát triển của cây có thể sử dụng nước ốc, ngô, đỗ tương… ngâm với lân để tưới cho cây từ 1 - 2 lần. Mỗi lần cách nhau 7 ngày.

- Bón quá nhiều phân đạm cây sẽ sinh trưởng và hình thành tầng rời gây rụng quả non.

- Dùng phân bón qua lá có tác dụng cung cấp bổ sung một số nguyên tố đa vi lượng làm giảm rụng quả non, kích thích quả mau lớn (theo chỉ dẫn trên bao bì).

c)Chế độ tưới nước

- Trong thời gian quả nhỏ, từ tháng 3 - 5 cần tưới giữ ẩm cho cây nhằm hạn chế rụng quả (độ ẩm đạt 70 - 80 %).

- Trong thời kỳ này nếu mưa nhiều cần phải tiêu thoát nước kịp thời, không để ngập úng.

d)Phòng trừ sâu bệnh

Trong vụ xuân thường có mưa nhỏ, mưa phùn rải rác, ẩm độ không khí cao, ít ánh sáng nên các loại sâu bệnh hại thường phát triển mạnh làm cho quả non bị hỏng. Các loại sâu bệnh thường gặp gồm:

- Sâu vẽ bùa: Sử dụng thuốc Polytrin 440 EC, pha 25 ml/10 lít nước hoặc Selecron 500 EC pha 25 ml/10 lít nước, phun phòng 1 - 2 lần trong mỗi đợt cây có lộc non, quả non và hiệu quả nhất lúc lộc non dài từ 1 - 2 cm, quả non có đường kính 2 - 3 cm, phun ướt hết mặt lá non, quả non.

- Rệp sáp: Rệp sáp gây hại bằng cách chích hút lá, cành, quả, cuống quả. Dùng Sherpa 25EC hoặc Trebon 10 EC pha với nồng độ 0,1 - 0,2% để phun.

- Bệnh muội đen thân, cành, lá, quả: Thời gian xuất hiện từ tháng 2 - 10. Phun Boocdo 1% hoặc Sun phát đồng 1% kết hợp với cắt tỉa cho thưa tán lá, cành.

- Bệnh loét, sẹo: Bệnh tấn công từ lúc quả còn nhỏ đến khi quả lớn, bệnh nặng làm rụng quả. Bệnh phát triển mạnh thành dịch vào những năm mưa nhiều thời tiết nóng ẩm.

Phòng trừ: phun nano bạc đồng, nano đồng oxyclorua hoặc Boocdo 1% (15 gram sunphat đồng + 20 gram vôi tôi/20 lít nước) hoặc Kocide 53.8 DF.

- Bệnh mốc sương: Để phòng bệnh mốc sương gây hại, dùng các loại thuốc đặc hiệu như: Ridomin gold 72WP; Aliette 80WG, phun lúc quả có kích thước bằng đầu ngón tay.

- Bệnh chảy gôm: Thời gian gây hại từ tháng 4, 5, 9, 10. Phun Aliette 0,3% lên thân, cành tuần 1 lần cho tới khi khỏi.

- Ngoài ra có thể dùng Basudin 10G để trị kiến, mối, bọ cánh cứng: Trộn tỷ lệ 1 thuốc + 10 cát rắc xung quanh gốc cây.

- Sâu đục thân, cành: Quét vôi vào gốc cây và thân cây, dùng xilanh bơm thuốc trực tiếp vào lỗ sâu đục bằng thuốc Sherpa 25EC.

- Nhện đỏ: Khi quả có kích thước 2 – 3 cm cần bắt buộc phun phòng trừ nhện đỏ gây hại. Chúng không những làm rụng quả mà còn gây nên hiện tượng nám quả ảnh hưởng đến mẫu mã quả và độ lớn quả sau này. 

- Thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện sâu bệnh phòng trừ kịp thời.

- Sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc hoá học ít độc theo hướng dẫn trên bao bì,  không dùng thuốc cấm sử dụng.

2. Đối với cây nhãn

a) Bón phân 

- Bón phân qua rễ

Căn cứ vào độ tuổi và số lượng quả trên cây mà có mức bón thích hợp. Với cây 10 năm tuổi, năng suất dự kiến thu hoạch 1 tạ quả: Bón 0,5 - 0,8 kg đạm + 0,5 - 1 kg kali + 1 - 1,5 kg lân, bón chia làm 3 lần, lần I: khi quả non có đường kính bằng hạt ngô; lần II: khi quả non có đường kính 0,5 - 0,6 cm; lần III khi quả có đường kính 1 - 1,5 cm. Phân được trộn đều, hòa nước, tưới xung quanh tán.

