NHÂN RỘNG MÔ HÌNH VƯỜN MẪU RA ĐẠI TRÀ
Ngay sau hội nghị toàn quốc triển khai chương trình xây dựng mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu tổ chức tại Hà Tĩnh ngày 14-15/04/2018 do Phó Thủ tướng, ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ chủ trì, ngày 7 tháng 5 năm 2018 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường gửi thư cho các đồng chí là Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để một lần nữa nhắc các tỉnh cần có chương trình, ké hoạch triển khai xây dựng vườn mẫu , khu dân cư NTM kiểu mẫu phù hợp với điều kiện thực tế, đặc điểm về văn hóa xã hội, đặc thù của địa phương mình và nhu cầu của cộng đồng dân cư trên địa bàn. Trong thư có đoạn viết: “ Từ thực tiễn triển khai xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu tại các địa phương trong thời gian qua, nhất là ở tỉnh Hà Tĩnh, Hội nghị đã thống nhất đánh giá, nội dung khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu chính là giải pháp quan trọng nhằm trực tiếp nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân nông thôn; làm rõ hơn nội hàm về xây dựng nông thôn mới ở cấp cộng đồng - khu dân cư, cũng như từng hộ dân, góp phần khẳng định vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng và nâng cao chất lượng, tính bền vững, hiệu quả xây dựng nông thôn mới. Do vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu các địa phương chủ động học tập kinh nghiệm của Hà Tĩnh để nhân rộng, phù hợp với điều kiện của từng nơi”.
Như vậy việc nhân rộng mô hình vườn mẫu đã thành một trong những nội dung hoạt động của chương trình NTM. Vấn đề đạt ra là Hội Làm vườn các địa phương cần tiếp cận thông tin kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai, nắm vững các giải pháp thực hiện để mô hình vườn mẫu được nhân rộng.
Kinh nghiệm xây dựng vườn mẫu ở Hà Tĩnh
Theo đánh giá của tôi, HLV&TT Hà Tĩnh đã rất năng động, nhạy bén trong việc phát huy thế mạnh của mình để thực hiện các kế hoạch kinh tế - xã hội của địa phương. Và khi các chương trình, dự án nắm bắt đúng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống, đúng định hướng phát triển thì không có lý gì chính quyền các địa phương không ủng hộ. Trong chương trình XD NTM, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đưa ra quan điểm để nâng cao thu nhập cho nông dân là: Phát triển nông nghiệp toàn diện, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Nắm bắt chủ trương này, HLV&TT Hà Tĩnh đã nhanh chóng tham mưu nhiệm vụ “Xây dựng mô hình vườn mẫu và sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong XDNTM”. Ngay lập tức, nhiệm vụ này được UBND tỉnh giao Hội thực hiện tại Văn bản số 1039/UBND-NL ngày 13/4/2012 và Văn bản số 4723/UBND-NL ngày 10/12/2013.
Ngay sau khi được chấp thuận chủ trương, HLV&TT Hà Tĩnh đã tiến hành khảo sát sơ bộ mỗi huyện 10 mô hình kinh tế vườn, biên soạn các tài liệu, xây dựng tiêu chí vườn mẫu và tổ chức tuyên truyền, tạo nên phong trào mạnh mẽ xây dựng mô hình vườn mẫu và sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đến cuối năm 2013, Hội đã xây dựng được 28 vườn mẫu ở huyện Cẩm Xuyên, sau khi tổng kết, rút kinh nghiệm, năm 2014, UBND tỉnh tiếp tục giao cho Hội xây dựng 240 vườn mẫu ở 48 xã NTM, năm 2015 là 220 vườn mẫu tại 44 xã NTM và năm 2016 xây dựng 250 vườn tại 50 xã NTM. Từ những con số này có thể thấy các đề xuất, sáng kiến của Hội đã đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống, phù hợp với các tiêu chí XD NTM nên nhanh chóng được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và nhân dân ủng hộ, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Con số vườn mẫu tăng theo từng năm đã chứng minh điều đó.
GS. TS Ngô Thế Dân thăm trang trại trồng CAQ và trao đổi với cán bộ HLV&TT Hà Tĩnh về kỹ thuật trồng cam
Điều tôi đánh giá cao trong việc triển khai mô hình vườn mẫu của HLV&TT Hà Tĩnh là, các bước thực hiện rất khoa học, từ thấp lên cao. Trước khi thực hiện mô hình, Hội hoàn thiện “Bộ tiêu chí vườn mẫu” gồm 5 tiêu chí, xây dựng phương án và dự toán xây dựng mô hình, khảo sát các hộ đủ điều kiện thực hiện, cuối năm mới phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương phân loại vườn.
Đặc biệt, để đảm bảo tiêu chí: “Sản phẩm từ vườn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, Hội đã xây dựng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, các vườn áp dụng “4 không” trong trồng trọt (không phân hóa học và phân tươi, không chất kích thích tăng trưởng, không hóa chất bảo vệ thực vật, không biến đổi gen) và “4 không” trong chăn nuôi (không thuốc kháng sinh, không chất cấm, tăng trọng, không nuôi nhốt, không biến đổi gen). Kết quả trong 10 mô hình vườn mẫu có sự chỉ đạo trực tiếp của Ban dự án cho thấy, kiểm nghiệm 12 mẫu rau, quả đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thu nhập từ trồng rau cao hơn 9,16 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Từ thắng lợi này, năm 2016, HLV&TT Hà Tĩnh được giao nhân rộng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ cho 460 vườn.
Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng được hơn 3.000 vườn mẫu, 80% số vườn được bình chọn thuộc loại A, thu nhập từ sản xuất VAC của các hộ đều cao hơn so với trước. Số liệu điều tra 15 vườn mẫu cho thấy, bình quân diện tích vườn là 2.520m2, thu nhập đạt 128 triệu đồng/năm (tương đương 509 triệu đồng/ha). Nếu vườn mẫu sản xuất rau quả là chính có thể đạt từ 600 - 900 triệu đồng/ha/năm. Không những thế, những khu vườn mẫu được quy hoạch gọn gàng còn tạo thêm sức sống cho mỗi vùng quê, như một bức tranh Xuân tươi sáng.
Vì vậy theo tôi, để vận động hội viên xây dựng vườn mẫu, điều quan trọng trước tiên là phải vận động họ xây dựng hầm biogas, ủ phân hữu cơ, thu gom rác thải, sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu ủ phân, không đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, vận động nông dân trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sinh học, giảm dần sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Từ kết quả xây dựng mô hình VACB (vườn, ao, chuồng và hầm khí sinh học biogas) thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới do Hội Làm vườn Việt Nam thực hiện năm 2016 ở 3 địa phương, xã Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), xã Nam Phong (Cao Phong - Hòa Bình) và xã Đông Sang (Mộc Châu - Sơn La) cho thấy, bón phân hữu cơ hoai mục, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học cùng với tưới nước sạch, vải thiều, cam và rau xanh đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, tươi ngon, tiêu thụ dễ dàng. Trong khuôn viên hộ gia đình, mùi hôi thối giảm rõ rệt, các loại vi khuẩn gây bệnh cho người và gia súc như Ecoli, Sanmolenla, trứng ký sinh trùng đều bị tiêu diệt hoàn toàn.
Những giai pháp chính để xây dựng vườn mẫu theo hướng an toàn thực phẩm ở địa phương gồm:
- Có văn bản chủ trương nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc triển khai xây dựng Vườn mẫu.
- Vườn mẫu là xây dựng NTM ở quy mô hộ tạo điều kiện để người nông dân sản xuất có hiệu quả, sản phẩm làm ra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao đời sống về vật chất tinh thần và cả đời sống văn hóa của người dân. Vì vậy vườn mẫu phải đặt trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Cần bổ sung thêm tiêu chí Vườn mẫu vào bộ tiêu chí về NTM hiện hành.
- Vườn mẫu tập trung xây dựng ở những địa phương đã đạt tiêu chí NTM. Xây dựng vườn mẫu là hoàn thiện thêm nội dung Chương trình MTQG về nông thôn mới là bước đi cần thiết để tiến đến xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu.
- Vườn mẫu do dân làm là chính, nhưng phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG cấp tỉnh, huyện.
- Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh, huyện phối hợp với Hội Làm vườn địa phương xây dựng Bộ tiêu chí Vườn mẫu phù hợp với địa phương mình trên cơ sở tham khảo Bộ Tiêu chí vườn mẫu của Hà Tĩnh xây dựng các phương án triển khai như lựa chọn hộ, in ấn tiêu chí tài liệu, hướng dẫn, tập huấn cán bộ thực hiện, tổ chức bình xét đánh giá, tổ chức sơ tổng kết rút kinh nghiệm, tổ chức các phong trào thi đua làm vườn mẫu đẹp...
- Cấp tỉnh có chính sách khuyến khích hỗ trợ, kinh phí Nhà nước hỗ trợ các hợp phần: Quy hoạch thiết kế (vẽ bản đồ 3D), đào tạo huấn luyện nông dân, tổ chức bình chọn vườn mẫu đạt tiêu chuẩn thi đua, khen thưởng, sơ tổng kết đánh giá. Kinh phí Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống, phân bón theo cơ chế khuyến nông hiện hành.
- Lập tổ chức kết nối nông dân làm vườn mẫu với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương mà lập các tổ chức nông dân. Có thể hướng nông dân xây dựng vườn mẫu sản xuất cùng loại sản phẩm ở quy mô một làng, một xã để có số lượng hàng hóa lớn và thống nhất chọn đầu ra cho sản phẩm như kinh nghiệm của Quảng Ninh.
Một số thuận lợi, khó khăn xây dựng Vườn mẫu:
1). Thuận lợi cơ bản xây dựng vườn mẫu thực hiện ở những địa bàn đã được công nhận là xã NTM, nông dân đã nhận thức được lợi ích của xây dựng NTM và tất nhiên sẽ nhận thức lợi ích của xây dựng Vườn mẫu. Vì xây dựng Vườn mẫu còn đem lại quyền lợi sát sườn hơn cả xây dựng NTM vì là công việc đem lại lợi ích riêng cho chính họ chứ không phải là bàn dân thiên hạ. Do đó, người nông dân sẽ sẵn sàng đầu tư công sức tiền của để có nơi sinh sống cho mình và cho con cháu sau này.
2). Xây dựng vườn mẫu là xây dựng NTM ở trong khuôn viên hộ gia đình, phù hợp với mục tiêu Chương trình MTQG XD NTM, là giải pháp hoàn thiện thêm của Chương trình này. Vì vậy, xây dựng vườn mẫu chắc chắn được Đảng và Nhà nước ở các cấp hoan nghênh và nông dân tham gia tích cực.
3) Xây dựng vườn mẫu có tính khả thi cao do mức đầu tư không lớn, các giải pháp khoa học kỹ thuật phần lớn là giải pháp thông thường đã vận hành ở nông thôn: ví dụ đầu tư làm hàng rào cây xanh quanh khuôn viên, sắp xếp lại các công trình phụ trong khuôn viên hộ như: giếng nước, nhà vệ sinh, nhà ủ phân, hệ thống tưới thoát nước thích hợp, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi dùng đệm lót sinh học giảm mùi hôi thối, dùng thuốc trừ sâu sinh học, bả sinh học để phòng trừ sâu bênh...
- Một số khó khăn:
1) Ở một số địa phương vùng đồng bằng đất chật, người đông, khuôn viên hộ gia đình đã hình thành lâu đời, đã kiên cố hóa, cổng kín tường cao. Nói đến xây dựng vườn mẫu ở vùng này là không dễ dàng vì tốn kém do phải đầu tư sắp xếp lại các công trình phụ đã được xây dựng từ trước.
2). Hàng hóa sản xuất ở vườn mẫu, số lượng thường ít lại tản mạn do nhiều gia đình làm, tổ chức thu gom và tiêu thụ là việc khó khăn. Vì vậy, nông dân làm vườn mẫu phải có tính cộng đồng cao, phải áp dụng quy trình sản xuất thống nhất, tự kiểm tra chặt chẽ chất lượng và có thể sản phẩm là đồng nhất từ 1 đến 2 loại quy mô cả làng hoặc cả xã, có như vậy mới kết nối được với doanh nghiệp tiêu thụ.
Tại Hội nghị Triển khai xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu,, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam đã kiến nghị giao triển khai xây dựng khu dân cư kiểu mẫu , vườn mẫu cho Ban Chỉ đạo dự án xây dựng NTM của tỉnh và Hội Làm vườn các địa phương thực hiện./.
Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam |
Hoạt động có hiệu quả |
Hoạt động không hiệu quả |
Không có ý kiến |