XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI BẰNG CHẾ PHẨM SINH HỌC - Hội Làm vườn Việt Nam

XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI BẰNG CHẾ PHẨM SINH HỌC

 Từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước người ta đã sử dụng các chất men để giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi được gọi là “Chế phẩm EM (Effective Microorganisms) có nghĩa là vi sinh vật hữu hiệu”. Ban đầu các chất này được nhập từ nước ngoài nhưng ngày nay các chất men đã được sản xuất nhiều ở trong nước. Các men nghiên cứu sản xuất trong nước cũng rất phong phú và có ưu điểm là phù hợp hơn với điều kiện tự nhiên, khí hậu nước ta. Người ta sử dụng men sinh học rất đa dạng như: Dùng bổ sung vào nước thải, dùng phun vào chuồng nuôi, vào chất thải để giảm mùi hôi, dùng trộn vào thức ăn… Dưới đây là một số chất men bổ sung làm giảm ô nhiễm trong chăn nuôi được sản xuất và nhập khẩu.

  Một số những chất men bổ sung: 

TT

Tên sản phẩm

Bản chất sản phẩm

Tác dụng

Xuất xứ

1

Deodorase

Chất tách từ thảo mộc

Giảm khả năng sinh NH3

Thái Lan, Đức

2

EM

Tổ hợp nhiều loại vi sinh vật

Tăng hấp thụ TA. giảm bài tiết chất DD qua phân

Nhật Bản

3

EMC

Thảo mộc, khoáng chất thiên nhiên

Giảm sinh NH3, H2S, SO2, giải độc đường TH

Việt Nam

4

Kemzym

Enzym tiêu hóa

Tăng hấp thụ TA. giảm bài tiết chất DD qua phân

Thái Lan, Đức

5

Pyrogreen

Hóa sinh thiên nhiên

Giảm khả năng sinh NH3

Hàn Quốc

6

Yeasac

Tế bào men Sacharomyces

Tăng hấp thụ TA. giảm bài tiết chất DD qua phân

Đức, Thái Lan

7

Lavedae

Hóa chất

Diệt dòi phân

Thái Lan, Đức

8

DK, Sarsapomin 30

Chất chiết từ thảo mộc

Giảm khả năng sinh NH3

Hoa Kỳ

               

  1. Dùng chế phẩm sinh học Trichoderma ủ phân hữu cơ

Sử dụng chế phẩm Trichoderma ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng sẽ giúp tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất, phân giải nhanh các chất hữu cơ thành dạng dễ tiêu, cung cấp dinh dưỡng cho cây, chất lượng phân cao hơn đồng thời giúp phòng một số nấm bệnh gây hại cho cây trồng.

Tiến hành ủ phân trong các nhà trại để kiểm soát được độ ẩm, không bị mưa, nắng tác động. Nhà trại phải có nền cao hơn so với mặt đất khoảng 10cm. Vật liệu ủ gồm phân gia súc, gia cầm các loại; chất độn như: rơm, rạ, tro, trấu, lá thân cây làm phân xanh (lạc dại, cỏ stylo, các loại cây họ đậu...); phân lân; chế phẩm Trichoderma.

Các phế phẩm trộn trực tiếp với men Trichoderma. Trộn men vi sinh với supe lân. Cho một lớp phân gia súc, gia cầm vào hố ủ dày khoảng 20cm. Rải một lớp hỗn hợp. Hết lớp này lại rải tiếp một lớp hỗn hợp, một lớp phân gia súc, gia cầm. Cứ làm tuần tự cho đến khi đống phân cao khoảng 1 - 1,5m. Sau đó tưới nước đủ độ ẩm cho đống phân. Độ ẩm ủ phân phải đạt khoảng 50 - 55% (dùng tay nắm hỗn hợp phân ủ, thấy nước vừa rịn kẽ tay là được). Có thể tưới bằng nước phân lợn, nước urê (1kg urê pha với 100 lít nước). Không nên để quá khô, cũng như quá ướt làm chậm quá trình phát triển của nấm men. Không nên nén quá chặt sẽ làm hạn chế sự phát triển của nấm men, kéo dài thời gian ủ, chất lượng phân không tốt. Nên dùng bạt màu tối phủ kín đống phân để che nắng, che mưa. Sau 3 - 5 ngày nhiệt độ của đống phân sẽ tăng lên khoảng 70oC, làm ức chế sự nảy mầm của hạt cỏ cũng như tiêu diệt các loại mầm bệnh trong phân chuồng có thể gây bệnh cho người và gia súc. Sau đó, nhiệt độ hạ dần. Khoảng 20 ngày sau tiến hành đảo trộn từ trên xuống, từ ngoài vào trong cho đều, tấp thành đống ủ tiếp khoảng 25 - 40 ngày nữa là có thể sử dụng cho cây ăn trái, cây công nghiệp, các loại rau màu...