Trong khoảng thời gian giữa hai lần có thể dùng nước phân chuồng, đỗ tương, ngô... ngâm với lân pha loãng tỷ lệ 1/7 - 10 nước lã, tưới quanh gốc, định kỳ 7 - 10 ngày/lần (tùy thuộc vào thời tiết để sử dụng các loại phân trên cho hợp lý).

- Bón phân qua lá

Sử dụng một trong các loại phân bón qua lá sau phun lên lá, quả: Komix, Bayfolan, Thiên nông... phun theo chỉ dẫn trên vỏ lọ thuốc. Phun định kỳ 10 - 15 ngày/lần. Có thể pha cùng với thuốc sâu, bệnh cho giảm công phun thuốc.

Phun Atonik, kích phát tố Thiên Nông, Seaweed - Rong Biển hoặc có thể phun 1 lần NAA 0,025% (250 ppm) với nồng độ bằng 1/2 so với chỉ dẫn. Lần phun này có tác dụng giảm rụng quả sinh lý, giữ được tối đa số quả trên chùm hoa.

Việc sử dụng các chất kích thích sinh trưởng cần tuân thủ theo chỉ dẫn, nếu phun quá liều lượng có thể gây ngộ độc dẫn đến hoa, quả bị rụng, nếu phun không đủ liều lượng sẽ không có tác dụng.

b) Một số biện pháp khác

- Tưới nước: Nếu bị khô hạn 3 - 5 ngày phải tưới nước cho cây, nước được tưới lên cành có lá, có quả, thân cây, và tưới xung quanh gốc. Tủ gốc giữ ẩm sau tưới (có thể dùng các loại bèo, rơm rạ đã ủ mục...).

Nếu mưa to gây ngập úng cục bộ, cần phải khơi rãnh thoát nước. Nếu mưa dài ngày cần có biện pháp tiêu nước chủ động.

- Mưa axit : Có năm trước mùa vụ ít mưa, nên các khí độc trong không khí như CO, P₂O5, SO₂… có khả năng gây ra mưa mang axit và các tạp chất bẩn gây hại trong lúc nhãn đang trổ hoa, kết quả non dẫn tới hiện tượng rụng hoa, rụng quả.

Cách phát hiện mưa axit: khi xuất hiện cơn mưa trong lúc nhãn đang trổ hoa dùng chậu hứng nước mưa, dùng quỳ tím thử xem, nếu quỳ tím hóa hồng thì mưa mang axit.

Xử lý: rửa hoa, lá, quả (chú ý không được phun trực tiếp vòi nước lên hoa, quả non). Dùng cù neo rung nhẹ cành cho rơi nước đọng.

Biện pháp khác: Nano canxi cacbonat thường có hiệu quả sử dụng cao khi có mưa axít do đó thời kỳ ra hoa đậu quả nếu mưa kéo dài liên tiếp bà con nên dùng 100 – 150 ml nano canxi cacbonat nồng độ 20.000 ppm pha với bình 10 - 15 lít nước phun đều 2 mặt lá, có thể phun trong điều kiện đang có mưa ẩm.

Nano canxi cacbonat vừa có tác dụng chống mưa axít hại hoa và quả non, vừa chống rụng quả sinh lý (do nano canxi cacbonat có khả năng sinh ra Canxi dễ tiêu, dễ hấp thu cho cây) đồng thời làm tăng hiệu suất quang hợp cho cây trồng do cung cấp thêm khí COtại chỗ (tại bề mặt lá cây khí CO2 được giải phóng liên tục và được bổ sung qua khí khổng, giúp cây tăng hiệu suất quang hợp).

- Tỉa quả

Cần quan tâm đối với cây nhãn đậu quả quá nhiều (sai quả) phải áp dụng biện pháp tỉa quả ngay sau khi đậu quả non nếu không sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây nhãn ở các năm sau. Tỉa bớt những chùm quả nhỏ, chùm hoa không đậu quả và tỉa bớt quả trong những chùm quá sai để tập trung dinh dưỡng nuôi các chùm  quả chính.

c) Phòng trừ sâu bệnh hại

Bệnh hại hoa quả non

Trong vụ xuân, nếu ẩm độ không khí cao, các bệnh hại hoa nhãn thường phát triển mạnh và làm cho hoa, quả non bị hỏng.

- Bệnh sương mai (Phytopthora):

Thời điểm gây hại: Chủ yếu trong thời gian ra hoa và đậu quả non.

Thường ở chân giò hoa, quả hoặc cành, nhánh có các chấm đen, nâu đen nhỏ, sau lớn dần nối với nhau tạo ra các dạng không định hình có màu đen, hơi lõm, cành hoa héo rũ và ban đầu có hiện tượng giống như ngâm trong nước sôi hoặc màu xanh tái. Trên quả bị bệnh đầu tiên biến màu sau đó chuyển màu nâu và rụng, nếu thời tiết thuận lợi như ẩm độ không khí cao, nhiệt độ thích hợp bệnh sương mai phát triển nhiều trên quả cho đến tháng 6 - 7, kể cả khi đang cho thu hoạch quả.

Phòng trị: Sử dụng Ridomil nồng độ 0,2% hoặc Aliette 0,15% để phun khi thấy bệnh xuất hiện và phun làm hai lần, mỗi lần cách nhau từ 5 - 7 ngày.

- Bệnh nấm:

+ Trên vườn cây có thể gặp hiện tượng nấm bệnh phá rể cây, làm lá cây bị vàng, rụng và chết. khi chớm xuất hiện phải dùng Ridomil MZ75 hoặc Aliette lượng 150g/1 cây 10 năm tuổi, rắc đều xung quanh tán, phủ một lớp đất mỏng lên hoặc xới nhẹ cho đất lấp hết thuốc và kết hợp phun thuốc qua lá. Xử lý cây bị bệnh kèm theo nên xử lý các cây xung quanh đó.

 + Nhiệt độ cao có thể phát sinh bệnh nấm trắng hại hoa. Chùm hoa xuất hiện các vết xám trắng nhạt, trên đó có một lớp phấn trắng, chùm hoa hỏng có màu xám tro, mốc trắng. Sử dụng Anvil 0.2% để phun khi bệnh chớm phát, phun 2 lần, lần 2 cách lần 1: 5 ngày.

Sâu hại quả non

- Rệp hại quả:

+ Rệp muội thường gây hại giai đoạn cây nhãn xuất hiện đợt lộc non, khi ra hoa, đậu quả non chích hút dinh dưỡng ở cây nhãn và ở cả phần chùm hoa, quả.

+ Rệp sáp phát triển mạnh giai đoạn cây có quả và gây hại bằng cách hút dinh dưỡng của cây.

Các loại rệp trên ngoài gây hại và hút dịch cây chúng còn là môi giới truyền một số bệnh virút hoặc Mycoplasma và phân thải ra của chúng tạo điều kiện cho nấm than đen (nấm muội đen) phát triển phủ lên lá, quả làm giảm khả năng quang hợp của lá và giảm giá trị thương phẩm của quả.

Phòng trừ: Khi xuất hiện cần phun trừ bằng các thuốc Supracide, Suprathion 0,2% và Actara 0,02% (2gam/10lít), Trebon 0,1 - 0,2%, phun hai lần: lần I khi phát hiện, lần II sau lần I từ 5 - 7 ngày. Có thể cộng thêm dầu khoáng DC tronplus, hoặc chất bám dính Thiên Nông.

Chú ý: Phải thay đổi, luân phiên các loại thuốc trên qua mỗi lần phun.

- Bọ xít nâu:

Gây hại nặng trong vụ xuân hè. Cả bọ xít non và trưởng thành đều hút dinh dưỡng trên chồi, lá non, nếu hại ở phần quả non sẽ làm quả bị rụng.

Phòng trừ: Khi bọ xít non xuất hiện cần phun trừ bằng thuốc như Sherpa 0,1 - 0,15%, Sumi 0,1 - 0,2% hoặc Fastac 0,1%.

- Sâu đo ăn lá:

Nếu nhiệt độ ấm sẽ làm sâu nở sởm, để tránh sâu hại quả non chỉ nên dùng Sherpa và Trebon phun theo theo khuyến cáo.

Lưu ý: Tuyệt đối không được dùng các loại thuốc hóa học có độ độc cao, cấm sử dụng phun lên hoa quả non.

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 17
  • Lượt xem theo ngày: 3636
  • Tổng truy cập: 3828538