GIỐNG CÂY ĂN QUẢ 13 GIỐNG CAM VIỆT NAM![]() BBT: Hiện có khoảng 13 giống cam gồm giống địa phương và giống mới nhập nội đang trồng ở Việt Nam, trong đó trồng phổ biến nhất là cam Sành, cam Xoàn, cam Mật, cam Xã Đoài ( Cam Vinh), cam Canh...
13 GIỐNG CAM VIỆT NAM TS. Phạm Đồng Quảng - Hội Làm vườn Việt Nam ( tổng hợp) 1. Cam Sành Cam Sành là giống địa phương hiện đang được trồng phổ biến ở vùng Đồng bằng sông cửu long và khu vực miền núi phía bắc (Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Giang…). Cây cao trung bình, thích nghi rộng, dễ trồng dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh. Tỉ lệ đậu quả cao, năng suất cao. Đặc điểm là vỏ quả dày, sần, lõi cam vàng sậm, có hạt, ăn có vị ngọt khé lẫn vị chua dôn dốt, đậm đà. Tép cam mọng nước màu vàng, nhiều múi rất thích hợp để ép lấy nước. Ở vùng ĐBSCL cam Sành cho thu hoạch quanh năm, vỏ quả khi chín có màu xanh lá đậm, các múi thịt có màu cam đậm mọng nước rất đẹp mắt. Ở phía Bắc, cam Sành cho thu hoạch tập trung từ tháng 12 dương lịch khoảng tháng 10 và 11 âm lịch gần sát với Tết âm lịch. Khi cam chưa chín có màu xanh bóng mượt nhưng khi chín thì chuyển dần sang màu vàng. Cam sành ở vùng Hà Giang-Tuyên Quang 2. Cam Xoàn Cam Xoàn là giống địa phương nổi tiếng được trồng phổ biến tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long,... trong đó, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) và huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) là hai trong số những địa phương trồng nhiều giống cam này. Cam Xoàn sau trồng khoảng 30 tháng cây sẽ bắt dầu cho trái, thời gian thu hoạch là 8-9 tháng sau khi ra hoa. Năng suất nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật có thể đạt từ 25-40 tấn/ha. Trái cam xoàn to, mỗi trái nặng từ 250 - 300g, hình tròn, vỏ mỏng màu vàng nhạt, có những vòng xoáy như đồng tiền, ít hạt; ruột vàng, ăn có vị ngọt đậm, thanh mát, mùi thơm nhẹ. Mỗi quả thường có từ 10 -14 múi, có thể bóc vỏ ăn trực tiếp hoặc bổ múi hay vắt nước uống đều được. Đặc điểm của cam xoàn là trái càng nhỏ thì vị càng ngọt thanh, có mùi thơm nhẹ, chắc múi. 3. Cam Mật Là giống cam được trồng khá phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL.Cây 5 tuổi trung bình 5m. Tán hình cầu, phân cành nhiều, ít gai. Lá màu xanh đậm, eo lá nhỏ, tán cây thoáng, ít có cành tăm. Cây ra 2 – 3 vụ quả/năm. Dạng quả tròn, vỏ dày 3 – 4mm, màu xanh đến xanh vàng, quả nhiều hạt (13 – 20 hạt/quả), trọng lượng trung bình khoảng 200g/quả. Cam mật đặc biệt là giống cam không hạt, lượng nước vừa,không nhiều nước như cam sành, cam xoàn. Cam mật có vị ngọt đậm,ít chua,thu hoạch từ 1 - 2 tuần và bảo quản ở nhiệt độ thịch hợp thì vẫn giữ được hương vị thơm ngon. Phân biệt cam Xoàn- cam Sành- cam Mật ở vùng ĐBSCL - Hình dáng: Cam xoàn: Có vỏ mỏng, trái nhỏ, bề mặt vỏ láng mịn, hơi nhẵn bóng, phần đáy cam có quầng hình tròn giống đồng xu. Cam sành: Vỏ cam khá dày, sần sùi, khi sờ vào thấy có nhiều mảnh sành nhô lên. Cam mật: Hình dáng bên ngoài của cam mật khá giống với cam xoàn. Tuy nhiên, nếu dùng tay cảm nhận sẽ thấy vỏ cam mật dày hơn, ít hạt, không có quầng tròn đồng xu dưới đáy. - Màu sắc: Cam xoàn: Vỏ có màu xanh lá nhạt, khi chín ruột cam xoàn có màu vàng nhạt. Cam sành: Vỏ có màu xanh lá đậm, khi chín các múi thịt có màu cam đậm mọng nước rất đẹp mắt. Cam mật: Vỏ có màu xanh lá nhạt, khi chín ruột cam mật có màu vàng cam. - Hương vị: Cam xoàn: Cam xoàn có vị ngọt đậm và có mùi thơm nhẹ, các múi cam chắc múi hơn so với cam mật. Cam xoàn trái càng nhỏ thì vị càng ngọt thanh, có giá trị dinh dưỡng cao, có thể ăn liền. Cam sành: Tuỳ thuộc vào địa thế và thời tiết ở mỗi vùng miền mà cam sành sẽ có vị chua, ngọt khác nhau. Tuy nhiên, những trái cam sành có vỏ hơi nhẵn, khi bóp có cảm giác mềm sẽ nhiều nước và có vị ngọt hơn những trái cam sành có vỏ cứng, thích hợp vắt nước uống. Cam mật: Cam mật thường có vị ngọt nhẹ, hơi chua hơn cam xoàn và không có vị thơm như cam xoàn, có thể dùng làm nước ép hoặc sinh tố. - Giá cả ( tham khảo): Cam xoàn: Cam xoàn thường có giá cao nhất, giao động từ 60.000 – 90.000đ/kg vào chính vụ và có thể tăng giá lên đến 120.000đ/kg vào dịp lễ, Tết. Cam sành: Giá cam sành thường nằm ở tầm trung, được bán quanh năm và dao động từ 35.000 – 65.000 đồng/kg. Cam mật: Cũng như sam sành, cam mật được bán quanh năm và có giá khá rẻ từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. 4. Cam Xã Đoài ( Cam Vinh) Nguồn gốc từ vùng Xã Đoài, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Cây cao trung bình, tán lá hơi xoè, thích nghi rộng. Hiện là giống trồng phổ biến ở vùng miền núi phía Tây Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Phong - Hòa Bình, Hưng yên, Bắc Giang…Năng suất cao, khối lượng quả trung bình 200 - 250 g/quả, có 18 - 22 hạt/quả. Đặc trưng của cam Vinh là vỏ rất mỏng, tép bên trong có màu vàng nhạt, vị ngọt thanh, chua nhẹ, ngon thơm. Do ảnh hưởng điều kiện đất đai, nhiệt độ, ánh sáng mà cùng giống cam Vinh nhưng thời gian ra hoa, mầu sắc, chất lượng quả có sự khác biệt khi trồng ở các vùng khác nhau. Ở vùng tây Nghệ an cam thu hoạch vào tháng 12-1. Ở vùng Cao Phong – Hòa Bình cam xã Đoài ( thường gọi là cam Cao phong) thu hoạch khoảng từ đầu tháng 10, thời điểm cao nhất là từ tháng 11 âm lịch. 5. Cam sông Con Nguồn gốc chọn từ cây gieo hạt từ một giống nhập nội ở Nông trường Sông Con, Nghệ An. Cây sinh trưởng khỏe, tán hình cầu, phân nhiều cành, cành ngắn và tập trung. Lá cây nổi rõ gân ở lưng, hoa màu xanh bóng. Quả hình cầu, trọng lượng khoảng 200-220 gram, mọng nước, ít hạt (3 – 5 hạt/quả), vỏ quả mỏng, nhiều nước, ngọt đậm. Thu hoạch vào tháng 10 – 11. Hiện nay còn ít diện tịch trong sản xuất. 6. Cam Vân Du Được chọn lọc từ những cây gieo hạt từ giống cam Sunkist ở Trại nghiên cứu cam Vân Du (Thanh Hoá), thích nghi rộng, chịu hạn, trồng nhiều ở các nông trường vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh trong những năm 70 – 80. Cây khỏe, tán gọn có gai trên cành, lá to xanh đậm. Quả tròn vừa, nhiều nước nhưng cũng nhiều hạt. Hương vị cũng đặc biệt, ngọt đậm và hơi cảm thấy một vị đắng nhẹ tan nhanh sau khi ăn. Năng suất cao, khối lượng quả trung bình 180 – 200 g/quả, có 10 – 15 hạt/quả, ngon thơm, thu hoạch vào tháng 10 – 11. 