HÌNH TƯỢNG “CHÚ KHUYỂN” TRONG CA DAO TỤC NGỮ VIỆT NAM - Hội Làm vườn Việt Nam

HÌNH TƯỢNG “CHÚ KHUYỂN” TRONG CA DAO TỤC NGỮ VIỆT NAM

 

Chó là vật nuôi gần gũi với mỗi người dân nước ta. Nó là vật nuôi có ích lại có nhiều đặc tính đáng ca ngợi như lòng trung thành tuyệt đối với chủ, sự cần mẫn trong việc giữ nhà, biết phân biệt người quen với kẻ lạ, trí thông minh hơn các loài vật khác, có thính giác đặc biệt, khứu giác “siêu nhạy” giúp con người trong săn bắt, truy tìm kẻ gian, bọn tội phạm... Tuy nhiên, có lẽ trong kho tàng ca dao tục ngữ hình như có nhiều câu liên quan đến “nói xấu” hơn là nói tốt cho nó. Theo thống kê, chỉ có trên 10 câu ca dao nói về con chó nhưng lại có tới 202 câu tục ngữ. Kết quả hơi lạ là số ca dao nói về con chó quá ít, chỉ hơn 10 lời, trong đó có cả những lời đồng dao như “... Con chó khóc đứng khóc ngồi/Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”... và ngược lại, có 202 câu tục ngữ (chưa kể những thành ngữ như “Hỗn như chó”, “Láo như chó”, “Dữ như chó”... ) với những nội dung (nhất là nghĩa bóng) khác nhau.  Trong số 202 câu tục ngữ ấy có thể xếp thành ba loại chính:

1)-  Xem con chó là một biểu tượng xấu xa và lấy đó để ví von, nói về những hiện tượng tiêu cực của xã hội hoặc của con người (74 câu - chiếm 36,6%). Ở nội dung các câu tục ngữ loại này, chó bị xem như con vật có rất nhiều tính xấu. Liên hệ để nói về người có câu Làm người thì khó, làm chó thì dễ khá tổng quát, còn nói cụ thể thì về tính tham lam có câu Chó có chê cứt thì người mới chê tiền, về thói hay tranh giành, có câu Hục hặc như chó với mèo, về thói ỷ lại thì Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng. Câu Chó nhảy bàn độc nói về kẻ cơ hội chiếm địa vị cao, câu Chó mặc váy lĩnh, Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi chỉ kẻ không có đức, tài mà hợm hĩnh, kiêu kì, đua đòi, lố bịch. Câu Chó chực máu giác, Chó chực chuồng chồ chỉ kẻ cam lòng chờ đợi, kiếm chút lợi lộc bẩn thỉu. Những kẻ cơ hội, xui nguyên giục bị là những kẻ Xuỵt chó bụi rậm, Quăng xương cho chó cắn nhau. Người ăn nói thiếu chững chạc, lúng búng thường được ví Nói như chó ngậm cám, Nói như chó ăn vụng bột, tật nói dai bị lên án là Nói dai như chó nhai giẻ rách. Thật tội nghiệp cho những chàng trai sống nhờ nhà vợ bị mỉa là Chó chui gầm chạn...

2)-  Nói về tập tính của loài chó, từ đấy liên hệ đến tính tình của con người (53 câu - chiếm 26,3%). Về nội dung các câu tục ngữ loại thứ hai này, có thể phân biệt những câu tục ngữ về tập tính tốt của chó, thống kê cho thấy có 28/202 câu (13,8%) trong đó có những câu về “chức năng” của chó như Chó giữ nhà, gà gáy sáng, những câu về trí nhớ của chó như Lạc đàng nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu. Từ cách nằm của chó, con người răn dạy nhau suy nghĩ cho kĩ trước khi nói Chó ba khoanh mới nằm, người ba năm mới nói... Về tập tính xấu của chó, thống kê cho thấy có 25/202 câu (12,3%) với nhiều câu nói đến tính hung dữ của chó như Chó dữ cắn càn, Hàm chó vó ngựa, đến bản năng của chó như Giậm giật như chó tháng bảy, đến bệnh dại của chó và được ngoa dụ với người Chó mà điên dại có mùa/Người mà điên dại không mùa không năm...

3)- Quan sát từ con chó để nói về những kinh nghiệm sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người: (75 câu - chiếm 37,1%). Về nội dung các câu tục ngữ loại thứ ba, quan sát từ con chó, dân gian đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm về sinh hoạt vật chất và tinh thần trong đời sống của con người. Đó có thể là kinh nghiệm xem thời tiết Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa, Chó khom lưng vãi cải, chó le lãi vãi mè (Thời tiết lạnh vãi cải, thời tiết đầu hè, nóng, chó le lưỡi, vãi vừng), Bán gà tránh trời gió, bán chó tránh trời mưa. Đó là cách chọn chó để nuôi như Chó khôn tứ túc huyền đề/Tai thì hơi cúp, đuôi thì hơi cong; Khoang cổ, lổ đuôi, hại chủ nhà rồi thịt chó là món ăn đặc sản đến mức Sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết về âm phủ biết có hay không hoặc Chó già, gà non; Gà lọt giậu, chó sáu bát... Về kinh nghiệm trong ứng xử, giao tiếp bởi chó là loài vật dữ, hay cắn nên người phải dè chừng đừng để Chó dữ mất láng giềng. Chó dữ được ví với bọn gian ác cho nên bọn ấy mà chết cũng như chó chết và Chó chết hết cắn hay Chó chết hết chuyện...

          Tổng hợp lại cho thấy, đúng là đa số các câu tục ngữ nói điều xấu của con chó mặc dù nó có những tính tốt. Và tại sao trong tục ngữ, nhân dân ta nhìn rất rõ những điều xấu của chó hơn là tính tốt của nó? Khác với các vật nuôi khác như con gà, con ngựa, đặc biệt là con trâu được ca ngợi trong ca dao – thể loại có nội dung trữ tình – con chó chẳng được một “lời khen” trong ca dao! Tục ngữ là thể loại với nội dung “lí tính” lại nói nhiều về những tập tính của con chó với hơn 100 câu nói điều xấu về nó. Nguyên nhân có thể là quan niệm chưa đúng của ông bà ta ngày xưa bắt nguồn từ việc cho con chó là loài vật hung dữ hay cắn người, mang bệnh dại, thường ăn bẩn. Thành kiến đó được nhắc đi nhắc lại, xem là bản chất xấu xa của con chó, làm mờ nhạt những tính tốt của nó và được đúc kết trong nhiều nội dung với những khía cạnh khác nhau trong tục ngữ nói về con chó./.

 

                                                                             Phùng Quốc Quảng

 (Sưu tầm và tổng hợp)

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 11
  • Lượt xem theo ngày: 4598
  • Tổng truy cập: 3829498