Giai đoạn đầu (2024 - 2028), Dự án CABIN tập trung vào một số mục tiêu chính là:
-Xây dựng kế hoạch và chiến lược hàng năm về chuyển đổi lúa gạo bền vững và phát thải thấp
-Xây dựng tài liệu đào tạo về lúa gạo bền vững và phát thải thấp phù hợp với quy mô.
-Nâng cao kiến thức và áp dụng sản xuất lúa gạo bền vững và phát thải thấp thông qua đào tạo, trình diễn đồng ruộng và chuyển giao công nghệ.
Dự án được hỗ trợ bởi Quỹ Phát triển Hợp tác Quốc tế Đài Loan (Taiwan ICDF) và thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) trong giai đoạn 2024 - 2028, với sự tham gia của 5 quốc gia Đông Nam Á là Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines và Việt Nam.
Tổng quan thực trạng sản xuất lúa gạo của 5 quốc gia tham gia Dự án CABIN cho thấy, mỗi năm các nước sản xuất hàng triệu tấn lúa, tổng sản lượng rơm khoảng 150 triệu tấn, chiếm khoảng 20% sản lượng rơm toàn cầu.
Tuy nhiên, do hạn chế về kiến thức quản lý rơm rạ, thiếu công nghệ phù hợp, việc đốt rơm rạ trở thành vấn đề phổ biến.
Indonesia là quốc gia có diện tích canh tác lúa lớn nhất trong nhóm các nước tham gia dự án. Sản lượng lúa năm 2022 ở “xứ sở vạn đảo” đạt 54,75 triệu tấn (chưa xay xát). Tổng lượng rơm rạ dao động từ 75 - 90 triệu tấn.
Trước năm 2009, hơn 85% nông dân Indonesia đốt rơm rạ để dọn sạch đồng ruộng và chuẩn bị đất sau thu hoạch. Đến năm 2009, Chính phủ nước này đã ban hành Luật số 41 về bảo vệ đất nông nghiệp bền vững. Trong đó, quy định nông dân không được đốt rơm rạ, thay vào đó, bà con sẽ phân hủy, trả lại ruộng; làm thức ăn cho gia súc hoặc vật liệu công nghiệp và năng lượng.
Tương tự, Philippines có diện tích lúa thu hoạch hàng năm khoảng 4,82 triệu ha, sản lượng khoảng 20,06 triệu tấn. Chính phủ nước này đã đưa ra sáng kiến về quản lý rơm rạ, thông qua việc ban hành Luật Không khí sạch Philippines năm 1999 và Luật Quản lý chất thải rắn năm 2000, cấm việc đốt rơm rạ trong ruộng.
Bên cạnh đó, Philippines cũng triển khai một số dự án như: sử dụng rơm rạ sản xuất vải địa kỹ thuật phân hủy sinh học; sản xuất nấm, thức ăn cho gia súc và ủ phân…
Tại Campuchia, với diện tích canh tác lúa trên 3,5 triệu ha, cho ra khối lượng rơm rạ xấp xỉ 10 triệu tấn. Trong đó, 55% lượng rơm rạ này được thu gom để làm thức ăn ủ chua cho gia súc; sản xuất nấm, rau; làm phân bón hữu cơ và một phần được vận chuyển tới tiêu thụ tại Việt Nam. 45% còn lại bà con nông dân xử lý bằng cách đốt hoặc để tự phân hủy.
Hiện nay, khâu quản lý rơm rạ tại Campuchia đang đối mặt với nhiều thách thức do nông dân thiếu kiến thức về việc tăng giá trị rơm rạ; chi phí lao động thu gom rơm rạ cao; thiếu kho chứa; độ ẩm cao trong mùa mưa… Do đó, đốt là cách dễ dàng và nhanh nhất để nông dân nước này xử lý rơm rạ trên cánh đồng trong mùa vụ tiếp theo.
Là quốc gia có diện tích trồng lúa thấp, Lào có gần 994 nghìn ha trồng lúa, tổng sản lượng trên 3,9 triệu tấn. Ngoài những tác động của thiên tai, dịch hại và môi trường, diện tích đất màu mỡ tại quốc gia này chỉ khoảng 3% (tương đương khoảng 26 nghìn ha), còn lại là đất màu mỡ trung bình và đất bạc màu.
Để cải thiện sản xuất lúa, Chính phủ Lào đã tập trung vào công tác cải thiện chất lượng giống lúa cho mỗi loại hình sinh thái, đảm bảo tính thích ứng, chống chịu tốt và có khả năng sản xuất thương mại.
Tại Việt Nam, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa, cho ra xấp xỉ 43 triệu tấn rơm.
Trong đó, ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, các địa phương trong vùng vẫn tập trung vào mục tiêu kinh tế, an ninh lương thực, chưa chú trọng nhiều đến vấn đề giảm phát thải.
Bên cạnh đó, các địa phương thiếu cơ chế để thúc đẩy, động viên nông dân trồng lúa phát thải thấp. Nhiều vùng, điều kiện hạ tầng (chủ yếu là thủy lợi) chưa đảm bảo cho việc áp dụng các biện pháp giảm phát thải thải (như kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ - AWD); quản lý nguồn phát thải (rơm rạ) chưa tối ưu; thiếu chính sách giảm phát thải đột phá.
Đối với chuỗi giá trị rơm khoảng 24,4 triệu tấn, có tới 70% được đốt hoặc vùi vào đất; còn lại là được tận dụng để sản xuất nấm, trồng cây, làm thức ăn cho gia súc…
Theo ông Tùng, các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam hiện nay là thực hiện chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của Bộ NN-PTNT 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL. Đặc biệt là Chương trình quốc gia dự án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Thông qua đề án, Bộ NN-PTNT Việt Nam đã đưa những công nghệ tiến bộ nhất, triển khai thực địa trên các cánh đồng.
Cùng với những nỗ lực nghiên cứu của IRRI và nguồn tài chính từ Taiwan ICDF thông qua Dự án CABIN, sẽ góp phần giúp Việt Nam giải quyết được các thách thức trong sản xuất lúa gạo.
Dự án không chỉ mang lại cơ hội cho các nước tham gia phát triển một ngành nông nghiệp hiện đại và thân thiện với môi trường mà còn mở ra hướng đi bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất lúa gạo và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, vì tương lai xanh cho khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, 5 quốc gia tham gia dự án đã thống nhất các kế hoạch chiến lược về quản lý rơm rạ bền vững, giúp định hướng cho Dự án CABIN trong việc thúc đẩy các thực hành này ở mỗi quốc gia.