7. Cam Bù Cam Bù là giống địa phương nổi tiếng được trồng nhiều ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, được xem là một giống cam quý, đặc sản. Có người cho rằng, cây cam bù phát hiện lần đầu tiên vào năm 1972, do hợp tác xã Thạch Sơn trồng tại vùng núi Kim Nhan, Hương Sơn. Cây cao trung bình. Cam có quả hình cầu, vỏ dày mịn nhẵn, lúc chín vỏ màu da cam rất đẹp. Trọng lượng trung bình mỗi quả từ 200-300g, có 3 - 12 hạt/quả. Mùi của cam rất thơm, vị ngọt thơm và nhiều nước. Chín khá muộn, cho thu hoạch vào tháng 12 ấm đến qua Tết Nguyên đán nên có giá trị kinh tế cao 8. Cam Canh Cam đường canh, cam canh, cam đường, quít đường là tên gọi chung của giống cam Đường Canh, có nơi gọi là cam giấy vì có vỏ mỏng và dai. Đây là giống thuộc loài quýt, được trồng đầu tiên tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức- Hà Nội. Cây sinh trưởng khoẻ , ít gai hoặc không có gai, chiều cao trung bình khi ra hoa và cho quả là 1,5-1.7m. Đường kính tán từ 2-2.5m. Lá có dạng hình lá to hoặc lá nhỏ, nhưng hình thái giống nhau: mép lá gợn sóng dài, đuôi lá nhọn và dài, gần như không có eo lá. Quả hình cầu hơi dẹp, khi chín màu vàng cam ( trà muộn chuyển đỏ gấc), lớp vỏ mỏng , dễ bóc. Khi ăn, có vị ngọt đậm mát rất đặc trưng. Giống dễ tính, thích ứng rộng, năng suất cao, tính chống chịu với sâu bệnh hại khá tốt. Nếu trồng mật độ dày và thâm canh ngay từ đầu có thể đạt năng suất 40-50 tấn/ha. Hiện nay được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Bắc Giang, Yên Bái, Hòa Bình… nhưng nói chung vị ngọt, thơm thì không bằng nơi nguyên gốc.
9. Giống cam chín sớm CS1 Giống cam CS1 do Th.S Nguyễn Xuân Hồng, Th.S Phạm Ngọc Lin và cộng sự Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả) chọn lọc cá thể từ quần thể cam trồng tại xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, Hưng Yên từ năm 1998. Giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức từ tháng 2/2017. Đây là giống cam chín sớm, sinh trưởng khoẻ, góc phân cành rộng, năng suất thu hoạch cao (trung bình đạt 27 - 30 tấn quả/ha). Thời gian cho thu hoạch quả từ 15 - 20/10, chin sơm hơn cam chính vụ khoảng 1 tháng, nên có giá bán cao. Khối lượng quả trung bình đạt 230 gram. Khi chín vỏ quả màu da cam, ruột quả vàng ( nên ở vùng cam Cao Phong còn có tên cam Lòng vàng), ít hạt hơn cam xã Đoài, tép nhỏ, ít xơ, mọng nước, hương thơm, vị ngọt đậm (Brix 10,5%). Cam CS1 sau trồng 3 năm đã bắt đầu cho quả bói, từ sau năm thứ 5 cho năng suất cao sản. Thu hoạch quả vào ngày nắng ráo. Quả thu xong cần để nơi thoáng mát. Không thu hái quả vào các ngày có mưa, ngay sau mưa hoặc ngày có sương mù, vì chất lượng quả sẽ giảm, dễ bị ẩm