GIỐNG CÂY ĂN QUẢ 12 giống bưởi ngon nổi tiếng nhất Việt Nam

GIỐNG CÂY ĂN QUẢ - 12 giống bưởi ngon nổi tiếng nhất Việt Nam
BBT: Có thể nói nước ta là có nhiều giống bưởi ngon tầm cỡ thế giới. Đa số là các giống đia phương, giống bản địa, đặc sản, một vài giống có thể có nguồn gốc nhập nội nhưng đã tồn tại ở trong nước ta từ rât lâu. 

12 giống bưởi ngon nổi tiếng nhất Việt Nam

TS. Phạm Đồng Quảng - Tổng Thư ký VACVINA ( tổng hợp)

1. Bưởi da xanh

Người đầu tiên trồng giống bưởi da xanh tại Bến Tre là ông Trần Văn Luông (Sáu Luông), sinh năm 1905, mất năm 1979 ở ấp Thanh Sơn II, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. ông Sáu Luông làm nghề lái xe ống lô thời Pháp. Khoảng năm 1940 ông Sáu Luông đi dự đám giỗ, ăn được giống bưởi ngon nên đem 3 hột về trồng. Thấy giống bưởi ngon, bà Ba Thời (con chú con bác ruột với ông Sáu Luông), ở ấp An Thuận, xã Mỹ Thạnh An (TX Bến Tre) chiết nhánh đem về cho cha là ông Trần Văn Ẩn (Ba Ẩn) trồng vào năm 1958. Sau đó, năm 1968, ông Trần Văn Đấu, (tức Tư Hạch), cháu ông Sáu Luông cũng chiết nhánh bưởi này đem về trồng ở xã Mỹ Thạnh An. Năm 1981, ông Bùi Thiện Mỹ (Năm Mỹ), rể ông Ba Ẩn cũng đến vườn bưởi ông Sáu Luông xin chiết nhánh về trồng. Nhận thấy giống bưởi ngon, năm 1996, ông Năm Mỹ đem dự thi ở Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và đoạt giải nhì. Tên gọi “Da xanh” xuất phát từ đặc điểm của quả khi chín vỏ của quả vẫn giữ màu xanh. Quả bưởi da xanh có hình cầu, trọng lượng trung bình từ 1,2-2kg/quả, vỏ dày màu xanh và khi chín sẽ ngả xanh vàng. Phần thịt múi bưởi màu hồng đỏ, nhiều nước, thơm đặc trưng và có vị ngọt thanh không chua, chất lượng được đánh giá nhất nhì trên thị trường trong nước, được xuất khẩu đến Mỹ, Châu Âu... Hiện nay, bưởi Da xanh còn được trồng ở nhiều vùng trên cả nước, trong đó có các tỉnh phía Bắc như Sơn la, Hòa Bình, Bắc Giang…

20230801_112829 (450 x 338)

2. Bưởi Năm Roi

Theo ông Bùi Văn Tước, Ấp Thuận Tân, xã Thuận An, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long thì cây bưởi năm roi ban đầu là cây trồng từ hạt. Vào các năm thuộc thập niên 1920, giống này lần đầu được nhà vườn ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long đem đấu xảo và trở thành nổi tiếng từ đấy (Võ Công Thành và ctv 2005). Giống được trồng khá tập trung ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long), nhân rộng ra các tỉnh Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre … Trong quá trình chọn lọc, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã tuyển chọn được một số cá thể bưởi Năm Roi tốt ( cây đầu dòng), có các đặc điểm như : Trọng lượng trung bình của quả sẽ đạt từ 1,5-3kg/quả.Dạng trái hình quả lê đẹp với phần đáy rộng,  vỏ mỏng, vàng nhạt khi chin. Phần thịt của quả có màu vàng nhạt, mọng nước và dễ tách khỏi múi. Khi ăn cảm nhận độ ngọt xen lẫn vị chua thanh, hương vị thơm ngon, đậm đà, không the đắng và đặc biệt là không hạt.

20230801_113231 (600 x 450)

3. Bưởi Tân Triều

Giống đã nổi tiếng vùng Nam bộ từ lâu, có xuất xứ từ xã Tân Triều ( tỉnh Biên Hòa cũ) nằm ven sông Đồng Nai, nay là xã Tân Bình thuộc huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Cái tên “Tân Triều” có ý nghĩa là “triều đình mới”, được đặt bởi vua Nguyễn Ánh. Nhãn hiệu “Bưởi Biên Hoà – đặc sản Tân Triều” được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận vào cuối năm 2006. Giống bưởi này có vỏ mỏng với quả hình dáng tương tự quả lê. Hương vị bưởi Tân Triều ngọt thanh và chua dịu, múi bưởi mọng nước và trắng vàng. Quả thường có trọng lượng trung bình khoảng từ 1,2-2,8kg/quả.

