Thanh Hóa là một tỉnh có diện tích lớn, khí hậu thuận lợi và nguồn lao động dồi dào, là tiềm năng quan trọng để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, đặc biệt là về chăn nuôi.
Hiện Thanh Hóa có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng tốp đầu cả nước. tuy nhiên, ngành chăn nuôi nơi đây cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, rất cần có những giải pháp căn cơ, hiệu quả để thúc đẩy phát triển bền vững theo định hướng chiến lược quốc gia.
Thành công và khó khăn thách thức
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, và tiếp cận thực tế những năm vừa qua, cho thấy điều rất đáng ghi nhận là ngành chăn nuôi Thanh Hóa có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng tốp đầu cả nước.
Ước tổng đạt thời điểm 01/7/2024: Đàn trâu 125.634 nghìn con, bằng 78,3% so với cùng kỳ (CK); đàn bò 228,46 nghìn con, bằng 90,8% so với CK; đàn lợn 1,186 triệu con, bằng 107,2% so với CK; đàn gia cầm 26,5 triệu con, bằng 104,8% so với cùng kỳ.
Sản lượng chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2024: Thịt hơi các loại ước đạt 151,268 nghìn tấn, bằng 105,% so với CK; sản lượng trứng đạt 145,5 triệu quả, bằng 109% so với CK…
Tuy vậy, cũng không khó nhận thấy, chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung quy mô lớn, công nghệ tiên tiến ở Thanh Hóa chưa có nhiều và chưa được áp dụng rộng rãi, trong khi phần lớn các hộ chăn nuôi vẫn còn duy trì mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, thiếu hoặc chưa theo quy hoạch. Điều này dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp và khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh.
Chăn nuôi mô hình trang trại
Thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không ổn định, giá cả bấp bênh, các hộ chăn nuôi gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do thiếu liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị cũng đang là những vấn đề đặt ra.
Đáng chú ý, chất lượng giống vật nuôi còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu về năng suất và chất lượng; cơ sở hạ tầng phục vụ chăn nuôi, như hệ thống chuồng trại, đường giao thông, điện, nước còn thiếu và yếu.
Chăn nuôi gây ra hệ lụy về ô nhiễm môi trường, do xử lý chất thải chưa được thực hiện triệt để đúng cách, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng cũng là thách thức đối diện. Tình trạng này, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho dừng hoạt động một trang trại chăn nuôi lợn tập trung tại huyện Lang Chánh, do gây ô nhiểm mội trường.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Thôn Yên Nẫm (xã Yên Mỹ), được ông cho biết: “Trong vùng có trang trại chăn nuôi bò sữa TH, thấy quy mô cũng lớn, song nghe nói là việc xã thải dài hàng km về phía Vũng Lùng nhưng người dân sống gần đó vẫn không đồng tình, nên cũng là khó cho cả hai phía người dân và doanh nghiệp. Đối với chăn nuôi nông hộ, thì chăn nuôi gà vịt tuy số lượng trong đàn không nhiều, nhưng gần như nhà nào cũng có; còn về nuôi lợn, trâu, bò thịt thì có khoảng 40 % số hộ nuôi. Chính đây đã tạo ra nguồn thực phẩm và thu nhập đáng kể cho bà con, song cũng phải nói là không tránh khỏi mùi hôi trong khu dân cư”.
Trong báo cáo của ngành chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa 6 tháng đầu năm 2024, nêu: “Tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, đứng tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ trọng cao. Cụ thể đàn lợn chiếm 45% tổng đàn, đàn gia cầm chiếm 70% tổng đàn, đàn trâu bò chiếm 92% tổng đàn; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn hạn chế”…
“Cơ cấu chăn nuôi chưa đồng đều ở các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến. Công tác kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi, nhất là giết mổ lợn và chế biến sản phẩm từ lợn cũng còn bất cập hạn chế…Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của ngành chăn nuôi Thanh Hóa trong thời gian tới”.
Giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững
Từ thực tế đặt ra, cũng như trước yêu cầu của sự phát triển theo định hướng chiến lược chăn nuôi quốc gia. Trong điều kiện chưa thể một sớm một chiều thay đổi lớn và ngay được tình trạng chăn nuôi nông hộ manh mún nhỏ lẻ, thì một mặt cần khuyến khích mạnh mẽ liên kết giữa các hộ chăn nuôi để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp.
Mặt khác, cần rà soát lại quy hoạch tổng thể, xây dựng quy hoạch chi tiết khả thi cho từng vùng, từng chủ thể, để chọn đối tượng vật nuôi thích hợp, với qui mô đàn hợp lý. Xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, áp dụng các mô hình chăn nuôi tiên tiến, hiện đại, như sử dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong quản lý, chăm sóc và giết mổ vật nuôi. Song song với đó, quan tâm cải thiện, nâng cấp hạ tầng, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, đường giao thông, điện, nước phục vụ chăn nuôi.
Một vấn đề hết sức chú ý, như ông Mai Sang, Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi Thú y Thanh Hóa trao đổi, là: phải nâng cao chất lượng giống. Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức sự nghiệp chuyên ngành vừa là bà đỡ, vừa là chủ công trong tăng cường nghiên cứu, lai tạo và nhân giống các vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt. Về phía người chăn nuôi thì khuyến khích sử dụng các giống vật nuôi lai tạo có hiệu quả kinh tế cao.
Còn về nuôi thương phẩm, bán thịt, thì có thể bố trí nuôi một số gia súc, gia cầm bố, mẹ để tự túc về giống, vừa giảm chi phí, vừa chủ động trong sản xuất, lại hạn chế được dịch bệnh do quá trình mua con giống từ nơi khác và do quá trình vận chuyển dễ làm dịch bệnh lây lan. Đồng thời, nên bố trí nuôi cuốn chiếu gối đầu, bán đàn này lấy tiền nuôi đàn kia và tái sản xuất mở rộng - Vẫn ông Sang nêu ý kiến.
Phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm ngặt qui trình kiểm dịch và phòng ngừa đủ các bệnh nguy hiểm trong quá trình sản xuất giống. Đẩy mạnh việc tiêm phòng, xây dựng hệ thống cảnh báo dịch bệnh. Đây vấn đề quyết định thành bại trong chăn nuôi.
Bảo đảm vệ sinh môi trường, yếu tố hết sức quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi và đặc biệt hơn thế là môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, con người. Vì thế, phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải hiện đại, đảm bảo chất thải được xử lý triệt để đúng cách trước khi thải ra môi trường. Sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vệ sinh chăn nuôi phải gắn liền với hệ thống xử lý chất thải, tái chế chất thải. Chuyển đổi chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ, khí biogas,... vừa giảm thiểu ô nhiễm vừa tạo ra nguồn thu nhập bổ sung theo chuỗi.
Tăng cường giám sát cộng đồng, khi vật nuôi bị bệnh chết, phải xử lý xác chết đúng qui định của ngành thú y. Không bán tháo, bán chạy gia súc gia cầm khi biết là bị bệnh truyền nhiễm hay quăng xác chết xuống sông suối, kênh mương làm lây lan dịch bệnh ra môi trường.
Về nguồn thức ăn: Trong chăn nuôi chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 65 - 70%) giá thành sản phẩm. Vì vậy, việc tạo nguồn thức ăn hiệu quả đối với vật nuôi luôn được đặt ra. Giải pháp quan trọng đối với các khu vực, đối tượng chăn nuôi nói chung và đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nói riêng, khả thi nhất là tận dụng triệt để các nguồn nguyên liệu, các phế phụ phẩm của nông nghiệp và hải sản tại địa bàn,
Tăng cường công tác kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển thị trường tiêu thụ: Tạo điều kiện thuận lợi cơ chế chính sách cho các nhà đầu tư; môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, siêu thị trong liên kết với người chăn nuôi và ngược lại. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Xây dựng thương hiệu đi vào chiều sâu thực chất, ưu điểm khác biệt cho các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh.
Thực hiện tốt phương án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; tăng giá trị chăn nuôi và phát triển bền vững. Đồng thời, coi trọng và tăng cường công tác dự tính, dự báo về thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu để tiếp tục điều chỉnh quy mô đàn gia súc, gia cầm phù hợp với các địa bàn, vùng miền và theo nhu cầu thị trường.
Khi trao đổi ý kiến về định hướng và giải pháp phát triển chăn nuôi trên địa bàn Thanh Hóa hiện nay, được ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Chỉ đạo của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Đặc biệt trong đó, là tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Dứt khoát không đánh đổi lấy tăng trưởng mà bỏ qua môi trường”.
Dưới nhiều hình thức, cấp độ, phương pháp tiếp cận khác nhau, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động và tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để người dân và các chủ thể chăn nuôi nâng cao trình độ kiến thức, nhận thức, ý thức quyền lợi, nghĩa vụ công dân, ý thức xã hội, cộng đồng trong việc thực hành chăn nuôi sạch, hiện đại, an toàn sinh học. Cùng với đó, làm chuyển biến sâu sắc và toàn diện cho các cấp, các ngành và nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ thú y.
Phát triển chăn nuôi bền vững ở Thanh Hóa là mục tiêu quan trọng - mục tiêu “nhiều lần kép”, nhằm nâng cao thu nhập cho người sản xuất, lợi ích cho người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thiết nghĩ việc triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp căn cơ nêu trên sẽ góp phần giúp ngành chăn nuôi Thanh Hóa vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ hơn, ngang tầm của một tỉnh lớn với nhiều lợi thế so sánh vượt trội.
Nguồn: /Trần Đức Năng - Thanh Hoá