VẬT NUÔI XỬ LÝ CHẤT THẢI HỮU CƠ - 6. Kỹ thuật nuôi trùn quế tại hộ gia đình - Hội Làm vườn Việt Nam

VẬT NUÔI XỬ LÝ CHẤT THẢI HỮU CƠ 6. Kỹ thuật nuôi trùn quế tại hộ gia đình

BBT: Nuôi trùn quế tại hộ gia đình là một cách rất tốt tận dụng nguồn rác thải hữu cơ sinh hoạt (bã chè, cafe, giấy, vỏ trứng; rác nhà bếp: rau, củ, quả; đồ ăn thừa…) hoặc phế phụ phẩm trồng trọt (gốc, thân, lá già, quả rụng…) khi làm vườn để tạo phân bón cho rau an toàn, cây ăn quả, hoa, cây cảnh; có nguồn thức ăn cho gia cầm, cá, chim cảnh... và góp phần tạo môi trường xanh sạch đẹp cho  mỗi hộ gia đình và cộng đồng.

Kỹ thuật nuôi trùn quế tại hộ gia đình

TS. Phạm Đồng Quảng - VACVINA ( tổng hợp)

 

1. Dụng cụ nuôi trùn tại nhà

1.1. Các vật dụng tự chế

a) Thùng xốp đục lỗ

Kích thước thùng khoảng 50x35x25 cm hoặc 70x70x45 cm. Dùng tre hoặc gỗ đóng các vỉ làm sàn nuôi, kích thước các vỉ phải vừa khít với kích thước trong lòng thùng, vỉ sà phải có khe hở để nước có thể thoát được. Ở 2 mặt bên của thùng phải khoét mỗi bên 2 lỗ: Lỗ dưới cách đáy thùng 5cm và ngang 5 cm ( thông hơi và thoát dịch trà trùn), lỗ trên cách nắp thùng 3cm xuống phía dưới, ngang 5cm ( thông hơi). Đặt viên gạch ống xuống đáy thùng rồi đặt vỉ tre lên đó.  Dùng bao, bạt hoặc lá chuối…trải lên trên vỉ sàn để ngăn cho chất nền không bị rơi xuống đáy thùng. Trải lên trên sàn một lớp chất nền dày từ 3 – 5 cm. Đặt khay, cốc hứng dịch trà trùn bên dưới 2 lỗ thoát ở đáy thùng. Làm nắp đậy thùng nuôi trùn quế bằng lưới đen hoặc bìa catton…đảm bảo che ánh sáng, thoáng mát và hạn chế trùn bò ra ngoài.

20220304_114428 (250 x 188)

b) Thùng xốp 2 tầng

Dùng 2 thùng xốp kích thước 50 x 35 x 25 cm hoặc lớn hơn. Thùng 1:  khoét các lỗ ở dưới đáy và xung quanh, đường kính  lỗ khoảng 3 – 5 cm; lấp đất, phân hữu cơ hoai mục và rải sinh khối trùn giống cho đầy thùng, sát đáy thùng 2 để trùn bò lên được.Thùng 2: khoét các lỗ ở đáy để cho trùn bò lên và thoát nước; đặt thùng 2 lên trên thùng 1; lấp đất, phân hữu cơ hoai mục chiếm 1/3 thùng, phía trên bỏ rác hữu cơ, phủ đất lên trên, để phân hủy làm thức ăn cho trùn. Tầng dưới là nơi chứa chất dinh dưỡng từ trùn thải ra và đem đi bón cho cây; có khay hứng nước ( trà trùn) thoát ra từ các lỗ ở đáy thùng.

c)Thùng xốp lắp ống khoan giếng

Sử dụng thùng xốp tương tự như trường hợp (a), nhưng không đục lỗ thoát mà một góc thùng được lắp một ống khoan giếng có các ren giúp việc lọc lấy dịch trà trùn dễ dàng, ngăn không cho phân trùn quế chảy xuống khay đựng và ngăn trùn quế bò ra ngoài. Đặt cốc, khay hứng dịch trà trùn bên dưới ống khoang giếng.

d) Các vật dụng nuôi tận dụng khác

Có thể tận dụng thùng gỗ, chậu cây cảnh, thùng xốp, khay nhựa…có sẵn, dưới đáy đục ít nhất 8 đến 10 lổ có dường kính 2cm, lót lưới để nước có thể chẩy ra nhưng trùn không chui ra được; cho sinh khối giống trùn vào ½-2/3 thùng, sau đó cho thức ăn hữu cơ dư thừa cho vào (cho ít, khi nào thấy trùn ăn hết mới cho ăn tiếp). Phía dưới đáy tìm 1 khay nhựa để hứng nước rỉ ra ( trà trùn).

20220306_101228 (250 x 188)

2.2. Nuôi trùn bằng dụng cụ chuyên dùng

- Trên thị trường đang bán một số loại thùng nuôi trùn chuyên dùng phù hợp với hộ gia đình ở thành phố hay nông thôn, ví dụ Khay nhựa nuôi giun trùn quế 3A (Công ty Cổ phần Đầu tư Tuấn Tú, TP. Hồ Chí Minh), Thùng nuôi trùn của công ty ECO ( Công ty CP NN hữu cơ Eco, Hà Nội).

20220305_173810 (250 x 188)

- Thùng nuôi trùn của công ty ECO có kích thước 45x45 cm, có 2 tầng nuôi tầng trên cao 32cm tầng dưới cao 20cm có các lỗ thông hơi thoáng khí cho trùn, có nắp đậy che chắn mưa nắng có van khóa để lấy dịch trà trùn, chân thùng cao 15cm. 2 tầng của thùng được lắp chồng lên nhau dễ dàng lấy phân , tách đàn.

