Làm vườn và NN xanh/NN sinh thái

Nuôi gà du mục kiểu "lười"

18/04/2025, 09:59

 Anh Đức (Phú Thọ) dùng ô tô cũ làm chuồng di động, đưa gà ra đồi kiếm ăn, vừa nuôi gà, vừa làm cỏ, cải tạo đất. Không xây chuồng trại, không gây ô nhiễm môi trường.

 

Chuồng gà di động

“Cái này tôi tự nghĩ ra thôi, không học ở đâu cả. Học theo người ta thì không có cơ hội đâu…” - đó là lời chia sẻ mộc mạc của anh Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1985, ở thị trấn Tân Phú, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) khi nói về mô hình nuôi gà trên ô tô - sáng kiến có một không hai ở vùng đất trung du.

Ý tưởng nuôi gà trên xe xuất phát từ chính tập tính đặc biệt của giống gà nhiều ngón (hay còn gọi là gà 9 cựa) - loài gà có khả năng di chuyển đường xa, tự kiếm ăn tốt và có thể quay về vị trí cũ dù đi xa cả cây số. Tận dụng lợi thế đó, anh Đức thiết kế những chiếc “chuồng gà di động” đặt trên xe ô tô 16 chỗ hoán cải, biến đàn gà của mình thành những “nông dân du mục” thực thụ.

 
 

Dựa vào tập tính của đàn gà, anh Đức xây dựng mô hình "Chicken mobile home" (trại gà di động). Ảnh: Minh Toàn.

Hiện anh Đức sở hữu 4 xe nuôi gà, mỗi xe có thể chở từ 70-80 con. Đến khoảng 30-45 ngày cuối trước khi xuất bán, đàn gà được đưa lên xe, rong ruổi qua các quả đồi, bãi đất trống hay khu vực người dân cần làm cỏ, cải tạo đất.

Gà xuống xe kiếm ăn, xới đất, thải phân ngay trên đất đồi. Đất được tơi xốp, sạch cỏ; gà lại được bổ sung thêm dinh dưỡng tự nhiên, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín, không hoá chất, không dư thừa.

Mô hình này giúp người chăn nuôi chủ động được không gian, thời gian, không phụ thuộc vào diện tích chuồng trại hay đất đai cố định. Khi cảm thấy đất đã được cải tạo đủ, anh Đức lại chuyển xe gà tới vùng đất mới. Điều quan trọng là phải kiểm soát được đàn gà, tránh gây ảnh hưởng tới hoa màu của người dân xung quanh.

 
 

"Gà du mục" vừa làm sạch cỏ vừa cải tạo đất. Ảnh: Minh Toàn.

Theo anh Đức, những chú gà được “du lịch” tự do như vậy sẽ khỏe mạnh hơn, lông mượt, thịt chắc, trứng ngon và chất lượng hơn cách nuôi nhốt truyền thống. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều khi anh công khai mô hình trên mạng xã hội nhưng anh Đức tin đây là con đường của nông nghiệp hiện đại: sáng tạo, bền vững, tận dụng tự nhiên và giảm thiểu phụ thuộc hoá chất.

Anh nói vui: “Gà cũng như trẻ con, được thoải mái chạy, thoải mái ăn, tinh thần nó mới vui được. Mình nuôi gà cũng vậy thôi, phải cho nó sống gần với tự nhiên nhất có thể”.

Bài toán khó nhất của mô hình này chính là vấn đề vệ sinh. Để giữ xe sạch sẽ, không mùi, anh Đức sử dụng đệm lót sinh học từ vỏ chấu ủ men vi sinh. Vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường. Còn lại, mọi thứ đều “thuận tự nhiên”.

 
 

Đệm lót sinh học giúp khử mùi, đảm bảo vệ sinh, cung cấp nguồn phân bón hữu cơ cho nông nghiệp. Ảnh: Minh Toàn.

“Nếu tôi thất bại, người sau có thể học được cái sai của tôi. Còn nếu tôi thành công, ai cũng có thể học theo để làm tốt hơn” - anh Đức nói, ánh mắt vẫn đầy niềm tin vào con đường mình chọn.

Đàn gà làm cỏ, nuôi đất, giữ quê

Không chỉ dừng lại ở việc gây dựng thương hiệu gà nhiều ngón, bán trứng, bán thịt hay gìn giữ nguồn gen quý của địa phương, anh Đức còn theo đuổi một mục tiêu lớn hơn là xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Với anh, mỗi con gà không chỉ là vật nuôi mang lại giá trị kinh tế, mà còn là “người nông dân chăm chỉ” góp phần cải tạo đất, tái tạo tài nguyên và làm sạch môi trường.

Xuất phát từ tập tính tự nhiên của giống gà nhiều ngón - thích bới đất, kiếm ăn - anh Đức tận dụng chính thói quen đó để làm cỏ, làm tơi xốp đất trên những luống ngô. Đàn gà vừa “làm cỏ thuê” vừa để lại phân bón tự nhiên, giúp đất giàu dinh dưỡng hơn. Khi ngô lớn, ngô lại quay về làm thức ăn cho gà. Cứ thế, một vòng tuần hoàn tự nhiên được khép kín - không thừa, không thải, không phụ thuộc phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.

 
 

"Gà du mục" là mắt xích quan trọng trong việc vận hành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Minh Toàn.

“Làm nông bây giờ phải biết… lười thông minh” - anh Đức cười bảo. Nhờ có sự “giúp sức” của đàn gà, anh hầu như không tốn công làm cỏ, cũng chẳng phải tốn tiền mua phân bón, thuốc sâu như trước.

Không dừng lại ở đó, phần đệm lót sinh học trong chuồng gà sau khi sử dụng còn được tận dụng làm phân bón hữu cơ cho rau màu, vừa tăng dinh dưỡng cho đất, vừa hạn chế sâu bệnh và cỏ dại.

 
 

Hành trình xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững bắt đầu từ tư duy xanh. Ảnh: Minh Toàn.

Anh tin rằng mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng ở nhiều nơi, vì nó không tốn quá nhiều diện tích đất, không phải phụ thuộc vào vật tư nông nghiệp bên ngoài, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, gà khỏe mạnh mà không cần bổ sung khoáng chất hay thuốc tăng trưởng.

 
 

Từ chăm gà, kiểm tra trứng đến lo đầu ra, anh Đức đều tự tay quán xuyến. Ảnh: Minh Toàn.

Hiện nay, anh Đức đã hỗ trợ 52 hộ dân trong vùng phát triển mô hình nuôi gà nhiều ngón, hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra. Theo đó, gà con có giá 52.000 đồng/con, trứng từ 20.000 - 25.000 đồng/quả, gà thương phẩm từ 135.000 - 250.000 đồng/kg. Đặc biệt, những con gà nhiều ngón đủ 9 cựa - biểu tượng trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh - có giá bán từ 15 - 30 triệu đồng/con.

“Gà của tôi giờ đã đi khắp cả nước rồi” - anh Đức tự hào nói. “Người tiêu dùng quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn. Họ coi trọng chất lượng và giá trị văn hóa của giống gà đặc sản vùng cao”.


Nguồn: /Báo NNVN