4. Bưởi Đoan Hùng

Là giống bưởi có nguồn gốc từ huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ và được xem là đặc sản tại vùng đất này; được mệnh danh là “bưởi tiến vua”, bởi thời phong kiến chỉ có tầng lớn vua chúa mới được thưởng thức. Cây sinh trưởng khoẻ, cao trung bình 4 – 5 m; đường kính tán trung bình 4 – 6m; lá xanh vàng. Ra hoa tháng 2 – 3, quả chín vào tháng 10 – 11/ Quả tròn, khối lượng trung bình 0,8 – 1,2 kilogam /quả. Vỏ của quả mỏng khi chín có màu vàng sang; múi bưởi ráo, cùi mỏng. Phần thịt màu trắng ngà, rất mọng nước, thơm đặc trưng, ăn có vị ngọt, thơm mát. Đặc biệt, bưởi Đoan Hùng có thể bảo quản đến 6 tháng, khi bổ ra hương vị vẫn ngon ngọt.

5. Bưởi Diễn

Bưởi Diễn có thể là một biến dị của bưởi Đoan Hùng, được canh tác lâu đời ở xã Phú Diễn – Từ Liêm – Hà Nội (nay thuộc 2 phường Phú Diễn và Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm Hà Nội). So với bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn chín muộn hơn, thu hoạch thường trước Tết Nguyên đán khỏang nửa tháng, mã quả đẹp hơn và trở thành giống đặc sản của vùng Diễn. Cây sinh trưởng khoẻ, cao trung bình 3 – 5m; đường kính tán trung bình 4 – 6 m; lá xanh vàng, eo lá hình tim bầu, đỉnh lá chia thuỳ rõ. Ra hoa tháng 2 – 3, quả chín vào tháng 11 – 12. Trái tròn, khối lượng trung bình 0,8 – 1,2 kg /quả. Vỏ quả mỏng, khi chín vỏ nhẵn, mầu vàng cam đẹp. Múi và vách múi dễ tách rời nhau;múi bưởi dầy, mọng nước, tép quả màu vàng xanh, ăn giòn, có vị vị ngọt thanh mát. Độ Brix từ 12-14. Ưu điểm của bưởi Diễn giống bưởi Đoan Hùng là thời gian bảo quản dài, có thể lên tới 3-4 tháng.Bưởi Diễn có tính thích ứng cao, hiện được trồng tại nhiều tỉnh thành ở phía Bắc, đều cho kết quả tốt.

6. Bưởi Phúc Trạch

Bưởi Phúc Trạch là giống đặc sản có nguồn gốc ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tại được trồng ở hầu khắp 28 xã trong huyện và các vùng lân cận. Bưởi Phúc Trạch được nhiều người xếp vào hàng một trong những giống bưởi ngon nhất nước ta hiện nay.  Cây sinh trường khoẻ, cao trung bình 3 – 5 m; đường kính tán trung bình 4 – 6 m. Ra hoa tháng 2 – 3, quả chín vào tháng 9 – 10. Quả bưởi có hình dáng cầu tròn hơi dẹt, vỏ không trơn, khi chín vỏ vàng xanh; trọng lượng trung bình từ 1-1,5kg. Mầu sắc thịt trái và tép múi phớt hồng, vách múi giòn dễ tách rời, thịt trái mịn, đồng nhất, vị ngọt hơi chua. Độ Brix từ 12-14.

7. Bưởi Thanh Trà

Bưởi được trồng nhiều trên đất phù sa được bồi dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, nhưng ở phường Thủy Biều. nằm phía Tây Nam thành phố Huế được nhận xét là ngon nhất bởi màu sắc và mùi vị của thanh trà sâu đậm hơn những chỗ khác. Bưởi Thanh Trà nhỏ hơn các giống khác, nặng trên dưới 0,7-1 kilogam, hình quả lê, vỏ màu vàng nắng. Phần thịt quả có múi vàng trong, ít mọng nước, vị ngọt thanh và thơm dịu, lưu lại lâu trong miệng sau khi thưởng thức. Thanh trà không những thơm ở các múi ruột của trái, mà thơm từ vỏ, từ lá, cả hoa thanh trà…

