ĐỆM LÓT SINH HỌC – MỘT TBKT TRONG CHĂN NUÔI - Hội Làm vườn Việt Nam

ĐỆM LÓT SINH HỌC – MỘT TBKT TRONG CHĂN NUÔI

 BBT-HLV VN Môi trường nông thôn ngày càng ô nhiễm do quá trình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là do chăn nuôi. Những năm gần đây, nhiều giải pháp công nghệ được áp dụng để xử lý chất thải chăn nuôi, trong đó có công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học. Để cung cấp thêm thông tin cho bạn độc về công nghệ này Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu bài tổng hợp của TS. Phùng Quốc Quảng (Hội Làm vườn Viêt Nam): “Đệm lót sinh học – Một TBKT trong chăn nuôi”. Bài viết gồm 4 phần: (1) – Áp lực ô nhiễm môi trường do chăn nuôi và ứng dụng vi sinh vật xử lý chất thải chăn nuôi; (2) – Lợi ích của chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học; (3) – Hạn chế khi chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học và những vấn đề cần giải quyết; và (4) – Thiết kế và vận hành chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn độc!

dem lot 

1. ÁP LỰC Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG DO CHĂN NUÔI VÀ ỨNG DỤNG VI SINH VẬT XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

Ở Việt Nam, chăn nuôi là nghề truyền thống và có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Chăn nuôi đóng góp khoảng 25-28% GDP trong nông nghiệp; cung cấp nguồn thực phẩm chủ yếu cho tiêu dùng trong nước và giải quyết nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn.

Hiện nay, phương thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 90%); việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi ít được quan tâm. Hơn nữa, nhiều địa phương thiếu quy hoạch chăn nuôi nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm thải ra khoảng 75-85 triệu tấn chất thải. Cả nước có trên 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình và gần 20 nghìn trang trại chăn nuôi tập trung nhưng mới chỉ có 8,7% số hộ xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas). Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cũng chỉ chiếm 10%. Và vẫn còn khoảng 23% số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải bằng bất kỳ phương pháp nào mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài. Với tốc độ phát triển mạnh của ngành chăn nuôi như hiện nay, theo tính toán, mỗi năm lượng chất thải rắn trong chăn nuôi tăng thêm khoảng 1,5 triệu tấn và đến năm 2020 lượng chất thải chăn nuôi sẽ tăng thêm khoảng 15% so với 2010.

Số liệu từ Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy: nồng độ khí H2S và NH3 (hai chất khí thải độc trong môi trường) trong chất thải chăn nuôi cao hơn mức cho phép khoảng 30-40 lần, gây mùi hôi thối, rất khó chịu. Tổng số vi sinh vật, bào tử nấm và trứng giun sán … cao hơn rất nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Chất thải chăn nuôi cũng tác động trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người. Đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh về hô hấp, tiêu hóa. Tổ chức Y tế Thế giới - WHO đã cảnh báo, nếu không có biện pháp thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi một cách thỏa đáng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, vật nuôi và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trước thực trạng trên, rất nhiều giải pháp, nhiều công nghệ đã và đang được áp dụng tại Việt Nam để xử lý chất thải chăn nuôi, như: ủ nhiệt sinh học, ủ với men vi sinh, xây dựng công trình khí sinh học, công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, công nghệ ấu trùng ruồi đen và công nghệ giun đất…

Ứng dụng vi sinh vật ở dạng đơn chủng hay đa chủng vào mục đích chăn nuôi nói chung và xử lý môi trường nói riêng đã được các nước có nền công nghệ vi sinh áp dụng từ lâu và phổ biến dưới các dạng sản phẩm vi sinh khác nhau. Các loại này được áp dụng cho từng công đoạn chăn nuôi cũng như áp dụng cho toàn bộ quá trình chăn nuôi, tùy thuộc vào đặc tính của các chủng vi sinh vật cũng như mục đích sử dụng. Việc ứng dụng hệ vi sinh vật được chọn tạo hoặc sản phẩm tách chiết từ chúng vào chăn nuôi cũng như xử lý chất thải đã mở ra tiềm năng rất lớn cho chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi sinh thái và đảm bảo quyền động vật.

