Kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh giun quế (trùn quế) - Hội Làm vườn Việt Nam

Kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh giun quế (trùn quế)

BBT: Giun quế là nguồn thức ăn chứa nhiều giá trị dinh dưỡng đối với ngành chăn nuôi, nhất là các loại như gà, vịt, ngan, ngỗng, cá ... Nuôi giun quế đem lại hiệu quả kinh tế cao chính vì vậy nó đang ngày càng phổ biến tại các gia đình hay trang trại. Dưới đây BBT chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật nuôi giun quế 

I. Đặc điểmProtein: 68 –70%

sinh học

Giun quế (Trùn quế) là một trong những giống giun đã được thuần hoá, nhập nội và đưa vào nuôi với các quy mô vừa và nhỏ. Giun quế có kích thước tương đối nhỏ, dài khoảng 10-15 cm, thân hơi dẹt, bề ngang của con trưởng thành có thể đạt 0,1 - 0,2 cm, có màu từ đỏ đến màu mận chín tuỳ theo tuổi, màu nhạt dần về phía bụng, hai đầu hơi nhọn. Giun quế hô hấp qua da, chúng có khả năng hấp thu O2 và thải CO2 trong môi trường nước, điều này giúp cho chúng có khả năng sống trong nước nhiều ngày, thậm chí trong nhiều tháng.

Giun quế rất nhạy cảm, chúng có phản ứng mạnh với ánh sáng, nhiệt độ và biên độ nhiệt cao, độ mặn và điều kiện khô hạn. Nhiệt độ thích hợp nhật với giun quế từ 20 – 27oC, độ ẩm thích hợp là 60 – 70%. Giun quế rất thích sống trong môi trường ẩm ướt và có pH ổn định (khoảng 7 – 7,5). Giun có khả năng chịu được phổ pH khá rộng từ 4 – 9. Giun quế sinh sản rất nhanh trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Từ một cặp giun ban đầu trong điều kiện sống thích hợp có thể tạo ra từ 1000 – 1500 cá thể trong một năm.

Là động vật lưỡng tính, giun quế có đai sinh dục và lỗ sinh dục nằm ở phía đầu cơ thể, có thể giao phối chéo cho nhau để hình thành kén ở mỗi con, kén được hình thành ở đai sinh dục, trong mỗi kén mang từ 1 – 20 trứng. Kén sau khi hình thành sẽ di chuyển về phía đầu và rơi ra đất để nở thành giun con. Thành phần hóa học trong cơ thể: nước chiếm khoảng 80 – 85%, chất khô khoảng 15 – 20%. Hàm lượng các chất (tính trên trọng lượng chất khô) như sau:

  • Protein: 68-70%
  • Lipid: 7 – 8%,
  • Chất đường: 12 –14 %
  • Tro 11 – 12%.

Do có hàm lượng Protein cao nên giun quế được xem là nguồn dinh dưỡng bổ sung quý giá cho các loại gia súc, gia cầm, thủy hải sản… Ngoài ra, Giun Quế còn được dùng trong y học, công nghệ chế biến thức ăn gia súc. Phân giun là loại phân hữu cơ sinh học có hàm lượng dinh dưỡng cao, thích hợp cho nhiều loại cây trồng, đặc biệt thích hợp cho các loại hoa kiểng, làm giá thể vườn ươm và là nguồn phân thích hợp cho việc sản xuất rau sạch.

II. Kỹ thuật nuôi 

1. Chuẩn bị dụng cụ nuôi 

– Dụng cụ để xới, thu hoạch và chăm sóc. Lưu ý dụng cụ này không làm tổn thương đến giun.

– Tấm che phủ: thường làm bằng đay hoặc chiếu cói là tốt nhất.

– Thùng tưới nước: Sử dụng các loại thùng có vòi sen, không có vòi sen ta có thể dùng rổ, rá.

– Gáo múc nước: ta có thể sử dụng ca nhựa có cán (loại 1 – 2 lít) hoặc mũ bảo hiểm lao động bằng nhựa, có buộc thêm cán tre dài khoảng 1 – 1,5m.

2. Chuẩn bị chất nền

– Chất nền tốt nhất là phân bò cũ.

– Chất nền phải sạch, tơi xốp, giàu dinh dưỡng.

giun que 2

Chuồng nuôi giun quế

Có 3 phương pháp chế biến chất nền: Phương pháp ủ nóng, ủ nguội, ủ hỗn hợp.

(*) Phương pháp ủ nóng:

Để chế biến chất nền cần có phân trâu, bò, lợn và chất độn chuồng như cỏ, rơm rạ, bèo, dây khoai lang…hoặc lá cây khô (trừ lá xoan, lá lim, lá sắn có độc tố cao). giun quế rất sợ nước tiểu gia súc vì vậy nếu phân có lẫn nước tiểu của gia súc thì phải phun rửa để loại bỏ nước tiểu.

Chọn mặt nền cứng rải 1 lớp phân dày 10 – 15cm, tiếp theo rải 1 lớp chất độn dày 10cm có trộn vôi bột. Tiếp tục dải phân và chất độn theo thứ tự trên cho đến khi đống chất độn cao 1 – 1,5m. Ở giữa đống ủ cắm 1 đoạn tre thông khí.

Khi đánh đống xong (tỷ lệ 7 phần phân trâu bò ủ với 3 phần chất độn chặt ngắn), phủ lên đống phân 1 lớp che mưa che nắng bằng vật liệu sẵn có như lá chuối, tấm tranh lợp.

Cứ 5 đến 7 ngày tưới nước và đảo đống chất nền 1 lần để đảm bảo chất nền luôn ẩm và có đủ không khí. Sau 3 – 4 tuần ủ chất nền có thể sử dụng

(*) Phương pháp ủ nguội:

Phân gia súc và chất độn xếp lớp và đánh đống như phương pháp ủ nóng nhưng không dùng vôi bột. Sau khi đánh đống xong phủ 1 lớp rơm rạ mỏng và tưới nước cho ẩm. Lấy bùn chát kín đống ủ. Sau 3 tháng có thể đem sử dụng.

(*) Phương pháp ủ hỗn hợp

Phân chất độn xếp lớp và đánh đống như phương pháp ủ nóng. Sau 4 – 6 ngày nhiệt độ đống ủ phân lên cao 70 độ C. Tưới nước cho ẩm rồi lấy bùn chát kín. Sau 2 tháng có thể đem sử dụng.

ủ phân nuôi giun quế

Ủ phân làm cốt nền nuôi trùn quế

(*) Kỹ thuật rải chất nền đệm:

– Sau khi đã chuẩn bị xong chất nền, rải chất nền vào chuồng, luống, hố nuôi giun một lớp dày từ 10 – 20cm, tưới ẩm, xới đều rồi san bằng. Chất nền rải trước lúc thả giun quế 2 – 3 ngày. 

– Rải chất nền bằng rơm rạ mục: rải đều 1 lớp rơm rạ mục xuống nền chuồng sau đó rải 1 lớp phân tươi lên.

3. Chuẩn bị trùn quế giống và thả trùn quế

chuong giun que

Chuẩn bị trùn quế và thả trùn quế 

Khi mua giun quế tốt nhất mua ở dạng giun quế giống sinh khối (có lẫn cả giun bố mẹ, giun con, trứng kén và cơ chất mà giun đang sống quen) để giun không bị “sốc” với môi trường lạ và sinh sản nhanh.

Khi chuẩn bị chuồng xong thì thả giun giống bằng cách rải sinh khối vào theo 1 đường thẳng giữa ô luống đó hoặc rải giun thành từng đám giữa mặt luống. Nên thả giun quế giống vào buổi sáng. Khoảng 5 – 7 phút sau giun quế sẽ chui hết xuống lớp sâu. Quan sát mặt luống và loại bỏ những con giun ngọ nguậy tại chỗ, không có khả năng di chuyển xuống lớp đất sâu đó là những con bị thương trong quá trình thu gom, vận chuyển. Sau khi loại bỏ những con bị thương, dùng doa tưới cây tưới ẩm nhẹ lên luống.

Hàng ngày phải tưới ẩm mặt luống. Nếu trời nóng quá 34 – 35 độ C nên tưới nước nhiều lần để giảm nhiệt độ.

Mật độ thả giống quyết định đến năng suất thu hoạch. Mật độ thích hợp khoảng 9 – 12kg sinh khối/m2 tương đương với 3 – 4 kg giun tinh/m2

4. Che phủ chuồng nuôi 

giun quế thường có tập tính sống trong môi trường tối. Hễ gặp ánh sáng là trùn rút sâu xuống dưới mặt luống. Che phủ mặt luống là biện pháp tạo bóng tối cho trùn lên mặt luống ăn thức ăn và giao phối sinh sản cả ngày lẫn đêm.

Tấm che phủ còn có tác dụng giữ độ ẩm luống nuôi. Sau khi thả giống, lấy bao tải, chiếu cói, tấm bìa…đậy lên bề mặt luống, chuồng để tạo bóng tối cho giun nhanh chóng quen nơi ở mới, rồi lấy ô roa tưới nước lên trên bề mặt , sao cho chất nền đệm ở dưới được ướt đẫm đều.

