GIỐNG CÂY ĂN QUẢ Giống địa phương và giống cải tiến

GIỐNG CÂY ĂN QUẢ - Giống địa phương và giống cải tiến
BBT: Trong sản xuất cây ăn quả hiện nay ở nước ta đang sử dụng các giống địa phương và giống mới chọn tạo ( giống cải tiến)...

GIỐNG CÂY ĂN QUẢ - Giống địa phương và giống cải tiến

1. GIỐNG ĐỊA PHƯƠNG

Theo khái niệm tại Nghị định 07/CP của Chính phủ ngày 5/2/1996 có nêu giống địa phương là giống đã tồn tại lâu đời và tương đối ổn định tại địa phương có những đặc trưng, đặc tính khác biệt với các giống khác và di truyền được cho đời sau.

Trong các tài liệu về duy trì, bảo tồn nguồn gen, định nghĩa giống địa phương - vốn đã được chọn lọc từ lâu đời qua nhiều thế hệ nông dân, những người trực tiếp canh tác và thụ hưởng thành quả canh tác đó - luôn có nhiều ưu điểm do đã được cải tạo, thuần hóa cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng như các điều kiện sinh thái đặc trưng tại địa phương.

Trong Luật Trồng trọt năm 2018 không nêu khái niệm về giống địa phương, tuy nhiên tại điểm a khoản 1 Điều 16 có quy định  các giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa, giống cây trồng đã tồn tại lâu dài trong sản xuất, nếu được địa phương đề nghị sẽ được xem xét công nhận lưu hành đặc cách với thủ tục rút gọn.

Trong lĩnh vực giống cây trồng nói chung, đặc biệt giống cây ăn quả, giống địa phương có vai trò rất quan trọng. Ví dụ, các giống bưởi phổ biến nhất ở nước ta hiện nay đều là giống địa phương như Da Xanh, Năm Roi...; nhiều giống mang tên địa phương nơi phát tích của giống như Diễn, Đoan Hùng, Tân Triều, Luận Văn, Phúc Trạch…

Nguồn gốc các giống địa phương:

Giống địa phương được chính những người nông dân địa phương phát hiện, tuyển chọn từ cây tốt nhất trong thực tế sản xuất. Những cá thể tốt nhất có thể bắt nguồn từ giao phấn chéo giữa các giống khác nhau hoặc các cá thể khác trong trong cùng giống, quá trình đó tạo nên những hạt giống ( cá thể) có nền di truyền tối ưu với nhiều đặc tính tốt hơn bố mẹ nó. Cũng có thể các "chồi đột biến" tự nhiên xuất hiện trên cây. Thông qua việc gieo trồng ngẫu nhiên các hạt giống giao phấn hoặc chiết ghép các "chồi đột biến" mà người nông dân có thể phát hiện ra cá thể tốt nhất từ đó mà giống mới dần được hình thành. Từ những cây ban đầu, bằng chiết, ghép, giâm cành...( nhân vô tính) giống mới được mở rộng vào sản xuất và vẫn mang đầy đủ các tính trạng của cây ban đầu.

Ví dụ, về sự tích giống bưởi Da xanh: Người đầu tiên trồng giống bưởi da xanh tại Bến Tre là ông Trần Văn Luông (Sáu Luông), sinh năm 1905, mất năm 1979 ở ấp Thanh Sơn II, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Ông Sáu Luông làm nghề lái xe ống lô thời Pháp. Khoảng năm 1940 ông Sáu Luông đi dự đám giỗ, ăn được giống bưởi ngon nên đem 3 hột về trồng. Thấy giống bưởi ngon, bà Ba Thời (con chú con bác ruột với ông Sáu Luông), ở ấp An Thuận, xã Mỹ Thạnh An (TX Bến Tre) chiết nhánh đem về cho cha là ông Trần Văn Ẩn (Ba Ẩn) trồng vào năm 1958. Sau đó, năm 1968, ông Trần Văn Đấu, (tức Tư Hạch), cháu ông Sáu Luông cũng chiết nhánh bưởi này đem về trồng ở xã Mỹ Thạnh An. Năm 1981, ông Bùi Thiện Mỹ (Năm Mỹ), rể ông Ba Ẩn cũng đến vườn bưởi ông Sáu Luông xin chiết nhánh về trồng. Nhận thấy giống bưởi ngon, năm 1996, ông Năm Mỹ đem dự thi ở Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và đoạt giải nhì.

Ngoài ra, có thể giống địa phương được nhập từ nước ngoài, sau thời gian dài dần mang tên địa phương. Ví dụ, nhiều ý kiến cho rằng Bưởi Đào Tân Lạc Hòa Bình (bưởi Đỏ Tân Lạc) có nguồn gôc chính xác tại xã Khánh Thương , huyện Ba Vì , Hà Nội, giống này do một người Pháp mang sang trồng tại đây. Một ví dụ khác về giống sầu riêng Ri6 gắn với tên tuổi ông Sáu Ri (tên thật là Nguyễn Minh Châu) ngụ tại xã Bình Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1999 ông mang giống sầu riêng của mình đi thi hội thi Trái Cây Ngon Đồng Bằng Sông Cửu Long và đoạt giải nhất. Từ đó giống được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Về sau để tạo thương hiệu cho giống sầu riêng của gia đình, con trai ông Sáu Ri là ông Nguyễn Minh Trung quyết định đặt tên giống là sầu riêng Ri6  để ghi nhớ công sức của cha mình. Nói về nguồn gốc chính xác của giống thì đây là giống nhập khẩu, được một người họ hàng của ông Sáu mang về từ Myanmar. Năm 1990 ông Sáu mua 6 cây giống và trồng trong khu vườn nhà mình. Thông qua nhân giống vô tính ( ghép, chiết, giâm...) mà từ cây tốt ban đầu giống được nhân ra rộng sản xuất mà vẫn giữ nguyên các đặc tính tốt của cây ban đầu. 

2. GIỐNG MỚI CHỌN TẠO ( giống cải tiến)

Giống mới chọn tạo hay giống cải tiến là giống được tạo ra thông qua lai hữu tính hoặc tạo ra các đột biến gen, đột biến nhiễm sắc thể hoặc thông qua quá trình biến đổi gen ( chuyển gen kháng sâu bệnh, chống chịu ngoại cảnh bất lợi…của loài hoang dã vào gen nôm của một giống). Thông qua đó có thể tạo ra những cá thể có nền di truyền hoàn hảo với những tính trạng ( năng suất, chất lương, chống chịu sâu bệnh, ngoại cảnh…) tốt hơn hẳn các giống hiện có từ đó giống mới được hình thành.

Giống cải tiến có thể do các nhà chọn tạo giống trong nước tạo ra hoặc thông qua con đường nhập nội trao đổi với các nhà tạo giống nước ngoài để du nhập vào Việt Nam.

Ví dụ, đa số các giống rau hiện nay trong sản xuất ở nước ta là các giống lai F1 được nhập khẩu. Trong sản xuất lúa hiện nay nước ta đa số sử dụng giống cải tiến ( trong nước hoặc nhập nội), tỷ lệ sử dụng giống địa phương rất ít, chỉ ở những nới có điều kiện đặc thù như vụ mùa ở ĐBSCL hay 1 số giống địa phương có chất lượng gạo đặc sản.

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập