Chính sách mới/Chính sách mới

Để Nông nghiệp Hà Nội "cất cánh", cần thay đổi tư duy sản xuất.

04/05/2025, 21:43

Hiện tại Hà Nội có gần 198.000ha đất sản xuất nông nghiệp với hàng chục nghìn hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

 Hà Nội ngoài các cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp còn có hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp hàng đầu cả nước; có nguồn lao động chất lượng cao và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng nông nghiệp Thủ đô phát triển chưa tương xứng.

Do đó, ngành Nông nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, khoa học và công nghệ,...

Chi phí đầu vào còn quá cao cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khác rất xa so với sản xuất nông nghiệp truyền thống, nếu sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống chỉ cần người nông dân chịu khó, chăm làm, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất truyền thống chủ yếu là do tự cung tự cấp, thì cũng đã cho ra được sản phẩm. Nhưng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lại hoàn toàn khác, phải có đầu tư để xây dựng lên hệ thống sản xuất, chăm sóc…

Trang trại chăn nuôi gà của Công ty CP Giống gia cầm Ngọc Mừng

Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng - Hoàng Mạnh Ngọc cho biết, với quy mô trang trại 5 ha, công ty đang nuôi 20 vạn con gà và sử dụng 100 máy ấp trứng, tất cả đều được kiểm soát bằng công nghệ 4.0. Việc tự động hóa trong quy trình cho ăn và uống giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh, giảm thiểu dịch bệnh. Mỗi tháng, Công ty cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 con gà giống ra thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực tế, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp là rõ nét. Tuy nhiên, việc này còn gặp không ít khó khăn, chi phí đầu tư ban đầu rất cao, quy mô nhỏ lẻ, trình độ của người nông dân không đều, thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại.

Công ty CP Tiên Viên là một trong những DN đầu tư lớn vào chăn nuôi gà ở Chương Mỹ. Hiện công ty đang liên kết với 30 trang trại chăn nuôi vệ tinh, duy trì đàn gà khoảng 120.000 gà đẻ, thương phẩm. Để hoàn thiện chuỗi, công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng cho khu sơ chế, đóng gói sản phẩm trứng với công suất 200.000 quả/ngày.

Tuy nhiên, hiện nay công ty chưa xây dựng được nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại theo kế hoạch do chưa đáp ứng yêu cầu về vấn đề cấp phép xây dựng. Giám đốc Công ty CP Tiên Viên Đặng Đình Tiên cho biết, hiện công ty đang phải thuê giết mổ gia cầm ở bên ngoài với chi phí cao. Công ty kiến nghị các sở, ngành tham mưu TP hỗ trợ các vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép xây dựng và kết nối các nguồn vốn hỗ trợ để công ty sớm hoàn thành dự án xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, đưa ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi là mục tiêu huyện phấn đấu để tăng hiệu quả. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao ở địa phương còn rất hạn chế. Bởi chăn nuôi công nghệ cao cần nguồn vốn và quỹ đất lớn.

Để nông nghiệp Thủ đô thật sự “cất cánh”, cần có những thay đổi mang tính chiến lược và đột phá, từ tư duy lãnh đạo đến hành động thực tiễn. Chúng ta không thể tiếp tục duy trì tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần là trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu truyền thống.

Cần giải pháp đồng bộ

Để nông nghiệp Hà Nội phát triển tương xứng với những lợi thế hiện nay đang có, ngành nông nghiệp rất cần phải được định vị lại, nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ mà còn là lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao, gắn với công nghệ, kinh tế số và phát triển bền vững.

Thành phố cần rà soát, điều chỉnh và ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là trong tiếp cận đất đai, vốn tín dụng và ứng dụng công nghệ. Những nút thắt trong tích tụ ruộng đất, khó khăn trong thủ tục đầu tư và cơ chế khuyến khích đầu tư tư nhân vào nông nghiệp cần được tháo gỡ dứt điểm.

Cùng với đó, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân cần được kết nối trong một hệ sinh thái bền vững. Vai trò “nhạc trưởng” của Nhà nước trong điều phối và định hướng thị trường cần được phát huy mạnh mẽ, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Các chuỗi cung ứng nông sản phải gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để không chỉ phục vụ thị trường trong nước, mà còn hướng đến xuất khẩu.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quản lý sản xuất, từ giám sát môi trường, điều hành tưới tiêu đến truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử. Những ứng dụng như bản đồ số vùng trồng, nhật ký điện tử, phần mềm quản lý trang trại… không chỉ giúp tăng hiệu quả sản xuất, mà còn nâng cao tính minh bạch, hướng đến nền nông nghiệp thông minh.

Đồng thời, công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động nông thôn cần được chú trọng. Chuyển đổi số không thể thành công, nếu thiếu nguồn nhân lực biết ứng dụng công nghệ và có tư duy đổi mới sáng tạo.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp TP sẽ tập trung thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng đàn gia súc gia cầm.

Cần có thay đổi để có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Cụ thể phấn đấu, 100% trang trại chăn nuôi lớn sử dụng hệ thống chăn nuôi chuồng kín, tự động hóa dây chuyền trong chế biến thức ăn, cho ăn uống tự động, kiểm soát dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi; 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo chuỗi có thương hiệu sản phẩm, được đánh giá đủ điều kiện chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để tháo gỡ những vướng mắc trong việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi ở Hà Nội, Phó Giám đốc Nguyễn Huy Đăng cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách, hạ tầng phụ trợ. Việc làm đầu tiên đó là cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, để kêu gọi các cá nhân, DN đầu tư. Trong đó, những cá nhân, DN đầu tư vào lĩnh vực này được ưu tiên giao đất, cho thuê đất ở những vị trí thuận lợi cho sản xuất; được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, môi trường.

Nông nghiệp Thủ đô bước vào kỷ nguyên mới cần những hành động cụ thể, quyết liệt, đồng bộ từ cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Làm được điều đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ trở thành hình mẫu về nông nghiệp đô thị hiện đại - thông minh - bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn, mà còn góp phần định hình bản sắc phát triển của Thủ đô trong thời kỳ mới.

 


Nguồn: BIÊN TẬP TỪ: HANOIMOI.VN/Tap chí KTNT