Tổng quan về nông nghiệp hữu cơ
và cách tiếp cận trong sản xuất VAC tại Việt Nam
TS. Phạm Đồng Quảng - Tổng Thư ký Hội Làm vườn Việt Nam
Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe đất, hệ sinh thái và con người, dựa trên các quá trình sinh thái, đa dạng sinh học, thích nghi với điều kiện địa phương; không sử dụng vật tư đầu vào là những hóa chất tổng hợp như thuốc trừ sâu bệnh, phân bón, chất bảo quản, chất phụ gia; không sử dụng thuốc kháng sinh, hóc môn tăng trưởng, sinh vật biến đổi gen, các sản phẩm công nghệ nano, xử lý chiếu xạ sau thu hoạch; kết hợp canh tác truyền thống với tiến bộ khoa học công nghệ có lợi cho môi trường; thúc đẩy mối quan hệ và chất lượng cuộc sống của bên có liên quan (Nguyễn Quốc Vọng, 2017).
Nông nghiệp hữu cơ đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Tại nước ta, từ năm 2017 bộ TCVN 11041:2017 về Nông nghiệp hữu cơ gồm 7 phần: yêu cầu chung, trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ; gạo, chè, sữa, tôm hữu cơ đã được công bố. Ngày 29/8/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2020 với nhiều chính sách, biện pháp nhằm thúc đấy phát triển NNHC.
Tùy điều kiện cụ thể của địa phương, doanh nghiệp, HTX, nhà vườn (đặc biệt là vốn và thị trường tiêu thụ) trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất VAC nói riêng, chúng ta có thể lựa chọn 1 trong 2 cách tiếp cận NNHC theo quan điểm chỉ đạo tại Đề án phát triển NNHC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là " phát triển theo cả về chiều rộng (áp dụng rộng rãi các biện pháp hữu cơ: phân bón hữu cơ, thuốc sinh học...trong sản xuất nông nghiệp) và chiều sâu ( tăng tỷ lệ sản phẩm hữu cơ được chứng nhận)".
1. Sản xuất, thương mại sản phẩm hữu cơ được chứng nhận
- Mục tiêu: sản phẩm hữu cơ phải được chứng nhận, đạt hiệu quả kinh tế và các hiệu quả khác từ sản xuất hữu mang lại ( sức khỏe người lao động, môi trường, kết hợp với du lịch, dịch vụ…).
- Thị trường: trong nước ( tầng lớp trung lưu đang tăng mỗi năm 1,5-2 triệu người), xuất khẩu (cung không đủ cầu, các hiệp định FTA thuận lợi về thuế…);
- Lựa chọn tiêu chuẩn áp dụng theo yêu cầu của thị trường đầu ra ( ví dụ, EU chỉ chấp nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ của EU);
- Lựa chọn sản phẩm theo yêu cầu thị trường và phù hợp với điều kiện nơi sản xuất, khả năng đầu tư; ưu tiên sử dụng giống bản địa, chống chịu sâu bệnh, ngoại cảnh bất lợi…; lựa chọn vùng lợi thế ( độ phì đất, nguồn nước, đa dạng sinh học, cách ly tự nhiên với vùng sản xuất truyền thống…)
- Thúc đẩy chế biến, đa dạng hóa sản phẩm hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng, tăng thời gian bảo quản…( thực phẩm, nhà hàng hữu cơ, đồ uống, vải và hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ; dược liệu, thức ăn thô xanh; phân bón hữu cơ…)
- Kế hoạch, quy mô sản xuất phải sát với thị trường tiêu thụ; đa mục tiêu ( nông sản, thăm quan du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, kết hợp đào tạo…)
- Cần có tầm nhìn dài hạn, vượt khó khăn nhất là giai đoạn ban đầu.
- Liên kết giữa các hộ thành HTX, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ kỹ thuật, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
2. Ưu tiên áp dụng các biện pháp hữu cơ trong sản xuất ( sản xuất theo định hướng hữu cơ)
- Mục tiêu: sản phẩm chưa đủ điều kiện được chứng nhận hữu cơ, tuy nhiên đảm bảo an toàn thực phẩm; đạt hiệu quả về kinh tế, môi trường, sức khỏe người lao động; hoàn thiện để tiến tới sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ.
- Các biện pháp hữu cơ ưu tiên áp dụng:
+ Bón phân hữu cơ: tăng sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, phân sinh học hoặc các loại hữu cơ - khoáng và giảm tối đa sử dụng phân vô cơ; trồng cây phân xanh để làm phân bón hữu cơ;
+ Phân loại rác thải, xử lý rác thải hữu cơ, phế thải hữu cơ, tàn dư thực vật để trả lại tối đa cho đất (thu gom tại chỗ và xử lý bằng chế phẩm để tạo phân ủ compost; nuôi giun trùn quế; nuôi ruồi linh đen; che tủ đất giữ ẩm, chống sói mòn…)
+ Các biện pháp hữu cơ để phòng trừ sâu bệnh (sử dụng giống kháng sâu bệnh; cây giống - hạt giống khỏe, sạch bệnh; thuốc BVTV sinh học, các chế phẩm hữu cơ, bài thuốc thảo mộc, …), sử dụng sinh vật thiên địch (kiến vàng trên cây ăn quả; ong mắt đỏ diệt sâu đục thân mía, sâu đầu đen trên dừa; ong ký sinh diệt bọ dừa…); trồng hoa thu hút côn trùng có ích…
+ Các biện pháp tăng độ phì nhiêu, bảo vệ đất ( bón phân hữu cơ; trồng cây phân xanh; che tủ đất: không làm cỏ, tủ gốc, trồng cây che tủ…; luân canh, xen canh; cầy sâu, để ải đất…);
+ Các biện pháp tăng đa dạng sinh học: trồng xen, trồng nhiều cây trồng trên cùng diện tích; đa dạng giống, ưu tiên sử dụng giống bản địa; bón phân hữu cơ, canh tác hợp lý để bảo vệ hệ sinh thái, vi sinh vật đất…
( Các bài viết chi tiết về từng biện pháp hữu cơ sẽ được VACVINA dần giới thiệu tại chuyên mục VAC và nông nghiệp bền vững, mời các bạn đón đọc.
Toàn bộ nội dung bài viết xin xem file kèm theo:
Tổng quan về NNHC và cách tiếp cận trong sản xuất VAC tại Việt Nam
Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam |
Hoạt động có hiệu quả |
Hoạt động không hiệu quả |
Không có ý kiến |