Để xử lý chất thải chăn nuôi, việc ứng dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi mới được áp dụng ở một số nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Anh, Thái Lan, Hàn Quốc... và Việt Nam. Quy trình chung ở các nước là sử dụng các vật liệu có hàm lượng xenluloza cao làm môi trường lên men để cho hệ vi sinh vật hoạt động hiệu quả thông qua quá trình phân hủy chất hữu cơ. Thành phần, số lượng và chất lượng các chủng vi sinh vật có sự khác biệt tùy thuộc vào từng nước, từng sản phẩm, đối tượng vật nuôi.

Như vậy, công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học thực chất là công nghệ chăn nuôi lợn, gà, vịt … trên một lớp đệm dày khoảng 60 cm, bao gồm mùn cưa, trấu, rơm cắt nhỏ và cám gạo được trộn với chế phẩm sinh học, có tác dụng tiêu hủy phân và nước tiểu trong chuồng nuôi, hình thành một lớp sinh khối sạch, hạn chế vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh, loại bỏ ruồi muỗi, không mùi hôi, đồng thời tạo ra nguồn phân hữu cơ cho cây trồng. Có 2 chế phẩm được người chăn nuôi nước ta sử dụng nhiều để làm đệm lót sinh học là: ACTIVE CLEANER (Chế phẩm của Công ty Future Biotech - Đài Loan) và BALASA No.1 (Chế phẩm của cơ sở Minh Tuấn-Việt Nam).

dem lot 2

  1. LỢI ÍCH CỦA CHĂN NUÔI TRÊN NỀN ĐỆM LÓT SINH HỌC

 

Số liệu tổng hợp từ các kết quả nghiên cứu và thực tiễn chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học cho thấy, đệm lót sinh học mang lại nhiều lợi ích, đó là:

(1) - Vật nuôi (lợn, gà, vịt …) nuôi trên đệm lót sinh học khỏe mạnh, đồng đều, ít bệnh tật; vật nuôi tăng trọng nhanh do tăng khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn và chất lượng thịt thơm ngon.

(2) - Việc phân giải phân, nước tiểu làm cho mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt cho vật nuôi, cải thiện môi trường sống cho người lao động và tạo cơ hội để phát triển chăn nuôi ngay cả gần các khu dân cư.

(3) - Đệm lót sinh học giúp tiết kiệm 60% nhân lực, vì:

  + Không còn phải sử dụng nhân lực dọn, rửa chuồng hàng ngày;

  + Không sử dụng nhân lực để tắm rửa cho vật nuôi;

  + Chỉ sử dụng nhân lực để cho vật nuôi ăn và quan sát diễn biến trạng thái của vật nuôi.

  • - Đệm lót sinh học giúp tiết kiệm 80% nước trong chăn nuôi, vì:

  + Không sử dụng nước rửa chuồng;

  + Không sử dụng nước để tắm rửa cho vật nuôi;

  + Nước được sử dụng duy nhất cho vật nuôi uống và phun giữ độ ẩm cho nền chuồng (đệm lót chuồng luôn có độ ẩm 30%).

  • - Đệm lót sinh học giúp tiết kiệm 10% thức ăn, vì:

  + Vật nuôi không bị stress từ môi trường và hoạt động tự do;

  + Vật nuôi thu nhận được một số chất từ nền đệm lót do sự lên men phân giải phân, nước tiểu, vỏ trấu, phụ phẩm nông nghiệp phơi khô băm nghiền nhỏ;

  + Khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn của vật nuôi tốt hơn do vật nuôi tiếp nhận được một số vi sinh vật có lợi.

  • - Đệm lót sinh học giúp giảm tỷ lệ bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiêu chảy,

bệnh hen ở lợn; giảm tỷ lệ chết và loại thải ở gà (gà đẻ 5%, gà thịt 2%) do quá trình ức chế và tiêu diệt hệ vi sinh vật có hại, khống chế sự lên men sinh khí hôi thối. Hạn chế ruồi, muỗi (vì không có nước để muỗi sinh sản, không có phân để ruồi đẻ trứng). Các mầm bệnh - nguyên nhân lây lan dịch bệnh bị tiêu diệt hoặc hạn chế tới mức thấp nhất. Vì vậy giảm nhân công thú y và chi phí thuốc thú y.

 

  • HẠN CHẾ KHI CHĂN NUÔI TRÊN ĐỆM LÓT SINH HỌC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT

 DEM LOT 4

(1) - Khi chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học thì không được vệ sinh tiêu độc, khử trùng (do men sẽ bị tiêu diệt, làm đệm lót mất tác dụng khi sử dụng hóa chất khử trùng, vôi). Mặt khác, điều kiện môi trường đệm lót thuận lợi để men phân hủy phân, nước tiểu gia súc phát triển thì cũng là môi trường thuận lợi để các loại vi sinh vật khác xâm nhập (từ không khí, đất, nước và bản thân vật nuôi thải ra). Và thời gian sử dụng đệm lót càng lâu thì các vi sinh vật này tồn tại càng nhiều như những ổ mầm bệnh trong chuồng nuôi.