- Khay nhựa nuôi giun trùn quế 3A với 3 khay nuôi, 1 khay hứng dịch, 1 khay nền được lắp đặt với nhau, có nắp đậy và chân đế hoàn chỉnh.

20220305_173539 (1) (250 x 188)

2. Một số biện pháp kỹ thuật cần lưu ý 

a) Vị trí đặt thùng nuôi: Có thể đặt thùng nuôi ở sân, vườn, tầng thượng…nơi thoáng mát, không có mưa tạt hoặc nắng gắt. Do trùn quế ưa tối, kỵ sáng, ưa mát mẻ ( 20-30oC) nên tránh nơi có ánh nắng mặt trời và phải che phủ toàn bộ thùng nuôi cả ngày lẫn đêm, vừa che sáng còn giữ độ ẩm môi trường ( khoảng 70%) để trùn sinh trưởng, sinh sản. Những đợt nắng nóng ( trên 35 độ) có thể di chuyển thùng nuôi vào nơi râm mát hoặc dùng bìa carton che nắng cho thùng. Tránh kiến, mối gây hại cho trùn; cũng như đề phòng ruồi, muỗi…có thể phát sinh.

b) Giống trùn: Tốt nhất là sử dụng giống trùn ở dạng sinh khối, trong sinh khối trùn có trùn trưởng thành, trùn sinh sản, trùn con, trứng kén trùn chưa nở và cơ chất ( chất nền) mà trùn đang sống quen…giúp chúng thích nghi với môi trường mới và sinh sản nhanh.

20220303_175322 (400 x 300)

c) Thức ăn:

- Nuôi trùn tại hộ gia đình mục đích là tận dụng nguồn rác thải hữu cơ sinh hoạt (bã chè, cafe, giấy, vỏ trứng; rác nhà bếp: rau, củ, quả; đồ ăn thừa…) hoặc phế phụ phẩm trồng trọt (gốc, thân, lá già, quả rụng…) khi làm vườn.

- Trùn không ăn trực tiếp được thức ăn mà phải nhờ hệ vi sinh vật công sinh ( có trong dịch trùn phun ra) phân giải trước sau đó trùn mới tiêu hóa được. Do đó tốt nhất băm nhỏ rác, càng nhỏ càng tốt, rồi thả vào 1 cái xô (khoảng 8 – 10 lít) tùy quy mô nuôi trùn. Rắc ít men ủ vi sinh (có nhiều loại trên thị trường) vào rác trộn đều, đậy nắp xô tránh ánh nắng trực tiếp. Sau 5-7 ngày ủ thì bốc rác đó cho trùn ăn.

- Nếu không ủ thì nên băm nhỏ rác, nếu bận thì có thể cho rác vào thùng nuôi luôn. Công việc của trùn quế là tự xử lý rác thải, tự ăn trong mức độ xử lý được. Tuy nhiên, do thức ăn phân giải chậm nên trùn chậm sinh trưởng, sinh sản kém hơn và có thể sẽ có mùi nhẹ khi rác phân hủy. Có thể dùng chế phẩm sinh học phun trực tiếp vào rác hữu cơ trong thùng, giúp giảm mùi hôi, tránh ruồi nhặng, kích thích phân giải, trùn ăn nhiều, mau lớn.

- Không cho trùn ăn các rác hữu cơ tính chua, cay hoặc có nhiều tinh dầu như: ớt, vỏ cam, bưởi, sả, hành tỏi,…vì có thể làm trùn chết hoặc sợ bò ra ngoài.

- Mỗi lần cho trùn ăn chỉ rải 1 lớp thức ăn lên  1/3 đến ½ diện tích bề mặt thùng, để thoáng khi và chỗ cho trùn ngoi lên. Trường hợp cho quá nhiều rác ( chưa ủ) vào thùng dẫn tới rác phân hủy sinh nhiệt lớn ( nhất là mùa hè), nước rác chảy khắp sinh khối làm thay đổi độ PH trong thùng; khi đó cần phải lấy bớt rác ra ngoài.

d) Giữ ẩm: sau khi thả trùn giống, cần tưới nước lên trên bề mặt, sao cho chất nền đệm ở dưới được ướt đẫm đều, che phủ bề mặt thùng bằng bao, bạt, tấm các tông… Tuy nhiên, nếu sinh khối ướt quá, thiếu ô xy nên trùn bị ngạt thở và bò ra ngoài. Khi đó, có thể thả mùn sơ dừa khô + giấy vụn + bìa carton băm nhỏ để hút ẩm, dừng cho thêm rác hữu cơ vài ba ngày.

đ) Thu hoạch

- Thu hoạch phân trùn: sau nuôi khoảng 2- 3 tháng có thể lấy phân trùn bằng cách gạt 5 – 7 cm lớp trên cùng của sinh khối (trùn thường sống ở lớp này) sang 1 bên thùng, sau đó bốc phân bên dưới ( có thể còn lẫn 1 ít trùn) bón trực tiếp cho cây ( rau, cây ăn quả, hoa, cây cảnh…), trùn có trong phân sẽ tiếp tục sống trong đất, giúp đất tơi xốp hơn.

- Thu dịch trà trùn: Nước này màu vàng nhạt, không có mùi và chỉ cần pha loãng 40 – 50 lần là có thể đem đi tưới cây trồng rất tốt. 

- Thu trùn tinh ( trùn thịt) cho chăn nuôi gia cầm, cá, cá cảnh…

- Tách đàn nuôi mới: nuôi sau 2-3 tháng là lượng trùn tăng lên gấp đôi, môi trường sống chật hẹp có thể làm trùn bỏ đi. Lúc này cần phải tách đàn nuôi trong thùng xốp mới và  thu bớt phân trùn.

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 66
  • Lượt xem theo ngày: 5100
  • Tổng truy cập: 3819975