Trên địa bàn tỉnh có 8 xã có chỉ dẫn địa lý mãng cầu Bà Đen, tập trung tại xã Suối Đá, xã Phan, xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu); xã Tân Hưng (huyện Tân Châu); xã Thạnh Tân, xã Tân Bình, phường Ninh Thạnh, phường Ninh Sơn (thành phố Tây Ninh).
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay có 4 nhóm giống mãng cầu ta được trồng phổ biến, tuy nhiên, chỉ có nhóm giống mãng cầu dai là được người dân ưa chuộng do có năng suất cao, chất lượng tốt có khả năng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mãng cầu ta có thể nhân giống vô tính và hữu tính.
Biện pháp nhân giống bằng hạt vẫn được người dân áp dụng rộng rãi do chi phí thấp, cây trồng từ hạt có độ đồng đều tương đối; biện pháp ghép ít được áp dụng do khó làm, chi phí cao.
Tuy nhiên, vườn mãng cầu trồng bằng cây nhân giống vô tính cần được quan tâm nhằm tạo vườn cây thuần giống giúp ổn định năng suất, phẩm chất tốt, đồng đều, đáp ứng được yêu cầu trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm bảo tồn và phát triển giống cây mãng cầu bản địa có giá trị kinh tế cao, bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn gen, góp phần phát triển thương hiệu mãng cầu Tây Ninh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các thủ tục đăng ký công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng đối với giống mãng cầu ta của tỉnh.
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có quyết định công nhận lưu hành đặc cách đối với giống mãng cầu ta của tỉnh, mã số lưu hành trên toàn quốc là CNLH.2024.76.
Theo Sở NN&PTNT, đây là bước tiến mới trong phát triển giống của Tây Ninh, tạo ra cây giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mãng cầu.
Đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh giống mãng cầu bản địa có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của giống, bảo đảm chất lượng nguồn giống từ địa phương.
Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống cũng như sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bà Đen” cho sản phẩm trái mãng cầu Tây Ninh, Sở NN&PTNT đề nghị các tổ chức, cá nhân trồng và sản xuất giống mãng cầu đã được cấp Quyết định bảo hộ giống cây trồng cần tiếp tục áp dụng tốt các quy trình sản xuất như: chương trình quản lý dịch hại IPM, ICM; quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để bảo tồn, nhân giống, cải thiện giống cây mãng cầu mang lại hiệu quả, chất lượng cao hơn.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây mãng cầu ta trên địa bàn tỉnh liên hệ Sở NN&PTNT để được hỗ trợ, cấp uỷ quyền kinh doanh đối với giống cây mãng cầu đã được cấp quyết định công nhận lưu hành đặc cách.