Tham gia chương trình kết nối, các doanh nghiệp đã phân tích những thế mạnh, hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương, đề xuất những cơ chế hợp tác trong thời gian tới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cam kết hỗ trợ các HTX, nông hộ tại địa phương về vốn, vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sản xuất nông nghiệp tốt theo mô hình VietGap và GlobalGap. Việc chuyển giao khoa học - công nghệ, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, bao tiêu sản phẩm… cũng sẽ được thúc đẩy.
Các nhà khoa học cũng chia sẻ thông tin về các tiến bộ khoa học kỹ thuật có thể ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ như hệ thống tưới tiêu thông minh, máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu tự động, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả tập trung quy mô lớn...
Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, một trong những hạn chế hiện nay đối với nông nghiệp Trà Vinh là người dân còn có thói quen canh tác cũ, việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc phòng trừ sâu bệnh chưa được kiểm soát chặt chẽ, khiến các sản phẩm nông sản chưa được đánh giá cao, khó đáp ứng tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Ông Dũng khẳng định những giải pháp được các chuyên gia đưa ra sẽ giúp ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo đó, tỉnh sẽ hướng đến việc tổ chức sản xuất trên cơ sở tăng cường thâm canh, nâng cao hệ số sử dụng đất, áp dụng các biện pháp canh tác tiến bộ để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO