Hội Làm vườn Việt Nam định hướng hội viên phát triển kinh tế VAC theo hướng tuần hoàn-hữu cơ và thực hiện mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch - Hội Làm vườn Việt Nam

Hội Làm vườn Việt Nam định hướng hội viên phát triển kinh tế VAC theo hướng tuần hoànhữu cơ và thực hiện mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch

BBT: Từ nhiều năm qua thực hiện chủ trương Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Làm vườn Việt Nam luôn định hướng hàng vạn hội viên trên cả nước phát triển kinh tế vườn và VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ (NNHC), nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), đồng thời đăng ký các vườn cây để được cấp mã số vùng trồng nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, an toàn thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu chính nghạch, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững.

Hội Làm vườn Việt Nam định hướng hội viên phát triển kinh tế VAC

theo hướng tuần hoàn-hữu cơ và thực hiện mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạc

Phạm Đồng Quảng – Tổng Thư ký Hội Làm vườn Việt Nam

     Từ nhiều năm qua thực hiện chủ trương Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Làm vườn Việt Nam luôn định hướng hàng vạn hội viên trên cả nước phát triển kinh tế vườn và VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ (NNHC), nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), đồng thời đăng ký các vườn cây để được cấp mã số vùng trồng nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, an toàn thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu chính nghạch, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững.

     1. Đối với làm vườn và sản xuất VAC theo hướng tuần hoàn - hữu cơ

     Quan triệt quan điểm chỉ đạo tại Đề án phát triển NNHC và Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2020-2030 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Làm vườn Việt Nam thông qua việc thông tin tuyên truyền trên Tạp chí Kinh tế Nông thôn, trang WEB của Hội và hàng trăm lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo hàng năm đã góp phần định hướng cho các cấp hội, hội viên đẩy mạnh làm vườn và phát triển kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp tuần hoàn - nông nghiệp hữu cơ.

     Đối với nông nghiệp tuần hoàn, Hội thúc đẩy nhân rộng các mô hình Vườn – Ao – Chuồng (VAC) được Hội tổng kết, tuyên truyền, nhân rộng từ những năm 1980 được coi là mô hình khởi đầu về NNTH ở Việt Nam. Ban đầu các mô hình VAC quy mô nông hộ nhỏ lẻ, với mục tiêu góp phần bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo. Từ khi có công nghệ biogas, các chế phẩm vi sinh…VAC ngày nay trở thành mô hình sản xuất khá phổ biến của trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn với các hình thái đa dạng như VAC, VA, VC, AC, VACR... Tuy vậy, nguyên lý chung trong các mô hình đó là các phụ phẩm từ trồng trọt được tái sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi, thủy sản - chất thải từ vật nuôi qua hầm biogas xử lý mùi hôi, thành phân bón hữu cơ, khi đốt cho sinh hoạt, giảm phát thải khí nhà kính - bùn ao (chất thải từ thủy sản, biogas, rửa trôi) hàng năm được nạo vét bón cho cây trồng. Không chỉ có vòng tuần hoàn chất hữu cơ như trên mà còn có vòng tuần hoàn nước: ao chứa nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước từ biogas - chúng được làm sạch bởi thủy sinh, hệ vi sinh vật trong ao - sẽ quay lại cho tưới cây, nước uống, nước tắm, nước rửa chuồng cho vật nuôi... Cứ như thế, đất được hoàn trả dinh dưỡng, phục hồi độ phì; nông dân giảm hoặc không phải chi tiền dùng phân hóa học; chất thải được tận thu, không gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm tạo ra an toàn, chất lượng.

     Đối với nông nghiệp hữu cơ nói chung và làm vườn hữu cơ nói riêng, Hội khuyến cáo hội viên phát triển theo cả theo chiều rộng cũng như chiều sâu. Cụ thể, đối với cơ sở, hội viên có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và có thị trường tiêu thụ thì khuyến khích áp dụng đầy đủ các tiêu chí của tiêu chuẩn NNHC và sản phẩm được chứng nhận, bán giá cao; trường hợp còn lại thì khuyến khích sản xuất theo hướng NNHC, nghĩa là áp dụng càng nhiều cáng tốt các biện pháp hữu cơ ở cơ sở sản xuất của mình.

    Các biện pháp hữu cơ mà các hội viên của Hội trên cả nước đang áp dụng vào phát triển kinh tế vườn và VAC rất đa dạng như:

    - Tăng sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, phân sinh học, đặc biệt chú trọng sử dụng nguồn phân hữu cơ tại chỗ từ chăn nuôi, phụ phẩm cây trồng; phân loại, xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt…để làm phân ủ compost, nuôi giun trùn quế, nuôi ruồi lính đen…nhằm giảm bón phân vô cơ, tăng độ phì đất, bảo vệ môi trường theo hướng nông nghiệp tuần hoàn.

    - Các biện pháp hữu cơ để tăng sức khỏe cây trồng, phòng trừ sâu bệnh như sử dụng cây giống khỏe, sạch bệnh; thuốc BVTV và các chế phẩm sinh học, các bài thuốc thảo mộc, sử dụng thiên địch như kiến vàng trên cây ăn quả; ong mắt đỏ diệt sâu đục thân, sâu đầu đen trên dừa; ong ký sinh diệt bọ dừa... cũng được các hội viên áp dụng khá rộng rãi trong làm vườn.

