Làm vườn và NN xanh/NN hữu cơ

Điện Biên ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp

09/07/2025, 09:05

Nông dân Điện Biên đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo nền tảng để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

 

Hiệu quả ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt

Tận dụng tối đa tiềm năng địa phương kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, anh Ngô Xuân Đức, bản Huổi Phạ, phường Điện Biên Phủ thành công với mô hình trồng dưa lưới bằng phương pháp thủy canh trong nhà màng, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Sau khi tham khảo các mô hình tại nhiều nơi và nhu cầu người tiêu dùng trong tỉnh, anh Đức nhận thấy lợi thế của gia đình có quỹ đất để phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sản phẩm dưa của gia đình anh Đức dù giá cao hơn giá bình quân thị trường nhưng sản xuất ra đến đâu đều có người đặt mua đến đó, vì sản phẩm được trồng theo quy trình xanh, sạch, hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc hóa chất.

Anh Đức cho biết: Mô hình nhà màng tận dụng tối đa những yếu tố thuận lợi của thời tiết, ánh sáng tự nhiên, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. So với các phương pháp trồng truyền thống thì độ an toàn cao hơn; người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng.

Người dân đội 8, phường Mường Thanh chăm sóc vườn thanh long.

Một mô hình tiêu biểu khác là mô hình trồng thanh long ruột đỏ do Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, Vật nuôi tỉnh triển khai thực hiện năm 2018. Mô hình chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; quy hoạch cây trồng theo vùng, mỗi vùng 1 sản phẩm đặc trưng; đưa giống mới, có năng suất chất lượng cao vào cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Đồng thời, hướng tới sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng thanh long theo hướng bền vững; tạo ra nguồn giống tại chỗ để bà con mở rộng diện tích với chi phí thấp. Ngoài ra, mô hình góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha canh tác, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Năm 2018, gia đình ông Nguyễn Thế Vịnh, đội 8, phường Mường Thanh là 1 trong 8 hộ tham gia mô hình với 3.000m2. Ông Vịnh cho biết: Gia đình tôi làm 300 trụ trồng thanh long từ năm 2018 đến nay. Ngoài giống thanh long ruột đỏ mà trung tâm hỗ trợ là giống mới có chất lượng, mẫu mã quả hơn hẳn giống cũ thì đến nay vườn thanh long của gia đình tôi có 5 giống khác nhau. Đặc điểm của cây thanh long không kén đất, dễ chăm sóc, thu hoạch 5 - 6 tháng liên tục.

Tham gia mô hình trồng thanh long đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Trung bình, một năm người dân thu hoạch từ 6 - 7 lứa, giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Đến nay, sau 7 năm triển khai, trên địa bàn phường Mường Thanh đã phát triển hơn 10ha thanh long. Mô hình không chỉ giúp nông dân sử dụng đồng vốn hiệu quả, nâng cao thu nhập mà còn nâng cao nhận thức của người dân về tái cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả trồng trọt, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đã nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo nền tảng để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Từ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 9 đơn vị sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ được cấp giấy chứng nhận; 4 cơ sở chế biến, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận HACCP; toàn tỉnh đã có 16 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 75,6ha; có 104 sản phẩm OCOP. Nhờ đó, sản phẩm nông sản địa phương từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, cải thiện thu nhập, ổn định đời sống cho nông dân.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Những năm qua, nhằm khai thác hiệu quả lợi thế về đất đai, khí hậu và điều kiện tự nhiên, tỉnh Điện Biên chủ động mời gọi, thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh, hiện đại, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp địa phương.

