Kết quả và Kinh nghiệm phát triển Vườn mẫu
trong xây dựng NTM của Hà Tĩnh
Trích tham luận của Ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh
1. Vườn hộ một nhân tố trọng yếu trong xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu
Phong trào cải tạo vườn tạp ở Hà Tĩnh đã được triển khai thực hiện từ những năm 1990 và từ đó cho đến trước khi xây dựng nông thôn mới cũng đã được tổ chức triển khai, tái khởi động nhiều lần nhưng đều chưa mang lại hiệu quả không muốn nói là "thất bại". Nguyên nhân chính là việc triển khai thiếu đồng bộ, lãnh đạo, chỉ đạo chưa bài bản, chưa đưa được cả hệ thống chính trị xã hội vào cuộc, chủ yếu như việc làm của tổ chức Hội Làm vườn hay của Hội Nông dân, thiếu quyết liệt, thiếu phương pháp, chưa có bộ tiêu chí, chưa có hướng dẫn, chưa có chính sách để kích cầu, gần như chưa có mô hình nào thực sự thuyết phục, người dân chưa thấy được lợi ích của cải tạo vườn, chưa chủ động trong triển khai thực hiện…Việc làm chủ yếu là chặt bỏ các cây tạp, sau khi chặt bỏ cây tạp chưa quan tâm cao đến việc tổ chức sản xuất, thiếu quy hoạch, tùy tiện, chưa quan tâm cao đến việc lựa chọn cây trồng phù hợp, chưa quan tâm việc ứng dụng tiến bộ KHCN...
Từ khi triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới với quan điểm chỉ đạo của tỉnh là phải đi vào chiều sâu, nhất là những yếu tố sát thực nhất với người dân, vừa phải quan tâm cao phát triển kinh tế, đồng thời vừa phải quan tâm cao đến cảnh quan môi trường, văn hóa; cùng với việc phát hiện những bất cập trong quá trình thực hiện như việc bê tông gạch hóa hàng rào, vườn hộ thiếu quy hoạch, chỉnh trang và tổ chức sản xuất, chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm nặng, sự chủ động vào cuộc và vai trò chủ thể của người dân chưa được thể hiện rõ…nên tỉnh đã sớm có chủ trương xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu. Trong quá trình xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu lại sớm phát hiện ra vườn là nội dung quan trọng bậc nhất, có chiều sâu nhất trong xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu và nếu không tập trung thật cao cho nội dung này thì khu dân cư cũng chưa thể có chiều sâu và thuyết phục được.
2. Xây dựng Bộ tiêu chí vườn mẫu
Vì vậy tỉnh đã sớm ban hành tiêu chí Vườn mẫu, lần đầu tỉnh đã tin tưởng giao cho Hội Làm vườn tỉnh ban hành Bộ tiêu chí tạm thời làm thí điểm 240 vườn, sau đó UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí Vườn mẫu chính thức với 5 tiêu chí (như vậy từ 1 tiêu chí trong 10 tiêu chí Khu dân cư NTM kiểu mẫu thì tiêu chí vườn lại được cụ thể hóa ra với 5 Tiêu chí của Vườn mẫu).
- 5 tiêu chí Vườn mẫu từ quy hoạch đến tổ chức sản xuất, đến hiệu quả của vườn, cụ thể có các tiêu chí sau:
+ Tiêu chí Quy hoạch và thực hiện quy hoạch: Có bản vẽ hoặc sơ đồ quy hoạch - thiết kế vườn hộ được UBND xã xác nhận; Thực hiện đúng quy hoạch - thiết kế được UBND xã xác nhận.
+ Tiêu chí Ứng dựng tiến bộ khoa học kỹ thuật: Có hệ thống tưới, tiêu khoa học và ít nhất có áp dụng một trong các ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến khác vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến.
+ Tiêu chí Sản phẩm từ vườn: Sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Giá trị sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh chiếm tỷ lệ tối thiểu 75% tổng giá trị sản phẩm từ vườn.
+ Tiêu chí Môi trường - Cảnh quan: Tỷ lệ hàng rào xanh ≥ 80%; Tỷ lệ cây xanh trong diện tích đất ở của hộ gia đình ≥ 20%; Chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo đúng quy cách kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường (có sử dụng bể biogas hoặc chế phẩm sinh học; đảm bảo vệ sinh môi trường,...); có hệ thống mương thoát nước thải đảm bảo vệ sinh, không ô nhiễm môi trường; chất thải rắn hộ gia đình trước khi tập kết tại điểm thu gom phải được phân loại.
+ Tiêu chí Thu nhập:
++ Thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đối với cây trồng trong vườn so với thu nhập từ trồng lúa trong xã ≥ 5 lần;
++ Tổng thu nhập tối thiểu từ kinh tế vườn trong một năm (bao gồm tất cả các sản phẩm từ: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...): ≥ 60 triệu (Đối với vườn có diện tích ≤ 1000m2 ); ≥ 80 triệu (Đối với vườn có diện tích 1000m2 - 2000m2); ≥ 120 triệu (Đối với vườn có diện tích 2000m2 - 3000m2); ≥ 150 triệu (Đối với vườn có diện tích ≥ 3000m2).
Ngoài việc ban hành Bộ tiêu chí thì tỉnh yêu cầu bắt buộc khi công nhận thôn đạt chuẩn, xã đạt chuẩn, đạt chuẩn nâng cao, đạt chuẩn kiểu mẫu đều có quy định về vườn hộ (từ mức độ đạt được tất cả các vườn hộ theo diện rộng và số vườn mẫu đạt chuẩn tùy theo từng cấp độ đạt chuẩn, đạt chuẩn nâng cao, đạt chuẩn kiểu mẫu).
Sau thời gian 4 năm thực hiện “Bộ tiêu chí vườn mẫu” do Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh ban hành thực hiện tại 92 xã với số vườn mẫu được xây dựng 920 vườn. Để có hiệu lực thực hiện cao hơn, hiệu quả hơn, Hội Làm vườn và Văn phòng NTM tỉnh đã bổ sung hoàn chỉnh, tham mưu UBND tỉnh ban hành “5 tiêu chí vườn mẫu” (Ban hành kèm theo Quyết định ố 59/2015/QĐ-UBND ngày 24/11/2015) của UBND tỉnh Hà Tĩnh chi tiết như sau (có phụ lục kèm theo):
BỘ TIÊU CHÍ VƯỜN MẪU CỦA TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định ố 59/2015/QĐ-UBND ngày 24/11/2015)
Tiêu chí |
Nội dung tiêu chí |
Chỉ tiêu |
1. Quy hoạchvà thực hiện quy hoạch |
Có bản vẽ hoặc sơ đồ quy hoạch - thiết kế vườn hộ được UBND xã xác định |
Đạt |
Thực hiện đúng quy hoạch - thiết kế được UBND xã xác định |
Đạt |
|
2. Ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật |
Có hệ thống tưới, tiêu khoa học và ít nhất có áp dụng một trong các ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến khác và sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến |
Đạt |
3. Sản phẩm từ vườn |
Sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm |
|
Giá trị sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lục của tỉnh chiếm tỷ lệ tối thiểu 75% tổng giá trị sản phẩm từ vườn |
Đạt |
|
4. Môi trường cảnh quan |
Tỷ lệ hàng rào xanh |
≥ 80% |
Tỷ lệ cây xanh trong diện tích đât ở của hộ gia đình |
≥ 20% |
|
Chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo đúng quy cách kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường (có sử dụng bể Biogas hoặc chế phẩm sinh học; đảm bảo vệ sinh môi trường...) |
Đạt |
|
Có hệ thống mương thoát nước thải đảm bảo vệ sinh, không ô nhiễm môi trường; chất thải rắn hộ gia đình trước khi tập kết tại điểm thu gom phải được phân loại |
Đạt |
|
5. Thu nhập |
Thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đối với cây trồng trong vườn so với thu nhập từ trồng lúa trong xã |
≥ 5 lần |
Tổng thu nhập tối thiểu từ kinh tế vườn trong một năm (bao gồm tất cả các sản phẩm từ: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...) - Đối với vườn có diện tích ≤ 1000m2 - Đối với vườn có diện tích 1000m2 - 2000m2 - Đối với vườn có diện tích 2000m2 - 3000m2 - Đối với vườn có diện tích ≥ 3000m2 |
≥ 60 triệu ≥ 80 triệu ≥ 120 triệu ≥ 150 triệu
|
3. Chính sách hỗ trợ và tổ chức thực hiện:
Về chính sách, thì giai đoạn đầu tỉnh hỗ trợ xã đạt chuẩn trong năm 10 vườn mẫu/ xã với mức 20 triệu đồng/vườn mẫu đạt chuẩn; từ năm 2017 lại nay tỉnh điều chỉnh chính sách hỗ trợ đại trà cho tất cả những vườn đạt chuẩn vườn mẫu theo hình thức thưởng theo kết quả đầu ra với mức 5 triệu đồng/vườn. Ngoài chính sách của tỉnh, nhiều huyện, xã cũng ban hành chính sách riêng hỗ trợ xây dựng vườn mẫu; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (giống mới, tưới tiết kiệm, làm nhà màng...).
