
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam tham quan các gian hàng trưng bày tại Diễn đàn. (Ảnh: Thanh Tâm)
Thực hiện nhiệm vụ Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao, Báo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Văn phòng SPS Việt Nam; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc” chiều ngày 1/7/2025, tại Sơn La.
Phát huy tiềm năng phát triển nông - lâm sản hàng hóa
Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của các địa phương, nông nghiệp vùng Tây Bắc đã có bước phát triển khá toàn diện, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, nông sản ngày càng được tiêu thụ rộng rãi ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 245 triệu USD (trong đó Sơn La đạt 190 triệu USD, Điện Biên trên 22,4 triệu USD, Lai Châu trên 6,5 triệu USD, Lào Cai 25 triệu USD). Một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu gồm: cà phê hơn 90 triệu USD; chè 22 triệu USD; tinh bột sắn hơn 36 triệu USD; nhãn, xoài khoảng 30 triệu USD; tinh dầu quế khoảng 22 triệu USD.
Tuy nhiên, sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ; liên kết chuỗi chưa bền vững; công nghệ chế biến, bảo quản, truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chủ yếu tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu thô. Để phát triển bền vững, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đầu tư hạ tầng logistics và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông - lâm sản hàng hóa. Năm 2024, sản lượng lúa đạt 773,5 nghìn tấn, ngô 638,4 nghìn tấn, sắn 899 nghìn tấn, mía 1,15 triệu tấn. Đặc biệt, với ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, vùng Tây Bắc còn sản xuất nhiều loại cây ăn quả ôn đới và á nhiệt đới như xoài (đạt 79,8 nghìn tấn), nhãn (81,3 nghìn tấn), mận (94,5 nghìn tấn), chanh leo (7,6 nghìn tấn), cam (108,1 nghìn tấn), chuối (116,6 nghìn tấn), bưởi (125,9 nghìn tấn); cây lâu năm như cà phê (32,9 nghìn tấn), cao su (19,2 nghìn tấn); lâm sản ngoài gỗ và các sản phẩm có giá trị sinh học, dược liệu bản địa.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc”, PGS.TS Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết: “Trong những năm gần đây, các địa phương ở Tây Bắc đã nỗ lực và chủ động trong việc chuyển đổi sản xuất, tận dụng cơ hội và lợi thế của vùng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Các sản phẩm như cà phê, chè, cây ăn quả đặc sản đã được phát triển và đạt được nhiều thành tựu. Diện tích trồng cà phê ở Tây Bắc tăng 54% và sản lượng tăng 265% trong 10 năm qua”.

PGS.TS Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Tùng Đinh)
Song PGS. TS Lê Quốc Doanh lưu ý, tỷ lệ chứng nhận chất lượng sản phẩm vẫn chưa cao bằng các vùng khác. Một trong những khó khăn mà Tây Bắc đang phải đối diện là các tổ hợp sản xuất nông nghiệp mới như cây ăn quả, cây dược liệu đòi hỏi quy trình canh tác và quản lý khác với cây trồng truyền thống.
Do đó, các tỉnh Tây Bắc cần có thông tin khoa học, phổ biến kiến thức để nông dân tiếp cận và áp dụng các kỹ thuật mới. “Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Cần có sự hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp và địa phương để tháo gỡ các khó khăn”, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết.
Ông Lê Quốc Doanh cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Tăng cường công tác khuyến nông, đào tạo nông dân về các kỹ thuật canh tác mới. Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ sản xuất đến tiêu thụ. Tăng cường liên kết giữa các cơ quan, doanh nghiệp và địa phương để hỗ trợ nông dân...
Xây dựng thương hiệu “Trái cây Sơn La” và xúc tiến thương mại quốc tế
Tại Diễn đàn Kết nối Sản xuất và Thương mại nông - lâm sản các tỉnh Tây Bắc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La Cầm Thị Phong cho biết, tỉnh có gần 120.000ha cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm, sản lượng tương ứng đạt 510.000 tấn và 102.000 tấn. Tỉnh đã phát triển mạnh các vùng cây chủ lực như xoài, nhãn, mận, cà phê, chè, và đạt nhiều kết quả ấn tượng so với năm 2016.

Mận là một trong những trái cây chủ lực của Sơn La. (Ảnh: Thanh Tâm).
Toàn tỉnh hiện có 216 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, 201 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, hơn 5.500ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, và gần 30.000 tấn cà phê được chứng nhận bền vững. Công tác chế biến và tiêu thụ được đẩy mạnh, thông qua gần 560 cơ sở chế biến, hàng nghìn điểm sấy long nhãn, hệ thống kho lạnh, đưa nông sản vào chuỗi siêu thị lớn và sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, Sơn La vẫn đối mặt nhiều khó khăn như địa hình dốc, sản xuất phân tán, chi phí cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến năng suất; giống cây chưa đồng đều, tỷ lệ rải vụ thấp; tỷ lệ chế biến sâu và bao bì nhãn mác chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; thiếu liên kết hợp đồng bền vững với doanh nghiệp; đất trồng kém bền vững và cơ giới hóa còn hạn chế.
“Hợp đồng doanh nghiệp và nông dân phải có sự bền chắc, nếu có sự vi phạm thì phải có chế tài hợp lý”, bà Phong nói.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ ổn định 90.000ha cây ăn quả và 25.000ha cà phê, đẩy mạnh tái canh giống chất lượng cao, tăng tỷ lệ diện tích áp dụng VietGAP, công nghệ tưới tiết kiệm nước, mã số vùng trồng và chế biến sâu. Sơn La đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng trung du miền núi phía Bắc.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La cho rằng, tỉnh xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đi vào chiều sâu, nâng cao hàm lượng chế biến sau thu hoạch, thúc đẩy sản phẩm đặc sản, có thế mạnh gắn với thị trường. (Ảnh: Tùng Đinh)
Chia sẻ bí quyết phát triển nông nghiệp Sơn La 10 năm qua, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết, địa phương đã và đang tận dụng mọi cơ hội để phát triển nhanh và bền vững, với định hướng rõ ràng về nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, công nghiệp tái tạo và phát triển bền vững gắn với thị trường. Từ nền tảng điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng sự ủng hộ của Trung ương, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã khai thác hiệu quả tiềm năng nội lực để chuyển hóa thành động lực tăng trưởng.
Trong chu kỳ 10 năm qua, Sơn La luôn duy trì mức tăng trưởng kinh tế dương, đặc biệt năm 2022 đạt trên 8%, và 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục tăng trưởng trên 8%. Đây là những con số khẳng định tính ổn định và năng lực điều hành kinh tế địa phương, đồng thời tạo nền tảng cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh giữ vững vai trò của nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế, lấy nông nghiệp làm điểm tựa xuyên suốt.
Một trong những dấu ấn quan trọng là kết quả triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân gần 4% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 61 triệu đồng/năm, vượt mục tiêu tỉnh đề ra trong giai đoạn 2015-2025.
Với hơn 100.000ha sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 85.000ha cây ăn quả, Sơn La hiện là vùng sản xuất nguyên liệu nông nghiệp lớn của cả nước. Đặc biệt, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh xoài, nhãn, chanh leo, mận hậu… nhờ triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU từ năm 2015 về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc không chỉ cải thiện sinh kế người dân miền núi mà còn góp phần chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái.
Cùng với cây ăn quả, ngành mía đường của tỉnh cũng ghi dấu ấn khi có nhà máy duy nhất tại miền Bắc vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh ngành này gặp nhiều khó khăn trên cả nước.
Về định hướng sắp tới, ông Công cho biết, tỉnh xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đi vào chiều sâu, nâng cao hàm lượng chế biến sau thu hoạch, thúc đẩy sản phẩm đặc sản, có thế mạnh gắn với thị trường.
Trong đó, công nghệ sau thu hoạch sẽ quyết định chất lượng và giá trị thương phẩm, là khâu cần được tập trung đầu tư. Sản xuất nông nghiệp được tổ chức theo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Sơn La cũng mong muốn phát triển các loại cây dược liệu như sâm, nhưng hiện điều kiện thổ nhưỡng chưa thuận lợi như Lai Châu.
Do đó, tỉnh đặt mục tiêu quy hoạch sản xuất theo vùng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong khâu chăm sóc, đặc biệt là kiểm soát sâu bệnh hại trên cây ăn quả và cà phê.
Một trụ cột trong chiến lược phát triển sắp tới là ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cảm biến môi trường, tưới thông minh… được xem là hướng đi tất yếu nhằm tăng năng suất, giảm chi phí và đảm bảo chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Sơn La đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, bền vững, nơi cây trồng không chỉ là sinh kế, mà còn là sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường”, ông Công nhấn mạnh.
Mở chương mới trong phát triển nông nghiệp Tây Bắc
Với những nền tảng đã xây dựng, Tây Bắc đang mở ra một chương mới trong phát triển nông nghiệp miền núi phía Bắc, gắn công nghệ, thị trường và đời sống người dân trong một chiến lược hài hòa và dài hạn.

Các đại biểu tham quan và check mã vạch truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm. (Ảnh: Thanh Tâm).
Ông Lò Hồng Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên cho biết, tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh ước đạt 4.045ha với các cây trồng chính như: Xoài 698ha, dứa 584ha, mít 448ha, bưởi 73ha, lê 222ha. Tổng diện tích trồng mới giai đoạn 2020 - 2024 ước đạt 1.008ha. Cây ăn quả tỉnh Điện Biên bước đầu chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, tạo thành vùng nguyên liệu phục vụ liên kết và chế biến sản phẩm. Bước đầu hình thành 5 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà và thành phố Điện Biên Phủ với tổng diện tích cây ăn quả ước đạt 3.000 ha.
Về cây công nghiệp lâu năm, Điện Biên có 4.784ha cà phê (sản lượng dự kiến hơn 4.800 tấn nhân), gần 630ha chè, hơn 5.000ha cao su và hơn 12.300ha mắc ca. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng thừa nhận địa phương vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu cơ sở chế biến, bảo quản sau thu hoạch, logistics yếu và sự liên kết giữa người trồng với doanh nghiệp còn lỏng lẻo.
Với tỉnh Lai Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bùi Huy Phương cho biết, với địa hình đặc trưng, khí hậu mát mẻ quanh năm và hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng, Lai Châu là vùng đất lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài dược liệu đặc hữu.
Toàn tỉnh hiện có trên 23.000ha trồng dược liệu các loại, với các loài chủ lực như quế (10.000ha), thảo quả (trên 6.500ha), sa nhân (trên 2.500ha), sơn tra (trên 2.000ha), sâm Lai Châu (trên 130ha) và thất diệp nhất chi hoa (trên 10ha). Sản lượng dược liệu khai thác hàng năm ước đạt 3.000 tấn, minh chứng cho tiềm năng phát triển dược liệu to lớn của tỉnh.
Đặc biệt, sâm Lai Châu - loài cây bản địa, đặc hữu, phân bố hẹp trên địa bàn tỉnh, được người dân bản địa sử dụng làm thuốc từ rất lâu với tên gọi tam thất đen, tam thất đỏ đang dần khẳng định vị thế là dược liệu quý, có giá trị y học và kinh tế cao.

Các sản phẩm trưng bày tại Diễn đàn. (Ảnh: Thanh Tâm)
“Sâm Lai Châu không chỉ là một sản phẩm dược liệu quý mà còn là biểu tượng cho khát vọng phát triển bền vững, nâng cao đời sống của người dân Lai Châu. Lai Châu kêu gọi và mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác đầu tư từ các nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để cùng đưa sâm Lai Châu phát triển đúng với tiềm năng vốn có, mang lại lợi ích chung và góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành dược liệu Việt Nam trên trường quốc tế”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bùi Huy Phương nhấn mạnh.
Doanh nghiệp đồng hành cùng Tây Bắc, nâng tầm nông sản
Trong khuôn khổ Diễn đàn, phần Tọa đàm mang chủ đề: Kết nối sản xuất và thương mại một số sản phẩm chủ lực vùng Tây Bắc (cà phê Arabica, mắc ca, cây ăn quả, dược liệu…) thu hút sự quan tâm bình luận sôi nổi từ các đại biểu tham dự.
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, cho biết, doanh nghiệp đã nghiên cứu sâu về tiềm năng của vùng, bao gồm các nguồn tài nguyên như cây ăn quả, cây dược liệu, và nguyên liệu để sản xuất giấy. Dựa trên những nghiên cứu này, TH đã quyết định đầu tư vào hai dự án chính tại Sơn La và Điện Biên.

Tham quan dây chuyền sản xuất của nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ (Sơn La).
Đối với dự án chế biến hoa quả và dược liệu tại Sơn La, tập trung vào việc xây dựng nhà máy chế biến hoa quả và dược liệu, nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương. Các sản phẩm chính bao gồm nước ép, nước cô đặc, và các sản phẩm chế biến từ các loại trái cây như xoài, nhãn, mận.
Đối với dự án trồng cây mắc ca tại Sơn La và Điện Biên: tập trung vào việc trồng cây mắc ca, một loại cây có giá trị. Dự án được triển khai tại một phần của Sơn La và phần lớn diện tích nằm ở Điện Biên.
Ông Hải cho biết, thách thức hiện nay chủ yếu nằm ở phần đảm bảo nguồn nguyên liệu. TH đã phải xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng cho các loại nguyên liệu đầu vào, như độ đường, hình thức,... TH cũng phải tìm kiếm và lựa chọn các nhà cung cấp đáp ứng được các tiêu chuẩn này, đảm bảo chất lượng nguyên liệu tốt nhất.
Đại diện của TH chia sẻ, việc đầu tư vào vùng nguyên liệu, như tập huấn cho nông dân và hợp tác xã, là rất quan trọng để có được nguồn nguyên liệu chất lượng tốt.

Các đại biểu trao đổi sôi nổi với các nội dung đưa ra tại Tọa đàm mang chủ đề: Kết nối sản xuất và thương mại một số sản phẩm chủ lực vùng Tây Bắc.
“Dù có cái được, cái mất nhưng đến giờ có thể khẳng định, Doveco đã hỗ trợ, phát triển các nông sản thế mạnh cho Sơn La”, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), chia sẻ về hành trình đầu tư nhà máy chế biến tại Sơn La từ năm 2023. Chỉ sau hơn một năm đứng chân, Doveco không chỉ mở ra hướng đi mới cho những cây trồng chủ lực như xoài, nhãn, ngô ngọt hay rau chân vịt, mà còn định vị lại tiềm năng nông nghiệp vùng cao với tư duy “làm lớn từ những điều giản dị”.
Trong số đó, xoài Sơn La, đặc biệt là giống Đài Loan, nổi bật với độ Brix cao nhờ chênh lệch nhiệt độ ngày đêm, rất phù hợp với tiêu chuẩn chế biến và xuất khẩu. “Chúng tôi đã hỗ trợ tiêu thụ được 10% sản lượng xoài địa phương năm vừa rồi và phấn đấu đạt 20% vào năm tới”, ông Khuê nói.
Không dừng lại ở xoài, Doveco mở rộng thu mua với các loại cây trồng dễ chăm, ít rủi ro như dứa và chanh leo, 2 sản phẩm gần như không có tính thời vụ. “Dứa có thể thu hoạch quanh năm, chanh leo cũng vậy, dễ trồng, ít sâu bệnh. Đây là điều mà ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Bắc nên đặc biệt quan tâm để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi linh hoạt và có thu nhập ổn định hơn”, Chủ tịch HĐQT Doveco nhấn mạnh.
Với các loại cây này, ông Khuê khẳng định: “Doveco thu mua được bao nhiêu, chế biến được bấy nhiêu. Năng lực hiện tại của nhà máy và hệ thống kho lạnh cho phép chúng tôi tiêu thụ khối lượng lớn mà không lo quá tải”.
Ông ví dụ, một số giống dứa mà Doveco đang hỗ trợ tại Sơn La có thể đem lại doanh thu lên tới 1 tỷ đồng/ha chỉ sau 14 tháng trồng, nếu được trồng đúng kỹ thuật và đồng bộ. Một điểm sáng khác là chuối. Theo ông Khuê, miền Tây Bắc có lợi thế rõ rệt so với miền Trung, nơi thường xuyên gánh chịu bão lớn khiến vườn chuối thất thu.

Khi đi vào hoạt động, Doveco Sơn La sẽ tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân địa phương. (Ảnh: Tùng Đinh).
“Ở Sơn La hay Lai Châu, chuối ít bị tác động bởi thời tiết cực đoan, điều này tạo điều kiện lý tưởng để phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Tại Lai Châu, chúng tôi đã đầu tư xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu lớn, sẵn sàng kết nối với các nhà máy chế biến hiện đại”, ông Khuê cho biết.
Trên tinh thần phát triển vùng nguyên liệu theo hướng “win-win”, Doveco không chỉ đóng vai trò người mua, mà còn là đơn vị tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm và cùng chính quyền địa phương xây dựng chiến lược dài hạn.
“Vấn đề không nằm ở cây gì mà là phối hợp như thế nào để người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình, từ những cây trồng tưởng như bình thường nhưng lại chứa đựng tiềm năng lớn”, ông Khuê nói.
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự thay đổi vượt bậc của tỉnh. Ông cho rằng, Sơn La hiện nay không chỉ là hình mẫu cho các tỉnh miền núi khác noi theo, mà còn đang tiến nhanh, mạnh, bền vững theo hướng vượt lên cả miền xuôi về cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Theo ông Hùng, Tây Bắc sở hữu tiềm năng đặc biệt lớn để phát triển các lĩnh vực như cây ăn quả, chăn nuôi gia súc và thủy sản. Nhiều loài cây bản địa như trám ghép, dổi ghép, mắc ca, dẻ hạt lớn... được tổ chức sản xuất tốt tạo ra giá trị kinh tế lớn trên vùng đất đồi núi rộng lớn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, một trong những mảng còn bỏ ngỏ, chưa được khai thác đúng tầm là cây dược liệu.
Một đề xuất đáng chú ý từ ông là tư duy lại giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích: "Cần đặt mục tiêu mỗi héc-ta phải đạt thu nhập tối thiểu 100 triệu đồng/năm tại khu vực miền núi. Từ Trung ương đến địa phương, các cấp lãnh đạo phải suy nghĩ và tổ chức lại sản xuất để đạt mục tiêu đó, đặc biệt với cây dược liệu".
Tập trung 7 nhóm giải pháp trọng tâm
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Tây Bắc là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có lợi thế lớn về khí hậu, thổ nhưỡng và bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận: việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu; năng lực chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch, kho bãi còn hạn chế; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ, giao thông còn khó khăn. Trong bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính, chuyển đổi mô hình phát triển, các hạn chế này càng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ, mang tầm chiến lược.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam phát biểu kết luận tại Diễn đàn. (Ảnh: Tùng Đinh)
Trên tinh thần hành động - hiệu quả - kết nối liên vùng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý 7 nhóm giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất là, tái cơ cấu sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Theo đó, các tỉnh Tây Bắc cần khẩn trương hoàn thành việc xác định vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực đến cấp xã, theo hướng tập trung, liền vùng, liền thửa, thuận tiện cho cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng và liên kết sản xuất. Triển khai hiệu quả Nghị định 98/2018/NĐ-CP về liên kết sản xuất - tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị với sự tham gia chủ đạo của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Phấn đấu đến năm 2030 có 70-80% sản phẩm tiêu thụ qua hợp đồng; hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới gắn sản xuất với chế biến và thị trường.
Thứ hai là, phát triển công nghiệp chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch, tập trung phát triển các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu, lấy Sơn La làm hạt nhân kết nối với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Tăng cường hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống sơ chế, đóng gói, kho lạnh tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, đại lý thu gom. Doanh nghiệp cần chuyển mạnh từ xuất thô sang chế biến sâu: nước ép, quả sấy, đồ uống, dược liệu, mỹ phẩm từ quả… theo hướng đa dạng hóa sản phẩm - gia tăng giá trị … theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thứ ba là, mở rộng thị trường tiêu thụ - đa dạng hóa đầu ra, đối với thị trường trong nước cần đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kết nối nông sản Tây Bắc vào chuỗi siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn công nghiệp, khu du lịch. Kết nối nông sản vào chuỗi siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn tập thể, khu du lịch.
Đối với thị trường quốc tế, giao Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phối hợp các đơn vị chức năng liên quan của Bộ cùng các Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp tổ chức xúc tiến xuất khẩu tại Trung Quốc, Nhật Bản, EU, UAE… Đồng thời xây dựng bản đồ thị trường tiêu thụ theo mùa vụ và chủng loại sản phẩm. Tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi xúc tiến thương mại, hội chợ quốc tế, ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tiếp.
Thứ tư là, ứng dụng khoa học công nghệ - chuyển đổi số. Theo đó, các địa phương cần xây dựng cơ sở dữ liệu mở về đất đai, khí hậu, mùa vụ phục vụ dự báo, điều hành sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu giống cây trồng chất lượng cao, rải vụ và thích ứng biến đổi khí hậu. Nhân rộng VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng có lợi thế địa hình và khí hậu như Mộc Châu, Mai Sơn (Sơn La); Bắc Hà (Lào Cai)…
Thứ năm là, tăng cường hợp tác quốc tế và đầu tư phát triển hạ tầng mở rộng hợp tác với FAO, JICA, KOICA… về giống, công nghệ (sản xuất, thu hoạch, chế biến, thương mại sản phẩm) và quản lý chuỗi. Huy động vốn ODA, vốn ưu đãi đầu tư thủy lợi, giao thông, chế biến, logistics nông sản.
Thứ sáu là, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho Tây Bắc. Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất cơ chế chính sách về đất đai, tín dụng, hỗ trợ hợp tác xã, đầu tư vùng khó khăn, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp chế biến tại vùng sâu, vùng xa.
Thứ bảy là, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá nông sản vùng. Theo đó, giao Báo Nông nghiệp và Môi trường xây dựng chuyên mục về nông sản Tây Bắc, thực hiện các diễn đàn kết nối, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền. Giao Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phát triển các kênh bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu số cho nông sản Tây Bắc. Xây dựng bản đồ số vùng nguyên liệu và sản phẩm chủ lực Tây Bắc, phục vụ quản lý, truy xuất và xúc tiến thương mại.
“Diễn đàn hôm nay chỉ là bước khởi đầu quan trọng. Từ những ý kiến tâm huyết của các đại biểu, sẽ được Bộ tổng hợp, báo cáo Chính phủ và đề xuất cụ thể hóa chính sách. Nhưng để biến chủ trương thành hiện thực, không ai khác ngoài chính chúng ta - từ người lãnh đạo, doanh nghiệp, nhà khoa học, đến từng người nông dân - phải hành động ngay và hành động quyết liệt.
Tôi kêu gọi toàn ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà khoa học và bà con nông dân hãy cùng chung tay đưa Tây Bắc trở thành vùng sản xuất nông lâm sản hiện đại - xanh - sạch - hiệu quả - bền vững, khẳng định vị thế trên bản đồ nông nghiệp quốc gia và quốc tế”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh./.