Lịch sử và thành tựu hoạt động của Hội Làm Vườn Việt Nam sau gần 30 năm thành lập - Hội Làm vườn Việt Nam

Lịch sử và thành tựu hoạt động của Hội Làm Vườn Việt Nam sau gần 30 năm thành lập

Hội Làm vườn Việt Nam (tên viết tắt VACVINA) được thành lập theo Quyết định số 31 - BT ngày 22/2/1986 của Chính phủ. Qua gần 30 năm hoạt động với 6 kỳ Đại hội, Hội đã trưởng thành và phát triển không ngừng.

Lúc mới thành lập, Hội chỉ có 125 hội viên. Tính đến nay (4/ 2014) tổ chức Hội có ở 58 tỉnh, 493 huyện và 6197 hội cấp xã và 18.481 chi hội thôn với trên 840.000 hội viên. Trong đó có 15 hội địa phương được xếp là hội đặc thù. Văn phòng Trung ương Hội có 15 đơn vị trực thuộc là các Trung tâm chuyển giao kỹ thuật và Báo Kinh tế Nông thôn tiếng nói của Hội. Trải qua gần 30 năm, phong trào phát triển kinh tế VAC do Hội đề xướng và vận động đã góp phần làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp và nông thôn theo hướng nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diên tích sản xuất và phát triển bền vững. Tiến tới kỷ niệm 30 năm thành lập Hội, Ban biên tập xin tóm tắt lịch sự và thành tựu của Hội trân trọng giới thiệu với bạn đọc:


GS Ngô Thế Dân - Nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT
Chủ tịch HLVVN nhiệm kỳ I (2014-2019)



Trải qua 6 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương Hội vẫn duy trì được hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Thường trực Trung ương Hội, Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Hội hoạt động thường xuyên. Hội có trụ sở riêng, cơ sở vật chất kỹ thuật và mọi phương tiện hoạt động cần thiết (xe , trang thiết bị thông tin, kỹ thuật). Điều lệ Hội được sửa đổi bổ sung qua các kỳ Đại hội và được Bộ Nội vụ phê duyệt.

Mục tiêu hoạt động của Hội là: Vận động Hội viên và nông dân phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng (viết tắt là VAC) để tăng thu nhập cho hộ nông dân góp phần thực hiện chiến lược xoá đói giảm nghèo và làm giàu. Hội là tổ chức nghề nghiệp - xã hội tự lo về kinh phí hoạt động, tự chịu trách nhiệm chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp & PTNT ).

Hội Làm vườn Việt Nam là hội thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học-kỹ thuật Việt Nam.

 

A. Những đóng góp của Hội Làm vườn Việt Nam đối với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn.

 1. Vận động phát triển phong trào làm kinh tế VAC góp phần xoá đói giảm nghèo và góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.

 Ngay từ khi thành lập (1986) Hội đã vận động hội viên nông dân khôi phục và phát triển nghề vườn, nghề truyền thống đã gắn bó với cuộc sống qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha, nghề mà trong những năm chiến tranh tàn khốc kéo dài cùng với thiếu sót của một thời đã bị mai một. Để khôi phục và phát triển nghề vườn theo ý tưởng của Bác Hồ “Trên vườn cây- dưới ao cá” Hội đã đề xuất và vận động phong trào phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng ở khuôn viên hộ gia đình gọi tắt là VAC. Phong trào làm VAC do Hội vận động đi lên từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao, từ chăm lo cải thiện bữa ăn, chống đói, suy dinh dưỡng tiếp đến là có chút sản phẩm để bán và từng bước tiến lên phát triển VAC kinh tế hàng hóa góp phần xoá đói giảm nghèo và làm giàu. Phát triển VAC cho đến nay đã qua 3 giai đoạn.

 a. Phát triển VAC dinh dưỡng:

Mục tiêu của VAC dinh dưỡng bước đầu là tự giải quyết thực phẩm để cải thiện bữa ăn, tiến tới ăn no, ăn đủ chất rồi ăn ngon, ăn cân đối khoa học, văn minh. Hình thức VAC đi từ đơn giản, dễ làm. Ban đầu là mấy luống rau ngắn ngày ( rau dền, rau ngót, rau cải, mồng tơi ...) vài cây ăn quả dễ trồng ( khóm chuối, cây đu đủ), vuông ao nhỏ để nuôi, đánh tỉa thả bù cá nhỏ ( rô phi, chép` ...) chăn nuôi vài con gà mái cho trứng hàng ngày và cứ nâng dần, có nhiều rau, củ, quả và thực phẩm chất lượng cao hơn để bữa ăn phong phú, nhiều nhất bồi dưỡng sức khoẻ. Mô hình VAC dinh dưỡng bước đầu làm một số gia đình, một số điểm, rồi nhân rộng ra xóm,làng, tiến tới mở rộng ra các vùng, miền.

Chương trình VAC dinh dưỡng phối hợp giữa Hội với UNICEF chỉ đạo qua 3 năm làm thử (1988 - 1999 - 1990) và 10 năm chính thức ( 1991 - 2001 ) lúc đầu chỉ có 4 xã điểm với trên 20 hộ, khi chương trình kết thúc đã có hàng vạn hộ có mô hình.

Thành công và hiệu quả của phong trào VAC dinh dưỡng của thập kỷ trước không những được nhân dân ta khen ngợi mà được bạn bè quốc tế cũng khâm phục cho đây là một hình thức độc đáo của dân tộc Việt Nam.

 b. Phát triển VAC kinh tế:

1). Về trồng trọt: Chỉ thị 35 của Ban Bí thư TW Đảng cuối năm 1985 về phát triển kinh tế gia đình là cơ sở để Hội phát động phong trào cải tạo vườn tạp, ao hoang, chuồng trống được quần chúng hưởng ứng càng ngày càng mạnh. Mỗi năm cải tạo hàng nghìn ha. Đến nay ở nhiều tỉnh thành, vườn tạp đã được cải tạo cơ bản 70 – 80%. Diện tích ao hoang, chuồng trại được cải tạo trong 5 năm (2009-2014) là 320 nghìn ha. Cùng với cải tạo vườn tạp, việc tu bổ cải tạo ao hồ nuôi trồng thủy đặc sản cũng được đẩy mạnh ở nhiều địa phương. Các tỉnh có phong trào như Hà Bắc, Hải Hưng, Thái Bình, Hải Phòng… thì khôi phục phong trào nuôi cá nước chảy. Các tỉnh đồng bằng Nam bộ phát triển nuôi cá ao cạnh nhà. Tiếp đó là phong trào nuôi cá lồng ở 3 miền đều phát triển. Vùng ven biển thì mở rộng việc quy hoạch các vùng ao nuôi tôm, cua, lươn, ếch, ba ba… Ngày càng rộng lớn.

2). Về chăn nuôi: do lượng lương thực tăng nhanh, việc nuôi gia cầm, gia súc phát triển mạnh. Phong trào phát triển, các yếu tố V – A – C được nhân rộng, nhân dân áp dụng với tốc độ rất nhanh. Tùy theo tính chất địa lý sinh thái của từng vùng mà nhân dân thực hiện VAC – VA – AC – VC hoặc sáng tạo thêm VACR, VACB, VACQ… chủ yếu là cải tạo vườn tạp, ao hoang, chuồng chăn nuôi, tăng cường sản xuất sản phẩm VAC, tăng thu nhập để xóa đói giảm nghèo, đi lên làm giàu chỉ sau thời gian ngắn, ở địa phương nào cũng có hiệu quả rõ rệt. Những hộ đối tượng chính sách, những gia đình đối tượng xã hội đã được giúp đỡ dưới hình thức VAC tình nghĩa. VAC tình thương. Hàng trăm ngàn VAC mang tính nhân đạo được thực hiện ở khắp các vùng, tạo nguồn thu nhập bền vững cho các gia đình đối tượng chính sách, đối tượng xã hội nghèo.

3). Từ năm 1990, thực hiện chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc (Chương trình 327) Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho dân quản lý; Hội kêu gọi hội viên đi vào phủ xanh đất trống đồi trọc, một hệ thống vườn đồi, vườn rừng nhanh chóng mọc lên. Các vùng đất ven biển từ Bắc chí Nam cũng sôi động đưa vào khai thác; vùng đồng bằng tuy đất chật người đông có phong trào đấu thầu, giao khoán các loại đất thùng đào, thùng đấu, đất trũng lầy thụt, đất ven đê, ven sông, các cơ sở vật chất của hợp tác xã bỏ hóa; qua sức lao động, hội viên đã biến thành các mô hình VAC có hiệu quả. Diện tích canh tác trước đây manh mún, nay do yêu cầu tập trung để tiện canh tác và phát triển VAC dẫn đến nhu cầu dồn điền đổi thửa cho nhau. Phong trào mở ra từ huyện Đan Phượng (Hà Tây) rồi loang dần ra các tỉnh do đó mô hình gia trại, nông trại gia đình liền khoảnh, nông trại đã đi theo hướng sản xuất hàng hóa tuy quy mô nhỏ nhưng cũng đã áp dụng khoa học công nghệ cao và tạo ra một lượng sản phẩm đáng kể cho xã hội.

 4). Thông qua phong trào phát triển kinh tế VAC Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đánh giá, phát triển kinh tế VAC là một trong những giải pháp quan trọng để chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tăng nhanh giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, hướng tới mục tiêu đạt 50 triệu đồng/hộ/năm và 50 triệu đồng ha/năm. Hiện nay giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác ở nước ta bình quân mới đạt 29,2 triệu đồng/ha. Nhưng khi chuyển đổi sang làm VAC thì nhiều gia đình nông dân trồng cây ăn quả, nuôi cá nức ngọt đã đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm.

Do thu nhập từ VAC tăng nhanh, các hộ nông dân ở mọi miền đất nước đã tích cực dồn điền đổi thửa. Nhiều hộ nông dân có kinh nghiệm sản xuất giỏi đã đầu tư công của mở rộng quy mô sản xuất VAC trở thành trang trại VAC.

Có thể nói rằng phong trào làm VAC do Hội Làm vườn Việt Nam đề xướng và vận động đã chuyển động liên tục từ phát triển VAC từ cấp tự túc sang VAC kinh tế; Từ VAC kinh tế giản đơn là Để có thêm đồng ra đồng vào để trang trải cho sinh hoạt gia đình đã chuyển sang phát triển VAC hàng hoá, VAC trang trại hướng đến khách hàng. Rất nhiều hộ nông dân nhờ làm VAC hàng hoá mà trở nên giàu có, từ làm VAC mà điều kiện sinh hoạt của hộ gia đình được cải thiện, nhất là về nhà ở, mua sắm vật dụng lâu bền, phương tiện đi lại và các vật dụng đắt tiền khác.

C. Phát triển VAC trang trại

Hưởng ứng việc thực hiện Nghị quyết 03 của Chính phủ về về phát triển kinh tế trang trại, Hội Làm vườn Việt nam đã tham gia vận động dồn điền đổi thửa, thành lập Câu lạc bộ trang trại. Đến nay dã có 12 nghìn chủ trang trại tham gia câu lạc bộ do Hội tổ chức.

Hoạt động các Câu lạc bộ trang trại đã có thiết thực giúp đỡ các chủ trang trại: tổ chức nhiều đợt sinh hoạt giúp chủ trang trại nắm bắt được mọi thông tin cần thiết và trao đổi trực tiếp với lãnh đạo và chuyên gia của các Bộ ngành liên quan về xây dựng chính như: Xác định tiêu chí trang trại, chính sách tín dụng Ngân hàng đối với kinh tế trang trại, chính sách chế độ với người lao động trong các trang trại. Tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho các chủ trang trại, mở lớp tập huấn cho hàng nghin lượt chủ trang trại. Hội Làm vườn các cấp đã cùng Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết cho các chủ trang trại vay vốn và thành lập tờ vay vốn trang trại, giúp cho các chủ trang trại được vay vốn thuận lợi đầy đủ và kịp thời. Để tuyên truyền phổ biến hoạt động trang trại, nhiều tỉnh đã xuất bản thông tin chuyên đề trang trại và lập trang chuyên đề trang trại trên Báo “Thông tin thị trường” sau này ở Báo kinh tế nông thôn đồng thời kết hợp với Đài truyền hình VTV1, VTV2 xây dựng các chuyên đề như “Những vấn đề cơ bản về trang trại, làm thế nào để trang trại bền vững” “Xử lý ô nhiễm môi trường ở trang trại”.

2. Tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến làm VAC giỏi thành phong trào quần chúng.

Trong các nhiệm kỳ này Hội Làm vườn Việt Nam đã tập trung sức triển khai xây dựng nhiều mô hình VAC ở các vùng sinh thái. Đặc điểm của các mô hình do các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội phối hợp với các Hội Tỉnh Thành là tập trung vào việc xây dựng mô hình VAC, chuyển giao kỹ thuật cho vùng cây ăn quả đặc sản, vùng có lợi thế so sánh để sản phẩm VAC có sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và thế giới. Đã triển khai xây dựng các mô hình về cải tạo nâng cấp chất lượng vùng vải thiều Lục Ngạn, vùng nhãn Lồng Hưng Yên, vùng cam Vị Xuyên Hà Giang, vùng bưởi Diễn, cam canh Hà Nội,  vùng trái thanh long Bình Thuận, Ninh Thuận. Chi nhánh Trung ương Hội Làm vườn Miền Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hội làm vườn 5 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long và Đồng Tháp (Vùng đồng bằng sông Cửu Long) đã làm thử 5 mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn Việt GAP ở 5 hợp tác xã nhằm sản xuất ra trái cây chất lượng cao, mẫu mã đẹp đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu nuôi cá chim trắng, cá rô phi ở vùng cấy lúa 1 vụ hoặc 2 vụ thu hoạch bấp bênh ở Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng. Xúc tiến vận động triển khai xây dựng các mô hình hầm Biogas VACVINA cải tiến và sử dụng phân vi sinh ở Thanh Hoá, Hà Tây, Kiên Giang ... Những mô hình VAC hoặc mô hình phát triển nông thôn do các đơn vị của Hội Làm vườn Việt Nam thực hiện thuộc ngân sách Nhà nước và tài trợ của các tổ chức Quốc tế, đã thực sự đem lại lợi ích cho nông dân hội viên có sức thuyết phục, góp phần nâng cao vị thế của Hội Làm vườn Việt Nam. Tại Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc về bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch năm 2008 Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) thuộc Hội Làm vườn Việt Nam được chọn là một trong 20 đơn vị nhận cúp điển hình tiên tiến toàn quốc và Bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh những mô hình do các cấp Hội xây dựng, những mô hình VAC tiêu biểu phát hiện và tổng kết từ phong trào quần chúng thì rất nhiều và rất đa dạng. Đặc điểm chung của mô hình làm VAC giỏi này là dân tự đầu tư, tự tìm tòi và tự lựa chọn kỹ thuật, không ít mô hình đầu tư thấp mà đạt hiệu quả cao. Như một nông dân ở Sơn La đã chọn ra giống ba ba gai giá sản phẩm cao gấp 2 -3 lần giá ba ba trơn, trên diện tích vườn khoảng 1.000m2 ông đã xây dựng thành cơ sở sản xuất, thu hàng trăm triệu đồng/năm; ông Hai Hoá ở Bến Tre sáng tạo ra kỹ thuật điều khiển bưởi ra hoa theo ý muốn và quả không có hạt. Ông Nguyễn Văn Cảnh ở thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, tỉnh Hưng Yên mỗi năm thu lãi vài ba trăm triệu đồng từ trang trại nhãn lồng của được đặt danh hiệu là "Phù thủy nhãn lồng Hưng Yên". Tại Hội nghị tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tháng 04 năm 2014, những điển hình tiên tiến nói trên ở khắp cả nước đã được báo cáo điển hình và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tải trong kỷ yếu Hội Làm vườn Việt Nam.

Nhân dịp Đại hội Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ VI, Hội Làm vườn Việt Nam được Chủ tịch nước trao tăng huân chương Lao động hạng nhất (lần thứ 2), nhiều cấp hội các địa phương được tặng thưởng huân chương lao đông, bằng khen của chính phủ, của các Bộ và UBND các tỉnh.  

3. Hoạt động góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường:

Liên quan đến giảm thiểu ô nhiễm môi trường Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) đã nghiên cứu cải tiến hầm Biogas và được Bộ Nông nghiệp &PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất. Công nghệ hầm Biogas VACVINA cải tiến đã triển khai xây hàng trăm hầm ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Bình, Tuyên Quang, Phú Yên và theo chương trình tài trợ quốc tế sẽ xây 5.000 hầm ở Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng đồng thời huấn luyện và đào tạo 160 kỹ thuật viên cho các tỉnh trên.