    - Các biện pháp bảo vệ, tăng độ phì nhiêu của đất ( bón nhiều phân hữu cơ, trồng cây phân xanh hoặc để cỏ che tủ đất, bón thêm vôi, bổ sung vi sinh vật cải tạo đất…) góp phần duy trì hệ vi sinh vật đất, giảm các sâu bệnh từ đất ( vàng lá, thối rễ…) đối với vườn cây ăn quả.

    Các biện pháp NNTH- NNHC nói trên còn được kết hợp với các biện pháp công nghệ cao như tưới phun mưa, nhỏ giọt, bao quả…được hội viên áp dụng khá phổ biến, hiệu quả. Các tiêu chí về sản xuất hữu cơ, sản xuất tuần hoàn, kết hợp công nghệ cao được các hội thành viên Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa…đưa vào bộ tiêu chí các cuộc thi vườn chuẩn, vườn mẫu, vườn đẹp gắn với xây dựng nông thôn mới rất thành công đang được Hội tổng kết, nhân rộng trên cả nước.

     2. Đối với xây dựng mã số vùng trồng

     Việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng (MSVT) nhìn chung còn khá mới mẻ đối với các hội viên của Hội. Vì vậy, trong thời gian vừa qua, Hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp khác để tuyên truyền, tập huấn cho hội viên hiểu sự cần thiết và quy trình thủ tục cấp MSVT.  Qua đó, các hội viên nhất là ở các tỉnh có các vùng chuyên canh cây ăn quả xuất khẩu đã hiểu MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng ( có quy mô ít nhất 10ha với cây ăn quả, trồng thuần một loại cây) nhằm kiểm soát tình hình sản xuất, đặc biệt là sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Muốn xuất khẩu chính nghạch rau quả tươi sang Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…thì bắt buộc vườn cây phải được Cục BVTV cấp MSVT theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020 / BVTV và cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu chấp thuận thông qua kiểm tra trực tiếp hoặc trực tuyến.

     Đặc biệt, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền cho hội viên, nhà vườn hiểu rõ mục tiêu của việc cấp MSVT, đó là nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với rau quả nhập khẩu, cụ thể:

     - Đối với truy xuất nguồn gốc: Các thông tin về MSVT, cơ sở đóng gói được ghi trên bao bì,  nên khi có sự cố về an toàn thực phẩm hoặc kiểm dịch thực vật, cơ quan quản lý 2 nước và người tiêu dùng sẽ biết sản phẩm được sản xuất, đóng gói ở đâu, lỗi ở khâu nào, ai chịu trách nhiệm trên cơ sở truy xuất các thông tin được nhà vườn ghi chép chi tiết như ngày bón, loại phân bón, tổng lượng phân bón, phương pháp bón; sinh vật gây hại phát hiện trong quá trình điều tra; ngày phun, tên thương mại, tên hoạt chất, lý do sử dụng, liều lượng thuốc BVTV; sản lượng dự kiến, sản lượng thực tế…

     - Đối với kiểm dịch thực vật: Các nước nhập khẩu đặc biệt lo ngại nếu để lọt sâu bệnh nguy hại ( trứng sâu, bào tử nấm…) thông qua việc nhập khẩu rau quả tươi sống. Vì vậy, yêu cầu vùng trồng phải quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước họ. Trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật thì phải có biện pháp quản lý để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Như vậy, việc kiểm dịch thực vật đã phải chủ động thực hiện ngay từ vườn cây, chứ không đợi đến khi rau quả tươi được lấy mẫu kiểm tra tại cửa khẩu.

      - Đối với an toàn thực phẩm: Yêu cầu chung là vùng trồng cần áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (dù chưa bắt buộc sản phẩm phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP); vùng trồng chỉ được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam và không bị cấm ở nước nhập khẩu; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc bốn đúng, đảm bảo dư lượng không vượt ngưỡng cho phép của nước nhập khẩu; ghi chép đầy đủ các thông tin quá trình sản xuất như nêu ở trên. Tóm lại, nhà vườn phải hiểu nguyên tắc bảo đảm ATTP là “ từ trang trại đến bàn ăn”…

      Có thể nói các hoạt động từ cơ sở của các cấp Hội Làm vườn Việt Nam đã góp phần vào kết quả chung của cả nước, đến tháng 4/2021 đã có 3.414 mã số vùng trồng được cấp, trong đó có  2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại cây ăn quả với diện tích là 196.226ha, chiếm khoảng 17% tổng diện tích cây ăn quả cả nước. Hội cũng tham gia góp ý, tư vấn, phản ánh với cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương những khó khăn, bất cấp trong việc đăng ký cấp MSVT như diện tích sản xuất cây ăn quả nhỏ lẻ, trong khi yêu cầu để được cấp mã số vùng trồng phải từ 10ha trở lên; chi phí cho việc cấp MSVT, nhất là phải đăng ký cấp lại trước mỗi vụ thu hoạch cũng tăng áp lực cho nhà vườn, cần có sự hỗ trợ của nhà nước.

 

Gửi ý kiến của bạn


Tin mới hơn

Tin cũ hơn

Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 22
  • Lượt xem theo ngày: 3502
  • Tổng truy cập: 3802708