Trong quá trình tổ chức thực hiện đầu tiên tỉnh xây dựng thí điểm một số mô hình phù hợp từng vùng miền; sau đó tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm để nhân rộng và chính những mô hình này là điểm để các địa phương khác đến tham quan học tập. Trong quá trình tổ chức thực hiện kể cả giai đoạn làm mẫu và phát triển phong trào diện rộng thì Hội Làm vườn trang trại tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy cao vai trò của mình, phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, với các tổ chức hội và chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, Liên đoàn cán bộ thôn vào cuộc, tổ chức thực hiện các nội dung cụ thể, như: tập huấn hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, xây dựng Khung kế hoạch, phương án chi tiết để thực hiện; hướng dẫn ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức sản xuất, giới thiệu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; tư vấn hướng dẫn thực tế tại từng vườn hộ từ thiết kế quy hoạch vườn hộ đến lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp đến ứng dụng các tiến bộ KHKT....Từ kết quả đạt được phải nói là thuyết phục thì đã tạo ra một phong trào tự giác trong cộng đồng dân cư .Năm 2017 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phát động “Cuộc thi khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu” và trích 7,2 tỷ đồng khen thưởng cho 34 khu dân cư NTM kiểu mẫu (1 giải đặc biệt, 08 giải A, 10 giải B, 10 giải C, 05 khuyến khích) và 181 vườn mẫu đạt giải (01 giải đặc biệt, 30 giải A, 50 giải B, 70 giải C và 30 giải khuyến khích).
Quá trình đánh giá, công nhận Vườn mẫu được thực hiện chặt chẽ (UBND cấp huyện công nhận). Khi đánh giá các xã đạt chuẩn thì tỉnh cũng đến kiểm tra số lượng và chất lượng vườn, sau thời gian công nhận để đảm bảo bền vững thì tỉnh có yêu cầu các huyện tổ chức soát xét, đánh giá lại định kỳ.
Việc phát triển vườn mẫu không hiểu là chỉ làm ở một số vườn được lựa chọn, mà quan trọng hơn là triển khai ở diện rộng (ở Hà Tĩnh khi công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới thì có yêu cầu tối thiểu 90% tổng số vườn hộ trong toàn xã phải được cải tạo, chỉnh trang, đạt được tối thiểu 60% yêu cầu tiêu chí Vườn mẫu, đồng thời có ít nhất 20 vườn hộ đạt chuẩn).
4. Kết quả
Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh phong trào xây dựng Vườn mẫu đã trở thành trở thành phong trào lớn trên tất cả các địa phương, trên 80% tổng số vườn hộ đều đã được chỉnh trang, cải tạo ở mức độ này hoặc mức độ khác vì đây là yêu cầu bắt buộc công nhận xã đạt chuẩn NTM (xã đạt chuẩn NTM của tỉnh Hà Tĩnh là 97,8%); đã có có hơn 9.000 Vườn mẫu đạt chuẩn, bình quân một xã có gần 50 vườn đạt chuẩn (để đạt được chuẩn yêu cầu đặt ra khá cao và việc nghiệm thu công nhận chặt chẽ vì liên quan cả chính sách hỗ trợ).
Tất cả các Vườn mẫu đều thuyết phục, nhiều Vườn mẫu mang lại hiệu quả cao, như: Các vườn cây ăn quả ở các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc...các vườn ở đồng bằng tuy diện tích vườn nhỏ và điều kiện cũng khó khăn trong điều kiện thời tiết, khí hậu Hà Tĩnh nhưng cũng có nhiều vườn đạt hiệu quả cao như vùng chuyên canh sản xuất rau giống tại thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, rau gia vị tại thôn La Xá, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà; vườn ở thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn...Những vườn mẫu này không chỉ mang lại hiệu quả rõ nét về kinh tế mà còn rất rõ nét về cảnh quan, môi trường.
Một số vườn đã ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỷ thuật vào sản xuất, quản lý như: Mô hình tuần hoàn chất thải trong sản xuất nông nghiệp tại một số xã của huyện Hương Sơn; mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong làm vườn, giám sát truy xuất nguồn gốc sản phẩm; lắp đặt hệ thống giám sát nông nghiệp thông minh tại xã Kim Hoa huyện Hương Sơn, xã Tượng Sơn, xã Thạch Hà, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên,…Và Các tiến bộ KHCN được ứng dụng rộng rãi như tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel; sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường, sản xuất phân hữu cơ sinh học, phòng trừ sâu bệnh hại; quy trình sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ; hệ thống mương thoát nước nội vườn bằng kết cấu bê tông đúc sẵn; nhà màng nông nghiệp công nghệ cao…Tiêu biểu như: Ống dẫn cơ động công nghệ Israel ở xã Xuân Mỹ- huyện Nghi Xuân; dàn phun ở xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc và các mô hình tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa ở: Xã Hương Trạch, Hương Trà, huyện Hương Khê; Cẩm Yên, Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên; Vượng Lộc, Thượng Lộc, huyện Can Lộc và ở nhiều địa phương khác… Mô hình nhà màng sản xuất rau, hoa tại xã Tượng Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn - huyện Thạch Hà; nhà lưới sản xuất rau tại xã Đức La, huyện Đức Thọ; nhà lưới trồng hoa ở Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân…
5. Bài học kinh nghiệm:
Như vậy, để xây dựng thành công Vườn mẫu thì cần phải: có Bộ tiêu chí; phải đưa vào chỉ tiêu bắt buộc khi công nhận khu dân cư kiểu mẫu, xã đạt chuẩn, xã nâng cao, kiểu mẫu; cần có chính sách kích cầu; phải tổ chức thực hiện tốt một cách bài bản, cụ thể, sâu sát; cần phải xây dựng mô hình mẫu đồng thời với việc triển khai phong trào diện rộng (hiệu quả của mô hình phải được thể hiện rõ, phải mang lại lợi ích thiết thực cho người dân cả về kinh tế, cảnh quan, môi trường; tổ chức tham quan học tập lẫn nhau giữa các địa phương mang lại hiệu quả thiết thực); cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội phải có sự quan tâm cao (thực tiễn cho thấy nơi nào các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì trong điều kiện khó khăn vẫn tạo ra chuyển biến rõ nét).
6. Khó khăn, hạn chế và đề xuất
Tuy vậy, việc xây dựng Vườn mẫu của Hà Tĩnh cũng còn một số tồn tại, hạn chế cơ bản sau: Khối lượng hàng hóa sản phẩm tạo ra quy mô chưa lớn, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi còn hạn chế; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất còn chậm; các vườn chưa đạt chuẩn thì còn rất nhiều hạn chế, nhất là về hiệu quả kinh tế mà số lượng vườn chưa đạt chuẩn còn chiếm tỷ lệ lớn...Bên cạnh đó thì việc làm vườn tại vùng Hà Tĩnh nói riêng và cả khu vực miền Trung rất khó khăn do thời tiết, khí hậu bất thuận.
Để đẩy mạnh phát triển Vườn mẫu trong thời gian tới, cần quan tâm cao một số vấn đề sau:
- Phải thống nhất quan điểm phát triển vườn hộ trở thành một chủ trương lớn, trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị xã hội, Hội Làm vườn phát huy vai trò nòng cốt;
- Các địa phương cần phải đưa yêu cầu về Vườn mẫu là một yêu cầu bắt buộc trong công nhận Khu dân cư kiểu mẫu, xã đạt chuẩn NTM, đạt chuẩn nâng cao, đạt chuẩn kiểu mẫu và cần có chính sách khuyến khích phát triển Vườn mẫu;
- Quan tâm cao phát triển vườn theo hướng vườn sinh thái, hữu cơ, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ (sản xuất sản phẩm vườn từ tâm và công nghệ); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số...;
- Xây dựng các hoạt động mang tính liên kết từ liên kết nhóm hộ gia đình đến THT, HTX; tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi;
- Đối với khu vực miền Trung quan tâm cao ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Ở những vùng có điều kiện quan tâm phát triển vườn gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Trên đây là một số kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh và một số đề xuất về định hướng phát triển vườn hộ trong thời gian tới. Hà Tĩnh cũng rất mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của Trung ương Hội, các địa phương khu vực và cả nước.
Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam |
Hoạt động có hiệu quả |
Hoạt động không hiệu quả |
Không có ý kiến |