KẾT QUẢ THƯC HIỆN MÔ HÌNH NUÔI ỐC NHỒI NĂM 2022 CỦA HỘI LÀM VƯỜN VÀ TRANG TRẠI THANH HÓA![]() BBT: Nhằm hỗ trợ nông dân hoàn thiện kỹ thuật nuôi, liên kết với doanh nghiệp trong phát triển nuôi, chế biến và tiến tới đưa ốc nhồi thành sản phẩm OCOOP của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa ( HVT- TH) thực hiện dự án xây dựng mô hình PTSX, chế biến ốc nhồi thương phẩm, trên địa bàn các xã: Quảng Trạch, Quảng Long, Quảng Văn và Quảng Hợp (huyện Quảng Xương) năm 2022...
KẾT QUẢ THƯC HIỆN MÔ HÌNH NUÔI ỐC NHỒI NĂM 2022 CỦA HỘI LÀM VƯỜN VÀ TRANG TRẠI THANH HÓA Theo báo cáo của Hội LV- TT tỉnh Thanh Hóa 1. Sự cần thiết Ốc nhồi là thực phẩm được ưa chuộng, nhưng do khai thác, đánh bắt quá mức và ô nhiễm môi trường, nên ốc trong tự nhiên đang dần đã cạn kiệt. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhiều người dân phát triển nuôi, thả trong ao nhà, hoặc theo hình thức trang trại, với quy mô ngày càng tăng và sản phẩm ốc nhồi ngày càng trở thành hàng hóa, mang lại gía trị kinh tế cao cho người nuôi và ưa chuộng của người dùng. Qua khảo sát, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản cũng nổi lên một số khó khăn, bất cập, đó là: - Tính pháp lý trong quản lý sử dụng quỹ đất làm ao nuôi ốc ở một số hộ còn bất cập. - Tư duy sản xuất hàng hóa nhất là về mối liên sản xuất theo chuỗi giá trị của các hộ còn bở ngỡ, chưa sâu. - Huy động vốn đối ứng của các hộ chưa được đồng bộ. - Kiến thức khoa học kỹ thuật nuôi ốc, có nhiều hộ nắm chưa vững, chủ yếu là kinh nghiệm truyền thống. - Nhân công lao động của một số hộ còn hạn chế, vẫn còn tình trạng xem việc nuôi ốc là nghề phụ, nên chưa chú trọng huy động nhiều nguồn lực lao động chính và thường xuyên. - Điều kiện nguồn nước cấp và khả năng tiêu khi ngập ao ở một số hộ còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Nhằm hỗ trợ nông dân từng bước khắc phục các hạn chế nêu trên, liên kết với doanh nghiệp phát triển nuôi, chế biến và tiến tới đưa ốc nhồi thành sản phẩm OCOOP của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa ( HVT- TH) thực hiện dự án xây dựng mô hình PTSX, chế biến ốc nhồi thương phẩm, trên địa bàn các xã: Quảng Trạch, Quảng Long, Quảng Văn và Quảng Hợp (huyện Quảng Xương) năm 2022. 2. Nhiệm vụ của mô hình Tập huấn, cải tạo, mở rộng ao nuôi, hỗ trợ con giống, vật tư, thức ăn tinh, hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến thương mại và liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm ốc nhồi hàng hóa ổn định quy mô, đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị thu nhập cho các hộ tham gia mô hình và nhân ra diện rộng hơn. Đồng thời, hướng tới thực hiện chu trình phát triển sản phẩm OCOP từ ốc nhồi. 3. Tổ chức triển khai - Thành lập Ban quản lý mô hình gồm: đại diện Lãnh đạo: HVT-TH, Hội LVTT huyện, UBND xã, Hội LVTT các xã tham gia mô hình; BQL đã hỗ trợ vật tư, kinh phí đầy đủ, kịp thời; luôn quan tâm đôn đốc, hướng dẫn các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo cho mô hình thực hiện thành công; tổ chức tham quan thực tế, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm đầu bờ… - Công ty Thiên Bảo (Thị trấn Tân Phong): giảng về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng ốc nhồi; cung ứng giống, thức ăn tinh; cử cán bộ kỹ thuật cùng BQL bám sát cơ sở, hướng dẫn trực tiếp các hộ; thu mua theo giá thỏa thuận. - Tổng cộng là 13 ha/20 hộ/4 xã tham gia ( xã Quảng Trạch: 4ha/5 hộ; xã Quảng Long: 3,7 ha/5 hộ; xã Quảng Văn: 2,3 ha/5 hộ; xã Quảng Hợp: 3ha/5 hộ (hộ thấp nhất là 0,2ha, hộ nhiều nhất là 1 ha). Từ những kiến thức được tiếp thu và kinh nghiệm, căn cứ vào điều kiện thực tế ao nuôi của mình, các hộ đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ theo quy trình kỹ thuật nuôi, thường xuyên thông tin, trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau. - Tổng kinh phí đã thực hiện là: 4.340 triệu đồng, trong đó: Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 250 triệu đồng; vốn đố ứng từ tài sản cố định, công cụ dụng cụ, thức ăn, vốn lưu động, nhân công của các hộ: 4.090 triệu đồng (bình quân 200 triệu đồng/hộ). 4. Kết quả đạt được - Về mặt hiệu quả kinh tế: Đối với các hộ, diện tích ao nuôi ban đầu 13 ha, đã mở rộng thêm 7,5 ha; sau một chu kỳ sản xuất (Pha 1), sản lượng thu được 22.150 kg ốc thương phẩm, ốc giống đưa xuống ao nuôi và bán ra thị trương là 650 vạn con, tổng giá trị thu nhập mang lại 3.698 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư 1.295 triệu đồng, còn lại 2.403 triệu đồng, bình quân lợi nhuận 184,5 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như: hộ ông Nguyễn Văn Toàn (xã Quảng Long) diện tích ao nuôi 1ha, thu nhập 480 triệu đồng; hộ ông Vũ Văn Khải (xã Quảng Long) diện tích ao nuôi 1ha, thu nhập 330 triệu đồng; hộ ông Hàn Văn Thuyên (xã Quảng Văn) diện tích ao nuôi 0,25ha, thu nhập 324 triệu đồng, nhờ bán được nhiều con giống; hộ ông Hoàng Văn Toán (xã Quảng Trạch) diện tích ao nuôi 1ha, thu nhập 260 triệu đồng; hộ ông Trần Văn Thuấn (xã Quảng Hợp) diện tích ao nuôi 1ha, thu nhập 280 triệu đồng… Công ty Thiên Bảo đã chủ động thu mua sản phẩm ốc thịt, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm từ ốc nhồi theo chuỗi giá trị đưa ra thị trường (pha 2), kết quả: Tổng giá trị thu nhập mang lại là: 2.224 triệu đồng, trừ chi phí chế biến sản xuất và nguyên vật liệu là: 1.820 triệu đồng, còn lại lợi nhuận là: 404 triệu đồng. - Bên cạnh kết quả mang lại về việc làm, kinh tế, thì thông qua thực hiện mô hình, kỹ năng ghi chép, theo dõi, hạch toán cũng như kiến thức kỹ thuật chăm nuôi, tư duy sản xuất hàng hóa và mối liên kết sản xuất của các hộ cũng đã được nâng lên. Diện tích ao nuôi đã được mở rộng thêm 7,5 ha và cảnh quan môi trường khu vực sản xuất theo đó đã được cải thiện một bước. - Về kỹ thuật nuôi: Điều quan trọng được rút ra trong kỹ thuật nuôi ốc nhồi là: Ốc nhồi có những đặc tính riêng biệt, chúng sinh sản và phát triển theo mùa, từ tháng 4 đến tháng 11 trong năm là thời gian tốt nhất, nên công tác chăm sóc, bảo quản con giống qua đông là vấn đề quan trọng đầu tiên; thứ hai là tạo giữ môi trường nước phải luôn sạch, tránh ô nhiễm để đảm bảo cho sự phát triển và sinh sản cũng như an toàn dịch bệnh cho ốc; thứ ba là nguồn thức ăn luôn phải phù hợp và thường xuyên đầy đủ, đây được xem là vấn đề then chốt quyết định đến sản lượng và chất lượng. Mặt khác, số lượng con giống được thả cần phù hợp với diện tích, và ao đã nuôi ốc thì không nên nuôi kết hợp, lẫn lộn với các con nuôi khác...
5. Một số hạn chế Một vài hộ có ao nuôi do chưa được xây dựng kiên cố, nên khi thời tiết mưa bão lớn làm ngập ao, để cho số lượng ốc đáng kể thất thoát ra ngoài hay bố trí lực lượng lao động chưa hợp lý, nên kết quả sản xuất bị hạn chế so với các hộ khác. 6. Đánh giá chung: Có thể nói mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm gắn với định hướng phát triển sản phẩm ocop tại 4 xã thuộc huyện Quảng Xương đã đem lại hiệu quả cao vượt trội, đó là: - Góp phần tích cực bảo tồn và phát huy nguồn con giống thủy sản nước ngọt ốc nhồi đang dần cạn kiệt do đánh bắt, khai thác tự do. - Tận dụng được quỹ đất còn hoang hóa, hoặc sản xuất kém hiệu quả ở địa phương. - Tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia mô hình, bên cạnh đó tạo được điểm sáng, điển hình trong sản xuất ốc nhồi và có khả năng nhân ra diện rộng. - Tạo nguồn thực phẩm hàng hóa ốc tươi và nguyên liệu cho sản xuất chế biến sâu theo chuỗi giá trị về ốc nhồi, hướng tới sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. - Nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ hội và hội viên Làm vườn và Trang trại các cấp trên địa bàn. - Là mô hình đầu tiên trong 6 mô hình được giao trong kế hoạch số 43/KH-SNN&PTNT của Sở Nông nghiệp và PTNT đã được triển khai thực hiện hoàn thành.
Tin cũ hơn
|
|
Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam |
Hoạt động có hiệu quả |
Hoạt động không hiệu quả |
Không có ý kiến |