SỬ DỤNG PHÂN BÓN HIỆU QUẢ 1. Thực trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón ở Việt Nam![]() BBT: Ngày 6/5/2022 Hội LVVN và Cục BVTV đã tổ chức Hội thảo " Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong nghề làm vườn ở Việt Nam" nhằm hưởng ứng việc thực hiện Chị thị số 653/CT-BNN-BVTV ngày 25/1/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. Mục đích của Hội thảo là góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của các hội viên HLVVN, bà con nông dân về sự cần thiết, cũng như các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong nghề làm vườn (chủ yếu là cây ăn quả) trong bối cảnh giá phân bón đang tăng cao. VACVINA trân trọng giới thiệu các bài tham luận tại Hội thảo tới bạn đọc.
THỰC TRẠNG SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG PHÂN BÓN Ở VIỆT NAM Cục BVTV- Bộ NN&PTNT Phân bón là vật tư nông nghiệp quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Trong nhiều thập kỷ qua, phân bón vô cơ đã góp phần quan trọng vào nâng cao năng suất, bảo vệ cây trồng, qua đó bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, trong một thời gian dài, để nâng cao năng suất, bảo vệ cây trồng, nông dân đã lạm dụng phân bón vô cơ, qua đó không những làm tăng chi phí sản xuất mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng, ô nhiễm môi trường, để lại dư lượng trên nông sản, từ đó làm giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong khi đó, từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón thế giới và trong nước liên tục tăng cao, nguồn cung hạn chế và còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, đại dịch Covid-19 kéo dài. Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, sử dụng phân bón lãng phí, làm tăng chi phí sản xuất, giảm thu nhập của nông dân và làm giảm sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Để khắc phục tình trạng nêu trên, cần phải đánh giá đúng thực trạng và đưa ra được các giải pháp khả thi nhằm sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, giảm chi phí đầu vào, tích hợp đa giá trị trong nông sản hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm và giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh kéo dài. 1. THỰC TRẠNG SẢN XUẤT, KINH DOANH PHÂN BÓN 1.1.Về số lượng và cơ cấu sản phẩm Tổng số phân bón đã được công nhận lưu hành trong cả nước là 24.491 sản phẩm, trong đó phân bón vô cơ chiếm 80,4% (19.693 sản phẩm), phân bón hữu cơ (bao gồm cả phân bón sinh học) chiếm 19,6% (4.798 sản phẩm). Sau hơn 3 năm thực hiện nhiệm vụ quản lý phân bón, cơ cấu số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ đã tăng từ chiếm 6,3% lên chiếm 19,6% và số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đã giảm từ chiếm 93,7% xuống còn chiếm 80,4%. Bảng 1. Số lượng và cơ cấu sản phẩm
1.2. Về sản xuất phân bón Cả nước có tổng số 841 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất 29,25 triệu tấn/năm của 780 tổ chức (doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể) hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó, sản xuất phân bón vô cơ với công suất 25,21 triệu tấn/năm (chiếm 86,2%), sản xuất phân bón hữu cơ với công suất 4,04 triệu tấn/năm (chiếm 13,8%). Tỷ trọng về công suất phân bón hữu cơ đã tăng từ 9,5% lên 13,8%, cùng với đó công suất về phân bón vô cơ giảm từ 90,5% xuống còn 86,2%. Về số lượng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng cơ sở sản xuất lớn nhất cả nước chiếm 40,78%, sau đó là các tỉnh Đông Nam bộ lớn thứ 2, chiếm 21,4% so tổng số cơ sở sản xuất phân bón trong cả nước. Về công suất, các tỉnh Đông Nam bộ có các cơ sở sản xuất phân bón với công suất lớn nhất cả nước, chiếm 23,63%, sau đó là Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 19,9%. 1.3. Về số lượng cơ sở buôn bán phân bón Hiện nay, cả nước có 31.701 cơ sở buôn bán phân bón. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có số lượng cơ sở buôn bán phân bón lớn nhất cả nước, sau đó là vùng Đồng bằng sông Hồng. Bảng 2. Số lượng cơ sở buôn bản phân bón trong cả nước
2. TÌNH HÌNH SỬ DỤNG PHÂN BÓN Hàng năm, Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Năm 2020, lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng là 10,23 triệu tấn (7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ), ngoài ra có khoảng 17 triệu tấn phân bón hữu cơ do nông hộ tự sản xuất để sử dụng từ các nguồn phụ phẩm sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản. Biểu đồ 1. Lượng phân bón vô cơ và hữu cơ (sản xuất công nghiệp) sử dụng ở Việt Nam giai đoạn 2017-2020. Lượng phân bón sử dụng trung bình bao gồm cả vô cơ và hữu cơ là 753 kg/ha gieo trồng. So với một số quốc gia trong khu vực, Việt Nam là một trong những nước sử dụng phân bón cao hơn so với mức trung bình trên thế giới. 2.1. Tình hình sử dụng phân bón hóa học Lượng phân bón vô cơ sử dụng trung bình trên cả nước là 560 kg/ha gieo trồng. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lượng phân bón vô cơ sử dụng trung bình là 754 kg/ha đất gieo trồng, bằng 135,3% so với trung bình trong cả nước và thuộc vùng có lượng phân bón vô cơ sử dụng trong sản xuất nhiều nhất trong cả nước Bảng 3. Lượng phân bón vô cơ sử dụng trung bình trên 1 ha đất gieo trồng
2.2. Tình hình sử dụng phân bón hữu cơ Lượng phân bón hữu cơ sử dụng trung bình trên cả nước là 1.431 kg/ha gieo trồng, trong đó lượng phân bón hữu cơ công nghiệp là 193 kg/ha - chiếm 13,5%. Trong đó, các tỉnh Tây Bắc sử dụng phân bón hữu cơ nhiều nhất và các tỉnh Tây Nguyên là vùng sử dụng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước. Bảng 4. Lượng phân bón hữu cơ sử dụng trung bình trên 1 ha gieo trồng
2. 3. Hiệu quả sử dụng phân bón Trong vòng 35 năm qua, cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, tiêu thụ phân bón vô cơ ở nước ta đã tăng đáng kể, gấp 8-9 lần. Cụ thể, lượng phân bón vô cơ sử dụng hàng năm (quy về dinh dưỡng N, P2O5 ,K2O) giai đoạn 1985-1986 chỉ 0,469 triệu tấn, giai đoạn 2000-2001 tăng lên 2,283 triệu tấn và đến nay đã là 4,23 triệu tấn năm 2017 và 3,82 triệu tấn năm 2020. Không thể phủ nhận phân bón hoá học đã góp phần quan trọng trong việc làm tăng năng suất và sản lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong 35 năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng phân bón vô cơ hiện nay khá thấp do sử dụng liên tục và thiếu cân đối trong thời gian dài. Trung bình hiệu quả sử dụng phân bón vô cơ chỉ đạt khoảng 30-50% (tùy theo chân đất, giống lúa, mùa vụ, lượng phân bón mà có hệ số sử dụng đạm, lân và kali khác nhau). Cụ thể như trong điều kiện lúa nước ở Việt Nam hệ số sử dụng đạm 30 - 45%; lân 15 - 25%; kali 40 - 50%; đối với cà phê vối kinh doanh trên đất đỏ bazan: Đạm 33 - 43%; Lân 13 -17%; Kali 35 - 48%. Như vậy, lượng phân bón bị thất thoát, cây không thấp thụ được trong quá trình sử dụng là rất lớn. Sự thất thoát này gây ra các thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính và gây ra phú dưỡng nguồn nước. Biểu đồ 2. Lượng phân bón vô cơ sử dụng ở Việt Nam giai đoạn 1985-2020 Quy về dinh dưỡng nguyên chất (đạm tổng số - Nts, lân hữu hiệu - P2O5hh, kali hữu hiệu - K2Ohh) thì lượng phân bón sử dụng trung bình là 410 kg/ha đất sản xuất nông nghiệp (ước tình từ N, P2O5, K2O trong các loại phân bón bao gồm cả vô cơ và hữu cơ). So với một số nước trên thế giới, lượng phân bón sử dụng trên đơn vị diện tích của Việt Nam thấp hơn một số quốc gia như Newzeland - 1.717 kg/ha, Malaysia - 1.539 kg/ha, Trung Quốc - 503 kg/ha, Ai Cập - 645,5 kg/ha và đang cao hơn một nước như Ấn Độ - 166 kg/ha, Thái Lan - 162 kg/ha, Philipin - 157 kg/ha, Campuchia - 178 kg/ha và gấp gần 3 lần so với mức trung bình trên thế giới - 138 kg/ha.
