Diện tích sầu riêng ở Hải Nam sẽ mở rộng lên 6.600 hecta
Zhang Mingming, một doanh nhân 35 tuổi chuyển sang nghề nông dân gần đây, đang đứng trước vận may bất ngờ khi chuẩn bị thu hoạch khoảng 1.000 quả sầu riêng từ trang trại ở huyện tự trị dân tộc Lê và dân tộc Miêu Bảo Đình thuộc tỉnh đảo Hải Nam. Hòn đảo này là nơi được xem là thiên đường của trái cây nhiệt đới tại Trung Quốc.
Sầu riêng anh ông, thuộc giống sầu riêng Ganyao nổi tiếng Thái Lan, đang có giá bán tới 200 nhân dân tệ (700.000 VND) mỗi kg. Nếu vụ thu hoạch diễn ra suôn sẻ, Zhang sẽ kiếm được khoảng hơn khoảng 700.000 nhân dân tệ vào cuối mùa sầu riêng tháng 9 tới.
Thu nhập của Zhang sẽ còn tăng thêm khi hai giống sầu riêng khác Musang King và Black Thorn của Malaysia ở trang trại của anh bắt đầu ra quả trong một hoặc hai năm tới. Anh cho biết, trái sầu riêng của hai giống này có thể bán được giá cao, thậm chí có khi lên tới 2.000 nhân dân tệ (7 triệu VND) mỗi trái.
Trên khắp tỉnh Hải Nam, những người nông dân thức thời như Zhang đang nỗ lực mở rộng trồng sầu riêng, vốn không phải là loài trái cây bản địa. Theo các ước tính, diện tích trồng sầu riêng ở Hải Nam sẽ tăng lên hơn 6.600 hecta trong 3-5 năm tới. Để so sánh, Việt Nam hiện có khoảng 131.000 hecta sầu riêng, theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cơ hội kiếm được lợi nhuận lớn đã thúc đẩy nông dân tăng diện tích trồng sầu riêng. Người tiêu dùng Trung Quốc cực kỳ yêu thích loại trái cây nặng mùi này. Năm 2023, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn sầu riêng tươi nhập khẩu từ Đông Nam Á, tăng hơn 70% so với năm 2022.
Năm 2024 đánh dấu năm thứ hai sầu riêng sản xuất trong nước có mặt trên thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, rất ít người Trung Quốc thực sự được nếm thử chúng. Sản lượng quá nhỏ và giá quá đắt khiến chúng hầu như không thể tiếp cận được ở thời điểm hiện tại.
Chất lượng không ổn định, sản lượng thấp
Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm trồng sầu riêng vào năm 1958. Nhưng trong nhiều năm, cây sầu riêng hầu như không kết trái. Chỉ đến năm 2018, việc trồng sầu riêng thương mại mới bắt đầu được thực hiện nghiêm túc.
Hầu hết sầu riêng được trồng trên đảo nhiệt đới Hải Nam. Một số nông dân cũng trồng sầu riêng rải rác ở Quảng Tây và Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc, cũng như ở tỉnh Vân Nam ở phía tây nam đất nước.
Feng Xuejie, Giám đốc Viện Cây ăn quả nhiệt đới thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Hải Nam cho biết, vụ thu hoạch sầu riêng lớn đầu tiên của Trung Quốc chỉ đạt tổng cộng 50 tấn vào năm 2023. Và sản lượng sầu riêng của đất nước năm dự kiến đạt 200 tấn trong năm 2024
“Sản lượng vẫn rất ít vì cây sầu riêng chưa phát triển đủ lâu. Phải mất sáu hoặc bảy năm để sản lượng bắt đầu nở rộ”, ông giải thích.
Thời tiết thường xuyên mưa bão ở Hải Nam cũng là mối đe dọa lớn. “Hồi tháng 5, vườn sầu riêng của tôi ước tính có hơn 3.000 trái. Nhưng sau những cơn mưa lớn, sầu riêng rụng rất nhiều và hiện chỉ còn lại 1.000 trái”, Feng Xuejie chia sẻ.
Hiện tại, một cây sầu riêng 4 năm tuổi ở Hải Nam có thể mang lại 19 trái, mỗi trái nặng 2kg trong một mùa. Ngành sầu riêng non trẻ của Trung Quốc vẫn chật vật tìm lối đi. Nông dân không chỉ nỗ lực tăng sản lượng mà còn cải thiện chất lượng trái sầu riêng, thường “không ổn định”, theo đánh giá của Feng Xuejie.
Ông cho biết, hương vị trái sầu riêng trồng ở Hải Nam hiện nay rất khác nhau. Có những trái ngon nhưng số lượng rất ít, phần lớn còn lại đều không ngon. Ông tiết lộ, trái sầu riêng trong vụ thu hoạch đầu tiên của ông vào năm 2022 “không có mùi vị gì cả”. Ông phải điều chỉnh công thức phân bón để giúp hương vị sầu riêng cải thiện đáng kể vào năm sau.
Theo ông, sầu riêng trồng ở Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn thăm dò và kỹ thuật trồng cần được thử nghiệm và nghiên cứu thêm. Zhang Mingming cho biết, anh học hỏi kinh nghiệm trồng sầu riêng từ một người bạn của gia đình là nông dân trồng sầu riêng ở Malaysia.
Giá cao ngất ngưởng
Sản lượng sầu riêng trồng ở Hải Nam trong năm 2024 dự kiến chỉ bằng 0,014% sản lượng nhập khẩu của năm 2023. Tình trạng khan hiếm này đã đẩy giá sầu riêng bản địa lên mức cao ngất ngưỡng.
Một số loại sầu riêng trồng ở Hải Nam được bán với giá từ 120-140 nhân dân tệ (420.000-490.000 VND) / kg, theo truyền thông địa phương. Một số nông dân, như Zhang Mingming, bán với giá 200 nhân dân tệ /kg.
Chuyên gia nông nghiệp Feng Xuejie kỳ vọng, giá sẽ giảm 2 hoặc 3 năm tới tới khi có nhiều sầu riêng Hải Nam trên thị trường.
Tại một cửa hàng bán đặc sản của Hải Nam trong chợ bán buôn Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, không có bất kỳ trái sầu riêng nào từ Hải Nam.“Giá đắt quá, không bán được. Sầu riêng Hải Nam có giá đến 120 nhân dân tệ /kg, trong khi sầu riêng Thái chỉ có giá từ 20-30 nhân dân tệ/kg)”, Ai Dong, nhân viên của cửa hàng này nói.
Li Panda, một người thích sầu riêng cho biết, anh cảm thấy tự hào vì Trung Quốc có thể tự trồng sầu riêng. Vợ chồng anh thường ghé chợ Tân Phát Địa một hoặc hai tuần một lần để mua loại trái cây này. Anh kỳ vọng giá sầu riêng Hải Nam có giá cạnh tranh hơn, thậm chỉ rẻ hơn so với sầu riêng nhập khẩu trong những năm tới.
“Khi nông dân Trung Quốc mở rộng trồng sầu riêng, họ sẽ giảm chi phí”, người đàn ông 40 tuổi làm việc trong ngành sản xuất nói
Feng Xuejie cho biết, năng lực sản xuất sầu riêng của Trung Quốc dự kiến tăng khi có nhiều cây được trồng và trưởng thành hơn. Nhưng ông lưu ý, sầu riêng trồng trong nước không thể phát triển ở “quy mô rất lớn”. Điều này là do sầu riêng nổi tiếng là loại trái cây khó trồng và cần điều kiện đất đai, khí hậu đặc thù để phát triển.
“Rất ít nơi (ở Trung Quốc) có thể trồng sầu riêng”, ông thừa nhận và cho biết thêm, ngay cả ở Hải Nam, sầu riêng chỉ có thể trồng ở phía nam hòn đảo.
Vì vậy, sầu riêng trong nước khó có thể ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu sầu riêng của các nước Đông Nam Á sang Trung Quốc. Sầu riêng nội địa chỉ được coi là sản phẩm bổ sung cho hàng nhập khẩu.
Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 929.000 tấn sầu riêng tươi từ Thái Lan, 493.000 tấn từ Việt Nam và 3.763 tấn từ Philippines, với tổng giá trị hơn 6,7 tỉ đô la Mỹ.
Trung Quốc sẽ sớm nhập khẩu sầu riêng tươi của Malaysia sau khi hai bên ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi của Malaysia xuất khẩu sang Trung Quốc từ hồi tháng 6/2024.
“Chúng tôi không thể cạnh tranh với sầu riêng Đông Nam Á về số lượng. Chi phí đất đai và lao động cũng cao hơn ở Trung Quốc. Vì vậy, mục tiêu mà chúng tôi hướng đến phải là sầu riêng cao cấp, chất lượng cao”, chuyên gia nông nghiệp Feng Xuejie nói.
Dù vậy, Văn phòng xúc tiến thương mại Thái Lan ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, xem việc Trung Quốc có thể tự sản xuất sầu riêng ở Hải Nam là thành công lớn. Văn phòng này kêu gọi các nhà xuất khẩu sầu riêng cải thiện chất lượng và độ tươi của sầu riêng Thái Lan để duy trì vị thế cả ở thị trường Trung Quốc lẫn toàn cầu