Điển hình VAC tiên tiến/Vườn kiểu mẫu

Dấu ấn cuộc thi “Vườn đẹp -Trang trại kiểu mẫu” ở Thanh Hoá

20/09/2024, 06:08

Hàng năm Thanh Hóa đều tổ chức cuộc thi “Vườn đẹp - Trang trại kiểu mẫu”. Đây là cách tiếp cận mới không chỉ dừng lại ở sân chơi giao lưu của hội viên Hội Làm vườn và trang trại mà mục tiêu ý nghĩa hơn nữa là phát hiện, tôn vinh, lan tỏa các điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế VAC hiệu quả.

 

Cách tiếp cận mới hướng tới mục tiêu kép
Sau 40 năm hoạt động, trải qua nhiều tên gọi, quy mô, cấp độ và cơ chế hoạt động có nhiều thay đổi khác nhau, hiện tại 489 tổ chức hội thành viên ở xã, 27 tổ chức hội thành viên ở huyện, thị xã, thành phố trong hệ thống tổ chức hội thành viên Hội Làm vườn Trang trại Thanh Hóa (Hội LVTT) có 24.776 hội viên tham gia. Trong đó, có khoảng hơn 24.000 vườn, trang trại, đơn vị kinh tế đang sản xuất kinh, doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nổi bật có 1.505 trang trại thuộc 5 loại hình đạt chuẩn theo Thông tư 02 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Quy mô số lượng là vậy, song bên cạnh sự nổ lực vượt qua khó khăn, nhiều mặt có bước phát triển đáng kể, thì sức bật thi đua theo bề rộng lẫn chiều sâu hay đột phá về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ, công nghệ mới để đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất VAC ở các tổ chức hội thành viên trên địa bàn, có mặt còn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra, cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, xu hướng phát triển ở một tỉnh lớn. Đáng chú ý, như trong báo cáo Đại hội nhiệm kỳ 2017-2022 của Tỉnh hội Thanh Hóa, nêu: “Hoạt động của Hội chưa đạt được sự đồng đều, có nơi chưa rõ nét…”.
Trong bối cảnh đó, năm 2021, sau khi Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025, do Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để tổ chức Hội phát huy lợi thế so sánh, hưởng ứng tham gia Chương trình. Hội LV&TT đã sớm xây dựng kế hoạch và được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ triển khai thực hiện, trong đó nội dung tổ chức Cuộc thi “Vườn đẹp, Trang trại kiểu mẫu” trên địa bàn toàn tỉnh được xác định là một trong những nội dung mới và trọng tâm của kế hoạch.
 
Năm 2022, cuộc thi Vườn đẹp, Trang trại kiểu mẫu lần đầu tiên được tổ chức, đã thu hút hàng chục huyện hội tham gia và để lại nhiều dấu ấn cho các hội viên. Từ đó hằng năm Cuộc thi được trở thành một trong những hoạt động nổi bật, trọng tâm của các Hội thành viên Hội LV&TT.
 
Về vai trò, mục đích, ý nghĩa của Cuộc thi đã được nêu rõ trong kế hoạch là, mở ra một cách tiếp cận mới với nội dung, hướng đến mục tiêu kép. Ở đây không chỉ dừng lại ở sân chơi giao lưu, trao đổi của các hội viên, mà còn hơn thế nữa, cuộc thi là để phát hiện, tôn vinh, lan tỏa các điển hình nông dân, chủ vườn, chủ trang trại sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế VAC hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, đem lại thu nhập ngày càng cao cho hội viên.
 
Đồng thời, thông qua tổ chức triển khai cuộc thi, cũng là cách tạo ra động lực phát huy những khả năng, lợi thế về truyền thống, dư địa để hoạt động của các Hội LV&TT thành viên luôn chủ động, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tự làm mới mình. Từ đó, nâng cao hơn vai trò vị thế, dấu ấn và năng lực công tác hội cho cán bộ, hội viên, xây dựng tổ chức Hội ngày càng gắn kết, vững mạnh.
 
Việc tổ chức cuộc thi nhằm tạo ra nhiều cơ hội cho các tổ chức Hội và hội viên, nông dân tiên phong, tích cực tham gia thực hiện nghiêm túc, có chiều sâu chất lượng, hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH ở địa phương.
 
 Trang trại trồng dưa lưới của hội viên HLV và TT tại Quảng Xương - Thanh Hoá

 Cách làm sáng tạo và sinh động
 
Theo Thể lệ cuộc thi, đối tượng, nội dung, phạm vi cuộc thi là, các chủ thể gắn với vườn hộ gia đình, trang trại trong mối quan hệ điều chỉnh hướng dẫn, chỉ đạo của Hội LVTT thành viên ở các xã, phường, thị trấn và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Về Tiêu chí đánh giá chấm điểm cuộc thi, được xây dựng trên cơ sở đặc điểm, tình hình, điều kiện thực tế của từng vùng sinh thái và dựa theo tiêu chí “vườn hộ” của bộ tiêu chí “Thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu” (Đối với “Vườn đẹp hộ gia đình”) và theo Thông tư 02 về tiêu chuẩn, phân loại Trang trại của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Đối với “Trang trại kiểu mẫu”).
 
Cuộc thi được tích hợp theo 3 vòng, gồm: Thực hiện đánh giá thông qua hồ sơ, như: Hình ảnh, sơ đồ TKQH, thuyết minh báo cáo và videoclip vườn, trang trại (Vòng 1); Thực hiện theo phương pháp chuyên gia, đánh giá trực quan, so sánh, tổng hợp theo Barem gắn với các chỉ tiêu, nội dung thực tế vườn, trang trại (Vòng 2); Thực hiện thông qua thuyết trình cùng hình ảnh minh họa trên videoclip về kinh nghiệm, kết quả sản xuất, kinh doanh dịch vụ của vườn, trang trại (Vòng 3). 
 
Thông qua đây, giúp cho Ban Tổ chức (BTC), Ban Giám khảo (BGK) cuộc thi và các tổ chức Hội đánh giá được mức độ nổi trội của từng vườn, trại, cũng như vừa giúp cho các chủ thể tư duy, khung định hình phát triển vườn, trại theo ba không gian: Kinh tế - Môi trường sinh thái - Văn hóa. Đồng thời, cũng để nắm bắt và giúp Chủ vườn, trại nâng cao khả năng kết nối, cung cấp thông tin, thuyết minh đánh giá về quy mô, khả năng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giá trị sản xuất, thu nhập, hạ tầng kỹ thuật, môi trường sinh thái, hiệu quả, khả năng nhân rộng trong thực tiễn và các điều kiện, yêu cầu pháp lý về quản lý, sử dụng đất đai vườn, trại của mình.
 
BGK cuộc thi là đại diện Hội LVTT tỉnh và một số thành viên được cử đến từ các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Chính các thành phần này đã giúp cho việc đánh giá chấm điểm cuộc thi được toàn diện, làm tăng thêm vai trò trách nhiệm, tầm vóc, vị thế và tính khách quan của cuộc thi.
Lãnh đạo HLV VN thăm mô hình trang trại tại Quảng Xương, Thanh Hoá 

Kết quả chung cuộc
 
Đối với cuộc thi đầu tiên (năm 2022), đã có gần 800 vườn, 360 trang trại/300 xã được các hội thành viên ở xã và huyện khảo sát, đánh giá. Sau đó, có 81 chủ vườn, trang trại (46 vườn, 35 trang trại)/20 huyện, thị xã, thành phố được lựa chọn dự thi cấp tỉnh. Đạt 60% về số vườn, trang trại, và 70% số huyện, thị xã, thành phố tham gia thi ở tỉnh (kế hoạch của Hội tỉnh là 135 vườn trại/27 huyện, thị xã ,thành phố). Sau 3 vòng chấm điểm. Kết quả chung cuộc, có 66 giải thưởng các loại, được trao cho 27 Vườn đẹp, 23 Trang trại kiểu mẫu, 16 tập thể Hội huyện tiêu biểu.
 
Về cuộc thi năm 2023, có 863 vườn, 460 trang trại/301 xã được được các hội thành viên ở xã và huyện khảo sát, đánh giá. Sau đó, có 80 chủ vườn, trang trại (44 vườn, 36 trang trại)/20 huyện, thị xã, thành phố được lựa chọn dự thi cấp tỉnh. Đạt 50% về số vườn, trang trại, và 70% số huyện thị xã, thành phố tham gia thi ở tỉnh (kế hoạch của Hội tỉnh là 162 vườn trại/27 huyện, thị xã, thành phố). Kết quả, có 68 giải thưởng các loại được trao cho 32 Vườn đẹp, 30 Trang trại kiểu mẫu, 6 cho tập thể Hội huyện tiêu biểu.
 
