Làm vườn và NN xanh/NN tuần hoàn

Ruồi lính đen - chìa khóa cho nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ

16/12/2024, 10:10

Ấu trùng ruồi lính đen có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ và tiêu thụ một lượng lớn chất thải hữu cơ trong thời gian ngắn. 

Ruồi lính đen là giải pháp thiết thực cho cả ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi, đặc biệt là xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ ngày càng cao.


40gr trứng ruồi xử lý 200kg phân gia súc

Ruồi lính đen (tên khoa học là Hermetia illucens) - loài côn trùng thuộc họ Stratiomyidae đã trở thành tâm điểm chú ý trong ngành chăn nuôi nhờ khả năng xử lý chất thải và mang lại nhiều lợi ích bền vững. Với tiềm năng cải thiện môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và cung cấp nguồn tài nguyên hữu ích, ruồi lính đen được xem là một giải pháp thiết thực trong xu thế phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ.

Theo TS Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang, ruồi lính đen và ấu trùng ruồi lính đen được phép chăn nuôi ở Việt Nam từ ngày 13/7/2022. Ấu trùng ruồi lính đen chuyển đổi chất nền (phân chuồng, rơm, rạ, chất thải thực phẩm, chất thải nhà bếp…) thành khối lượng cơ thể một cách hiệu quả để làm thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Ấu trùng chứa protein, lipid, vitamin, peptide kháng khuẩn, chitin và chitosan.

Ông Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang thông tin về ruồi lính đen. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang thông tin về ruồi lính đen. Ảnh: Minh Đảm.

Ấu trùng có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ và tiêu thụ một lượng lớn chất thải hữu cơ trong thời gian ngắn. Quá trình này không chỉ giúp giảm lượng chất thải mà còn tạo ra môi trường không thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

Khi ấu trùng phân hủy chất thải, chúng tiêu thụ nguồn dinh dưỡng mà vi khuẩn gây bệnh cần để sinh sôi. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ bùng phát các loại vi khuẩn như Escherichia coli và Salmonella trong môi trường chăn nuôi. Ngoài ra, ấu trùng còn tiết ra các enzyme kháng khuẩn tự nhiên, hỗ trợ làm sạch môi trường và bảo vệ sức khỏe vật nuôi.

Hiệu quả này đặc biệt có giá trị trong các cơ sở chăn nuôi gia cầm và lợn, nơi mà lượng phân thải thường lớn và dễ gây ô nhiễm nếu không được xử lý đúng cách. Theo ước tính, cứ mỗi 40gr trứng ruồi lính đen có thể xử lý hơn 200kg phân gia cầm, vừa giảm thiểu lượng phân thải, vừa hạn chế nguy cơ phát tán mầm bệnh và tạo ra nguồn phân hữu cơ chất lượng phục vụ cho trồng trọt.

Giải pháp cho suy thoái đất và biến đổi khí hậu

Khi ấu trùng hoàn thành chu kỳ sống, chúng để lại một lượng phân hóa hữu cơ chất lượng cao. Loại phân này chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như nitơ, photpho và kali, giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất. Đặc biệt, phân của ấu trùng có khả năng kích thích sự phát triển của vi sinh vật có lợi trong đất, góp phần tái tạo hệ sinh thái đất đang bị suy thoái.

Ruồi lính đen là chìa khóa mở ra điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái.

Ruồi lính đen là chìa khóa mở ra điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy thoái đất đang là những vấn đề cấp bách, phân hữu cơ từ ruồi lính đen đóng vai trò quan trọng trong việc giảm sử dụng phân bón hóa học, không chỉ tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước ngầm mà còn hạn chế phát thải khí nhà kính.

Đặc biệt, phân hữu cơ từ ấu trùng ruồi lính đen còn có thể được ứng dụng trong nông nghiệp hữu cơ, nơi mà yêu cầu về tính bền vững và an toàn sinh học là rất cao. Việc sử dụng loại phân này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh của thị trường.

Việc sử dụng ruồi lính đen giúp xử lý hiệu quả phân chuồng, giảm thiểu khí metan (CH₄) và ni-tơ ô-xít (N₂O) phát sinh từ quá trình phân hủy thông thường. Từ đó, giảm áp lực môi trường, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính.

Ruồi lính đen và ngành chăn nuôi tại Tiền Giang

Khi được phép nuôi ruồi lính đen, tỉnh Tiền Giang triển khai 7 mô hình ở 2 huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây. Tiền Giang là một trong những tỉnh dẫn đầu ĐBSCL về chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hàng năm, tỉnh sản xuất một lượng lớn thịt, trứng và các sản phẩm chăn nuôi khác, đồng nghĩa với việc lượng phân chuồng và chất thải nông nghiệp phát sinh rất lớn. Đây là thách thức lớn về môi trường, đặc biệt trong bối cảnh các trang trại nhỏ lẻ thường thiếu biện pháp xử lý phân thải hiệu quả.

Anh Lê An Bình, chủ cơ sở nuôi gà lấy trứng (sản lượng 80 ngàn trứng/ngày) ở ấp Bình Ninh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo thực nghiệm quy trình xử lý ấu trùng ruồi lính đen. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Lê An Bình, chủ cơ sở nuôi gà lấy trứng (sản lượng 80 ngàn trứng/ngày) ở ấp Bình Ninh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo thực nghiệm quy trình xử lý ấu trùng ruồi lính đen. Ảnh: Minh Đảm.

Sinh khối ấu trùng ruồi lính đen (giàu đạm) có thể được sử dụng làm thức ăn cho gia cầm, gia súc và thủy sản thay thế các nguyên liệu đắt đỏ như bột cá và đậu nành. Qua đó giảm chi phí chăn nuôi và tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Anh Lê An Bình, chủ cơ sở nuôi gà lấy trứng (sản lượng 80 ngàn trứng/ngày) ở ấp Bình Ninh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo cho biết, sản phẩm từ ấu trùng ruồi lính đen có thể thay thế bột cá trong tương lai, tuy nhiên, hiện nay giá thành sản xuất còn cao.

Mặt khác, kỹ thuật chế biến ấu trùng ruồi lính đen còn hạn chế. Hơn nữa, các nhà máy chế biến sẵn sàng mua nguyên liệu ấu trùng với số lượng lớn nguồn cung chưa đáp ứng được. 

Anh Bình hi vọng trong tương lai gần, với sự hỗ trợ của ngành chăn nuôi, sự vào cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học, việc nuôi ruồi lính đen sẽ phát triển mạnh ở Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung.

Giải pháp sử dụng ruồi lính đen để xử lý phân thải đang được các chuyên gia đánh giá cao bởi khả năng chuyển hóa chất thải thành tài nguyên có giá trị. Tuy nhiên tại Tiền Giang, nguồn trứng ruồi lính đen vẫn phải nhập từ các cơ sở bên ngoài dẫn đến chi phí cao và khó chủ động trong sản xuất.

Người dân, chính quyền, ngành chức năng tham quan mô hình nuôi ruồi lính đen ở cơ sở anh Lê An Bình (ấp Bình Ninh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo) . Ảnh: Minh Đảm.

Người dân, chính quyền, ngành chức năng tham quan mô hình nuôi ruồi lính đen ở cơ sở anh Lê An Bình (ấp Bình Ninh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo) . Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây đề xuất các giải pháp để xây dựng chiến lược phát triển ruồi lính đen bền vững cho tỉnh Tiền Giang. Theo ông, cần đầu tư vào nghiên cứu khoa học để tìm ra phương pháp phối giống và sản xuất trứng ruồi lính đen tại chỗ bởi việc chủ động nguồn giống sẽ giúp giảm chi phí và khuyến khích nông dân tham gia mô hình.

Bên cạnh đó, thành lập các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác chuyên sản xuất và cung cấp trứng, ấu trùng ruồi lính đen cho các trang trại chăn nuôi vì mô hình hợp tác xã sẽ giúp tăng cường liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học, tạo chuỗi giá trị bền vững.

Để thực hiện tốt việc chăn nuôi ruồi lính đen, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, đồng thời cung cấp các chính sách khuyến khích như vay vốn ưu đãi, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất.

Mô hình nuôi ruồi lính đen không chỉ góp phần cải thiện môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn hướng đến một nền nông nghiệp xanh và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại.


Nguồn: MINH ĐẢM/Theo Nông sản sạch