Một số mô hình VAC hiệu quả cao của Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An

Một số mô hình VAC hiệu quả cao của Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An
BBT: Ngày 19-20/4/2022 Lãnh đạo Hội đã có chuyên thăm, khảo sát một số mô hình kinh tế VAC tiêu biểu của Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An.

 

Một số mô hình VAC hiệu quả cao của Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An

 Đoàn công tác của Hội Làm vườn Việt Nam, do PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội, làm trưởng đoàn, vừa đến thăm khảo sát một số mô hình phát triển kinh tế VAC trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

1. Mô hình "vườn chuẩn nông thôn mới" của gia đình ông Nguyễn Trung Chính (xã Minh Châu, huyện Diễn Châu)

Tiếp theo, Đoàn công tác đã đến thăm mô hình vườn chuẩn nông thôn mới (NTM) của gia đình ông Nguyễn Trung Chính (xã Minh Châu, huyện Diễn Châu), một trong những hộ đang xây dựng mô hình vườn chuẩn, vườn mẫu NTM. Mảnh vườn nhỏ trước nhà ông trồng rau màu, cây ăn quả các loại; quanh bờ rào được tô điểm bằng những bông hoa rực rỡ sắc màu.  

Với diện tích gần 500m2, gia đình ông Chính quy hoạch một cách khoa học, trồng mít Thái, bưởi da xanh và các loại rau xanh. Ông Chính chia sẻ: Trước đây, gia đình  trồng nhiều loại cây ăn quả và rau xanh, do không được quy hoạch bài bản nên thu nhập không cao. Khi xã triển khai xây dựng vườn chuẩn, vườn mẫu NTM, đồng thời được sự hướng dẫn của Hội Làm vườn Nghệ An, gia đình đã quy hoạch lại vườn, đầu tư thêm hệ thống tưới nước trong vườn cây, sử dụng phân bón hợp lý và áp dụng tiến bộ kỹ thuật để làm vườn mẫu. Tuy diện tích vườn không lớn nhưng nhờ quy hoạch bài bản nên rất đẹp mắt.

Ông Chính cho biết: “Nhờ hợp khí hậu, thổ nhưỡng, chăm sóc khoa học nên các loại cây ăn quả phát triển tốt, quả to, đẹp; còn rau màu luôn xanh tốt. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình thu nhập hơn 30 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2021, vườn của gia đình được công nhận là vườn chuẩn NTM cấp huyện và được hỗ trợ 15 triệu đồng.

Chia sẻ với đoàn về công tác thực hiện xây dựng mô hình vườn chuẩn, ông Lê Thế Hiếu , Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu, cho biết: Việc xây dựng vườn chuẩn NTM trên địa bàn huyện bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ, khẳng định hướng đi đúng của huyện với mục đích nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn hộ, tạo công ăn việc làm, tạo cảnh quan môi trường nông thôn, nâng cao các tiêu chí NTM, được đông đảo cán bộ, nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam chúc mừng huyện Diễn Châu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện mô hình vườn chuẩn NTM, cùng với sự vào cuộc của nhân dân là sự đồng hành của các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng. Xây dựng vườn chuẩn NTM trước hết là từ các nhóm hộ, đến các xóm và từng xã phải tạo ra phong trào “rủ nhau”, “đua nhau” làm vườn, cải tạo vườn và xây dựng vườn chuẩn. Mong rằng trong thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng thành công nhiều vườn chuẩn hơn nữa, góp phần để Diễn Châu  sớm trở thành huyện NTM.

ảnh-hlv-4.JPGTham quan mô hình trang trại tổng hợp sinh Thái ở xã Sơn Thành (huyện Yên Thành).

2. Mô hình Trang trại tổng hợp của anh Trần Bá Tá (xã Sơn Thành, Yên Thành)

Tại huyện Yên Thành, Đoàn công tác đến thăm trang trại tổng hợp hơn 6ha của anh Trần Bá Tá (xã Sơn Thành). Trang trại không chỉ  nuôi ốc, lươn, cá, đà điểu, cừu, lợn, gà và trồng nhiều loại cây ăn quả,... mà còn có triển vọng trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Mặc dù mới xây dựng cách đây 3 năm, nhưng ngay từ đầu, anh Tá đã quy hoạch từng khu, từng diện tích của trang trại để trồng cây ăn quả, hoa, rau xanh, tạo cảnh quan và cung cấp nguồn rau xanh hữu cơ làm thức ăn bổ sung cho vật nuôi; chuồng trại được xây dựng rộng rãi, tạo không gian cho vật nuôi được vận động và đảm bảo mật độ kiểm soát dịch bệnh tốt nhất; các ao nuôi ốc, lươn, cá được thiết kế hợp lý, thoáng đẹp, tạo cảnh quan hấp dẫn. Lối đi được lát gạch hoa văn và được trang trí hai bên đẹp mắt. Mô hình trang trại của gia đình anh Tá đang tiệm cận hình dáng khu du lịch sinh thái.

