Chăn nuôi đối với khu vực 27 tỉnh ĐBSH chiếm thị phần rất lớn so với toàn quốc: Đàn trâu chiếm gần 80% về số lượng, trên 76% về sản lượng thịt; đàn bò chiếm gần 39% về số lượng, gần 29% về sản lượng thịt và trên 52% về sản lượng sữa; đàn lợn chiếm trên 49% về tổng đàn, trên 50% đàn nái và gần 47% về sản lượng thịt; đàn gia cầm chiếm trên 54% về số lượng, gần 51% về sản lượng thịt và gần 47% về sản lượng trứng.
Như chúng ta đã biết thiên tai không thể lường trước được, cơn bão số 3 là siêu bão gây thiệt hại rất lớn về người, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhà cửa cho người dân Việt Nam. Đã làm ảnh hưởng vô cùng lớn đến sản xuất, lưu thông phân phối và tiêu dùng của 27 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Hồng; Miền Núi và Trung Du; Bắc Trung Bộ. Trong ngành nông nghiệp thì chăn nuôi mặc dù chưa có thống kê chính xác nhưng phải nói là bị thiệt hại rất lớn, nhiều cơ sở chăn nuôi, chế biến thức ăn bị cơn bão lũ tàn phá về chuồng trại, nhà xưởng, thức ăn, thiết bị và đàn vật nuôi.
Trang trại chăn nuôi lợn tại Sóc Sơn Hà Nội bị ảnh hưởng bão số 3
Như vậy, chăn nuôi của vực này đang và sẽ gặp rất nhiều khó khăn sau bão lụt, nguy cơ cao cho phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khó khăn cho việc tài chính, khôi phục hạ tầng, chuồng trại, vật tư, trang thiết bị, kể cả giống vật nuôi, sẽ làm ảnh hưởng chung đến ngành và nền kinh tế. Mặc dù vậy, chăn nuôi vẫn phải duy trì và phát triển để chủ động nguồn thực phẩm thịt, trứng cho tiêu dùng tại chỗ và chủ động nguồn thực phẩm cho dịp tết sắp tới. Để chăn nuôi bảo đảm an toàn, giảm bớt nguy cơ, các cơ sở chăn nuôi trong vùng bị ảnh hưởng của bão lũ cần lưu ý một số vấn đề cơ bản và trước mắt như sau:
* Kịp thời đề nghị với chính quyền địa phương thống kê thiệt hại đàn vật nuôi để thực hiện chính sách hỗ trợ của nhà nước do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh;
* Công tác vệ sinh, phòng bệnh:
- Nhanh chóng thu gom chất thải vào vị trí tập trung chất thải của cơ sở;
- Không mổ và sử dụng động vật chết, không vứt xác động vật chết ra môi trường;
- Thu gom và tiêu hủy xác động vật chết và ốm theo quy định;
- Vệ sinh công nghiệp: phát quang, dọn rửa cống rãnh, dụng cụ chăn nuôi, chuồng nuôi và khu vực xung quanh, đồng thời khử trùng, tiêu độc. Sử dụng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng có phổ rộng, diệt trùng kéo dài. Sau đó duy trì phun sát trùng chuồng nuôi và xung quanh 1-2 lần/tuần.
- Khi phát hiện vật nuôi nghi bị bệnh thì báo cho các đơn vị và cơ quan chức năng;
- Thực hiện tiêm phòng bổ sung, tiêm phòng định kỳ theo khuyến cáo của ngành thú y;
- Vệ sinh nước cho chăn nuôi: Làm trong nước bằng phèn chua (1gam/25 lít nước) hoặc lọc bằng vải; sau đó khử trùng bằng Cloramin B theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc một số thuốc sát trùng khác bảo đảm an toàn cho vật nuôi và con người;
- Cần phải vệ sinh, khử trùng bãi chăn thả cho vật nuôi;
* Tái đàn:
- Khi đủ điều kiện về chuồng trại, môi trường, thức ăn, vật tư thiết bị, các yếu tố về an toàn sinh học mới thực hiện việc tái đàn; Những đàn vật nuôi sau bão lụt còn và khỏe mạnh tiếp tục duy trì.
- Phải bảo vệ và duy trì đàn vật nuôi sinh sản còn lại và khỏe mạnh đặc biệt là đàn lợn nái, ở khu vực bị ảnh hưởng này có trên 50% đàn nái so với toàn quốc. Khi đủ điều kiện cần kịp thời thay thế đàn sinh sản để chủ động nguồn cung con giống cho sản xuất.
- Giống: sau đợt bão lụt khả năng con giống sẽ khan hiếm, giá cao. Vì vậy, không ham giống giá rẻ; giống phải có nguồn gốc rõ ràng, an toàn dịch bệnh, bảo đảm các chỉ tiêu về chất lượng;
- Thức ăn: Thức ăn phải bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của mỗi giai đoạn tuổi của vật nuôi. Thức ăn bị ẩm, mốc sau mưa bão không sử dụng cho vật nuôi;
- Chăm sóc nuôi dưỡng:
+ Phát hiện sớm những hiện tượng bất thường trong đàn vật nuôi;
+ Thực hiện đầy đủ quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với từng giai đoạn và từng đối tượng vật nuôi;
+ Tăng cường dinh dưỡng cho đàn vật nuôi, thức ăn và nước uống đầy đủ. Bổ sung Vitamin, Premix, B-Complex, men tiêu hóa, thức ăn vi sinh để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi; Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học qua thức ăn, nước uống, trộn vào độn chuồng và phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Không chăn thả vật nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm và những bãi chăn, đồng cỏ chưa được xử lý.
* Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về chăn nuôi, thú y và môi trường.
* Sau đó tiếp tục duy duy trì sản xuất sản phẩm theo chuỗi, hài hòa lợi ích giữa các khâu (Sản xuất – lưu thông phân phối – tiêu dùng), an toàn thực phẩm, tận dụng nguồn nguyên nguyên liệu thức ăn trong nước và tại chỗ nhưng phải bảo đảm chất lượng; Chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tuần hoàn trong nông nghiệp và tăng cường theo hướng hữu cơ.
Rất mong các cơ sở chăn nuôi tham khảo, thực hiện, để duy trì sản xuất, chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước một phần cho xuất khẩu, đặc biệt là nguồn cung thực phẩm cho dịp tết nguyên đán./.
Nguồn: /Nguyễn Đức Trọng – Ban KHCN HLV VN