CÁC TỒN TẠI TRONG SẢN XUẤT VÀ SỬ DỤNG PHÂN BÓN Ở VIỆT NAM
PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ - Nguyên Giám đốc Viện KHNN Việt Nam
Chuyên gia cao cấp của Hội Làm vườn Việt Nam
Phân bón có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Từ ngàn năm nay, thế hệ cha ông ta đã đúc kết: Nhất nước, nhì phân... Theo các nhà khoa học, Phân bón đóng vai trò quan trọng trong tăng 40-60% sản lượng lương thực, thực phẩm toàn cầu, trong khi đó, Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) thì cho rằng, “đến 2050 sản xuất lương thực cần tăng thêm 60% trên toàn cầu và 77% ở các nước đang phát triển trong khi diện tích đất không thể tăng thêm”. Còn tập đoàn Nông nghiệp Agrium thì nhận định “Nếu không có phân bón, chúng ta cần tăng thêm ít nhất 50% diện tích đất canh tác, tương đương khoảng 25% diện tích rừng toàn cầu để có đủ lương thực cho 10 tỷ dân vào 2050”. Gần đây, tỷ phú công nghệ Bill Gate, tưởng rằng không liên quan và không quan tâm gì đến phân bón cũng có phát biểu rất tâm huyết và khách quan là: “Tôi phần nào đó bị ám ảnh bởi phân bón. Có nghĩa là tôi rất thích thú với vai trò của nó chứ không phải là cách sử dụng nó... Cứ hai trong năm người trên trái đất này được sống nhờ sản lượng cây trồng tăng lên do phân bón. Phân bón giúp động lực cho cuộc cách mạng xanh, bùng nổ năng suất để đưa hàng trăm triệu người trên toàn cầu thoát khỏi nghèo đói. Những ngày gần đây, tôi giành nhiều thời gian cho sáng tạo công nghệ mới để cải thiện cuộc sống của con người như phân bón đã và đang làm. Cho tôi nhắc lại điều này: 40% dân số thế giới đang còn sống hôm nay là vì vào năm 1909, nhà hóa học người Đức Fritz Haber đã phát minh ra phương pháp tổng hợp ammoniac”...
Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta việc sản xuất và sử dụng phân bón đang còn nhiều tồn tại, hạn chế như sau
1) Số lượng phân bón quá nhiều, gây khó khăn cho hướng dẫn sử dụng và kiểm soát chất lượng. Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến nay ( năm 2021) có 24.491 sản phẩm (bón rễ 21.289 và bón lá 3.202 sản phẩm) được công nhận lưu hành, trong đó phân bón vô cơ chiếm 80,4% (693 sản phẩm)
2) Mất cân đối trong nguồn cung phân bón hữu cơ. Hiện tại với nhiều cây trồng vẫn chủ yếu bón phân vô cơ mà không sử dụng phân bón hữu cơ, trong khi nguồn vật liệu để chế biến phân hữu cơ đang lãng phí, nhất là phân lợn.
3) Sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng: Do lợi nhuận, không ít cơ sở sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, thậm chí sản xuất phân bón không có tên trong danh mục phân bón được lưu thông trên thị trường. Tình trạng này chắc chắn sẽ gia tăng khi mà giá phân bón quá cao như hiện nay. Hy vọng Cục BVTV sẽ có số liệu cập nhật về tình trạng này và công bố thường xuyên trên phương tiện thông tin đại chúng.
4) Vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa: Việc đặt tên và ghi các nội dung trên bao bì cũng có nhiều bất cập như ghi bằng tiếng Anh làm cho nông dân hiểu lầm về xuất xứ hàng hóa kiểu như phân bón “công nghệ Nhật”, “công nghệ Mỹ”, “chất lượng châu Âu”…Cũng có một số phân bón sản xuất trong nước lại đặt tên nước ngoài hoặc tên không liên quan đến thành phần, công dụng của phân bón
5) Thiếu hướng dẫn sử dụng phân bón khách quan: Hiện nay khuyến cáo sử dụng phân bón chủ yếu do doanh nghiệp cung ứng phân bón mà thiếu đi hướng dẫn của cơ quan khuyến nông. Các dự án khuyến nong về phân bón rất ít và mang tính đơn lẻ. Hiện nay, quy trình sử dụng phân bón phải được tích hợp trong gói kỹ thuật đồng bộ kiểu như ICM…
Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam |
Hoạt động có hiệu quả |
Hoạt động không hiệu quả |
Không có ý kiến |