Thị trường nông sản/Trong nước

Cam Vân Đồn Quảng Ninh vào mùa thu hoạch

08/01/2025, 04:18

Huyện Vân Đồn vừa tổ chức thành công Tuần lễ cam Vân Đồn năm 2024. Đây là lần thứ hai Tuần lễ cam Vân Đồn được tổ chức, được đông đảo người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đón nhận, là cơ hội để quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng cao thương hiệu cam Vân Đồn.

Xã Vạn Yên là vùng trồng cam tập trung lớn nhất huyện Vân Đồn. Khi tiết trời bắt đầu se lạnh, những vườn cam Vạn Yên bắt đầu bước vào mùa thu hoạch.

Du khách nhí thích thú được tự tay hái cam tại Lễ hội cam Vân Đồn năm 2024. Ảnh: Ngân Hà.

Du khách nhí thích thú được tự tay hái cam tại Lễ hội cam Vân Đồn năm 2024. Ảnh: Ngân Hà.

 

Xã Vạn Yên cách trung tâm Vân Đồn hơn 10km, là 1 trong 11 xã thuộc huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh đây vùng trồng cam tập trung lớn nhất của huyện đảo Vân Đồn. Những ngày này, dọc các thôn trong xã đâu đâu cũng thấy bạt ngàn cam trĩu quả, khoe sắc vàng trên khắp các khu vườn, các sườn đồi. Nhà nhà tấp nập người hái, thương lái thu mua và đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm tại các vườn cam.

Từ nhiều năm nay, cây cam đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Vân Đồn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân từng bước xóa nghèo, vươn lên làm giàu.

Anh Trương Văn Khánh, thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên chia sẻ trong niềm vui khi vườn cam của gia đình vào vụ: "Toàn bộ khu vườn có khoảng 1.000 gốc cam đang trong độ cho thu hoạch với diện tích hơn 2ha. Khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp cho cây cam phát triển, trung bình 1 năm gia đình tôi thu hoạch tầm 10 tấn quả với giá giao động đầu mùa 35 - 40 nghìn/kg, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng".

Từ hiệu quả kinh tế mà cây cam bản địa đem lại, nhiều hộ gia đình ở xã Vạn Yên đã dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang trồng cam kết hợp phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, hấp dẫn thu hút khách đến tham quan tại vườn.

Để giữ lại giống cam bản địa, các hộ gia đình tại xã Vạn Yên đã áp dụng khoa học kỹ thuật để chiết ghép, nhân giống, từ đó góp phần giữ được giống cam đặc trưng. Nhiều hộ gia đình cũng trồng xen canh các giống cam khác như cam đường Canh, quýt để gối vụ, tăng thu nhập.

Cam Vân Đồn được niêm yết giá rõ ràng, mang đến sự yên tâm, tin tưởng cho người dân, du khách. Ảnh: Cường Vũ.

Cam Vân Đồn được niêm yết giá rõ ràng, mang đến sự yên tâm, tin tưởng cho người dân, du khách. Ảnh: Cường Vũ.

Theo UBND xã Vạn Yên, tổng diện tích cam tại xã khoảng 183ha với 100 hộ trồng. Trung bình mỗi năm sản lượng cam Vạn Yên đạt khoảng 200 tấn. Do mỗi năm chỉ có một vụ và thu hoạch vào dịp cuối năm nên cam Vạn Yên chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Trung bình mỗi hộ gia đình trồng cam có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm.

Bà Trương Thị Thuý Huyền, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn cho biết: Từ cây đặc sản có nguy cơ suy giảm, nay cam Vạn Yên đã trở thành sản phẩm OCOP có thương hiệu, có vùng trồng ổn định và đang dần mở rộng quy mô. Hiện huyện Vân Đồn đã có chủ trương xây dựng Đề án phát triển cây trồng bản địa, trong đó mở rộng thêm 200ha cam tại xã Vạn Yên, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ ra nhiều tỉnh thành khác.

"Thông qua Tuần lễ cam Vân Đồn nhằm bảo tồn, phát huy, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng lợi thế của xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn trong việc phát triển cây cam gắn với phát huy hình thức du lịch cộng đồng trải nghiệm, tham quan vườn cam, thu hút khách du lịch, qua đó nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tuần lễ cam cũng là dịp để người dân tôn vinh các hộ trồng cam, góp phần hình thành sản phẩm OCOP của địa phương", bà Huyền chia sẻ.


Nguồn: /Báo NNVN