NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN - 4. VAC mô hình sản xuất tuần hoàn tiêu biểu trong nông nghiệp - Hội Làm vườn Việt Nam

NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN 4. VAC mô hình sản xuất tuần hoàn tiêu biểu trong nông nghiệp

BBT: Mô hình VAC được Hội Làm vườn Việt Nam đề xuất, nhân rộng từ những năm 1980. Ban đầu mô hình VAC quy mô nông hộ nhỏ lẻ, với mục tiêu góp phần khắc phục khó khăn thiếu lương thực, nghèo dinh dưỡng, nhằm xóa đói giảm nghèo, khi đó khái niệm về nông nghiệp tuần hoàn còn chưa hình thành trên thế giới. Với sự hỗ trợ từ các chính sách nông nghiệp của Đảng, Nhà nước và sự xuất hiện các TBKT mới như công nghệ biogas, các chế phẩm vi sinh, đệm lót sinh học…VAC ngày càng trở thành mô hình sản xuất phổ biến không những tại các hộ nông dân, trang trại, mà còn ở các hợp tác xã, doanh nghiệp, kể cả tập đoàn kinh tế lớn vì VAC rất phù hợp với nguyên lý của nông nghiệp tuần hoàn, đang trở thành phương thức tất yếu trong sản xuất nông nghiệp.  

NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN - 4. VAC mô hình sản xuất tuần hoàn

tiêu biểu trong nông nghiệp

TS. Phạm Đồng Quảng - Tổng Thư ký Hội Làm vườn Việt Nam 

Mô hình VAC được Hội Làm vườn Việt Nam đề xuất, nhân rộng từ những năm 1980. Ban đầu mô hình VAC quy mô nông hộ nhỏ lẻ, với mục tiêu góp phần khắc phục khó khăn thiếu lương thực, nghèo dinh dưỡng, nhằm xóa đói giảm nghèo, khi đó khái niệm về nông nghiệp tuần hoàn còn chưa hình thành trên thế giới. Với sự hỗ trợ từ các chính sách nông nghiệp của Đảng, Nhà nước và sự xuất hiện các TBKT mới như công nghệ biogas, các chế phẩm vi sinh, đệm lót sinh học…VAC ngày càng trở thành mô hình sản xuất phổ biến không những tại các hộ nông dân, trang trại, mà còn ở các hợp tác xã, doanh nghiệp, kể cả tập đoàn kinh tế lớn vì VAC rất phù hợp với nguyên lý của nông nghiệp tuần hoàn, đang trở thành phương thức tất yếu trong sản xuất nông nghiệp.

1. Lịch sử hình thành, phát triển

Ngay từ khi thành lập (1986) Hội đã vận động hội viên nông dân khôi phục và phát triển nghề vườn theo ý tưởng của Bác Hồ “Trên vườn cây- dưới ao cá”. Hội đã đề xuất và vận động phong trào phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng ở khuôn viên hộ gia đình gọi tắt là VAC. Phong trào làm VAC do Hội vận động đi lên từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao, từ chăm lo cải thiện bữa ăn, chống đói, suy dinh dưỡng tiếp đến là có chút sản phẩm để bán và từng bước tiến lên phát triển VAC kinh tế hàng hóa góp phần xoá đói giảm nghèo và làm giàu. Theo GS. TS. Ngô Thế Dân, Nguyên Chủ tịch Hội LVVN có thể phân chia thành 3 giai đoạn phát triển như sau:

Giai đoạn 1( trước 1990) là phát triển VAC dinh dưỡng - xóa đói, giảm nghèo:

Đây là thời kỳ nước ta thiếu lương thực dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, ở trẻ em tình trạng này diễn ra rất phổ biến. Trọng tâm của thời kỳ này là vận động hội viên, nông dân trồng rau màu, cây ăn quả trong vườn nhà, nuôi gà, vịt lấy trứng, thả cá, nuôi tôm... nhằm cải thiện bữa ăn, chống đói, suy dinh dưỡng... Cuộc vận động này phát triển rất nhanh và được nông dân hưởng ứng nhiệt tình, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoan nghênh.

GS Từ Giấy là một trong số các nhà khoa học hoạt động trong Hội Làm vườn Việt Nam đã đề xuất và xây dựng hệ sinh thái vườn-ao-chuồng (VAC). Theo Ông, V là Vegetation không chỉ là vườn mà là các cây trồng phục vụ cho đời sống, A được hiểu là Aquaculture, nghĩa là mọi hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, còn C được hiểu là Cage for animal breeding, nghĩa là chăn nuôi không chỉ gia súc gia cầm, mà cả ong, chim … V liên quan đến cây trồng, A có liên quan tới nước và C có liên quan tới phân, đây là 3 yếu tố quan trọng hàng đầu trong nông nghiệp. Mục tiêu ban đầu của VAC dinh dưỡng bước đầu là tự giải quyết thực phẩm để cải thiện bữa ăn, tiến tới ăn no, ăn đủ chất rồi ăn ngon, ăn cân đối khoa học, văn minh. Hình thức VAC đi từ đơn giản, dễ làm. Ban đầu là mấy luống rau ngắn ngày ( rau dền, rau ngót, rau cải, mồng tơi ...) vài cây ăn quả dễ trồng ( khóm chuối, cây đu đủ), vuông ao nhỏ để nuôi, đánh tỉa thả bù cá nhỏ ( rô phi, chép` ...) chăn nuôi vài con gà mái cho trứng hàng ngày và cứ nâng dần, có nhiều rau, củ, quả và thực phẩm chất lượng cao hơn để bữa ăn phong phú, nhiều nhất bồi dưỡng sức khoẻ. Mô hình VAC dinh dưỡng bước đầu làm một số gia đình, một số điểm, rồi nhân rộng ra xóm,làng, tiến tới mở rộng ra các vùng, miền.Chương trình VAC dinh dưỡng phối hợp giữa Hội với UNICEF chỉ đạo qua 3 năm làm thử (1988 - 1999 - 1990) và 10 năm chính thức ( 1991 - 2001 ) lúc đầu chỉ có 4 xã điểm với trên 20 hộ, khi chương trình kết thúc đã có hàng vạn hộ có mô hình. Thành công và hiệu quả của phong trào VAC dinh dưỡng của thập kỷ trước không những được nhân dân ta khen ngợi mà được bạn bè quốc tế cũng khâm phục cho đây là một hình thức độc đáo của dân tộc Việt Nam. Từ đây Hội LVVNcũng mang tên thương hiệu VACVINA.

Giai đoạn 2 (1990-2000) là phát triển kinh tế VAC. Đây là thời kỳ đổi mới với các chính sách như Chỉ thị 35 của Ban Bí thư TW Đảng cuối năm 1985 về phát triển kinh tế gia đình coi hộ nông dân là đơn vị sản xuất tự chủ, hay Chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi núi trọc... nên sức sản xuất trong nông nghiệp được giải phóng, nhiều tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp xuất hiện, trong đó có kỹ thuật hầm biogas. 

Với cách làm dựa vào hội viên là chính, Hội đã huy động được sức dân và nguồn tài trợ của các tổ chức trong nước, nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, Hội đã thành công trong cuộc vận động phát triển kinh tế VAC. Ở nhiều địa phương, có tới 70-80% vườn tạp đã được cải tạo thành vườn có thu nhập khá. Diện tích ao hoang, chuồng trại được cải tạo trong 5 năm (2009-2014) là 320 nghìn ha. Cùng với cải tạo vườn tạp, việc tu bổ cải tạo ao hồ nuôi trồng thủy đặc sản cũng được đẩy mạnh ở nhiều địa phương. Các tỉnh có phong trào mạnh như Hà Bắc, Hải Hưng, Thái Bình, Hải Phòng… thì khôi phục phong trào nuôi cá nước chảy. Các tỉnh đồng bằng Nam bộ phát triển nuôi cá ao cạnh nhà. Tiếp đó là phong trào nuôi cá lồng ở 3 miền đều phát triển. Vùng ven biển thì mở rộng việc quy hoạch các vùng ao nuôi tôm, cua, lươn, ếch, ba ba…Tùy theo tính chất địa lý sinh thái của từng vùng mà các yếu tố V, A, C được nhân dân thực hiện rất đa dạng như VAC – VA – AC – VC hoặc sáng tạo thêm VACR (R- rừng), VACB (B- biogas)… Theo kết quả điều tra ở một số tỉnh, thành phố, thu nhập từ kinh tế VAC ở những vùng thuần nông chiếm tới 60-70%, có nơi như Hà Tĩnh chiếm tới 75%. Kết quả điều tra của HLV Hà Tĩnh còn cho thấy, thu nhập của những người dân chuyển từ đất lúa sang làm VAC tăng trung bình 3 - 4 lần.

Giai đoạn 3 (từ 2001 đến nay) là phát triển VAC hàng hóa. Điểm thuận lợi cơ bản của giai đoạn này là nền kinh tế nước ta bước vào hội nhập, thị trường quốc tế mở rộng , Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách mới cởi mở hơn nhằm khuyến khích trang trại phát triển, tiến tới nền nông nghiệp hàng hóa bền vững. Trọng tâm của thời kỳ này là phát triển kinh tế VAC theo chiều sâu, vận dụng tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu cơ vào phát triển kinh tế VAC. 

Rất nhiều mô hình làm VAC đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Do thu nhập từ VAC tăng nhanh, các hộ nông dân ở mọi miền đất nước đã tích cực dồn điền đổi thửa. Nhiều hộ nông dân có kinh nghiệm sản xuất giỏi đã đầu tư công của mở rộng quy mô sản xuất VAC trở thành trang trại VAC. Điển hình như tại xã Tam Dị (Lục Nam - Bắc Giang), trang trại của anh Khánh khai phá đất đồi, đào ao, thả cá, lập vườn trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam Canh, trên đồi cao trồng dứa... Ngoài ra, anh còn nuôi thêm lợn, chim câu, cá, thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Năm 2013, Câu lạc bộ trang trại của 3 huyện Gia Bình, Quế Võ, Thuận Thành của Bắc Ninh tổ chức tổng kết, con số lợi nhuận được công bố khiến không ít người bất ngờ. Có tới 70 trang trại thu nhập từ 1-10 tỷ đồng/năm, cho lãi từ 250-500 triệu đồng/năm. Đây chính là kết quả vận động người dân chuyển từ vùng úng trũng hàng năm sang làm VAC của HLV địa phương, giúp xóm làng đổi mới, nhà cửa khang trang, người dân phấn khởi. Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đánh giá, phát triển kinh tế VAC là một trong những giải pháp quan trọng để chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tăng nhanh giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. 

2. VAC mô hình nông nghiệp tuần hoàn tiêu biểu

Khi khởi phát phong trào làm VAC lúc đó chưa có khái niệm về nông nghiệp tuần hoàn. Đến nay, dựa theo các nguyên lý của nông nghiệp tuần hoàn, có thể thấy VAC thực sự là một mô hình nông nghiệp tuần hoàn tiêu biểu, ở đó chất thải hữu cơ và nước được tuần hoàn khép kín.

VAC

 

Trong mô hình nêu trên, các phụ phẩm từ trồng trọt được tái sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi, thủy sản - chất thải từ vật nuôi qua hầm biogas xử lý mùi hôi, thành phân bón hữu cơ, khi đốt cho sinh hoạt, giảm phát thải khí nhà kính - bùn ao (chất thải từ thủy sản, biogas, rửa trôi) hàng năm được nạo vét bón cho cây trồng. Không chỉ có vòng tuần hoàn chất hữu cơ như trên mà còn có vòng tuần hoàn nước: ao chứa nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước từ biogas - chúng được làm sạch bởi thủy sinh, hệ vi sinh vật trong ao - sẽ quay lại cho tưới cây, nước uống, nước tắm, nước rửa chuồng cho vật nuôi... Cứ như thế, đất được hoàn trả dinh dưỡng, phục hồi độ phì; nông dân giảm hoặc không phải chi tiền dùng phân hóa học; chất thải được tận thu, không gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm tạo ra an toàn, chất lượng.

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 28
  • Lượt xem theo ngày: 5211
  • Tổng truy cập: 3830109