Cần có những nghiên cứu sâu, chuyên ngành về mặt phát thải, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt nuôi theo quy trình này, tác động của hệ vi sinh vật đến môi trường sống...

(2) - Do nhiệt độ, độ ẩm cao (nhất là trong mùa hè) nên vật nuôi thường phải hoạt động nhiều (ủi tìm chỗ mát, tìm nước để nằm) làm tiêu hao nhiều năng lượng, ảnh hưởng không tốt đến khả năng tăng trọng. Vấn đề stress nhiệt do đệm lót gây ra, đặc biệt trong những tháng nóng nhất của mùa hè chưa được giải quyết có hệ thống và kinh tế.

(3) – Đệm lót sinh học chỉ thích hợp ở một số vùng, một số khu vực không bị ảnh hưởng của nước ngầm, lũ lụt. Khi làm đệm lót sinh học cần tìm hiểu mực nước ngầm và khả năng lũ ngập; ở những vùng có mực nước ngầm cao hoặc vùng đất trũng dễ ngập nước, bắt buộc phải làm nền cao. Nếu lớp đệm lót làm âm xuống dưới mặt đất từ 40-60cm, chắc chắn nước sẽ tràn vào gây chết men và đệm lót hoàn toàn không sử dụng được.

(4) – Trong số các nguyên liệu làm đệm lót thì mùn cưa chiếm tới 2/3 khối lượng, cần nghiên cứu thử nghiệm các nguyên liệu khác từ phụ phẩm nông nghiệp để thay thế cho mùn cưa vì khi sử dụng nguyên liệu này với số lượng lớn, nguồn cung cấp nguyên liệu không ổn định, sẽ khó triển khai áp dụng ra diện rộng.

(5) - Sử dụng đệm lót sinh học khó đưa vào thực tiễn trong chăn nuôi công nghiệp vì không thể chăn nuôi với mật độ cao. Mật độ tối đa trong chăn nuôi trên nền đệm lót chỉ từ 1,5 - 2m2/1con lợn 60kg.

Mặt khác, trong quá trình nuôi phải bảo dưỡng, đảo xới tơi đệm lót. Đây là một công việc nặng nhọc cần nghiên cứu và thử nghiệm máy cầm tay để xới, đảo đệm lót khi áp dụng ở quy mô chăn nuôi trang trại.

(6) - Chi phí làm đệm lót từ nguyên vật liệu, nhân công bình quân cho 01 lợn thịt (diện tích chuồng nuôi 1,2m2, sâu 50-60cm) ở thời điểm hiện tại từ 250.000 – 300.000 đồng cho lứa nuôi thứ nhất, tăng thêm 150.000 đồng/con nếu nuôi lứa thứ 2 (do phải bổ xung nguyên vật liệu và nhân công tu bổ). Như vậy, cứ nuôi 100 lợn thịt chi phí đầu tư ban đầu làm đệm lót sinh học khoảng 25- 30 triệu đồng. Đây là số tiền đầu tư không nhỏ đối với các hộ chăn nuôi lợn hiện nay.

(7) - Nguồn thu bán phân: Trên cơ sở diện tích đệm lót cho 01 lợn có thể tận thu được 25 bao phân (khoảng 20kg/bao). Với giá bán hiện nay khoảng 12.000đ/bao thì người chăn nuôi thu được khoảng 300.000đ/lợn. Nếu trừ chi phí 3.000đ/bao gồm (vỏ bao, nhân công) thì còn thu 225.000đ/lợn. So với chi phí đầu tư ban đầu người nuôi còn phải bù 75.000đ/lợn. Tại một địa phương, nếu cùng lúc có nhiều hộ cùng nuôi theo mô hình này thì giá thành mùn cưa, trấu, nguyên vật liệu khác tăng lên và phần thu từ bán phân sẽ giảm xuống, dẫn đến chi phí đầu tư cũng như khoản kinh phí bù thêm sẽ tăng lên.

 

  1. THIẾT KẾ VÀ VẬN HÀNH CHĂN NUÔI TRÊN ĐỆM LÓT SINH HỌC

 

1  – THIẾT KẾ VÀ VẬN HÀNH ĐỆM LÓT SINH HỌC TRONG CHĂN NUÔI LỢN


1) .Thiết kế đệm lót
1.1. Chuẩn bị nguyên liệu:

Để làm cho 20m² chuồng có đệm lót dày 60cm cần chuẩn bị:
- Trấu và mùn cưa: Khối lượng đảm bảo rải đủ độ dày 60cm
- Bột ngô: 15kg
- Chế phẩm Balasa N01: 2kg
- Cách chế 200 lít dịch men: Cho 1kg men gốc và 10kg bột ngô vào thùng, sau đó cho thêm 200 lít nước sạch (nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 150C thì dùng nước ấm) khuấy đều, đậy kín. Để ở chỗ ấm trong thời gian trên 24 giờ là có thể dùng được. Mùa đông có thể phải kéo dài đến 2 ngày. Phải chế dịch men 1 - 2 ngày trước khi dùng.
- Cách xử lý bột ngô: Lấy khoảng 2 lít dịch men đã làm trước đó cho vào 5 kg bột ngô, xoa cho ẩm đều sau đó để ở chỗ ấm. Xử lý bột ngô phải thực hiện trước 5 – 7 giờ.


1.2. Các bước làm đệm lót:
Bước 1: Rải lớp trấu dày 30cm
Bước 2: Dùng vòi phun nước sạch (phun như mưa) lên lớp trấu cho đến khi đạt độ ẩm 40% (bốc một nắm trấu trên tay quan sát thấy trấu thấm nước, bóp chặt không thấy nước làm ướt tay là được). Lưu ý, khi phun nước phải dùng cào đảo để cho trấu ẩm đều và làm phẳng mặt.
Bước 3: Tưới đều 100 lít dịch men, sau đó rải đều một phần bã ngô có trong dịch men lên trên mặt lớp trấu.
Bước 4: Tiếp tục rải lớp mùn cưa dày 30cm lên trên lớp trấu.
Bước 5: Phun nước sạch đều lên trên mặt lớp mùn cưa đến khi đạt độ ẩm khoảng 20%. Chú ý khi phun nước phải dùng cào đảo để cho mùn cưa ẩm đều. Thử bằng cách: quan sát thấy mùn cưa thấm nước trở nên sẫm màu, sau đó lấy một nắm mùn cưa bóp mạnh có cảm giác nước hơi thấm ướt ra tay nhưng hạt mùn cưa vẫn tơi rời là được.
Bước 6: Rải đều 5 kg bột ngô đã xử lý lên trên mặt lớp mùn cưa.
Bước 7: Tưới đều 100 lít dịch men còn lại lên lớp mùn cưa sau đó rắc đều hết phần bã ngô còn lại lên mặt lớp mùn cưa
Bước 8: Lấy tay xoa đều lên toàn bộ bề mặt lớp mùn cưa
Bước 9: Đậy kín toàn bộ bề mặt bằng bạt hoặc bằng ni-lôn để đệm lên men.

 

2). Thả lợn vào chuồng

Mùa mưa sau khi làm xong đệm lót có thể thả lợn vào ngay vì trời lạnh sự lên men chậm do vậy tận dụng nhiệt độ của lợn để làm tăng lên men. Mùa khô thì trong 1 – 2 ngày đầu đã lên men mạnh đạt nhiệt độ trên 400C. Dưới độ sâu 30cm có thể đạt nhiệt độ 700C, nhưng chỉ duy trì trong thời gian ngắn. Sau khi lên men kết thúc, tiến hành bỏ bạt phủ đồng thời cào cho lớp bề mặt (sâu khoảng 20cm) cho tơi, để thông khí sau 01 ngày mới thả lợn.

Trước khi thả lợn vào chuồng có thể nhặt phân lợn có sẵn bỏ vào rải rác một số nơi trên đệm lót để không tạo cho lợn có thói quen thải phân một chỗ.
Mật độ nuôi: lợn lớn: 1con/1,2m²; lợn nhỏ: 1con/ 0,8 – 1m². Qua các nghiên cứu cho thấy, với mật độ này sẽ đảm bảo sự tiêu hủy hết phân và kéo dài được tuổi thọ của đệm lót.


3). Một số lưu ý khi sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn

1)- Thiết kế, xây dựng chuồng nuôi:

- Có thể xây dựng chuồng mới hoặc cải tạo chuồng nuôi cũ. Nền chuồng bằng đất nện chặt, không láng xi măng. Nếu là chuồng cũ đã láng ximăng có thể cải tạo phá nền cũ để tạo nền chuồng mới hoặc giữ nguyên nền xi măng nhưng phải đục lỗ, mỗi lỗ có đường kính 4cm, cứ cách 30cm đục một lỗ.

- Chiều cao nền chuồng: Xác định chiều cao nền chuồng tùy thuộc vào mực nước ngầm và độ cao mặt đất của khu vực xây dựng chuồng để tránh nước ngấm vào và nước lũ tràn vào chuồng:

+ Những vùng đất đồi, vùng đất cao có chiều cao hơn mặt nước xung quanh 1m (ở tháng có mưa nhiều nhất) làm loại đệm lót dưới mặt đất, đào xuống dưới đất có độ sâu bằng độ dày của đệm lót.

+ Những vùng đất thấp, có chiều cao hơn mặt nước xung quanh chỉ khoảng 30-40cm (ở tháng có mưa nhiều nhất) xây loại đệm lót nổi trên mặt đất. Xây tường bao cao hơn hoặc bằng so với độ dày của đệm lót

+ Những vùng đất đồi, vùng đất cao có chiều cao hơn mặt nước xung quanh khoảng 60-70 cm (ở tháng có mưa nhiều nhất) làm loại đệm lót nửa nổi nửa chìm: Đào xuống dưới đất có độ sâu bằng một nửa độ dày đệm lót.

- Chỉ bố trí 2/3 diện tích nền chuồng để làm đệm lót, còn lại 1/3 diện

tích dùng để láng xi măng hoặc lát gạch cho lợn nằm khi nhiệt độ bên ngoài cao.

- Nên sử dụng máng ăn và vòi nước uống tự động. Máng ăn và vòi nước đặt ở 2 phía đối diện nhau để tăng sự vận động của lợn, giúp tăng đảo trộn chất độn và có lợi cho quá trình lên men. Máng ăn cao hơn bề mặt đệm lót tối thiểu 20cm để tránh chất độn rơi vào thức ăn. Xây máng hứng nước dưới vòi nước tự động để tránh nước chảy vào đệm lót.

- Thiết kế mái che đảm bảo nước mưa không hắt vào chuồng; thiết kế hệ thống phun nước (phun mù) làm mát và giữ độ ẩm đệm lót.

 

2)- Nguyên liệu và độ dày đệm lót:

- Các nguyên liệu phù hợp: Mùn cưa, vỏ bào của các loại gỗ không độc; trấu, vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô nghiền, vỏ hạt bông, thân cây bông, bã mía, xơ dừa. Vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô, vỏ hạt bông có thể để nguyên hoặc cắt, nghiền có kích thước 3 - 5mm.

Các nguyên liệu làm chất độn phải đảm bảo tiêu chuẩn: có độ xơ cao, có độ trơ cứng không dễ bị làm mềm nhũn và có lượng chất dinh dưỡng nhất định, không độc, không gây kích thích.

Dù làm bằng nguyên liệu gì cũng cần bổ sung khoảng 1/3-1/4 lớp đệm lót trên cùng là trấu hoặc rơm khô cắt nhỏ để đảm bảo an toàn hơn cho sức khỏe vật  nuôi, giúp hạn chế bụi, làm phát sinh các bệnh đường hô hấp thường xảy ra đối với đệm lót mùn cưa.

- Độ dày đệm lót: Đệm lót thường có độ dầy khoảng 60cm. Khi làm đệm lót mới hoàn toàn cần tăng độ dày của đệm lót thêm 20% vì độ dày của đệm lót thường bị nén xuống khi lên men. Bổ sung đệm lót hàng năm nếu bị sụt giảm độ cao.


3). Quản lý đệm lót:

- Phải đảm bảo độ ẩm của đệm lót. Tầng trên cùng luôn giữ độ ẩm ở 20% để đảm bảo sự lên men và tiêu hủy phân tốt (nắm trên tay có cảm giác mùn cưa thấm đều nước, quan sát thấy có mầu thẫm hơn so với khi khô là đạt độ ẩm 20%). Ở độ ẩm 20% này, lợn sống thoải mái, không cảm thấy khó chịu, da được bảo vệ tốt, ít bị ban đỏ nổi mẩn ngứa như nuôi trên nền xi măng. Để đảm bảo cho tầng trên đệm lót không khô và ẩm quá cần chú ý phun ẩm bằng vòi phun (như mưa phùn). Đặc biệt tránh tình trạng chuồng bị hắt nước mưa và nước từ vòi uống chảy ra làm ướt đệm lót.

- Phải đảm bảo độ tơi xốp của đệm lót. Đệm lót có tơi xốp thì sự tiêu hủy phân mới nhanh. Vì vậy hàng ngày phải chú ý xới tơi đệm lót với độ sâu khoảng 15cm, đặc biệt ở chỗ độn lót có hiện tượng kết tảng.

- Cần thường xuyên quan sát phân. Đặc điểm của nền đệm lót là khi phân thải sẽ được vùi lấp tốt do sự vận động của lợn. Tuy nhiên, nếu phát hiện thấy phân nhiều ở một chỗ cần phải nhanh chóng dải đều và vùi lấp. Nếu lượng phân quá nhiều, không được phân giải hết, có thể hót bớt phân đi. Trong trường hợp, nuôi lợn có trọng lượng > 60kg/con thì lượng phân và nước tiểu thải nhiều, lợn ít vận động và có thói quan ỉa đái tập trung một nơi cho nên đệm lót chỗ đó dễ bị hỏng do không tiêu hủy hết phân và nước tiểu. Vì vậy cần có biện pháp để lợn không ỉa đái tập trung một chỗ. Trong trường hợp cá biệt, lợn bị bệnh ỉa chảy nặng thì cần cách ly, chỗ phân lợn bệnh cần rắc vôi hoặc phun chế phẩm men, sau đó vùi sâu xuống 30cm.


4). Bảo dưỡng đệm lót:

- Căn cứ vào mùi đệm lót để xác định nó hoạt động tốt hay không, bằng cách khi ngửi thấy có mùi của nguyên liệu kèm mùi của phân lên men, không có mùi thối là đệm lót hoạt động tốt. Nếu còn phân và có mùi thối là lên men không tốt, cần phải bảo dưỡng như sau: Xới tung đệm lót ở độ dày 15cm để cho tơi xốp trong trường hợp có kết tảng và độ ẩm cao, sau đó bổ sung thêm dịch chế phẩm men.

- Thường thì sau 1 hoặc 2 đợt nuôi nếu đệm lót bị sụt giảm mới cần bổ sung thêm 5 – 10% chất độn và chế phẩm men.


5). Chống nóng trong mùa hè

- Lát gạch hoặc láng xi măng khoảng 1/3 diện tích nền chuồng để làm chỗ nằm cho lợn khi nhiệt độ bên ngoài quá cao.

- Dùng quạt hoặc lắp hệ thống phun mù với các đầu phun được lắp đặt ở từng ô chuồng.

- Mở toàn bộ cửa để đảm bảo lưu thông không khí.


6). Vấn đề sử dụng thức ăn

- Để sự tiêu hủy phân, nước tiểu được triệt để và kéo dài tuổi thọ của đệm lót, trong quá trình nuôi cần kết hợp cho lợn ăn thức ăn lên men hoặc men tiêu hóa. Việc sử dụng thức ăn lên men hoặc men tiêu hóa sẽ có tác dụng giảm thải phân và độ thối của phân, giảm chi phí thức ăn, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tăng hiệu quả kinh tế. Cần chú ý cho lợn ăn một lượng thức ăn thích hợp, không dư thừa.

- Tuổi thọ của đệm lót có thể duy trì vài năm. Nếu thực hiện tốt vấn đề quản lý và bảo dưỡng như đã nêu ở trên thì có thể duy trì thời gian sử dụng đệm lót trên 6 năm
 

2 – THIẾT KẾ VÀ VẬN HÀNH ĐỆM LÓT SINH HỌC TRONG CHĂN NUÔI GÀ

 

1). NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

  1. Đối tượng vật nuôi

 1.1. Giống gà: Tất cả các giống gà.
1.2. Các loại gà: Gà giống, gà hướng trứng, gà hướng thịt.
1.3. Lứa tuổi: Gà ở tất cả các lứa tuổi.
1.4. Mật độ nuôi: Gà úm 50-70 con/m2, gà nhỡ 15-20con/m2, gà lớn: 7 con/m2.

  1. Loại hình chăn nuôi

 2.1. Gà nuôi trực tiếp trên nền chuồng hở.
2.2. Gà nuôi nuôi trực tiếp trên nền chuồng kín.
2.3. Gà nuôi trên lồng tầng, chuồng kín.

  1. Nền chuồng

 Chuồng có nền được láng xi măng hoặc lát gạch. Nếu chuồng làm mới nên làm nền chuồng đất nện, không láng lát phù hợp hơn và giảm chi phí xây dựng.

  1. Độ dày đệm lót chuồng

 4.1. Độ dày đệm lót đối với gà úm, nuôi thịt, gà giống: 7-10 cm.
4.2. Độ dày đệm lót đối với gà mái đẻ nuôi trên lồng tầng: 20-30cm.

  1. Nguyên liệu làm chất độn

 5.1. Cách lựa chọn nguyên liệu làm đệm lót: Các nguyên liệu có độ xơ cao, có độ trơ cứng không dễ bị làm mềm nhũn, không độc, không gây kích thích đối với gà. 
5.2. Các loại nguyên liệu phù hợp: Mùn cưa, vỏ bào của các loại gỗ không độc; trấu, vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô nghiền, vỏ hạt bông, thân cây bông, bã mía, xơ dừa. Vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô, vỏ hạt bông có thể để nguyên hoặc cắt, nghiền có kích thước 3-5 mm.

 

2). PHƯƠNG PHÁP LÀM ĐỆM LÓT CHUỒNG NUÔI GÀ TRỰC TIẾP TRÊN NỀN (CHUỒNG KÍN HOẶC HỞ)

  1. Cách 1:Rắc men trực tiếp lên đệm lót

 1.1. Công thức: 1 kg chế phẩm BALASA N01 rắc cho đệm lót có diện tích từ 35 m2 trở xuống. 
1.2. Cách làm
1.2.1. Bước 1: Rải đều trấu lên toàn bộ nền chuồng có độ dầy 10 cm (gà thịt), trên 15 cm (gà đẻ nuôi ở lồng tầng). Sau khi rải xong thì thả gà vào nuôi.
1.2.2. Bước 2: Sau khi thả gà vào chuồng 7-10 ngày đối với gà nuôi úm, 2- 3 ngày đối với gà lớn thì xử lý bằng men.
1.2.3. Bước 3: Chuẩn bị bột men bằng cách trộn đều 1 kg BALASA N01 với 1 kg bột sắn khô (cẩn trọng khi dùng bột ngũ cốc khác vì dễ bị mốc gây nguy hiểm cho gà).
1.2.4. Bước 4: Rắc đều hỗn hợp men trộn sẵn lên toàn bộ bề mặt đệm lót.

  1. Cách 2: Tiến hành nhân men sau đó mới rắc lên đệm lót

 2.1. Công thức: 1 kg chế phẩm BALASA N01 rắc cho diện tích đệm lót từ 35 m2-50 m2. 
2.2. Cách làm
2.2.1. Bước 1: Rải đều trấu lên toàn bộ nền chuồng có độ dày 10 cm (gà thịt), trên 15 cm (gà đẻ nuôi ở lồng tầng). Sau khi rải xong thì thả gà vào nuôi.
2.2.2. Bước 2: Sau khi thả gà vào chuồng 7-10 ngày đối với gà nuôi úm, 2- 3 ngày đối với gà lớn thì xử lý bằng men.
2.2.3. Bước 3: Nhân men bằng cách trộn đều 1 kg chế phẩm BALASA N01 với 3 kg bột sắn, sau đó cho thêm khoảng 1,2 lít nước sạch, xoa cho ẩm đều (bột ẩm nhưng vẫn tơi rời mới đạt yêu cầu). Sau đó cho bột vào túi hoặc thùng đậy kín và để chỗ ấm ủ trên dưới 2 ngày. Khi nào bột có mùi thơm, hơi chua là đạt yêu cầu.
2.2.4. Bước 4: Rắc đều bột đã ủ (ở bước 3) lên toàn bộ bề mặt đệm lót.

 2.3. Chú ý

 2.3.1. Làm đệm lót có diện tích nền chuồng từ 35–50m2 cần trộn BALASA N01 với bột ẩm, ủ chỗ ấm để lên men với mục đích làm tăng lượng men để có thể sử dụng cho diện tích chuồng nuôi rộng hơn, giảm chi phí men. Nhưng nếu diện tích chuồng nuôi nhỏ hoặc không muốn ủ men phức tạp thì rắc men thẳng như Cách 1.
2.3.2. Làm đệm lót bằng mùn cưa giống như làm bằng trấu. Nếu mùn cưa khô bụi thì phun nước sạch cho hơi ẩm, nhưng nếu nuôi gà bằng lồng thì không cần phun ẩm.

 

3). KỸ THUẬT LÀM ĐỆM LÓT ĐỂ NUÔI GÀ LỒNG TẦNG

  1. Loại chuồng:Áp dụng đối với chuồng nuôi có khoảng cách giữa sàn chuồng với đáy lồng khoảng 50 cm.
  2. Nguyên liệu làm đệm lót: Dùng mùn cưa là phù hợp nhất. 
  3. Cách làm:Theo hướng dẫn ở Cách 1 và Cách 2 ở trên.

 

 4). SỬ DỤNG VÀ BẢO DƯỠNG

  1. Chỉ cần rắc men 1 lần trong suốt quá trình nuôi, nhưng có thể định kỳ (trên 1 tháng/lần) bổ sung thêm chế phẩm BALASA N01 bằng cách đem 1 kg chế phẩm BALASA N01 trộn đều với 2 kg bột sắn hoặc mùn cưa rồi đem rắc cho 50 m2 nền chuồng.
  2. Cứ sau một vài ngày (tùy lượng phân nhiều hay ít) cào nhẹ trên bề mặt đệm lót một lần để giúp vùi phân và làm cho đệm lót được thông thoáng để phân được phân hủy tốt hơn.
  3. Chuồng nuôi phải thông thoáng để thoát mùi sinh ra từ quá trình tiêu hủy phân.
  4. Tránh để nước uống và nước mưa hắt vào làm ướt đệm lót. Nếu thấy nước làm ướt đệm lót ở khu vực máng uống thì phải thay ngay bằng lớp trấu mới.
  5. Đệm lót lên men có khả năng khử trùng tốt nên không cần phun thuốc khử trùng định kỳ lên mặt đệm lót. 
  6. Vào tháng nóng nhất trong mùa hè phải có biện pháp chống nóng như mở toàn bộ cửa cho thông thoáng, làm đệm lót mỏng hơn để thoát hơi nóng nhanh. 
  7. Nếu nuôi gà với mật độ thích hợp, phương pháp sử dụng và bảo dưỡng tốt thì đệm lót có thể dùng kéo dài hàng năm nhưng cần chú ý định kỳ bổ sung thêm men BALASA N01.
  8. Do nhiệt độ ở đệm lót luôn ấm nóng nên khi úm gà chỉ cần quây kín ở dưới khoảng 50 cm còn phía trên phải để thoáng. Đặc biệt trong mùa nóng, khi úm gà cần treo đèn cao hơn để tránh nhiệt độ cao gây bốc hơi nước làm gà bị nhiễm lạnh, ẩm, dễ bị bệnh. 

 

5). CHỐNG NÓNG

  1. Do đệm lót luôn sinh nhiệt nên ở các mùa có thời tiết mát lạnh thì nuôi gà rất tốt, nhưng ở các tháng mùa hè cần có biện pháp chống nóng. 
  2. Không cần chống nóng đối với úm gà, gà thả vườn, nuôi gà ở chuồng kín và gà đẻ lồng tầng bởi lý do sau: 

2.1. Do gà con cần nhiệt độ chuồng nuôi cao nên sử dụng đệm lót chuồng để úm gà có được hiệu quả rất tốt ở tất cả các mùa trong năm. 
2.2. Nuôi gà ở chuồng kín do có quạt hút làm hạ nhiệt độ của chuồng nuôi.
2.3. Nuôi gà đẻ lồng tầng cũng có thể duy trì đệm lót chuồng quanh năm do gà không trực tiếp sống trên đệm lót. 

  1. Chống nóng trong mùa hè chủ yếu đối với gà nuôi hướng thịt trên nền chuồng láng xi măng hoặc lát gạch. Thực hiện các cách sau: 

3.1. Mở hết cửa cho thông thoáng, nếu cần phải dùng quạt hơi nước để thoát hơi nóng và làm mát chuồng nuôi, tránh cho gà bị stress nặng có thể bị chết do om nhiệt.
3.2. Giảm độ dày của đệm lót để thoát hơi nóng nhanh, định kì thay mới. 

  1. Trong trường hợp không có biện pháp chống nóng tốt thì trong những tháng nóng nhất có thể ngừng không sử dụng đệm lót./.

 

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 31
  • Lượt xem theo ngày: 1168
  • Tổng truy cập: 3816045