Chính sách mới/Tin nghề vườn

Ứng dụng chế phẩm sinh học canh tác bưởi da xanh an toàn sinh học

22/09/2024, 05:55

Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tổ chức tập huấn kỹ thuật và bàn giao giống, vật tư xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây bưởi da xanh theo hướng ATSH cho nông dân.

Ngày 18/9, tại UBND xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm, Bến Tre), Văn phòng Phát triển bền vững (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tổ chức tập huấn kỹ thuật và bàn giao giống, vật tư xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong cánh tác cây bưởi da xanh theo hướng an toàn sinh học cho nông dân năm 2024.
 

Bàn giao giống, vật tư xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học canh tác cây bưởi cho hội viên nông dân xã Phong Nẫm. Ảnh: Minh Đảm.

Bàn giao giống, vật tư xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học canh tác cây bưởi cho hội viên nông dân xã Phong Nẫm. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, diện tích vườn bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre là 7.212ha, chiếm 20% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh, trong đó diện tích đã và đang cho trái 4.200ha, trồng mới 128ha, năng suất 11,4 tấn/ha, sản lượng 47.670 tấn. Riêng xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm) có diện tích trồng bưởi da xanh khoảng 45ha, sản lượng hơn 30 tấn/năm.

Bưởi da xanh được coi là một trong những cây kinh tế chủ lực của Bến Tre. Trái cây đặc sản này đã được xuất khẩu đi nhiều thị trưởng khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc…, tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho nông dân.

Ông Trần Dương Thuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre cho biết: Nhằm từng bước nâng cao chất lượng trái bưởi da xanh đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đề xuất Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây bưởi da xanh theo hướng an toàn sinh học. Qua khảo sát, Hội Nông dân tỉnh đã lựa chọn 10 hộ dân đủ điều kiện tham gia triển khai mô hình với diện tích 10,2ha.

 
 
Hướng dẫn nông dân chăm sóc cây giống bưởi da xanh đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: Minh Đảm.

Hướng dẫn nông dân chăm sóc cây giống bưởi da xanh đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Thuấn, mô hình trồng bưởi ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây bưởi da xanh theo hướng an toàn sinh học nhằm góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, liên kết đầu ra ổn định thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn sinh học và mã số vùng trồng. Đồng thời, giúp những hộ tham gia mô hình có thị trường tiêu thụ, giá cả ổn định ở mức cao, từ đó tăng thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.

Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị đối với nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2020 - 2025. Mặt khác, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội...

Tại chương trình tập huấn, các giảng viên của Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn Dịch vụ nông nghiệp Bến Tre và Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc bộ hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cây giống theo hướng sinh học từ khâu cấy mô, phân bón lót, chuẩn bị nước tưới đầy đủ trong mùa nắng. Các hội viên đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong việc trồng bưởi trước sự biến đổi khí hậu.

Dịp này, Văn phòng Phát triển bền vững (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) đã bàn giao 1.360 cây giống bưởi da xanh và các vật tư như vôi, phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh học... cho 10 hộ dân thực hiện mô hình, tổng kinh phí gần 300 triệu đồng.

Nguồn: MINH ĐẢM/Báo NNVN