Để chuẩn bị cho chuyến hàng xuất khẩu lần này, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với UBND huyện Yên Thủy, huyện Kim Bôi hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất đã chuẩn hóa vùng nguyên liệu, nâng cao kỹ thuật sơ chế, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường Anh.
Lô mật ong “chào sân” thị trường Anh lần này là sản phẩm của HTX Green Life, HTX đã xây dựng định hướng sản xuất cụ thể từ năm 2017 để các thành viên HTX chuẩn hóa từ khâu kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và đóng gói. Trong quy trình sản xuất chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và chế biến theo tiêu chuẩn ISO22000.
Số lượng tuy không nhiều nhưng được coi là một bước tiến quan trọng giúp sản phẩm OCOP Hòa Bình nói chung và mật ong nói riêng sự hiện diện tại một trong những thị trường khó tính nhất.
Công ty R.Y.B chịu trách nhiệm đóng hàng xuất khẩu theo quy cách bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và vận chuyển sang thị trường nhập khẩu.
Qua thăm dò, khảo sát, kiểm nghiệm doanh nghiệp đã đánh giá rất cao chất lượng các sản phẩm OCOP của Hòa Bình, trong đó, sản phẩm mật ong rừng Kim Bôi sẽ là một sản phẩm có tính cạnh tranh cao tại thị trường Anh nhờ độ sánh đặc, hương vị đặc biệt của hoa rừng.
Để có được lô mật ong đầu tiên đạt yêu cầu xuất khẩu vào thị trường Anh, Công ty R.Y.B đã phải mất hơn 1 năm đàm phán với các đối tác, điều chỉnh phương thức sản xuất, chế biến và đóng gói theo tiêu chuẩn, quy định của Anh. Lô mật ong đầu tiên đi Anh lần này được khai thác từ rừng tự nhiên Thượng Tiến, huyện Kim Bôi.
"Vương quốc Anh là thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, nếu nắm bắt được cơ hội và đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu trên, bức tranh về việc mở rộng thị trường sẽ rất tươi sáng", bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Điều hành Công ty R.Y.B, chia sẻ.
Số liệu nhiều năm trước cho thấy, thị trường EU vẫn là khách hàng lớn nhất toàn cầu về mật ong, chiếm 22% tổng tiêu thụ toàn cầu, trong đó Đức đứng đầu, chiếm 23% tổng số mật ong tiêu thụ ở châu Âu (khoảng 85.000 tấn), Anh khoảng 12%, Pháp 10%...
Phải ghi xuất xứ khi xuất khẩu mật ong sang châu Âu
Đầu năm 2024, Thương vụ Việt Nam tại EU cho biết, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đạt được một thỏa thuận nhằm xem xét và củng cố các tiêu chuẩn tiếp thị hiện có áp dụng cho mật ong, nước ép trái cây, mứt và sữa vào cuối tháng 1/2024.
Theo đó, chỉ thị có tên gọi là Breakfast Directives - đặt ra quy tắc chung về thành phần, tên bán, ghi nhãn và cách trình bày các sản phẩm này để đảm bảo sản phẩm được di chuyển tự do trong thị trường các quốc gia châu Âu (EU) và giúp người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn sáng suốt.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU, chỉ thị sửa đổi được các nhà đồng lập pháp nhất trí sẽ đưa ra những thay đổi như ghi nhãn xuất xứ bắt buộc đối với mật ong, các quốc gia xuất xứ trong mật ong hỗn hợp sẽ phải xuất hiện trên nhãn theo thứ tự giảm dần với tỷ lệ phần trăm của mỗi nguồn gốc.
Các quốc gia thành viên sẽ có sự linh hoạt để yêu cầu tỷ lệ phần trăm cho bốn thị phần lớn nhất khi chiếm hơn 50% trong hỗn hợp. Đối với mỗi gói dưới 30g, tên nước xuất xứ sẽ được viết tắt bằng 2 ký tự ISO.
Ủy ban được các nhà đồng lập pháp trao quyền đưa ra phương pháp phân tích hài hòa để phát hiện mật ong bị pha trộn với đường. Đây là một phương pháp thống nhất để truy tìm nguồn gốc của mật ong và các tiêu chí để đảm bảo rằng mật ong không bị làm giả khi bán cho người tiêu dùng cuối cùng. EU cũng thành lập một nhóm làm việc để chống làm giả mật ong và gian lận thương mại.
Được biết, mật ong nhập khẩu vào Vương quốc Anh và EU thường được dùng vào các việc như dùng trong ngành thực phẩm và đồ uống, từ việc làm ngọt tự nhiên cho các sản phẩm như bánh kẹo, nước giải khát, đến việc chế biến các món ăn và làm gia vị.
Trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như thuốc ho, thực phẩm chức năng, và các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng.
Nhờ tính chất kháng khuẩn và dưỡng ẩm, mật ong là thành phần phổ biến trong các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc da như kem dưỡng, mặt nạ, và sữa tắm. Mật ong cũng được sử dụng trong ngành dược phẩm để sản xuất các loại thuốc và sản phẩm điều trị tự nhiên.
Một số mật ong được sử dụng trong các nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm mới, đặc biệt là trong lĩnh vực y học và công nghệ sinh học.
Nuôi ong xuất khẩu cần tuân thủ một số yêu cầu kỹ thuật sau:
Sử dụng giống ong khỏe mạnh, có khả năng chống chịu bệnh tật và cho năng suất mật cao. Đảm bảo mật độ đàn ong phù hợp với diện tích nuôi. Thường xuyên kiểm tra và thay thế ong chúa để duy trì sức khỏe và năng suất của đàn.
Cung cấp đủ thức ăn và nước uống sạch cho ong, đặc biệt trong mùa khan hiếm nguồn hoa. Tránh sử dụng các loại thức ăn có chứa hóa chất độc hại.
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh cho ong kịp thời. Sử dụng các loại thuốc và phương pháp an toàn, không gây hại cho sức khỏe của ong và chất lượng mật.
Thu hoạch mật ong đúng thời điểm, đảm bảo mật ong đạt độ chín và chất lượng cao. Sử dụng các dụng cụ thu hoạch và bảo quản sạch sẽ, không gây nhiễm bẩn cho mật ong.
Đăng ký và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như HACCP, ISO, hoặc các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Thực hiện kiểm định chất lượng mật ong trước khi xuất khẩu để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Mật ong sang Anh cần đáp ứng các tiêu chí cơ bản
- Mật ong phải có màu sắc đẹp mắt, không bị kết tinh và đảm bảo độ sánh đặc. Độ ẩm của mật ong phải dưới 17% để đảm bảo chất lượng.
- Mật ong phải được kiểm dịch và có giấy chứng nhận kiểm dịch từ cơ quan thú y. Giấy chứng nhận này cần xác nhận hàm lượng Chloramphenicol theo yêu cầu của khách hàng.
- Sản phẩm phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo truy xuất nguồn gốc và tránh tình trạng làm giả hoặc pha trộn với đường.
- Quy trình sản xuất và chế biến mật ong cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP và ISO22000.