Chú ý, khi ủ phân, không nên dùng vôi, vì làm hủy diệt các vi sinh vật trong phân, nên bón ngoài ruộng trước khi làm đất là tốt nhất.

Với cách làm như trên, có thể sản xuất ra phân hữu cơ vi sinh, giá thành rẻ. Có thể tiết kiệm được 30 - 50% chi phí mua phân để bón lót. Hơn nữa việc sử dụng phân hữu cơ đã ủ với chế phẩm Trichoderma bón cho cây còn giúp làm phong phú hệ vi sinh vật có ích cho đất, phòng được một số bệnh trên cây do nấm gây ra, góp phần bền vững môi trường đất canh tác nông nghiệp.

  1. Chế phẩm BIMA và cách sử dụng

Chế phẩm sinh học với tên thương mại BIMA do Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu, sản xuất có chứa nấm đối kháng Trichoderma hiện đang được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp vì những đặc tính đa dụng của chúng.

Nấm đối kháng Trichoderma có trong BIMA có khả năng tiêu diệt và khống chế được các loại nấm bệnh hại cây trồng như Rhizoctonia solani, Fusarium, Phytopthora sp., Sclerotium rolfsii… gây bệnh thối rễ, chết yểu, héo rũ.

Cơ chế hoạt động của nấm Trichoderma là tiết ra một enzym làm tan vách tế bào của các loài nấm hại, sau đó tấn công vào bên trong và tiêu diệt chúng, bảo vệ cây trồng. BIMA còn có tác dụng tạo điều kiện tốt cho vi sinh vật cố định đạm phát triển trong đất, kích thích sự tăng trưởng và phục hồi bộ rễ, đồng thời có khả năng phân giải các chất xơ, chitin, lignin, pectin… trong các phế thải hữu cơ thành các đơn chất dinh dưỡng, tạo điều kiện cho cây trồng hấp thu dễ dàng.

BIMA có thể bón trực tiếp cho cây trồng, gồm các loại rau, hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp, giá thể ươm cây, làm tăng khả năng kháng một số nấm bệnh ở rễ. Chế phẩm bảo quản ở nhiệt độ 25-300C, nơi thoáng mát có thể kéo dài được 6 tháng.

Chế phẩm sinh học BIMA còn được dùng để ủ phân chuồng, có tác dụng làm mất mùi hôi nhanh (sau 01 tuần), làm phân mau hoai mục (chỉ sau 01 tháng, nhanh hơn cách ủ truyền thống từ 2,5-3 tháng). Sử dụng chế phẩm kết hợp với phân hữu cơ có tác dụng cải tạo làm cho đất tơi xốp hơn, tăng hàm lượng chất mùn và mật độ côn trùng có ích, giữ được độ phì của đất.

Cách ủ phân chuồng với chế phẩm BIMA:

Muốn ủ 01 tấn phân chuồng cần có: 3-5kg chế phẩm BIMA, 20-30kg phân supe lân (có tác dụng chống thất thoát đạm), dung dịch urê theo tỷ lệ 01kg urê/100 lít nước sạch, đất mùn, bạt nilon dùng để trải lót và phủ.

Trải bạt lót rồi trộn đều phân supe lân với đất mùn và chế phẩm BIMA. Sau đó đem hỗn hợp này trộn đều với phân chuồng, vừa trộn vừa tưới hoặc phun đều dung dịch urê cho ướt đều đạt độ ẩm 50-55% (dùng tay bóp chặt hỗn hợp, thấy nước rịn qua kẽ tay là được).

Đảo trộn lại một lần nữa rồi đánh đống cao và dùng bạt nilon đậy kín lại. Sau 4-5 ngày, nhiệt độ đống ủ tăng lên khoảng 600C, dỡ bạt để đảo trộn lại và phun thêm nước nếu thấy hỗn hợp khô. Sau 25-30 ngày, đảo lại một lần nữa, tiếp tục phun nước để giữ độ ẩm cần thiết. Nếu phân chưa hoai, ủ tiếp 30 ngày nữa, phân sẽ hoai hoàn toàn, đem sử dụng. Sản phẩm phân bón hữu cơ thu được có thể sử dụng kết hợp với phân NPK, urê, supe lân, kali, tro trấu.

                                                                       TS. Phùng Quốc Quảng -HLV VN (tổng hợp và giới thiệu )

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 30
  • Lượt xem theo ngày: 1453
  • Tổng truy cập: 3826355