GIỐNG CÂY ĂN QUẢ CÔNG NHẬN LƯU HÀNH VÀ TỰ CÔNG BỐ LƯU HÀNH

GIỐNG CÂY ĂN QUẢ - CÔNG NHẬN LƯU HÀNH VÀ  TỰ CÔNG BỐ LƯU HÀNH
BBT: Theo quy định của Luật Trồng trọt 2018 và Thông tư 17/2019/TT-BNNPTNT giống mới của các loại cây ăn quả thuộc nhóm cây trồng chính gồm Bưởi, Cam, Chuối phải được công nhận lưu hành, các giống của các cây ăn quả còn lại chủ sở hữu tự công bố lưu hành trước khi đưa vào sản xuất kinh doanh.

GIỐNG CÂY ĂN QUẢ - CÔNG NHẬN LƯU HÀNH VÀ

TỰ CÔNG BỐ LƯU HÀNH

TS. Phạm Đồng Quảng - Hội Làm vườn Việt Nam

1. KHÁI NIỆM VỀ GIỐNG CÂY TRỒNG

- Theo khoản 24 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ ( Văn bản hợp nhất số 11/VPQH, 2022), giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.

- Theo Khoản 5 Điều 3 Luật Trồng trọt 2018, giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng.

- Như vây, khái niệm giống cây trồng giưa 2 bộ Luật trên có vẻ không hoàn toàn thống nhất? Lý do bởi Luật Sở hữu trí tuệ chỉ yêu cầu giống mới có tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, tên gọi đúng quy định và có tính mới về thương mại ( chưa bán ra thị trường khi nộp đơn) là đủ điều kiện cấp Bằng bảo hộ, mà không quan tâm đến năng suất, chất lượng, thích ứng của giống cao hay thấp. Tuy nhiên, theo Luật Trồng trọt 2018 giống mới muốn được công nhận lưu hành hay tự công bố lưu hành ngoài có tính khách biệt, tính đồng nhất, tính ổn định thì còn thêm yêu cầu giống phải có “ giá trị canh tác, giá trị sử dụng”, tức có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh, ngoại cảnh bất lợi hơn hẳn các giống khác trong cùng loài cây. Vì vậy, một cách chính xác khái niệm giống cây trồng trong Luật Trồng trọt 2018 phải là “giống cây trồng được công nhận lưu hành”.

- Sau đây chúng ta làm rõ hơn các yêu cầu để giống mới được công nhận lưu hành hoặc được tự công bố lưu hành:

+ Tính khác biệt là khả năng phân biệt rõ ràng của một giống cây trồng với các giống cây trồng được biết đến rộng rãi trong cùng loài thông qua ít nhất 1 tính trạng đặc trưng. Tính trang đặc trưng là tính trạng di truyền do gen, biểu hiện ổn định, ít bị ảnh hương của ngoại cảnh. Ví dụ, phân biệt các giống cam dựa vào 75 tính trạng đặc trưng. Hiện nay, Hiệp hội quốc tế bảo hộ giống cây trồng mới đã xây dựng được bảng các tính trạng đặc trưng của gần 300 loài cây trồng và Việt Nam chủ yếu sử dụng theo các hướng dẫn của UPOV.

+ Tính đồng nhất là sự biểu hiện giống nhau của giống cây trồng về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống. Nghĩa là đa số các cây trong quần thể phải đúng giống, chỉ cho phép 1 số rất nhỏ hoặc không có cây nào khác giống ( cây khác dạng).

+ Tính ổn định là sự biểu hiện ổn định của các tính trạng liên quan như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống.

+ Có giá trị canh tác, giá trị sử dụng, ngĩa là giống mới muốn được công nhận lưu hành phải có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh, ngoại cảnh bất lợi ( hạn, úng, rét, nóng…) hơn hẳn các giống khác trong cùng loài cây. Cụ thể, đối với giống cây trồng chính như ( cam, bưởi, chuối…) phải đáp ứng các yêu cầu về năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh, ngoại cảnh bất lợi quy định trong TCVN về giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống đối với từng loại cây trồng cụ thể.

2. GIỐNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN LƯU HÀNH (lúa, ngô, bưởi, cam, chuối, cà phê)

Theo quy định của Luật Trồng trọt 2018 và Thông tư 17/2019/TT-BNNPTNT giống của các loại cây ăn quả thuộc nhóm cây trồng chính gồm Bưởi, Cam, Chuối trước khi sản xuất, kinh doanh cây giống phải được cơ quan có thẩm quyền khảo nghiệm, đáp ứng các yêu cầu của  TCVN về tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định (DUS) và về giá trị canh tác, sử dụng ( VCU). Sau đó tổ chức, cá nhân có giống lập hồ sơ đề nghị công nhận lưu hành giống cây trồng theo các biểu mẫu mẫu Phụ lục II kèm theo Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ gửi Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT.  Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT xem xét hồ sơ, nếu đáp ứng quy định sẽ ban hành quyết định cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng.

Đối với giống địa phương ( giống đặc sản, giống bản địa) hoặc giống tốn tại trong sản xuất lâu đời tại địa phương thì theo thủ tục đặc cách, không phải khảo nghiệm như giống mới chọn tạo:
Bước 1. Địa phương làm một bản mô tả đặc tính của giống, hiện trạng sử dụng giống theo mẫu số 02, phụ lục III, Nghị định số 94/NĐ-CP.
Bước 2: Gửi bản mô tả đặc tính của giống, hiện trạng sử dụng giống và công văn đề nghị xét công nhận về Sở Nông nghiệp và PTNT.
Bước 3: Căn cứ Bản mô tả đặc tính của giống, hiện trạng sử dụng giống đề nghị đặc cách của địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét và lấy ý kiến các đơn vị cần thiết.
Trường hợp giống cây trồng đề nghị đặc cách đạt yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ làm hồ sơ theo quy định tại điều 5, Nghị định số 94/NĐ-CP đề nghị Cục Trồng trọt xét công nhận.
Trường hợp giống đề nghị không đạt yêu cầu, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ có văn bản trả lời đơn vị đề nghị.

3. GIỐNG TỰ CÔNG BỐ LƯU HÀNH

Các giống cây ăn quả khác không thuộc 3 loài cây trồng chính ( cam, bưởi, chuối) nói trên chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu khi tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng. Tổ chức, cá nhân có giống tự khảo nghiệm, đánh giá giống, lập hồ sơ tự công bố lưu hành theo mẫu Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ gửi Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT. Nếu hồ sơ hợp lệ Cục Trồng trọt ban hành  Thông báo tiếp nhận hồ sơ tự công bố lưu hành giống cây trồng kèm theo Bản  tự  công  bố  lưu  hành  giống  của cơ sở, bản công bố các thông tin về giống, qui trình canh tác giống…, công bố trên Website Cục Trồng trọt.

Giống tự công bố lưu hành là giống không thuộc nhóm cây trồng chính nói trên do đơn vị, tổ chức, cá nhân tự công bố và chịu trách nhiệm với nội dung công bố.
Bước 1: Đơn vị, tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ tự công bố lưu hành được quy định tại khoản 1, điều 6 Nghị định số 94/NĐ-CP.
Bước 2: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Cục Trồng trọt: Số 2, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập