Hoạt động của hội/Văn phòng Hội

Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

06/11/2024, 11:32

Diễn đàn được tổ chức với mục đích truyền thông, phổ biến rộng rãi về giống chè mới, kinh nghiệm sản xuất, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và chế biến các sản phẩm chè. Kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu sản xuất giữa cây chè với những cây trồng khác. 


Ngày 5/11/2024, tại Viện KHKT NLN miền núi phía Bắc(Phú Thọ).Cục Trồng trọt, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao”
Chủ Tịch HLV VN , PGS.TS Lê Quốc Doanh đọc diễn văn khai mạc Diễn đàn
 
 
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt -Bộ NN-PTNT, tính đến năm 2023, cả nước có 25 tỉnh thành trồng chè với diện tích đạt hơn 122,4 nghìn hécta,  Diện tích này đã giảm khoảng 12 nghìn ha so với năm 2015 do một số tỉnh phía Bắc và Lâm đồng chuyển đổi một số diện tích chè già cỗi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Cụ thể diện tích canh tác chè tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc (80,9%); đồng bằng sông Hồng (2,53%), Bắc Trung bộ (8,33%), Duyên hải Nam trung bộ (0,16%), Tây Nguyên (8,17%). Các tỉnh có diện tích chè lớn là Thái Nguyên 22,2 nghìn hécta, Hà Giang 19,8 nghìn hécta, Phú Thọ 14,0 nghìn hécta, Lâm Đồng 9,3 nghìn hécta, Lào Cai 7,9 nghìn ha.
Sản lượng chè trong giai đoạn này có xu hướng tăng do diện tích giảm nhẹ nhưng năng suất tăng. Cụ thể, sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1,125 triệu tấn năm 2023. Theo phân vùng sản xuất, sản lượng chè của Việt Nam tập trung chính tại hai vùng là vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỉ lệ lần lượt là 74,7% và 10,94%.
 
Về xuất khẩu, năm 2023, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt khoảng 121 nghìn tấn, trị giá 211 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và 10,9% về trị giá so với năm 2022. Giá chè xuất khẩu trung bình trong năm 2023 ước đạt 1.737,3 USD/tấn, tăng 7,3% so với năm 2022, đồng thời, năm 2023 cũng là năm có sản lượng xuất khẩu chè thấp nhất trong vòng 7 năm (Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan).
 
Các thị trường chính của sản phẩm chè Việt Nam vẫn là Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia,… và chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao ở thị trường EU… Dự báo sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam đến năm 2030 đạt 136,5 nghìn tấn, tăng trung bình 0,82%/năm, chiếm khoảng 80% sản lượng chè sản xuất ra.
Về xuất khẩu chè đen sẽ giảm dần. từ tỷ lệ 51,0% năm 2021 và dự báo đến năm 2030, giảm xuống còn 48%; chè xanh tỷ lệ 48% vào năm 2021 và dự báo năm 2030 tăng lên 52%.



Các diễn giả tham gia tại Diễn đàn
 
Về cơ cấu giống theo loại sản phẩm: hiện nay khoảng 23% giống chè của Việt Nam chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, 50% diện tích chè phù hợp cho cả chế biến chè xanh và chè đen, 27% diện tích chè thích hợp cho chế biến chè xanh và chè chất lượng cao khác.
Cơ cấu giống chè mới tăng mạnh, từ 15% năm 2000 lên 65% năm 2021đến năm 2024, đã có 31 giống chè được công nhận (LDP1, LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên; PH8, PH10, TB14 Hương Bắc Sơn, LCT1, PH276, CNS.831…).  Giống chè chất lượng trung bình (Trung du, PH1) giảm còn 18-20% so với những năm 2000. Giống chất lượng khá (LDP1, LDP2...) chiếm 25%. Giống chất lượng cao (nguồn gốc Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản) đạt khoảng 10%. Chè giống mới Nghệ An 89%, Thái Nguyên 75,9%, Phú Thọ 73,1%, Tuyên Quang 63%, Yên Bái 58,6%, Sơn La 53,2%.
 
Giống chè Shan Tuyết phân bổ ở 11 tỉnh và chủ yếu là Hà Giang(13.561 ha), sản lượng thu hoạch đạt 24.964 tấn, còn lại phân bổ tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Ngãi, Lâm Đồng. Trong đó có khoảng 10.000 ha chè cổ thụ (năng suất 2,5 -4,0 tấn/ha).
 
Tại diễn đàn các ý kiến trao đổi đã đề cập tới những nguyên nhân chính dẫn đến giá trị xuất khẩu chè Việt Nam chưa cao, hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn là sản phẩm chế biên thô, những tác động về cơ chế chính sách, về giống, kỹ thuật trồng trọt và chế biến đã có nhiều định hướng, giải pháp nhưng chưa nâng cao được giá trị chè thành phẩm bán ra.  
Những giải pháp cụ thể cho sản xuất chè an toàn, chè chất lượng cao cũng được đề cập tại diễn đàn. Những giải pháp về đào tạo nhân lực, phối kết hợp với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực sản xuất và cấp chứng nhận là những giải pháp lồng ghép vào qui hoạch, sản xuất và chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè trên cả nước.
 

Những giống chè mới được trồng tại đồi chè của Viện nKHKT miền núi Phía Bắc
 
 
Kết luận tại diễn đàn, Chủ tịch HLV Việt Nam, PGS. TS Lê Quốc Doanh nhấn mạnh mấy điểm sau:
- Phát triển cây chè đạt hiệu quả cao và bền vững gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Quy mô về diện tích trồng chè phải phù hợp yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Phát triển chè bền vững, đồng bộ theo hướng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn mở rộng chuỗi sản xuất, đa giá trị sản xuất, đa dạng sản phẩm, phát triển vùng chè chủ lực gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm và du lịch văn hóa trà.
- Bố trí cơ cấu các sản phẩm chè xanh - đen một cách hợp lý theo hướng tăng cường các sản phẩm chè xanh chất lượng cao, tiếp tục phát triển các sản phẩm chè khác có giá trị gia tăng cao như chè Ôlong, chè Matcha...
- Ổn định diện tích trồng chè của Việt Nam khoảng 130 -135 nghìn ha; năng suất đạt khoảng 110 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 1,4 -1,5 triệu tấn chè búp tươi.
- Kiểm soát được chất lượng vật tư đầu vào như giống, phân bón và đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật để không còn các lô hàng bị trả về do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục thuốc không được phép sử dụng của nước nhập khẩu.
- Trong thời gian tới, ngành chè cần tập trung nâng cao chất lượng, đam bảo ATTP, đa dạng về mẫu mã, thương hiệu để có thể xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao và khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Đài Loan…

Nguồn: BBT/HLV VN