thối. Giống cam CS1 được đưa vào sản xuất rộng tại Hưng Yên, Hoà Bình, Sơn La, Hà Giang, Nghệ An... 10. Cam Cara ruột đỏ Cam Cara ruột đỏ, cam Úc ruột đỏ, cam ruột đỏ, cam ruột đỏ không hạt là tên gọi khác của giống cam Cara Navel N02 được trồng thử nghiệm lần đầu ở Bảo Lộc, Lâm Đồng do KS. Mai Việt Phương việt kiều Úc nhập về. Theo ông Phương, giống cam này tên là “Cara Cara”, có nguồn gốc từ Venezuela, được đưa sang Mỹ, sau đó du nhập vào Úc. Cam cara Navel N.02 còn có tính bất dục cái, nên không có hạt. N.02 là giống chín sớm hơn, thời gian thu hoạch từ đầu tháng 9 đến tháng 11. Đặc điểm là quả to, hình hơi oval, trọng lượng từ 180- 235 g/quả, trung bình 217 g/quả, vỏ quả dày 3.1 mm, quả hơi lồi do có một quả phụ nhỏ bên trong tạo thành rốn quả. Vỏ quả khi chín nhẵn, có màu da cam đậm, rất đẹp, dễ bóc vỏ, dễ tách múi, hương thơm dễ chịu, ngọt đậm đà, có hàm lượng axit ít hơn các giống cam nội địa của ta. Thịt quả ăn tươi rất ngon nên cam Navel là giống cam ăn tươi phổ biến nhất thế giới, đặc biệt giống N.02 thịt và nước quả có màu đỏ do chứa hàm lượng lycopen cao khoảng 3,6 ppm có tác dụng phòng chống ung thư rất tốt. Nhược điểm của giống cam cara ruột đỏ là dễ bị rụng quả do độ ẩm cao, nhất là trong mùa mưa. Khi bộ lá phát triển mạnh cây rất mẫn cảm với bệnh loét. Hiện giống đang được mở rộng trồng ở Mộc Châu, Sơn La. Một số nông dân đã ghép giống cam này trên gốc bưởi, cho thấy cây rất khỏe, có nhiều triển vọng. 11. Giống cam V2 Giống cam V2 (viết tắt của Cam Valencia) được TS. Đỗ Năng Vịnh và nhóm cán bộ nghiên cứu Viện Di truyền nông nghiệp tuyển chọn từ giống Valencia Olinda nhập nội; giống được làm sạch bệnh qua vi ghép, cây khoẻ và năng suất khá hơn so với giống gốc. Giống đã được Bộ NN - PTNT công nhận là giống chính thức ( công nhận lưu hành). Đây là giống cam ngọt chín muộn, khả năng thích nghi rộng, kháng bệnh tốt, thu hoạch muộn hơn hoặc cùng lúc với cam sành ở các tỉnh phía Bắc, từ cuối tháng 12 đến tháng 3. Giống Cam V2 có khả năng thích nghi rộng. Cây sinh trưởng phát triển tốt, phân cành đều, cây cân đối, khả năng ra hoa đậu quả cao. Quả dễ bảo quản và bảo quản được lâu trên cây, thành phần và chất lượng nước quả tuyệt hảo. Quả to trung bình (190– 250gr), có thể lưu giữ trên cây lâu mà không bị giảm chất lượng, vỏ quả mỏng, vàng đẹp với độ dày trung bình 3,0 mm, lõi quả vàng ươm, số múi trung bình trên quả là 11, hàm lượng nước cao, tỷ lệ xơ thấp, chất lượng thơm, ngọt đậm, ít hạt. Khả năng kháng bệnh (bệnh loét, chảy gôm, nấm đen gốc, khô cành) tốt hơn so với các giống hiện có trong nước. Giống cam V2 được chọn tạo từ giống Valencia Olinda, làm sạch bệnh qua vi ghép, cây khoẻ và năng suất khá hơn so với giống gốc; đã được Bộ NN - PTNT công nhận là giống chính thức. Hiện đang được mở rộng ở Mốc châu -Sơn la, Lục Ngạn – Bắc Ging và 1 số vùng cam khác. 12. Giống cam CT36 Giống cam CT36 do PGS.TS Hà Thị Thuý cùng cộng sự Viện Di truyền Nông nghiệp tuyển chọn từ nguồn vật