5. Tưới ẩm chuồng nuôi

Mùa hè tưới 2 – 3 lần/ngày, mùa đông tưới 1 – 2 lần/ngày. Ngày khô nóng tưới nhiều, ngày mưa rét tưới ít.

Độ ẩm thích hợp là khi lấy 1 nắm thức ăn hay chất nền bóp nhẹ, nếu ứa nước ở kẽ ngón tay là vừa. Nếu nước nhỏ giọt hoặc chảy thành dòng là quá ẩm. Khi quá ẩm điều chỉnh bằng cách giảm lần tưới hoặc giảm nước tưới.

Nếu bóp chặt mà không có nước là bị khô cần tưới nước ngay.

tưới ẩm chuồng nuôi trùn quế

Công nhân đang tưới ẩm chuồng nuôi giun quế

6. Cho  ăn và chăm sóc 

– Sau khi thả giống được 1 – 2 ngày thì nên cho giun ăn. Lượng thức ăn mỗi lần khoảng 5cm trên mặt luống. Sau đó sẽ tiếp tục cho ăn khi thấy trên bề mặt luống đã xốp và không còn thức ăn cũ. Không nên cho ăn khi thức ăn cũ còn quá nhiều, vì lượng thức ăn bị tồn đọng phía dưới luống làm cho giun chỉ tập chung ăn và sống ở phía dưới luống mà không sống trên bề mặt. Điều này làm giảm khả năng sinh sản, năng suất nuôi.

– Thức ăn của giun quế là phân tươi như phân trâu, bò, lợn, dê, thỏ, ngựa hoặc thức ăn là rác hữu cơ đã hoai mục, được ủ với các phương pháp nêu trên. Đều trộn lẫn và được ngâm vào bể có tưới nước sạch trong 1-2 ngày thành dạng lỏng sền sệt, rồi mới múc vào cho giun ăn là tốt nhất. Khi cho ăn, giở tấm phủ và múc thức ăn cho giun. Thức ăn rải trên mặt luống thành vệt dài hoặc từng đám mỏng cách đều nhau để khi nhiệt độ trong luống tăng cao hoặc trong thức ăn có chất gây sốc thì trùn còn có khoảng trống chui lên thở.

cho trùn quế ăn

Cho giun quế ăn và chăm sóc

– Lượng thức ăn bón trên bề mặt luống cụ thể và tùy mùa.

+ Vào mùa hè, cứ 2 – 3 ngày cho trùn ăn 1 lần lượng thức ăn bón trên bề mặt luống dày từ 2 – 3cm.

+ Vào mùa đông lượng thức ăn cho ăn nhiều hơn, dày 5cm bón phủ đầy luống. Thời gian cho ăn từ 3 – 4 ngày cho ăn 1 lần.

– Sau khi cho ăn xong đậy tấm phủ lại và tưới ẩm.

7. Phòng bệnh và bảo vệ chuồng nuôi giun quế

7.1. Phòng bệnh

– Hàng ngày theo dõi nơi nuôi , nếu thấy kiến phải tiêu diệt ngay.

– Che chắn hoăc bao lưới xung quanh để tránh gà,cóc, ếch, nhái, rắn, chuột ăn giun.

– Chú ý đến các loại thuốc trừ sâu, hóa chất như xà phòng, nước rửa chén, muối ăn, nước giải, tro bếp… rất độc hại đối với giun, sẽ lập tức chết khi tiếp xúc.

– Khi điều kiện sống bất lợi như: nhiệt độ, độ ẩm, độ pH quá cao hoăc quá thấp, thùng đậy nắp hoặc phủ nilong quá kín, trời quá nắng, bị nước mưa tạt vào, tiếng ồn và tiếng động xung quanh quá lớn cũng sẽ làm cho giun chết hoặc bò đi khỏi thùng, hộp, chuồng nuôi.

7.2. Bệnh và cách xử lý

Giun quế thường gặp những bệnh thường gặp vào mùa hè như sau:

– Bệnh no hơi: do ăn phải những loại thức ăn quá giàu chất đạm như phân bò sữa, lợn… làm cho phân có mùi chua. Sau khi cho ăn giun có hiện tượng nổi lên trên mặt luống và trương dài sau đó chuyển sang màu tím bầm và chết. Cách tốt nhất khi phát hiện trong trường hợp này nên hốt hết phân lỡ cho ăn và tưới nước lên luống.

– Bệnh trúng khí độc: do đáy chất nền bị thối rữa, trong thời gian dài chất nền thiếu O2 làm CO2 chiếm hết khe hở của chất nền, làm cho giun chui hết lên bề mặt. Trường hợp này dùng cuốc xới toàn bộ mặt luống và tưới nước./.

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 22
  • Lượt xem theo ngày: 774
  • Tổng truy cập: 3856375