Biểu đồ 3. Lượng phân bón sử dụng trung bình trên 1 ha đất nông nghiệp quy đổi về dinh dưỡng (N, P2O5, K2O) ở Việt Nam và một số nước trên thế giới 3. TỒN TẠI, HẠN CHẾ 3.1.Thực trạng lạm dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp Tại một số vùng, lượng phân bón vô cơ đang được sử dụng cao hơn so với trung bình toàn quốc trong khi lượng phân hữu cơ sử dụng lại thấp hơn so với trung bình toàn quốc. Nếu không được giải quyết, điều này sẽ dẫn tới hệ lụy không chỉ đối với môi trường, sức khỏe con người mà còn dẫn tới tình trạng phát triển quá mức của sinh vật gây hại. Không chỉ có vậy, việc lạm dụng phân bón còn làm tăng giá thành sản phẩm, qua đó làm giảm thu nhập của người nông dân và giảm sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường 3.2. Nhận thức của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân còn chưa đầy đủ. Cơ quan quản lý ở nhiều địa phương chưa thực sự nhận thức được vai trò, hiệu quả của quản lý sử dụng phân bón trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương dẫn tới chưa dành sự quan tâm đúng mức cho công tác này. Điều này thể hiện rõ ở việc đa số các tỉnh chưa có các chương trình, kế hoạch cụ thể về quản lý, giám sát sử dụng phân bón trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của địa phương; chưa lồng ghép nội dung này trong các hoạt động của địa phương. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh chưa quan tâm đến việc tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng phân bón cho các đối tượng liên quan. Nhận thức và trách nhiệm của cơ sở buôn bán phân bón còn hạn chế, bị chi phối nhiều bởi các công ty sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; thêm vào đó họ không được cập nhật thường xuyên các quy định, hướng dẫn về quản lý sử dụng phân bón mà hầu như chỉ được tập huấn một lần đầu tiên để phục vụ việc cấp Giấy đủ điều kiện buôn bán. Điều này đã dẫn tới việc người buôn bán, vì lợi nhuận và nhận thức chưa đầy đủ, đã tư vấn cho người nông dân sử dụng phân bón chưa đúng. Người dân sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng phần lớn đang canh tác theo truyền thống, chưa cập nhật và chưa được tập huấn bài bản các kiến thức, kỹ năng sử dụng phân bón. Một phần do chưa chủ động được nguồn vốn từ đầu vụ, phải “mua thiếu” từ các đại lý cộng với hạn chế về nhận thức nên hầu hết người dân sử dụng phân bón theo tư vấn của các cơ sở buôn bán tại địa phương, vì vậy tình trạng sử dụng phân bón chưa đúng kỹ thuật (tăng liều lượng, tăng số lần sử dụng…), không tuân thủ theo khuyến cáo trên nhãn còn khá phổ biến 3.3. Thiếu các kết quả nghiên cứu khoa học mang tính hệ thống để phục vụ quản lý nhà nước Biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp và tác động trực tiếp đến ngành trồng trọt, đặc biệt tác động đến sự phát sinh và phát triển của sinh vật gây hại, các sinh vật gây hại mới ngày càng xuất hiện nhiều gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, đòi hỏi phải có các nghiên cứu cụ thể về tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp trong đó xem xét đến việc nghiên cứu sự thay đổi tập tính của sinh vật gây hại từ đó đưa ra dự tính dự báo sự phát sinh và phát triển của sinh vật gây hại. Trên cơ sở đó có hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý, an toàn và hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sử dụng phân bón còn chưa được đầu tư, triển khai rộng rãi từ trung ương tới địa phương. 3.4. Nguồn lực thực hiện công tác quản lý sử dụng phân bón còn chưa được quan tâm đầu tư.Một số địa phương chưa thực sự quan tâm, bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý sử dụng phân bón. Hệ thống các đơn vị chuyên ngành tại địa phương sát nhập, thay đổi cơ cấu tổ chức của ngành BVTV, gây nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đặc biệt trong công tác chỉ đạo các vấn đề liên quan hoạt động BVTV. 3.5. Công tác đào tạo tập huấn còn dàn trải, chưa sát thực tế: Công tác đào tạo, tập huấn trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào đào tạo tổng quát, còn thiếu các hoạt động tập huấn đặc thù cho từng cây trồng gắn với từng điều kiện canh tác cụ thể của mỗi địa phương. Nội dung tập huấn đang hướng đến sản xuất lúa là chính, gần đây đã có quan tâm đến cây ăn trái nhưng nhiều mặt hàng chủ lực khác của các địa phương đang chưa được quan tâm.Hình thức đào tạo còn đơn điệu, chủ yếu là tập trung người dân để giảng dạy thông qua sách vở, tài liệu mà chưa đa dạng hóa bằng cách học qua mô hình thực tế, sử dụng các ứng dụng trực quan, trao đổi hai chiều để người dân vốn có dân trí chưa cao dễ tiếp thu. 3.6. Các chuỗi liên kết đang được xây dựng tại các địa phương mới đang quan tâm nhiều đến khía cạnh kinh tế hơn là các vấn đề kỹ thuật. Rất ít cơ quan quản lý địa phương, chủ doanh nghiệp hoặc chủ thể tham gia vào chuỗi liên kết quan tâm tới việc tập huấn, thay đổi nhận thức của nông dân trong vùng liên kết về sử dụng cân đối, đúng kỹ thuật với phân bón. 3.7. Vai trò của Hợp tác xã, các tổ chức Hội trong việc quản lý sử dụng thuốc BVTV, phân bón và vùng trồng còn rất hạn chế. Các HTX, các Hội Nông dân, Hội Làm vườn hoặc các tổ chức đoàn thể khác chưa thực sự có vai trò trong việc tập huấn, hướng dẫn người nông dân sử dụng phân bón. Bản thân các chủ nhiệm HTX hoặc cán bộ tổ chức đoàn thể này cũng chưa nhận thức được rõ nét vai trò của bản thân trong việc tuyền truyền, hướng dẫn ch.o người dân. 4. GIẢI PHÁP 4.1. Về cơ chế chính sách Rà soát, đề nghị các cấp thẩm quyền ban hành các chính sách: - Khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, nhằm mục tiêu tăng số lượng phân bón hữu cơ theo Kế hoạch cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. - Hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất, tập trung ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất tập trung đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng theo quy định; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng trồng tập trung để gia tăng tính bền vững. - Hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã để các tổ chức này đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó tập trung vào hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực về quản trị, kết nối thị trường, tổ chức sản xuất…. 4.2. Đào tạo, tập huấn - Rà soát, hoàn thiện các nội dung, chương trình, tài liệu tập huấn chuyên sâu cho từng nhóm đối tượng nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân về hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý, an toàn và hiệu quả theo các quy định hiện hành trong đó chú ý đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh và những biến động khó lường về nguồn cung và giá phân bón. Trên cơ sở tài liệu chung, các địa phương xây dựng các tài liệu tập huấn phù hợp với từng loại/nhóm cây trồng theo điều kiện canh tác đặc thù của từng địa phương. - Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố phải chủ trì điều phối các cơ quan chuyên môn trực thuộc (Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục quản lý chất lượng...) phối hợp với các Hội Nông dân, Hội Làm vườn, các tổ chức đoàn thể và các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch và triển khai tập huấn hàng năm không để trùng lặp nội dung, đối tượng tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước cũng như nguồn lực xã hội hóa. - Gắn kết nội dung tập huấn theo chuỗi liên kết giá trị, không phân tách rời rạc các nội dung để tối đa hóa hiệu quả tập huấn. Bên cạnh tập huấn về kỹ thuật sử dụng phân bón thì trang bị cho học viên cả các kiến thức về quản trị, thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin để người dân, cán bộ, doanh nghiệp hiểu tại sao phải sử dụng phân bón đúng kỹ thuật và tiết kiệm. - Đa dạng hóa hình thức tập huấn, ưu tiên tập huấn qua mô hình thực tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tập huấn như hình ảnh minh họa, xây dựng clip, tài liệu điện tử…. 4.3.Thông tin, tuyên truyền Tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phân bón các chính sách liên quan; giới thiệu các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các Hội nghị, Hội thảo. Thực hiện các phóng sự, bài viết để truyền thông rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, mục tiêu và sự cần thiết phải sử dụng phân bón. Hướng cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý chuyển đổi nhận thức sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp chuyên nghiệp qua đó nâng cao trách nhiệm trong sử dụng phân bón. Phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp để đẩy thực hiện các nội dung thông tin tuyên truyền đặc thù của từng ngành hàng, từng nhóm sản phẩm, cây trồng... 4.4.Hợp tác công tư (PPP) và xây dựng chuỗi liên kết Tăng cường hợp tác công tư, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả gắn với các gói tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất trên các cây trồng chủ lực đặc biệt là các sản phẩm để xuất khẩu và tiêu thụ trong các chuỗi siêu thị, phân phối thực phẩm lớn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong việc tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân phân bón đúng kỹ thuật, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. 4.5.Áp dụng khoa học công nghệ Khuyến khích tăng cường áp dụng các gói tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để giảm lượng phân bón sử dụng trên đồng ruộng, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón thế hệ mới hiệu quả cao, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng. - Tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế để tổ chức vùng trồng theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng và tăng cường năng lực cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. - Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phân bón; tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm và năng lực của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế; tăng cường hợp tác để chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất, sử dụng phân bón từ các nước phát triển, các tổ chức quốc tế để áp dụng tại Việt Nam. 4.7.Về thanh tra, kiểm tra Tăng cường phối hợp, tổ chức triển khai quyết liệt và hiệu quả giữa các cơ quan, lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật trong sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón. Xử lý triệt để và công khai kết quả thanh tra, giám sát; thông tin các cơ sở có phát hiện vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng. 5.ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ Nhằm sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, giảm chi phí đầu vào, tích hợp đa giá trị trong nông sản hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm và giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh kéo dài, Cục BVTV đề nghị: 5.1.Đối với địa phương - Tăng cường công tác tổ chức tập huấn, truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất trồng trọt của địa phương. - Tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng và nhân rộng tiến bộ kỹ thuật, giải pháp, mô hình sử dụng phân bón hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. - Bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ quản lý sử dụng phân bón cân đối, hiệu quả, tránh lãng phí và triển khai chương trình sử dụng phân bón hữu cơ, mô hình sản xuất phân bón tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, rác thải sinh hoạt. - Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường phân bón, các cơ sở buôn bán tại địa phương. Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. 5.2.Đối với các doanh nghiệp - Chủ động tham gia liên kết sản xuất, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, các địa phương, các tổ chức liên quan để hỗ trợ, khuyến khích nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. - Tiếp tục xây dựng mô hình, truyền thông, tập huấn, hướng dẫn, khuyến khích nông dân tham gia sản xuất, sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. - Tăng cường ứng dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến để tạo ra các sản phẩm phân bón hiệu quả, chất lượng cao, thân thiện với môi trường, gắn với nguồn nguyên liệu sẵn có của Việt Nam. - Duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước. Cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống phân phối theo hướng cung cấp tại chỗ, giá thành minh bạch, hợp lý. - Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tổ chức truyền thông, hội nghị, hội thảo, tập huấn về sử dụng phân bón đúng kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. 5.3.Đối với Hội làm vườn - Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong công tác tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn nông dân nói chung, người làm vườn nói chung sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. - Tuyên truyền nâng cao nhận thức của của người dân và Hội viên về công tác quản lý và sử dụng có trách nhiệm vật tư đầu vào trong sản xuất trồng trọt. - Phản ánh tình hình thực tiễn sản xuất, nguyện vọng, đề xuất của hội viên và nông dân đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về phân bón, các vấn đề về sử dụng phân bón; giới thiệu các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, các sáng kiến và kinh nghiệm hay trong phát triển kinh tế vườn để nhân rộng trong sản xuất./. CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT Tin mới hơn
Tin cũ hơn
|
|
Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam |
Hoạt động có hiệu quả |
Hoạt động không hiệu quả |
Không có ý kiến |