CHẾ PHẨM SINH HỌC -7. Xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản - Hội Làm vườn Việt Nam

CHẾ PHẨM SINH HỌC 7. Xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

 BBT: Ô nhiễm hữu cơ ao nuôi là 1 trong các nguyên nhân chính làm giảm năng suất, thậm chí gây ra dịch bệnh tôm cá chết hàng loạt. Sử dụng chế phẩm sinh học đang là một trong số các giải pháp tổng thể được áp dụng nhằm tạo môi trường ao nuôi phù hợp cho tôm, cá, hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh.

CHẾ PHẨM SINH HỌC -7. Xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

 Phạm Đồng Quảng – VACVINA ( tổng hợp)

1. Khái niệm và quy định quản lý

        Theo khoản 15 Điều 3 Luật Thủy sản 2017 quy định chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản (sau đây gọi là sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản) là sản phẩm để điều chỉnh tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường theo hướng có lợi cho nuôi trồng thủy sản.

        Điều 31 Luật Thủy sản quy định sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường phải công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy; có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn đã được công bố áp dụng; thông tin về sản phẩm phải được gửi đến Bộ Nông nghiệp và PTNT. Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; danh mục chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất, chất cấm sử dụng; danh mục chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất, chất được phép sử dụng. Như vậy để xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản bên cạnh chế phẩm sinh học, người ta còn kết hợp sử dụng các hoạt chất (Calcium hypochlorite, Sodium hypochlorite, Formaldehyde…) hoặc các chất khác (  vôi sống, vôi tôi, đá vôi…) và các biện pháp khác ( hệ thống nước vào - ra; thiết bị sụ khí….).

           Theo QCVN 02 – 32 -1: 2019/BNNPTNT, chế phẩm sinh học sử dụng xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản bao gồm 4 loại:

           (i) Chế phẩm enzyme: là chế phẩm sinh học có chứa một hoặc nhiều loại enzyme, có hoặc không có chất mang.

           (ii) Chế phẩm vi sinh vật: là chế phẩm sinh học có chứa một hoặc nhiều loài vi sinh vật sống có ích, an toàn với sức khỏe động vật thủy sản, có hoặc không có chất mang.

           (iii) Chế phẩm chiết xuất từ sinh vật: là chế phẩm sinh học chứa thành phần, hoạt chất có lợi được chiết xuất từ sinh vật (chủ yếu là các oligosaccharides, chitosan, saponin, β-Glucan, acid hữu cơ,…), an toàn với sức khỏe động vật thủy sản, có hoặc không có chất mang.

           (iv) Chế phẩm hỗn hợp: là chế phẩm sinh học có thành phần là hỗn hợp của các loại chế phẩm khác nhau (enzyme, vi sinh vật, thành phần, hoạt chất từ sinh vật), an toàn với sức khỏe động vật thủy sản, có hoặc không có chất mang.

           Quy chuẩn quy định: chế phẩm vi sinh vật/chế phẩn hỗn hợp có chứa vi sinh vật sống: số lượng trung bình mỗi loài vi sinh vật sống ≥ 106CFU/g (hoặc ml); Chế phẩm từ hạt bã trà (Tea seed meal): hàm lương Saponin 12 % khối lượng. Tất cả các loại chế phẩm xử lý môi trường nuôi phải đảm bảo Salmonella không có trong 25 g (hoặc ml) và Escherichia coli không quá 1000 Cfu/g (hoặc ml).

2. Vai trò của chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi

a) Nguyên nhân ô nhiễm ao nuôi

- Chỉ khoảng 17% lượng thức ăn được tôm, cá đồng hóa thành sinh khối, còn lại bị hòa tan vào nước hoặc tôm, cá bài tiết thải ra môi trường.

- Phế thải do tôm lột xác hoặc xác của động vật thủy sinh, rong, tảo... cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm hữu cơ ao nuôi.

- Việc lạm dụng trong sử dụng, dẫn đến tồn lưu hóa chất, kháng sinh trong môi trường nuôi, làm giảm số lượng các vi sinh vật có ích ( phân giải hữu cơ, vi khuẩn đối kháng với vi sinh vật gây bệnh…) hậu quả là làm tăng mức độ ô nhiễm hữu cơ , gia tăng vi sinh vật gây bệnh. Việc sử dụng kháng sinh còn gây ra tình trạng kháng thuốc, dư lượng kháng sinh trong sản phẩm cao không đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là đối với thị trường xuất khẩu.

- Các biểu hiện của môi trường ao nuôi ô nhiễm: thiếu ô xy hòa tan trong nước ( chỉ số COD, BOD thấp); hàm lượng các loại khí độc (NH3, NO2, H2S,…) tăng, nước có mùi hôi; độ pH của nước thấp; mật độ các loại vi khuẩn có hại (Vibrio)tăng lên…Hậu quả là tôm, cá chậm lớn do thiếu ô xy, ngộ độc và bị nhiễm bệnh, nếu ô nhiễm nghiêm trọng tôm, cá sẽ bị chết hàng loạt gây thua lỗ cho người nuôi.

b) Vai trò, tác dụng của chế phẩm sinh học

           Để duy trì môi trường ao nuôi trong sạch, không ô nhiễm bên cạnh việc áp dụng động bộ các giải pháp như thiết kế ao, hệ thống điều tiết nước, sử dụng thức ăn, hóa chất phù hợp…thì việc sử dụng các chế phẩm sinh học ngày càng cho thấy có vai trò vô cùng quan trọng.

           Hiện nay có hàng trăm chế phẩm sinh học (phần lớn là chế phẩm vi sinh) được bán trên thị trường trong nước, trong đó phần nhiều nhập nội. Khi sử dụng người nuôi cần tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Nhìn chung, các chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ việc phân giải các hợp chất hữu cơ tồn dư (trong nước và đáy ao), hỗ trợ các vi sinh vật có lợi phát triển, ức chế vi sinh vật gây hại, tạo điều kiện thuận lợi cho thuỷ, hải sản phát triển, cụ thể như: 

 - Tăng lượng oxy hoà tan trong ao ( tăng chỉ số COD, BOD) đáp ứng yêu cầu của tôm, cá và hệ vi sinh vật có ích trong ao nuôi.

- Giảm các độc tố (NH3, NO2, H2S… ) trong ao nuôi xuống mức không gây hại cho tôm, cá và hệ vi sinh vật có ích  giảm mùi hôi của nước.

- Nước ao nuôi trong, pH ổn định.

- Cạnh tranh thức ăn làm giảm số lượng vi khuẩn có hại (Vibrio) trong ao, phòng và giảm thiểu gây bệnh cho đối tượng nuôi.

- Tôm, cá khỏe mạnh, không nhiễm bệnh nên không phải sử dụng các hoá chất và thuốc kháng sinh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

 

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 26
  • Lượt xem theo ngày: 838
  • Tổng truy cập: 3815715