4. Dạy nghề và huấn luyện, đào tạo nghề VAC

Ở tất cả các nhiệm kỳ, Hội Làm vườn Việt Nam đều không ngừng thực hiện mọi hình thức thông tin tuyên truyền về kỹ năng và kinh nghiệm làm VAC cho Hội viên. Báo kinh tế nông thôn là một trong những đơn vị đã có nhiều nỗ lực hoạt động trong lĩnh vực này. Từ tờ báo “Người làm vườn” xuất bản mấy trăm tờ một kỳ, đổi tên thành Báo kinh tế nông thôn ở nhiệm kỳ này xuất bản tới 4 ấn phẩm: Kinh tế nông thôn, Kinh tế nông thôn cuối tuần, Kinh tế VAC chuyên đề cho dân tộc miền Núi và Báo điện tử. Số lượng phát hành đã lên tới 3.000 - 5 .000 tờ/kỳ, phát hành đến với các đối tượng bạn đọc là lãnh đạo địa phương, là hội viên nông dân, là doanh nghiệp nông thôn, ở tất cả các vùng trong cả nước.

Ở một số Tỉnh Thành, Hội địa phương và các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội cũng đã xuất bản tạp chí, thông tin chuyên đề hoặc xuất bản sách chuyên đề để tuyên truyền phát triển VAC: Tỉnh hội Bình Định, Tỉnh hội Hà Tây. Hàng quý hoặc năm xuất bản thông tin VAC, Câu lạc bộ trang trại Việt Nam xuất bản “Thông tin trang trại”. Trung ương Hội trong 5 năm qua đã xuất bản được trên 40 đầu sách kỹ thuật chuyên đề về kỹ thuật trồng cây con, kỹ thuật xây hầm Biogas, kỹ thuật nuôi cá .

Trong giai đoan 2009-2014 Trung ương Hội và Hội Làm vườn địa phương đã tổ chức tập huấn và đào tạo nghề bình quân 300.000 lượt/người/ năm. Điểm mới của hoạt động đào tạo huấn luyện cho hội viên, nông dân là phương pháp đào tạo đổi mới, có nội dung trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa học viên và giáo viên, giải đáp được những thắc mắc của nông dân trong quá trình sản xuất VAC, đã sử dụng cả công nghệ kỹ thuật thông tin để dễ tiếp thu. ở một số tỉnh hội đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền kỹ thuật làm VAC sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như: in ấn tài liệu phát cho nông dân, đưa thông tin lên Web site.

5. Nguyên nhân chính để đạt được các kết quả trên là do:

1). Hội có tôn chỉ mục đích đúng đắn, các cấp hội viên nắm vững tính chất của Hội để hoạt động, vận dụng bước đi thích hợp với tiến trình kinh tế - xã hội của đất nước.

2). Hội đã đi đúng đường lối quần chúng, từ tuyên truyền vận động, giác ngộ quyền lợi, tập hợp lực lượng và tổ chức, phát huy nội lực quần chúng nên phong trào đi nhanh, vững chắc.

3). Hội đã coi trọng chăm lo công tác tổ chức Hội, nhất là tổ chức hoạt động của cơ sở, nơi hàng ngày tiếp xúc với quần chúng về các hoạt động kinh tế xã hội cụ thể, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, động viên tinh thần tự nguyện, ham học hỏi nâng cao trình độ nghề nghiệp để hướng dẫn hoạt động đạt kết quả.

4). Hội đã luôn luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng – Chính phủ, cấp chỉ huy và chính quyền các cấp, tăng cường phối hợp hợp tác về các ngành, các cơ quan, các đoàn thể được sự ủng hộ, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để Hội hoạt động tốt, phong trào phát triển mạnh.

5. Hội đã mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức NGO nước ngoài, cùng tôn trọng đến lợi ích của nhau và thực hiện tốt những vấn đề cùng quan tâm để phục vụ phong trào và đời sống quần chúng.

6. Những bài học kinh nghiệm để phát triển kinh tế VAC:

Thứ nhất: Hội Làm vườn Việt Nam ra đời, trưởng thành và phát triển là nhu cầu khách quan đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, nhất là bộ phần còn nghèo, còn lúng túng về cách làm ăn, cách phát triển VAC để xóa đói giảm nghèo.

Thứ hai: Hội Làm vườn đã nhanh chóng lan rộng ra địa bàn cả nước, tổ chức Hội đã ăn sâu bám rễ đến các bản làng, đến các gia đình. Có thể nói chỗ nào có cộng đồng dân cư, chỗ đó có tổ chức Hội và hoạt động VAC.

Thứ ba: Những phong trào mà Hội đã khởi xướng, vận động và thúc đẩy thành phong trào qua các thời kỳ bao gồm: VAC dinh dưỡng, VAC kinh tế, phát triển kinh tế Hội theo hướng vườn cây, ao cá Bác Hồ, làm giàu theo các chương trình mục tiêu quốc gia, của Đảng và Nhà nước.

Thứ tư: Hội Làm vườn Việt Nam luôn coi trọng việc phát hiện điển hình làm VAC giỏi trong quần chúng nhân dân, xây dựng điển hình làm VAC giỏi thành phong trào lớn. Trong quá trình vận động và phát triển phong trào, Hội đã sử dụng tất cả các hình thức như: băng hình, hội thảo, giao lưu, tham quan, tập huấn, phổ biến rộng rãi các kinh nghiệm điển hình làm VAC giỏi và chuyển giao công nghệ làm kỹ thuật mới để phát triển kinh tế VAC, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội kinh tế công nghiệp và sản xuất.

Thứ năm: HLV các cấp đã tranh thủ được sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức Quốc tế. Cố vấn Phạm Văn Đồng đã nói: Hội Làm vườn Việt Nam góp nhiều công sức cho mục tiêu ích nước lợi nhà, xây dựng một hội kinh tế nghề nghiệp nhưng có ý nghĩa kinh tế chính trị vô cùng to lớn

Thứ sáu: Tiềm năng phát triển kinh tế VAC còn rất lớn, nhiệm vụ đặt ra cho Hội còn đang ở phía trước. các cấp Hội đã chú trọng những nơi còn xóa đói giảm nghèo, những nơi tiềm năng đất đai chưa khai thác hết và phát triển VAC theo hướng hiệu quả và bền vững, sản phẩm phải có tính cạnh tranh, phải tổ chức lại làm VAC liên kết theo chuổi để nâng cao giá trị của sản phẩm làm ra.

II. Phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ VI.

Trên cơ sở “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội”, Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” được Chính phủ phê duyệt, Hội Làm vườn Việt Nam xác định phương hướng, nhiệm vụ của Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC  đã được Đại hội đại biểu HLV VN lần thứ VI nhiệm kỳ VI (2014-2019) xác định như sau:

1. Về phương hướng chung

Là tổ chức nghề nghiệp xã hội chịu sự quản lý Nhà nước của ngành Nông nghiệp, Hội Làm vườn Việt Nam phấn đấu tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp và nông thôn. Trọng tâm là tiếp tục củng cố tổ chức Hội và phát triển kinh tế VAC thực hiện mục tiêu Xoá đói giảm nghèo và làm giàu, đóng góp tích cực vào Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và Chương trình “Xây dựng nông thôn thôn mới”.

2. Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

2.1 Về củng cố tổ chức của Hội Làm vườn các cấp

Củng cố và phát triển tổ chức Hội luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm kỳ này đặt trọng tâm vào việc củng cố tổ chức các hội và chi hội ở cấp xã và thôn, bản. Giải pháp thực hiện nhiệm vụ trên thứ nhất là ngoài việc phát triển thêm hội viên mới, thành lập thêm chi Hội cơ sở, duy trì chế độ sinh hoạt thường xuyên, cần chú trọng nâng cao chất lượng hội viên, không chạy theo thành tích tăng số lượng hội viên theo kiểu “đánh trống ghi tên”. Thứ hai là phát triển các mô hình tổ chức hoạt động có hiệu quả phát huy được vị thế Hội như mô hình Câu lạc bộ trang trại, Hợp tác xã cổ phần, công ty dịch vụ VAC thiết thực giúp hội viên phát triển sản xuất và kinh doanh dịch vụ... Thứ ba là rà soát chấn chỉnh lại tổ chức, khắc phục tình trạng sinh hoạt lỏng lẻo.

Để khắc phục tình trạng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, giao việc của địa phương cần nâng cao năng lực nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ Hội ở các cấp có khả năng vận động quần chúng, chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện các đề tài/dự án, mô hình để tham gia nhiều hơn nữa vào các chương trình trọng điểm của Nhà nước ở trung ương và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương và tạo vốn quỹ cho Hội hoạt động.

2.2 Về vận động phát triển kinh tế VAC

Phong trào làm kinh tế VAC thực hiện xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân do Hội đề xướng và vận động đã trở thành phong trào quần chúng. Phát triển kinh tế VAC đang trở thành 1 trong những giải pháp tăng nhanh thu nhập cho hộ nông dân đạt tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí về nông thôn mới và cũng là giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Hệ thống Hội Làm vườn các cấp vốn đã có kinh nghiệm chỉ đạo vận động và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế VAC cần chủ động tiếp cận và đề xuất xây dựng các chương trình/dự án tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở Trung ương và địa phương.

Hiện nay Phát triển kinh tế VAC theo hướng GAP đã trở thành phong trào ở nhiều vùng, nhất là ở vùng chuyên sản xuất hàng hoá đã được cấp chứng chỉ VietGAP, Global GAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Nhật , Hàn Quốc... Nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng GAP đã gắn kết được với các doanh nghiệp xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm ổn định. Đây là hướng triển khai làm kinh tế VAC thích hợp với xu thế hội nhập quốc tế cần được vận động và phát triển mạnh mẽ.

Cùng với những hướng vận động trên, các hoạt động đào tạo, chuyển giao khoa học kĩ thuật phát triển rau, hoa quả, thuỷ sản đặc sản, động vật quý hiếm trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao ở những vùng có lợi thế so sánh để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao phải coi là hướng trọng tâm cho các Hội làm vườn địa phương.

Để thực hiện nhiệm vụ này cần tổng kết và nhân rộng diển hình tiêu biểu xuất sắc trong phong trào làm kinh tế VAC, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Hội Làm vườn các cấp đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

2.3 Về đào tạo dạy nghề:

Theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, mỗi năm Nhà nước hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho 300.000 nông dân. Từ năm 2012 theo chỉ đạo của Chính phủ chương trình này giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT trực tiếp quản lý. Đây là cơ hội tốt để Hội Làm vườn các cấp phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNTN của địa phương tham gia vào chương trình.

Với trách nhiệm được phân công, các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội, các tổ chức Hội Làm vườn các cấp cần phối hợp với Bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT để tham gia chương trình dạy nghề VAC cho hội viên là nông dân.

2.4 Về thông tin tuyên truyền:

- Thông tin tuyên truyền về các hoạt động của Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC được Hội Làm vườn Việt Nam giao cho Báo Kinh tế nông thôn làm đầu mối. Báo Kinh tế nông thôn cần tiếp tục nghiên cứu tìm nguồn tài trợ để tiếp tục duy trì và tăng số lượng phát hành rộng hơn.

Trung ương Hội đề nghị Hội Làm vườn các địa phương nghiên cứu xây dựng được trang Web thông tin về phong trào phát triển kinh tế VAC. Các địa phương có thể tham khảo trang Web của Hội Làm vườn Việt Nam, Hội Làm vườn Thanh Hoá. Trung ương Hội cũng khuyến khích Hội Làm vườn các địa phương xuất bản được tờ tin như: Bình Định, Thái Bình, Thanh Hoá…

- Tích cực tham gia chương trình quảng bá các sản phẩm nông nghiệp nhằm tôn vinh những thành quả nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, Trung ương Hội giao cho Chi nhánh miền Nam, Báo Kinh tế Nông thôn phối hợp Hội Làm vườn, các Sở Ban ngành địa phương thực hiện.
    Tóm lại tronghoàn cảnh khó khăn của suy thoái kinh tế toàn cầu, là tổ chức nghề nghiệp xã hội mà phần lớn các tổ chức Hội các cấp không được thụ hưởng ngân sách, nhưng Hội Làm vườn Việt Nam và toàn thể hội viên đã phấn đấu và đạt được kết quả như đã trình bày ở trên là sự cố gắng to lớn rất đáng được ghi nhận. Trên tinh thần đó, Trung ương Hội và Hội Làm vườn các cấp cùng với trên 840 nghìn hội viên tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đại hội lần thứ VI đè ra nhằm đóng góp tích cực vào thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp và nông thôn nước ta ./.
                                                                                                           BAN BIÊN TẬP -HLV VN

Ý kiến độc giả (1)

:v

chúc chú thật nhiều sức khỏe!!!

( mai văn hảo )


Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 28
  • Lượt xem theo ngày: 538
  • Tổng truy cập: 3856139