8. Bưởi Lông Cổ Cò

Giống bưởi Lông Cổ cò xuất xứ từ cây trồng hạt tại xã An Thái Đông, huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang. Do đặc tính giống có lớp lông tơ mịn trên chồi non, lá và vỏ của quả nên có tên là bưởi Lông và nguồn gốc tại Cổ cò (xã An Thái Đông). Giống này được trồng nhiều ở những huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và Thành Phố Mỹ Tho (Tiền Giang). Tán cây có xu hướng vươn cao, cành phân bổ tương đối đồng đều. Cây 5 tuổi có chiều cao trung bình 6-7m. Lá có phủ lớp lông mịn, khi còn non có màu xanh nhạt và khi trưởng thành lá có màu xanh đậm. Cách lá có hình tim ngược, bì lá lượng sóng ít, đuôi lá nhọn, phiến lá có hình bầu dục, không có hoặc ít phủ lên cách lá. Quả có hình dạng tương tự quả lê với bề mặt vỏ được phủ lớp lông tơ mỏng. Khi quả chín, vỏ có màu xanh vàng và phần thịt vàng đỏ. Bưởi Lông Cổ Cò rất dễ lột, hương vị ngọt đến chua ngọt nhẹ, rất mọng nước, ít hạt và thơm lừng. Quả có trọng lượng trung bình từ 0,9-2kg/quả.

9. Bưởi đường lá cam

Được trồng nhiều ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và Tân Uyên (Bình Dương). Dạng quả khá đẹp, phẩm chất ngon được thị trường trong và ngòai nước ưa chuộng. Quả có trọng lượng trung bình từ 0,8-1,2 kg/quả. Dạng quả có hình quả lê thấp, vỏ quả khi chín có màu vàng xanh, láng, nhẵn và tróc rất tốt. Các con tép bó chặt, vị ngọt rất ngon. Nhưng lại có nhược điểm là có khá nhiều hạt. Hiện nay giống này được nhân rộng và trồng khá phổ biến tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương…

10.Bưởi Luận Văn

Bưởi Luận Văn có nguồn gốc tại làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Giống bưởi này nổi tiếng vì là sản vật tiến vua, đặc biệt là thời hậu Lê. Quả bưởi Luận Văn khi nhỏ có màu xanh, nhưng khi chín chuyển dần sang màu đỏ gấc, vỏ quả, cùi quả, vỏ múi, có màu đỏ rất đẹp mắt. Quả có trọng lượng trung bình khoảng từ 1-1,2kg/quả. Phần thịt múi cùng có màu đỏ hồng, căng mọng nước, thơm ngon ngọt ngào thoảng hương mật ong đặc trưng.

11. Bưởi Hoàng

Là giống bưởi có xuất xứ từ thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Giống Bưởi Hoàng là giống bưởi ngọt, không the, được thu hoạch vào tháng 10 – 11. Quả bưởi rất to ( gấp 3 quả bưởi Diễn), có quả nặng  tới 2,5/kg. Trước khi chín, vỏ quả có mầu xanh lá nhạt,  khi chín xanh ngả vàng bắt mắt. Múi to mọng, vỏ mọng, ăn ngọt dịu đậm đà, nhiều nước. Khi ăn có hương thơm đặc trưng, ngọt ngào, vị thanh mát, không đắng và chát, chua dịu.

 12. Bưởi đỏ Tân Lạc

Nguồn gốc của bưởi đỏ Tân Lạc là từ xã Khánh Thương, Ba Vì, Hà Nội ( có ý kiến cho rằng người Pháp mang qua trồng tại đây). Cho đến năm 2004 được đưa về trồng ở nhà ông Trần Hùng, xóm Tân Hường 1, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Giống rất phù hợp với vùng này nên được người dân nhân rộng vào sản xuất. Theo thống kê, diện tích bưởi của huyện Tân Lạc có trên 1.000 ha, giống cũng đang được trồng ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc” được công nhận cuối tháng 11/2017 đã khẳng định chất lượng sản phẩm tiêu biểu của quê hương Mường Bi cũng như nỗ lực của chính quyền và nông dân huyện Tân Lạc. Bưởi đỏ Tân Lạc có quả hình tròn, vỏ màu vàng, nhìn khá giống với bưởi Diễn, nhưng bưởi đỏ Tân Lạc ăn ngọt vào ráo nước hơn. Khi chín tép bưởi có màu đỏ hồng, mọng nước, vị ngọt thanh mát, không bị he đắng và dễ tách ra khỏi múi. Tỷ lệ thịt quả trên 55%, quả có khối lượng trung bình từ 0,8kg -1,2kg. Hạn chế của bưởi đỏ Tân Lạc là nhiều hạt, thời gian bảo quản ngắn hơn so với bưởi Diễn.

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập