NHỮNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT CẢI TẠO VƯỜN TẠP ĐÃ ÁP DỤNG THÀNH CÔNG Ở VIỆT NAM

BBT: Cải tạo vườn tạp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội Làm vườn Việt Nam từ khi thành lập năm 1986 đến nay. Trong quá trình cải tạo vườn tạp nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng. Xin giới thiệu với độc giả bài viết về vấn đè này của TS. Nguyễn Văn Hiền- HLV VN.

vuontap4

1. Một số đặc điểm của vườn tạp

1.1. Khái niệm về vườn tạp

Vườn tạp là vườn quảng canh, là vườn đầu tư lạo động, vật tư, hàm lượng kỹ thuật ít, hiệu quả kinh tế thấp. Vườn tạp là vườn trồng nhiều loại cây ăn quả theo kiểu “mùa nào thức ấy” để cải thiện dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày của gia đình.

Vườn tạp có thể là vườn trồng một loại cây nhưng nhiều giống khác nhau, tuổi cây khác nhau dẫn đến trái to nhỏ khác nhau, màu sắc quả không đồng nhất, năng suất khác nhau và giá trị kinh tế kém.

1.2. Thực trạng và nguyên nhân tồn tại vườn tạp ở các vùng trong cả nước

Từ khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ 20 diện tích cây ăn quả ở các vùng trong cả nước không ngừng tăng nhanh. Song do thiếu quy hoạch và không xác định rõ loại cây ăn quả chính cho từng vùng, từng địa phương, nên chủ vườn ai thích cây gì thì trồng cây ấy. Chủ vườn thấy trên thị trường một loại cây nào đấy bán có giá là lập tức tìm mua bằng được cây giống ấy để trồng. Lúc bấy giờ chúng ta chưa có đủ các cơ sở sản xuất cây giống tốt, đạt tiêu chuẩn chất lượng, sạch bệnh. Người sản xuất chưa được hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả cặn kẽ, nên sau 3 – 4 năm trồng thì cây không ra quả hoặc ra quả không đạt tiêu chuẩn chất lượng như mong muốn ban đầu nên đã phải chặt bỏ để trồng cây khác.

Nguyên nhân tồn tại vườn tạp:

- Do chủ vườn chỉ trồng cây theo cảm tính chạy theo phong trào nhất thời quá nhiều loại cây không xác định loại cây ăn quả chủ lực trong vườn.

- Do hiểu biết vì điều kiện của vùng chưa đầy đủ cho nên chọn cây trồng, cơ cấu giống, chọn loại cây trồng không phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nên khó tránh được các bất lợi của thiên tai tác động đến vườn cây.

- Do vườn cây được trồng không phù hợp với yêu cầu sinh học của từng cây trồng dẫn đến hiệu quả sử dụng đất và các điều kiện sẵn có bị hạn chế.

- Do có biện pháp kỹ thuật tiến hành trồng, chăm sóc vườn cây các vấn đề kỹ thuật: Tạo hình, bón phân, cắt tỉa, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh v.v... chưa hợp lý.

- Do năng lực và vốn của chủ vườn chưa đáp ứng hoặc chưa hợp lý nên việc đầu tư chưa phù hợp với yêu cầu của cây.

1.3. Các loại hình vườn tạp

Theo kết quả điều tra khảo sát thực trạng vườn tạp ở các tỉnh phía Bắc và ở các tỉnh phía Nam cho thấy có các loại hình vườn tạp sau đây:

– Vườn trồng lẫn lộn nhiều loại cây ăn quả (có từ 3 giống hoặc loài trở lên). Vị trí trồng bố trí tùy tiện, sử dụng không gian không hợp lý. Trong quần thể cây trồng ở các vườn mối tương hỗ giữa các cây cùng loài và khác loài diễn biến theo chiều nghịch hơn là thuận, có sự cạnh tranh gay gắt về ánh sáng, độ ẩm và nguồn dinh dưỡng.

– Vườn chỉ có 1 – 2 chủng loại cây ăn quả, nhưng chất lượng giống không tốt. Do thiếu chuyên môn, ham giá rẻ nên rất nhiều chủ vườn mua cây giống của người bán buôn, bán rong nên không kiểm soát được tiêu chuẩn, chất lượng cây giống và có sạch bệnh hay không. Có trường hợp họ tự chiết lấy từ các cây đã mang bệnh để trồng (cam, quýt).

– Vườn đã được trồng 1 – 2 chủng loại cây ăn quả đủ tiêu chuẩn về giống song việc đầu tư, chăm sóc, bón phân, tưới nước, quản lý vườn cây không đúng kỹ thuật, dẫn đến cây trong vườn sinh trưởng kém, chậm ra hoa, kém đậu quả, sâu bệnh phát sinh không được phòng trừ kịp thời dẫn đến năng suất thấp, chất lượng kém. Vì vậy thu nhập hàng năm trên vườn thấp.

– Vườn trồng cây ăn quả xen với nhiều loại cây trồng khác như sắn, cây lấy gỗ (xoan, lát hoa, gió trầm, keo) hoặc các cây khác như tre, mây…Trong vườn không nhận thấy cây trồng nào là chủ lực. Loại vườn này thường cho thu nhập rất thấp.

  1. Tính cấp thiết của việc cải tạo vườn tạp

Từ thực trạng vườn tạp hiện nay cho thấy nhu cầu cải tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tình trạng không đồng đều về giống, không thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật thâm canh, chăm bón tùy tiện đã dẫn đến sự chênh lệch khá lớn về năng suất và chất lượng sản phẩm. Do đó thu nhập của người làm vườn thấp, không có điều kiện đầu tư thâm canh tiếp tục.

Người làm vườn cần chủ động cải tạo vườn tạp để vườn cây ăn quả nhà mình có năng suất cao, chất lượng tốt, đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, làm tăng thu nhập cho gia định và góp phần cải thiện môi trường sinh thái.

Để cải tạo vườn tạp được tốt người làm vườn cần có:

– Hiểu biết về kiến thức chuyên môn của nghề vườn, đối tượng cây trồng và kinh doanh trong vườn.

– Nắm được chủ trương chính sách phát triển kinh tế của địa phương, của ngành nông nghiệp về chính sách phát triển cây ăn quả.

– Phải có nguồn lực về tài chính nhất định để đầu tư và cải tạo vườn tạp.

– Phải có thông tin kinh tế về thị trường cây ăn quả.

  1. Những tiến bộ kỹ thuật đã áp dụng thành công trong cải tạo vườn tạp ở nước ta

Ghép cải tạo là một trong những biện pháp vô cùng quan trọng trong việc cải tạo vườn tạp. Ghép cải tạo để nâng cao chất lượng giống, chuyển đổi từ cây giống có chất lượng kém sang giống có chất lượng tốt, năng suất cao. Từ tiến bộ kỹ thuật ghép cải tạo, ngày nay nhiều hộ nông dân đã thành công trong việc cải tạo vườn tạp xoài, nhãn, vải… có năng suất chất lượng kém trở thành vườn cây ăn quả cho năng suất, chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ những giống xoài chua đã được cải tạo thành vườn xoài Úc, xoài Đài Loan thơm ngon được nhiều người ưa thích. Từ vườn vải chua đã ghép cải tạo thành vườn vải thiều Thanh Hà, vải thiều Lục Ngạn cho hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Nguyễn Tiến Ích ở Hoài Đức tỉnh Hà Tây cũ, từ vườn nhãn có chất lượng kém, ra quả cách năm đã ghép cải tạo thành vườn nhãn chin muộn Hà Tây cho năng xuất cao, chất lượng tốt, giá bán từ 40.000 – 60.000 đồng/1 kg quả. Hàng năm gia đình ông Ích thu hàng trăm triệu đồng.

         Nhãn là cây ăn quả có diện tích khá lớn của tỉnh Sơn La. Theo số liệu thống kê năm 2012 toàn tỉnh có trên 7.438 ha nhãn. Tuy nhiên có nhiều diện tích cho năng suất chất lượng quả không những thấp mà bán không được giá do chín tập trung vào tháng 7 - 8 hàng năm. Từ năm 2007, Sơn La đã triển khai một số mô hình ghép cải tạo giống nhãn chín muộn từ vườn nhãn trơ, năng suất, chất lượng quả thấp. Đến nay, vườn nhãn ghép cho quả chín muộn hơn chính vụ, bán được giá cao, chất lượng quả thơm ngon, dầy cùi hơn nhãn thông thường. Đến năm 2013, Sơn La đã ghép cải tạo được trên 800 ha nhãn chín muộn, trong đó phải kể đến các huyện Mai Sơn (270 ha), Yên Châu (120 ha), Mộc Châu (50 ha) và huyện Sông Mã (300 ha).

Cây nhãn, vải càng nhiều năm thì càng cằn cỗi, ít quả, quả nhỏ, nhiều gia đình đã phải phá bỏ hàng loạt cây già cỗi. Gần đây nhiều người dân đã tiến hành cải tạo, trẻ hóa vườn nhãn, vải bằng phương pháp ghép cải tạo với các giống nhãn, vải có chất lương tốt lên chồi gốc, chồi cành, những cây nhãn, vải già. Sau hai năm ghép, vườn nhãn, vải đã cho thu hoạch. Nhiều hộ gia đình thực hiện trẻ hóa vườn nhãn, vải đã có thu hoạch rất cao.

Ghép cải tạo còn được áp dụng làm tăng khả năng ra quả cho cây ăn quả và tạo cho lượng quả phân bổ đều trên cây. Biện pháp này được áp dụng vào việc ghép quả cho cây bưởi, ghép hoa cho cây lê….Ghép hoa đã làm cho cây lê ra nhiều quả, quả phân bố đều trên cây. Việc ghép hoa cho cây lê đã đươc thực hiện ở nhiều nơi như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Phần lớn diện tích trồng vải chủ yếu bằng giống vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn, chiếm trên 95% là giống chính vụ có thời gian thu hoạch ngắn (khoảng 20 – 25 ngày), chín tập trung vào tháng 6 hàng năm nên gây trở ngại lớn cho việc thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Mô hình ghép cải tạo thay giống vải thiều chính vụ bằng một số giống vải chín sớm ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) giúp rải được vụ thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao đã gây được sự quan tâm của người trồng vải ở nhiều địa phương. Đến nay diện tích các giống vải chín sớm của Lục Ngạn đã tăng lên khoảng 1.700 ha, chiếm gần 10% diện tích vải của huyện; đưa sản lượng vải sớm lên 5 - 6 ngàn tấn/năm. Đây cũng là biện pháp cải tạo vườn vải tạp, chuyển đổi giống cây trồng, góp phần rải vụ thu hoạch cho vườn vải.

Các vườn cây ăn quả như nhãn, vải, xoài…sau mỗi vụ thu hoạch đều phải đốn tỉa triệt để còn gọi là đốn đau. Việc đốn tỉa có tác dụng cắt bỏ những cành sâu bệnh, cành khô, cành chen chúc trong tán, cành vô hiệu làm cho cây thông thoáng, phát triển thêm cành mới hữu hiệu, tán cây tròn đều, tận dụng tối đa ánh sáng cho quang hợp. Mặt khác còn có tác dụng hạ thấp độ cao của cây sẽ thuận tiện cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ thực vật.

Với những vườn bưởi đậu quả kém, ra quả cách năm thì việc áp dụng các biện pháp cải tạo vườn tạp như cải tạo hệ thống tưới tiêu, tỉa cành tạo tán, đốn tỉa hàng năm, ghép cải tạo giống mới và cải tạo đất vườn là rất cần thiết. Song một biện pháp hết sức quan trọng trong cải tạo vườn tạp, làm cho cây tăng khả năng đậu quả, sai quả là biện pháp thụ phấn bổ sung. Kỹ thuật thụ phấn bổ sung rất dễ ràng thực hiện, đã được hầu hết người trồng bưởi ở các vùng bưởi đặc sản áp dụng. Để khắc phục hiện tượng kém đậu quả, mất mùa bưởi hàng năm nông dân các vùng trồng bưởu Phúc Trạch – Hương Khê – Hà Tĩnh, Chí Đán - Đoan Hùng – Phú Thọ, Đại Minh – Yên Bình – Yên Bái đã áp dụng biện pháp thụ phấn bổ sung, thụ phấn chéo cho cây bưởi. Người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái dùng phương pháp thủ công thụ phấn chéo cho hoa bưởi, tỷ lệ bưởi đậu quả đến 95%.

Kỹ thuật ghép hai thân cây vào nhau, nối cành vào thân cây nhằm mục đích một cây có hai loại quả, một cây có hai loại lá, hai loại hoa, chất lượng hoa, quả tốt hơn, nhiều hơn trước khi ghép. Từ đó đạt nhiều hiệu quả khác về góc độ cây cảnh, cho kết quả cải tạo hình dáng, biến từ cây cao thành cây lùn, nâng cao hiệu quả thẫm mỹ. Điều cần chú ý là cây ghép phải cùng họ, tốt nhất là cùng một giống, ghép vào thời gian cây đang trong thời kỳ phát triển đâm chồi nảy lộc. Bằng phương pháp ghép cải tạo ta có thể tạo được cây hoa giấy có từ 2 màu trở lên.

Chiết cành thường áp dụng cho khâu cần nhân giống cây con trong tạo hình cây cảnh, trồng mới cây ăn quả làm giảm bớt thời gian trồng cấy. Với biện pháp này có thể ứng dụng để làm cho cây lùn đi.

Đối với những cây ăn quả, trồng để tạo cảnh thì cùng với việc ghép phân bố lại số quả trên cây cho cân đối, đẹp mắt, người ta còn có thể ghép nhiều loại quả khác nhau trên cùng một cây theo thị hiếu tiêu dùng, làm tăng giá trị thẩm mỹ, tăng giá trị sử dụng của cây lên rất nhiều lần. Ghép quả lên cây nhằm mục đích phân bố lại số quả trên cây cho hài hòa, tạo điều kiện cho cây phát triển cân đối, khắc phục được hiện tượng trên cùng một cây có cành mang quá nhiều quả, lại có cành quá ít quả, đồng thời tạo ra quả có sự đồng đều cao hơn, từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho vườn cây.

Hiện nay ở nhiều địa phương nông dân đã áp dụng phương pháp ghép các loại quả có múi lên gốc bưởi để làm cây cảnh bán vào dịp tết. Ở Thanh Oai – Hà Nội, Khoái Châu - Hưng Yên… một số chủ vườn đã ghép 5 – 10 loại quả cam, quýt, bưởi, phật thủ lên gốc bưởi để bán với giá từ 1,5 đến 10 triệu đồng một cây.  

 

 

Top of Form

Bottom of Form

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 27
  • Lượt xem theo ngày: 5490
  • Tổng truy cập: 2974739