liệu nhập nội. Giống được làm sạch bệnh qua vi ghép, cây khoẻ và năng suất khá hơn so với giống gốc. Giống được Bộ NN&PTNT công nhận là giống chính thức tháng 2/2019, khuyến cáo cho các vùng trồng cam tại các tỉnh phía Bắc. Dạng thân thẳng đứng. Sinh trưởng, phát triển tốt. Khả năng phân cành lớn. Khung tán cân đối. Độ đồng đều cao. Cây nhiều cành dăm, ít cành vượt. Bộ lá xanh bền, bản lá to, nhiều lá. Sau trồng từ năm thứ 4 cây bắt đầu ra hoa. Thời gian xuất hiện nụ hoa khoảng cuối tháng 1, kết thúc nở hoa cuối tháng 2. Tỷ lệ đậu quả cao (cây trồng năm thứ 4 tỷ lệ đậu quả đã đạt 1,83%). Thời gian thu hoạch quả từ đầu tháng 9 đến tháng 12 (sớm hơn giống cam Xã Đoài khoảng 2 tháng). Quả chín vỏ vẫn còn xanh, nhưng từ tháng 10 trở đi vỏ quả sẽ chuyển màu vàng đẹp. Thịt quả vàng, mọng nước, hương thơm. Rất ít hạt (trung bình có từ 3,8-4,8/hạt/quả). Giống đối chứng (cam Xã Đoài) có trung bình 14,6-18,6 hạt/quả. Năng suất bình quân cây trồng năm thứ 4 đạt 19,08 tấn quả/ha, năm thứ 5 là 21,37 tấn quả/ha. Ưu điểm nổi bật của giống cam CT36 là chưa bị nhiễm hai bệnh nguy hiểm, Greening và Tristeza. Quả chín có thể lưu giữ trên cây từ đầu tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Phù hợp ăn tươi hoặc chế biến. Giống đang được sản xuất diện rộng tại các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên… 13. Giống cam CT9 Giống cam CT9 do PGS.TS Hà Thị Thuý cùng cộng sự Viện Di truyền Nông nghiệp tuyển chọn từ nguồn vật liệu nhập nội, là giống cam không hạt. Giống được làm sạch bệnh qua vi ghép, nên cây khoẻ và năng suất khá hơn giống gốc. Giống được Bộ NN&PTNT công nhận cho phép sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc từ tháng 11/2015, khuyến cáo cho các vùng trồng cam tại các tỉnh phía Bắc. Cây sinh trưởng khỏe, phát triển tốt. Chống chịu sâu bệnh khá. Độ đồng đều cao. Khả năng phân cành lớn. Tán cây cân đối. Bộ lá xanh, dễ chăm sóc. Cây trồng từ năm thứ 4 bắt đầu ra hoa. Thời gian ra hoa từ cuối tháng 1, kết thúc nở hoa cuối tháng 2. Tỷ lệ đậu quả của cây trồng năm thứ 4 đạt 1,73 - 1,80%. Dạng quả thuôn dài, thấp thành. Vỏ quả nhẵn. Quả chín vỏ vẫn còn xanh, nhưng từ tháng 10 trở đi vỏ quả sẽ chuyển màu vàng. Thịt quả vàng, mọng nước. Độ Brix đạt 9,0 - 9,5. Đường tổng số 7,4%-7,9%. Acid hữu cơ tổng số 0,42 - 0,46%. Hàm lượng Vitamin C trung bình 35,2 - 38,4 mg% CT. Ưu điểm nổi bật của cam CT9 là không hạt. Năng suất cao (cây trồng năm thứ 5 đã đạt 25 - 30 tấn quả/ha). Quả chín sớm (từ đầu tháng 9 đến tháng 11). Có thể lưu giữ quả chín trên cây đến tháng 12. Giống chưa bị nhiễm hai bệnh nguy hiểm, Greening và Tristeza, thích nghi tốt với điều kiện sinh thái các tỉnh miền Bắc nước ta. Có bị nhiễm nhẹ một số sâu bệnh hại. Giống đang được sản xuất diện rộng tại các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên… Tin mới hơn
Tin cũ hơn
|
|
Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam |
Hoạt động có hiệu quả |
Hoạt động không hiệu quả |
Không có ý kiến |