Về kinh phí tổ chức cuộc thi. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, cần thiết đảm bảo cho việc tổ chức triển khai thành công cuộc thi. Do đó, phần thi ở tỉnh, trong 2 năm 2022 và 2023 mỗi năm đều được ngân sách tỉnh hỗ trợ 495 triệu đồng; phần thi ở huyện, hầu hết mỗi lần thi đều được ngân sách của mỗi huyện hỗ trợ cho đơn vị trên địa bình quân từ 15 - 30 triệu đồng/đơn vị. Ngoài ra, năm 2023 cuộc thi ở tỉnh cũng đã được Tổng Công ty CP Nông Công nghiệp Tiến Nông  tài trợ 50 triệu đồng.
 
Theo đà thành công của các năm 2022, 2023, vừa qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ cho Hội LVTT tỉnh 495 triệu đồng để tiếp tục tổ chức cuộc thi “Vườn đẹp, Trang trại kiểu mẫu” năm 2024. Hiện tại đang được các hội thành viên ở các xã, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tích cực triẻn khai. Điều này càng khẳng định, sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt của UBND tỉnh và cách tiếp cận mới trong hoạt động của tổ chức hội đã phát huy hiệu quả và phong trào thi đua lao động sáng tạo ở cả bề rộng lẫn chiều sâu của các hội thành viên LVTT ở Thanh Hóa ngày càng được quan tâm nâng cao.
 
  
Dấu ấn để lại
 
Tác giả bài viết này từng là người trong cuộc, trực tiếp xây dựng kế hoạch và thiết kế kịch bản Cuộc thi, cũng như đã có điều kiện tổ chức, theo dõi quá trình thực hiện. Vậy nên, có những lắng nghe, ghi nhận cùng một số khái quát nhận định, đánh giá về cuộc thi «Vườn đẹp, Trang trại kiểu mẫu» ở Thanh Hóa, như sau:
 
Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ của Chủ tịch UBND tỉnh và của hầu hết các cấp Ủỷ, Chính quyền các địa phương; công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và cử cán bộ phối hợp tham gia tổ chức Cuộc thi được các cơ quan, như: Báo Thanh Hóa, Đài PTTH tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp &PTNT, Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh và các cơ quan đơn vị liên quan quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi, giúp cho cuộc thi thực hiện đảm bảo đúng tiến độ Kế hoạch, cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, qua đây đã cho thấy sự phối hợp tham gia tích cực của các cấp các ngành, các tổ chức xã hội ở các địa phương, cũng như cho thấy nhu cầu cùng sự chú trọng quan tâm của xã hội và hội viên đối với phát triển kinh tế VAC - Trang trại là rất rõ nét.
Lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức, có thể xem đó như một sáng kiến trong thời điểm có ý nghĩa quan trọng, khi mà Hội Làm vườn Việt Nam được đánh giá là «Vốn quý của  Ngành  Nông nghiệp &PTNT», là một trong những hoạt động hiệu quả, thiết thực, hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, và nhằm tiếp tục tôn vinh, khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của phát triển kinh tế VAC-Trang trại trong Chương trình MTQG xây dựng NTM, đó như là một hoạt động thúc đẩy sự đóng góp thiết thực kiến tạo sự phát triển KTXH của địa phương.
Cuộc thi là hoạt động đã giúp và khuyến khích cho hội viên, nông dân, các chủ vườn, trang trại quan tâm nâng cao kiến thức chuyên môn thâm canh, thâm nuôi, KHKT phát triển VAC - Trang trại, và khả năng, kỹ năng hạch toán SXKD dịch vụ, tăng cường năng lực tư duy sản xuất hàng hóa, nâng cao tầm vóc, sự khác biệt thông qua thực hiện một chu trình phát triển vườn, trang trại đồng bộ, toàn diện (có nghĩa là làm với một tư duy khoa học, bài bản, làm được, cập nhật, ghi chép tổng hợp được, viết báo cáo được và thuyết minh, thuyết trình cũng được).
 
Không những thế mà còn khuyến khích, động viên hội viên biết vượt khó và thực hiện một phương châm, nguyên lý “làm như tôi làm”, đó là, để hội viên làm tốt, có vườn, trại đẹp thì trước hết mỗi không gian sống, ngôi vườn hoặc trang trại của cán bộ hội phải đẹp, phải mẫu trước. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác chuyên môn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hình thức hoạt động cũng như nâng cao vai trò vị thế của các tổ chức và từng cá nhân hội thành viên.
Cuộc thi đã tạo được sự lan tỏa, mang lại nhiều cảm xúc, sự hấp dẫn, đi vào cuộc sống. Cho chúng ta thấy, phát triển VAC, trang trại ngày càng được quan tâm và hội tụ được cả 3 yếu tố: Kinh tế, môi trường sinh thái và văn hóa. Đáng trân trọng là, đã phát hiện, giới thiệu cho chúng ta những nông dân tinh hoa, tiêu biểu; giúp chúng ta thêm góc nhìn, đánh giá thấu đáo hơn về mức độ hoạt động mạnh, yếu của từng tổ chức hội và nhìn rộng hơn là bức tranh kinh tế, mặt bằng phát triển vườn, trang trại của mỗi địa phương nói riêng và của toàn tỉnh nói chung.
Với tinh thần và trách nhiệm cao của các Hội thành viên ở xã, ở huyện, và ở tỉnh cùng sự cố gắng, trách nhiệm của các thí sinh/hội viên đã đem đến cuộc thi sự đa dạng, phong phú, về kinh nghiệm thực tiễn, quá trình sản xuất cũng như thành quả hoạt động của đơn vị, địa phương nơi sinh sống và công tác. Các thí sinh đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tự tin, sâu sắc và sự chuẩn bị công phu, sáng tạo, tạo nên sự sinh động, học hỏi, lan tỏa nâng tầm giữa các vùng miền.       

Theo đó, hầu hết đã bám sát yêu cầu nội dung, đúng Thể lệ Cuộc thi, thể hiện sự học hỏi, nghiên cứu nghiêm túc trong quá trình chuẩn bị. Các thí sinh ở nhiều vùng miền, nhiều loại hình, lĩnh vực sản xuất khác nhau, thuộc 20/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về dự thi khá đông đủ.
 
Một điều rất đáng chú ý, có những Chủ trang trại cao tuổi, hoặc trước đây đã từng giữ các cương vị công tác lãnh đạo ở cấp tỉnh, địa phương nay vẫn đam mê, say sưa với công việc trang trại, ruộng vườn, như: ông Trần Văn Tâm, Chủ Trang trại Chung Thủy, nguyên là Phó Giám đốc Sở Công Thương, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, hay ông Nguyễn Đình Tiếp, hơn 70 tuổi, là Thương binh hạng 2/4 (Xã Tân Phúc, Nông Cống)...; những thí sinh trẻ tuổi nhưng đã đầy khát vọng làm giàu, khi mà hành trang khởi nghiệp ban đầu là hai bàn tay trắng, nhưng nay đã trở thành những ông chủ, bà chủ trang trại khá giả, giàu có, điển hình, như: Anh Lê Xuân Thiên, Chủ Trang trại Thiên Trường 36 (Đông Tiến, Đông Sơn), anh Hoàng Văn Tuấn, Chủ Trang trại Hoàng Tuấn (Xuân Du, Như Thanh), anh Nguyễn Văn Nam, Chủ Trang trại Vạn Hoa (Nga Thạch, Nga Sơn)...;
Cũng thông qua cuộc thi đã lựa chọn được các điểm sáng, những điển hình tiên tiến, mà ở đó là những chủ nhân, chủ thể vườn, trại tiêu biểu biết vượt khó, biết đổi mới tư duy sản xuất, khát vọng làm giàu, tạo nên những không gian kinh tế trù phú, vượng phát; không gian sống sinh thái sáng xanh sạch đẹp, góp phần tích cực vào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đi vào chiều sâu thực chất. Trong đó phải kể đến, như:
Trang trại tổng hợp Hương Quê (Yên Ninh, Yên Định) do ông Trịnh Xuân Nam làm chủ, sau 7 năm khởi dựng ông đã tích tụ đất đai với quy mô 10 ha, biến khu đất chỗ khô cằn, chỗ lầy úng trở thành màu mỡ, cây cối tốt tươi cho trái ngọt, vật nuôi béo tốt. Thể hiện ở việc ứng dụng phương pháp sản xuất hữu cơ cho năng suất, sản lượng, chất lượng cao và doanh thu hàng vài chục tỷ đồng/năm.
 
Trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Đình Tiếp (Xã Tân Phúc, Nông Cống), là một Cựu Chiên binh, Thương binh hạng 2/4, ông luôn gương mẫu cần cù chịu khó học hỏi, kiên trì, dám nghĩ dám làm, không cam chịu đói nghèo. Trong quá trình trải nghiệm, phát triển kinh tế cho thấy, ông có tố chất của tư duy sản xuất tiến bộ, tiên lượng, dự báo tốt xu thế phát triển trang trại. Ông đã biến khu đất chân núi lầy trũng thành một trang trại tổng hợp, mà ở đó việc bố trí các khu sản xuất chăn nuôi, trồng trọt rất hợp lý. Ngoài việc phát triển sản xuất theo hướng chuyên sâu, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đem lại hiệu qủa kinh tế cao, bền vững, doanh thu hàng vài chục tỷ đồng/năm, thì trang trại của ông đã đạt tới tiêu chuẩn của một nơi tổ chức các hoạt động tham quan trải nghiệm, một mô hình tiêu biểu cho nhiều nơi đến học tập, nhân rộng.
 
Hay như trang trại chăn nuôi gà của ông Hoàng Ngọc Năm (Như Xuân): Trước đây ông đã từng bị thất bại trong làm kinh tế, nhưng thất bại ở đâu ông lại đứng lên ở đó, quá trình «tầm sư học đạo» nay ông đã thành công. Trang trại của ông có quy mô 20.000 con gà/lứa, sản phẩm đã được công nhận chỉ dẫn địa lý về thương hiệu gà đồi Như Xuân và được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao, tiền lãi thu được hàng năm đạt gần một tỷ đồng.
 Cái được lớn nhất, là trong hai năm 2022, 2023, hai lần tổ chức cuộc thi, đã có tổng cộng gần 1.700 vườn, hơn 800 trang trại thuộc trên 300 xã được tiến hành khảo sát, lựa chọn để dự thi ở cơ sở và ở huyện. Đây là những hạt nhân tiêu biểu, nòng cốt tạo động lực và khí thế thi đua mới, để lại nhiều dấu ấn cùng nhiều cảm xúc, lan tỏa trong hội viên, nông dân. Và điều thật mừng như ông Phạm Văn Vọng, chủ Trang trại Ánh Dương (Yên Định) từng phát biểu khi thuyết trình tại cuộc thi: “Cảm ơn các đồng chí (Hội LVTT-PV) đã cho chúng tôi có cơ hội tham gia giao lưu, học hỏi và quảng bá về sản phẩm trang trại của mình trên toàn tỉnh. Nếu các đồng chí không tổ chức các cuộc thi như thế này, thì cả đời những người nông dân như chúng tôi cũng không có cơ hội được đứng trên sân khấu của Đài Truyền hình báo cáo, thuyết trình như hôm nay”.
Sự thành công đó, cũng đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang ghi nhận trong phát biểu tại cuộc thi, là: Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với lòng nhiệt tình của đội ngũ cán bộ Hội Làm vườn và Trang trại các cấp trong Tỉnh, Cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu" hai năm qua đã thành công tốt đẹp. Qua đó, tạo ra sân chơi bổ ích, hấp dẫn, giúp các chủ vườn, trang trại có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tạo bước phát triển hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Đồng chí khẳng định, những sản phẩm vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu được tuyên dương tại các cuộc thi sẽ thúc đẩy hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, tôn vinh, lan tỏa các điển hình nông dân, chủ trang trại sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hiệu quả. Đồng thời cũng đề nghị các cấp hội thành viên Hội Làm vườn và Trang trại trong tỉnh tích cực đấu mối, giúp hội viên an tâm, tin tưởng, tích cực tham gia xây dựng tổ chức hội và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng ý kiến về vấn đề này, khi phát biểu tại Cuộc thi chung kết năm 2023, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Nguyễn Duy Lượng cũng đã nhấn mạnh: “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu là phải đẹp, kiểu mẫu ở trên thực tế chứ không phải chỉ mình trên sân khấu”. Qua đây cho thấy tính chất, yêu cầu, cách làm của cuộc thi phải thực sự có ý nhĩa thự tiễn, trách nhiệm cao.
 
Trang trại nhân giống ốc nhồi tại Quảng Xương - Thanh Hoá

Một số bất cập và bài học kinh nghiệm được rút ra
Được biết theo kế hoạch, trên địa bàn Thanh Hóa hiện đang triển khai tổ chức cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu” năm thứ 3. Lần này chắc chắn sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm tốt hơn trong tổ chức thực hiện. Do đó, trong khuôn khổ của bài viết này, xin nêu một vài vấn đề còn bất cập, hạn chế cùng bài học kinh nghiệm được rút ra trong cuộc thi trước đó, là:
Thứ nhất: Công tác tuyên truyền, vận động hưởng ứng cuộc thi phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó phương pháp triển khai cần kiên trì, uyển chuyển, linh hoạt, tránh mệnh lệnh hành chính, cứng nhắc. Phải biết khơi dậy, thu hút được sự đam mê, nhiệt huyết, đồng hành hăng hái phấn đấu, thi đua, trải nghiệm của mỗi hội viên, bởi đây là tổ chức tự nguyện và khi mà nhận thức, sự tự tin của mỗi thành viên còn khác nhau nên rất cần sự thấu đáo, “hiểu người, hiểu việc” động viên, chia sẻ, đi vào lòng người. Đồng thời, cần tranh thủ tốt sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp Ủy, Chính quyền địa phương và sự giúp đỡ, hỗ trợ, phối hợp của các tổ chức liên quan trên địa bàn.
 
Thứ hai: Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần phải bám sát thể lệ (‘luật chơi”) cuộc thi đã quy định. Trong đó, cần chú ý huy động số lượng thành phần BGK tham gia chấm thi đầy đủ, đảm bảo theo tỷ lệ; việc tính điểm chung cuộc phải được tích hợp trong tất cả bước từ thuyết minh báo cáo trên hồ sơ, thực trạng vườn, trại đến thuyết trình trên sân khấu. Không nên chỉ tính mình điểm vòng 3 (thuyết trình), làm như vậy vô hình trung cào bằng kết quả của vòng 1,2 và sẽ không đánh giá đầy đủ, sát thực được mức độ (cao thấp) giữa các vườn đẹp, hoặc giữa các trang trại kiểu mẫu với nhau. Đặc biệt trong đánh giá xép giải phải thật sự công tâm, khách quan, tôn trọng kết quả điểm đã được tích hợp, tránh áp đặt ý chí chủ quan... Đồng thời, việc xếp giải phân bố theo nhóm vùng miền và xếp giải khuyến khích cho các tập thể có cố gắng tham gia nhưng không đạt tốp Nhất, Nhì, Ba cũng cần được quan tâm. Qua đó mới tạo được sự động viên khích lệ đối với những nơi “vùng lõm” còn nhiều khó khăn để họ vượt qua sự tự ty để tự tin, nổ lực phấn đấu vươn lên.
Thứ ba: Việc tổ chức cuộc thi cấp tỉnh theo định kỳ hàng năm cũng cần được cân nhắc tính toán sao cho phù hợp với điều kiện thực tế ở các tổ chức hội thành viên. Qua theo dõi, lắng nghe, cảm nhận thấy còn có ý kiến từ hầu hết các huyện hội, phản hồi rằng, trong điều kiện nguồn kinh phí ở các địa phương có hạn, mức hỗ trợ thấp, thậm chí có nơi không được hỗ trợ, trong khi quỹ hội và công tác xã hội hóa nguồn kinh phí không đảm bảo, nên rất khó khăn trong tổ chức triển khai ở các hội huyện, hội xã. Mặt khác, việc tổ chức “dày” quá cũng tạo ra tâm lý “nhàm, loãng” phong trào. Vì vậy, nên chăng cần giãn các lần thi ở cấp tỉnh, thay vì tổ chức hằng năm bằng việc 2 đến 3 năm tổ chức một lần. Xét ra cũng là hợp lý.
Người viết bài này thiết nghĩ, dẫu đang còn gặp nhiều khó khăn cùng những hạn chế không tránh khỏi. Song điều hướng tới mục tiêu kép của cuộc thi tựu trung đã được vươn tới, đã để lại dấu ấn đậm nét ngợi ca, tôn vinh những con người bàn chân lấm bùn khuya sớm, trải bao ngày nắng, bao ngày mưa vun trồng nên những mảnh vườn hoa thơm trái ngọt, sản xuất ra lương thực, thực phẩm nuôi ta sinh sống mỗi ngày; cùng nhằm thúc đẫy phong trào thi đua phát triển kinh tế VAC, trang trại, xây dựng thôn xóm, bản làng ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, là nơi đáng sống với không gian kinh tế vượng phát, không gian sinh thái trong lành, hài hòa và không gian văn hóa sinh động, đặc sắc. Đây cũng là trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ, dẫn dắc của các tổ chức Hội thành viên và cán bộ, hội viên Hội VAC./.
 

Nguồn: /Trần Đức Năng - Thanh Hoá

Tin tức khác