Tỉnh Điện Biên sở hữu diện tích đất nông nghiệp rộng lớn cùng các tiểu vùng khí hậu đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển vùng nguyên liệu đa dạng. Hiện nay, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch thành vùng chuyên canh cây trồng chủ lực như: Lúa gạo, chè, cà phê, mắc ca, cây ăn quả và rau màu. Một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã khẳng định được thương hiệu và uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Công ty TNHH Cara Farm Việt Nam bắt đầu triển khai mô hình trồng cây ăn quả hữu cơ từ năm 2014. Đến nay, doanh nghiệp sở hữu 3,5ha vườn cây gồm: 2ha cam Cara Úc, 1ha bưởi da xanh Bến Tre và 0,5ha chuối. Ngay từ đầu, công ty định hướng sản xuất theo phương pháp hữu cơ, hướng tới sản phẩm sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. Tháng 10/2022, mô hình được cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Công nhân Công ty TNHH Cara Farm Việt Nam chăm sóc cây ăn quả theo hướng hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc TNHH Cara Farm Việt Nam cho biết: Tỉnh Điện Biên có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, biên độ nhiệt ngày - đêm rất thích hợp để trồng cây ăn quả có múi. Do đó, công ty đã lựa chọn trồng giống cam Cara và bưởi da xanh -những loại cây ăn quả có hàm lượng dinh dưỡng cao, giá trị kinh tế lớn. Công ty chú trọng áp dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ, không sử dụng hóa chất độc hại, tạo hệ sinh thái tự nhiên cân bằng trong vườn. Dù năng suất không vượt trội so với sản xuất truyền thống, nhưng sản phẩm hữu cơ có chất lượng cao và giá bán ổn định: bưởi da xanh đạt 70.000 đồng/kg, cam Cara từ 90.000 - 120.000 đồng/kg. Sản phẩm tiêu thụ hết ngay sau thu hoạch, không chỉ tại Điện Biên mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành lớn. Hiện công ty đang lên kế hoạch mở rộng diện tích vườn lên 4,5ha.

Tháng 5/2023, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn triển khai mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ. Toàn bộ quy trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo phương pháp canh tác hữu cơ 100%. Trong đó, chất lượng nước tưới được kiểm soát chặt chẽ; phân bón được ủ hoai cùng trấu mục để đảm bảo chất lượng đầu vào sạch, an toàn. Hợp tác xã đã đầu tư hệ thống tưới tự động hiện đại, chia làm hai khu vực: Tưới phun mưa cho nhóm rau ăn lá; tưới nhỏ giọt cho cây ăn củ, quả nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng nước và phù hợp với đặc tính từng loại cây trồng. 

Hiện nay, Hợp tác xã đang canh tác hơn 10 loại rau, củ, quả phổ thông trên diện tích gồm 5.000m² nhà màng, 2ha nhà lưới và một phần trồng ngoài trời. Việc sản xuất được tổ chức theo mô hình luân canh liên tục, đảm bảo luôn có sản phẩm tươi mới cung ứng cho thị trường quanh năm.

Công nhân Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn chăm sóc rau trong nhà lưới.

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm triển khai song việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có.

Hiện nay, toàn tỉnh mới có khoảng 350ha rau màu và cây ăn quả áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, tưới tự động); 85,86ha lúa đông xuân ứng dụng phần mềm công nghệ MRV để giám sát phát thải khí nhà kính và đánh giá trách nhiệm của người trồng lúa thông qua nền tảng “Net Zero Carbon”. Ngoài ra, khoảng 36.000m² rau và cây ăn quả được canh tác trong nhà màng, nhà lưới tại TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và Nậm Pồ. Công nghệ viễn thám GIS cũng được sử dụng để theo dõi biến động rừng và đất đai. Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số doanh nghiệp và hợp tác xã đã bước đầu ứng dụng công nghệ cảm biến nhiệt độ nhằm tự động hóa hệ thống làm mát chuồng trại.

Đến nay, toàn tỉnh có 31 chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn. Trong đó, có 8,5ha vùng nguyên liệu được hỗ trợ chứng nhận hữu cơ và 16ha vùng sản xuất nông nghiệp được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.

Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Điện Biên đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi và tích cực mời gọi, thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, triển khai mô hình nông nghiệp hiện đại trên địa bàn.

 


Nguồn: /baodienbienphu.vn