Kỹ thuật VAC/Làm vườn (V)

BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC SẢN XUẤT MỘT SỐ CÂY ĂN QUẢ SAU BÃO

11/09/2024, 20:57

Mưa bão, lũ lụt đã ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và sức đề kháng của cây ăn quả, để khôi phục vườn cây sau mưa bão, Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả, xin giới thiệu một số kinh nghiệm khôi phục cây chuối, cây ăn quả có múi và một số cây ăn quả khác sau gió bão, nhà vườn tham khảo từng bước khôi phục sản xuất kịp thời.


1. Cụ thể đối với cây chuối
Tạo rãnh tiêu thoát nước cho vườn; hạn chế đi lại trên vườn sau khi thoát nước.
Vườn cây bị rách lá, nghiêng cây và không bị gẫy thân, tiến hành cắt tỉa lá bị gãy; đối với cườn cây bị gãy đổ, chặt bỏ các cây bị gãy đổ, đồng thời lựa chọn 1- 2 chồi mới phù hợp để lại chăm sóc, thay thế cây bị gãy đổ.
Cây bị nghiêng đổ, dùng dây dứa buộc dưới cổ lá, cổ buồng theo ô bàn cờ, hoặc cọc chống chéo dưới cổ lá, cổ buồng để tránh cây bị ngã đổ lại.
Thu gọn tàn dư thực vật trên vườn làm phân ủ.
Dùng supe lân hoà loãng,  tưới  mỗi gốc 0,2kg.  Phun thuốc trừ nấm bệnh trên toàn bộ thân và lá cây (sử dụng một trong số các loại thuốc có hoạt chất Thiram, Tebuconazole, Kresoxim-methyl, Propineb, Pyraclostrobin, Trifloxystrobin…. Chlorothalonil, Metalaxyl M, Mancozeb; Hexaconazole; Difenoconazole…)
Rắc chế phẩm trichoderma để hạn chế nấm bệnh hại rễ.
Sau khoảng 10 ngày, khi cây tạm thời ổn định, sử dụng phân NPK 16:16:16, mỗi gốc 0.2kg để phục hổi sinh trưởng bằng cách rắc đều phân thành hình vành khăn, cách gốc 30cm, tưới nước giữ ẩm. Sau đó chăm sóc bình thường theo quy trình để khôi phục vườn.

Những vườn chuối gãy đổ không thể khắc phục được
Những vườn chuối gẫy đổ không thể khắc phục được
 
2. Đối với vườn cây ăn quả có múi và một số cây ăn quả khác
Tạo rãnh tiêu thoát nước nhanh cho vườn; đối với vườn bị ngập, sau thoát nước, xẻ rãnh phụ giữa các hàng cây để thoát nước thật nhanh nhằm hạ mực nước trong vườn; cần hạn chế đi lại trên vườn sau khi thoát nước.
Cắt tỉa cành, lá bị gãy và tổn thương sau gió bão, cành bị khô, cành sâu bệnh hại, cành vượt, quét vôi lên vết cắt; nếu cây bị ngập lụt, rửa bùn bám trên lá khi nước đã rút.
Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn cành lá tàn dư, quả bị dụng ra khỏi vườn để xử lý. Sau khi đất khô, dùng cào răng xới nhẹ mặt đất dưới gốc cây để phá váng, giúp mặt đất được thông thoáng, khi phá váng xong cần che phủ gốc bằng rơm rạ, hoặc cỏ khô.
Sử dụng các chế phẩm phân bón lá do hệ rễ dang bị tổn thương chưa hấp thu dinh dưỡng được, kết hợp hòa loãng phân supe lân tưới cho mỗi gốc 0,5kg để khôi phục bộ rễ;

Sử dụng phân kích rễ tưới theo hình chiếu tán cây giúp phát triển rễ tơ mới; kết hợp phun phân bón lá giúp tăng cường khả năng hồi phục của cây;
Sử dụng chế phẩm Trichoderma hoặc một số sản phẩm phân hữu cơ vi sinh khác, rắc dưới tán cây để hạn chế bộ rễ bị nhiễm nấm bệnh.
Sử dụng một số thuốc có hoạt chất Kasugamycin, Ningnanmycin, Polyoxin B, Chlorothalonil, Metalaxyl M, Mancozeb; Hexaconazole; Difenoconazole… kết hợp với phân bón qua lá có chứa nhiều lân, các dạng phân K-humat… nhằm giúp cây mau ra rễ mới và phục hồi nhanh, phun  trên toàn bộ tán cây phòng trừ sự xâm nhiễm của nấm bệnh.



Sau khoảng 10 ngày, căn cứ khả năng phục hồi của cây bón bổ sung phân kali va phun các loại chế phẩm dưỡng quả, trừ sâu bệnh hại quả (cây bị ngập nước, nếu đã  bao quả cần tháo túi bao quả truoc khi phun). Khi cây tạm thời ổn định, sử dụng phân NPK 16:16:16, mỗi gốc 0.3kg để phục hổi sinh trưởng bằng cách rắc dưới tán cây, tưới nước, giữ ẩm. Khi vườn cây đã hồi phục cần tăng cường các biện pháp chăm sóc, bón phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ, phân vi sinh và phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời,... để cây nhanh chóng phục hồi phát triển.
Tưới đủ ẩm thường xuyên trong những ngày nắng nóng, hanh khô, chống tình trạng cây mất nước.

Lưu ý: Đối với những cây bị gió lay làm bật gốc phải trồng lại, tuyệt đối không bón phân hóa học có thành phần đạm và kali mà chỉ sử dụng một số phân hữu cơ vi sinh hay các sản phẩm có chứa nấm Trichoderma đến khi cây có đợt lộc mới.
Hiện vẫn trong mùa mưa bão, cần thường xuyên theo dõi thồ tiết để chủ động các biện pháp phòng chống phù hợp tiếp theo./.

 

Nguồn: /Hội Làm Vườn Việt Nam