Anh Tá cho biết: Mặc dù trải qua nhiều nghề khác nhau và có thu nhập cao, nhưng tôi vẫn có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp, với làm vườn. Năm 2019, tôi quyết định đầu tư, cải tạo diện tích 6ha của gia đình trở thành trang trại tổng hợp, với ý tưởng sản xuất các sản phẩn hữu cơ, tạo cho môi trường trang trại xanh - sạch - không ô nhiễm,  phát triển trang trại trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Đến thời điểm hiện tại, gia đình đã đầu tư gần 20 tỷ để xây dựng và hiện đang trong quá trình hoàn thiện.

Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Nguyễn Xuân Hồng nhận xét: Phát triển kinh tế hộ theo mô hình trang trại sinh thái tổng hợp không phải là hướng đi mới nhưng với cách làm sáng tạo, đột phá, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật phù hợp trên các đối tượng cây trồng - vật nuôi, anh Tá đã thu được kết quả đáng khích lệ. Dự án hoàn thành là điểm sáng, là hình mẫu để bà con vùng miền đồi núi Nghệ An học tập và nhân rộng.

ảnh-hlv-7.JPG

Thăm mô hình nuôi ốc bươu đen ở xóm 8, xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương.

3. Mô hình Nuôi ốc bươu đen của anh Hoàng Hữu Yên, ở xóm 8, xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương

Trong hành trình của chuyến đi, Đoàn công tác đến thăm mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Hoàng Hữu Yên, ở xóm 8, xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương. Từ nông dân nghèo, anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi ốc bươu đen (miền Bắc gọi là ốc nhồi). Qua thời gian, anh trở thành người thuần phục, nhân nuôi ốc bươu đen với sản lượng lớn. Mỗi năm, nhờ nuôi ốc, anh có thu nhập 500 triệu đồng.

Năm 2016, nhận thấy nhu cầu của thị trường về con ốc bươu đen rất lớn, anh Yên mạnh dạn tìm tòi, học hỏi đầu tư vào loại ốc đặc sản này. Sau khi tìm hiểu kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi và các yếu tố  thời tiết ở quê, anh quyết định đầu tư vào trang trại nuôi ốc bươu đen. Trang trại được anh xây dựng cách nhà 100m với diện tích 8ha. Ban đầu anh dành 4.000m2 đất trong khuôn viên trang trại để đào ao nuôi ốc bươu đen. Đến nay, anh mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi ốc bươu đen  lên 2ha, nuôi thả hơn 1 triệu con giống. Phần diện tích trên các bờ ao, anh trồng cỏ, sắn và các loại cây ăn quả như chuối, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, mít Thái... Ngoài làm thức ăn cho ốc, các loại cây ăn quả này còn tạo bóng mát cho ốc bươu đen nuôi dưới ao…

Anh Yên cho biết: “Nuôi ốc bươu đen trong ao không tốn kém lắm, chỉ cần xây ao kín cho đỡ thất thoát, lượng nước vừa đủ, nền phủ lớp bùn mỏng, tạo các luống bằng cỏ và bèo tây để tạo bóng mát và ốc sinh sản giống môi trường tự nhiên. Thức ăn chủ yếu là cỏ, bèo cái, lá sắn, thân cây chuối. Ốc con thả nuôi tầm 3 - 4 tuần thì cho ăn bằng cám gạo. Thời gian ốc phát triển đến giai đoạn thu hoạch ốc thương phẩm khoảng 4 tháng”.

Mô hình của anh đang là đầu mối cung cấp ốc giống cho các hộ nuôi ốc bươu đen trong toàn huyện và cung cấp ốc thương phẩm cho các tỉnh miền Bắc. Sắp tới, anh sẽ mở rộng quy mô, đào thêm một ao để nuôi ốc giống và ốc thương phẩm.

Đánh giá về mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình anh Hoàng Hữu Yên, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Nguyễn Xuân Hồng cho rằng:  Nuôi ốc bươu đen không phải là mô hình xa lạ đối với người dân, nhưng đối với nông thôn Nghệ An, thì đây là hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần được nhân rộng. Với ưu điểm dễ nuôi, mức chi phí đầu tư thấp, thức ăn dễ kiếm, ít dịch bệnh, mô hình nuôi ốc bươu của gia đình anh Yên thực sự mở hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, tăng thu nhập cho bà con nông dân xứ Nghệ.

 Ngọc Lan - KTNT

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập