CHẾ PHẨM SINH HỌC – 1. Khái niệm trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và bảo vệ môi trường - Hội Làm vườn Việt Nam

CHẾ PHẨM SINH HỌC – 1. Khái niệm trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và bảo vệ môi trường

BBT: Khái niệm chung nhất có thể hiểu chế phẩm sinh học là các sản phẩm sinh học trong đó thành phần chính là các chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên (axit amin, vitamin, enzim…) hoặc các vi sinh vật có ích ( chủ yếu là vi khuẩn ) hoặc hỗn hợp (chất sinh học + vi sinh vật có ích) và có thể được bổ sung thêm các chất khác, có lợi cho vật nuôi (trên cạn, dưới nước), cây trồng, môi trường, theo hướng nông nghiệp bền vững.

CHẾ PHẨM SINH HỌC – 1. Khái niệm trong trồng trọt,

chăn nuôi, thủy sản và bảo vệ môi trường

 TS. Phạm Đồng Quảng - VACVINA ( tổng hợp)

      Tên khoa học của chế phẩm sinh học là Probiotics có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp đó là sự ghép nối từ “thân thiện” (pro) và “sự sống sinh vật” (biotics). Từ đó, chế phẩm sinh học được hiểu bao gồm chế phẩm vi sinh (  còn gọi là men vi sinh) chúng chứa vi sinh vật sống ( chủ yếu là những vi khuẩn có lợi) và chế phẩm được chiết xuất từ sinh vật trong tự nhiên (rong, tảo biển, tỏi, phụ phẩm nông nghiệp...) hoặc được tạo ra bằng quá trình sinh học. Vì vậy, chế phẩm sinh học là sản phẩm có lợi cho con người, vật nuôi, cây trồng, thân thiện với môi trường.

      Trong nông nghiệp, các chế phẩm sinh học hay nói cách khác các sản phẩm sinh học thực tế có tới hàng ngàn sản phẩm được sử dụng rất đa dạng, có nhiều chủng loại, trạng thái và cách sử dụng khác nhau như làm thức ăn bổ sung trong chăn nuôi, thủy sản; phân bón cho cây trồng; thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; cải tạo môi trường ( đất, nước); phân giải chất thải hữu cơ ( phân ủ, biogas, đệm lót sinh học…). Tuy nhiên, trên các trang web, sách báo và kể cả trong các văn bản pháp luật đang có nhiều cách hiểu, giải thích từ ngữ về “ chế phẩm sinh học” “ sản phẩm sinh học” chưa thật thống nhất, nhiều khi gây khó cho người tiêu dùng, cũng như cơ quan quản lý. Dưới đây, cùng điểm qua khái niệm “ chế phẩm sinh học” trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp.

        1. Lĩnh vực trồng trọt

         - Luật Trồng trọt 2018 liên quan đến các quy định về phân bón không sử dụng cụm từ “ chế phẩm sinh học” mà xếp các chế phẩm sinh học vào nhóm phân bón sinh học có lợi cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất. Quy chuẩn phân bón ( Thông tư 19/2019/TT-BNNPTNT) nhóm phân bón sinh học bao gồm:

         (i) Phân bón sinh học trong thành phần chứa ít nhất một chất sinh học (axít humic, axít fulvic, axít amin, vitamin hoặc các chất sinh học khác).

         (ii) Phân bón vi sinh vật (phân bón vi sinh) là phân bón chứa ít nhất một vi sinh vật có ích, có khả năng tạo ra các chất dinh dưỡng hoặc chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng trong đất mà cây trồng có thể sử dụng được. 

         (iii) Phân bón sinh học-vi sinh trong thành phần chứa ít nhất một chất sinh học và một vi sinh vật có ích.

         (iii) Phân bón sinh học cải tạo đất chứa một hoặc nhiều chất sinh học, vi sinh vật có ích có tác dụng cải thiện tính chất lý, hóa, sinh học của đất.

         (iv) Phân bón sinh học nhiều thành phần là phân sinh học có chứa ít nhất môt chất sinh học (axít humic, axít fulvic, axít amin, vitamin, các chất sinh học khác) hoặc một vi sinh vật có ích và được phối trộn thêm một hoặc nhiều chất vô cơ (phân bón sinh học-đa lượng, phân bón vi sinh-đa lượng, phân bón sinh học-vi sinh-đa lượng; phân bón sinh học-vi lượng, phân bón vi sinh-vi lượng).

      - Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 tại khoản 16 Điều 3 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định: Thuốc bảo vệ thực vật là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc. Trong khi đó theo 20 Điều 3 của Luật và khoản 5 Điều 3 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT: Thuốc bảo vệ thực vật sinh học là loại thuốc bảo vệ thực vật có thành phần hữu hiệu là vi sinh vật sống hoặc chất có nguồn gốc từ vi sinh vật, thực vật, động vật. Dựa theo các khái niệm trên chúng ta có thể phân thuốc  BVTV sinh học thành 2 nhóm gồm: thuốc BVTV vi sinh vật hoặc thuốc BVTV vi sinh ( thành phần hữu hiệu là vi khuẩn, nấm, virut còn sống) và thuốc BVTV hoạt chất sinh học ( thành phần hữu hiệu là các hoạt chất được tách triết từ vi sinh vật, thực vật, động vật).

  2. Lĩnh vực chăn nuôi-thủy sản

         - Luật Thú y 2015 quy định Chế phẩm sinh học dùng trong thú y là một loại thuốc thú y có nguồn gốc sinh học dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều chỉnh quá trình sinh trưởng, sinh sản của động vật ( trên cạn, dưới nước).

            - Luật Thủy sản 2017 quy định chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản (sau đây gọi là sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản) là sản phẩm để điều chỉnh tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường theo hướng có lợi cho nuôi trồng thủy sản.

       - Luật chăn nuôi 2018 không sử dụng cụm từ “ chế phẩm sinh học” mà giao Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành danh mục hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôiDanh mục các nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Tại Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn 1 số Điều của Luật chăn nuôi có ban hành Danh mục gồm 23 hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi (Phụ lục V) và Danh mục các nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi (Phụ lục VI), trong đó có danh mục hoạt chất, vi sinh vật hỗ trợ vật nuôi gồm các hoạt chất hỗ trợ tiêu hóa, các vi sinh vật hỗ trợ hệ vi sinh vật đường ruột, các vi sinh vật hỗ trợ khác, các sản phẩm thảo dược, hoạt chất từ thảo dược.

         Mặc dù các văn bản pháp luật lĩnh vực chăn nuôi không dùng cụm từ “ chế phẩm sinh học”, tuy nhiên thực tế trên thị trường, cách gọi chế phẩm sinh học ( là các sản phẩm có chứa một hoặc một số hoạt chất hoặc vi sinh vật nói trên) dùng trong chăn nuôi được sử dụng khá phổ biến. Theo “ Diễn đàn khuyến nông @ sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi “ năm 2012 đã có hơn 200 chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi nhằm cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp tiêu hóa tốt, giảm tỷ lệ các sinh vật gây bệnh, kích thích hệ miễn dịch, qua đó khống chế các bệnh lây nhiễm và giảm ô nhiễm môi trường. Đây rõ ràng là sự chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật về những sản phẩm cùng nhóm, cũng như giữa quy định pháp luật với thực tiễn sản xuất.

         3. Lĩnh vực môi trường trong sản xuất nông nghiệp

         Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 61) sử dụng cụm từ “sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi”, “sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản”, “sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi”…Thực tế, đó là các chế phẩm vi sinh được sử dụng để phân giải các chất thải hữu cơ, khử mùi hôi, làm sạch môi trường…

        Có 1 vấn đề đang tồn tại đó là, theo Luật Trồng trọt và Thông tư 19/2019?TT-BNN thì các chế phẩm vi sinh trong trường hợp bón vào đất thì được coi là " phân bón vi sinh" , nhưng trường hợp sử dụng để phân giải hữu cơ sản xuất phân hữu cơ ủ ( compost) lại không thuộc phạm vi phân bón vi sinh, mà là " sản phẩm xử lý chất thải..."  theo quy định của Luật BVMT. Đây là điểm chưa rõ ràng, thống nhất giữa các văn bản pháp luật, nên có tình trang " lách luật" là, 1 số chế phẩm sinh học dùng làm phân bón, nhưng không đăng ký với Bộ NN&PTNT ( phải khảo nghiệm, công nhận lưu hành) mà đăng ký là chế phẩm sinh học theo Luật BVMT thì chỉ cần tự công bố lưu hành.

        Tóm laị, một cách chung nhất có thể hiểu chế phẩm sinh học là các sản phẩm sinh học trong đó thành phần chính là các chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên (axit amin, vitamin, enzim…) hoặc các vi sinh vật có ích ( chủ yếu là vi khuẩn ) hoặc hỗn hợp (chất sinh học + vi sinh vật có ích) và có thể được bổ sung thêm các chất khác, có lợi cho vật nuôi (trên cạn, dưới nước), cây trồng, môi trường.

        Các chế phẩm sinh học trước khi đưa ra thị trường đều phải khảo nghiệm, giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền và chất lượng phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều chế phẩm sinh học trên thị trường chưa đáp ứng các quy định của pháp luật nêu trên.

           (Các bài viết tiếp theo về vai trò, công dụng của chế phẩm sinh học trong từng lĩnh vực của nông nghiệp)

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 31
  • Lượt xem theo ngày: 3543
  • Tổng truy cập: 3828445