“Vì sao các nước trên thế giới không có ý định làm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải?”, phân tích câu hỏi này, PGS. TS Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) khẳng định, Việt Nam sở hữu lợi thế mà ít quốc gia trồng lúa nào có được, đó là hệ thống thủy lợi phủ 85% diện tích lúa. Đây là thành quả của nhiều thập kỷ đầu tư bền bỉ từ Nhà nước và người dân.
“Nếu không có nền tảng này từ các thế hệ trước, thì hôm nay chúng ta không thể bàn đến chuyện trồng lúa giảm phát thải”, Chủ tịch VIETRISA nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Bá Bổng - Chủ tịch VIETRISA nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.
Chính khả năng chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, đã giúp Việt Nam linh hoạt trong canh tác. Nhất là việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến như tưới ngập khô xen kẽ - một trong những yếu tố then chốt giúp cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Bổng phân tích, Thái Lan là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Mặc dù rất tham vọng, nhưng quốc gia này chỉ đặt mục tiêu đạt 150.000 ha lúa giảm phát thải vào năm 2028, trong tổng số 10 triệu ha lúa. Nguyên nhân do hệ thống thủy lợi nơi đây chỉ đáp ứng được 18% diện tích trồng lúa.
Tương tự, Indonesia và Philippines - những thị trường nhập khẩu gạo chủ lực của Việt Nam cũng chỉ có dưới 30% diện tích lúa có hệ thống thủy lợi đảm bảo. Trong khi đó, tại Ấn Độ - quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, tỷ lệ này còn thấp hơn.
Hạ tầng thủy lợi không đồng bộ khiến các quốc gia này không thể triển khai quy trình canh tác lúa giảm phát thải theo chuẩn quốc tế một cách ổn định và trên diện rộng.
Hệ thống thủy lợi đã được bao phủ khoảng 85% diện tích trồng lúa. Ảnh: Văn Vũ.
Ngược lại, Việt Nam đã ứng dụng thành công kỹ thuật “1 phải 5 giảm” cách đây ít nhất 15 năm. Ông Bổng cho rằng, các địa phương ĐBSCL cần tiếp tục phát huy lợi thế đã có như: giảm vật tư đầu vào, áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ và quản lý rơm rạ sau thu hoạch. Trong đó, hai yếu tố: giảm vật tư đầu vào và áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ, hoàn toàn trong khả năng thực hiện của nông dân, nhờ có hệ thống thủy lợi đồng bộ. Riêng vấn đề xử lý rơm rạ sẽ cần một lộ trình dài hơn.
Như tại Sóc Trăng, nhờ được kế thừa hạ tầng thủy lợi từ Dự án VnSAT, địa phương có đủ điều kiện triển khai các mô hình trong đề án. Trái lại, Trà Vinh gặp nhiều khó khăn vì chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ. “Chúng ta không nhất thiết yêu cầu cả hai vụ lúa trong năm đều giảm phát thải. Chỉ cần tập trung vào một vụ chính, như vụ đông xuân, với điều kiện thủy lợi thuận lợi, đã đủ điều kiện để cắt giảm phát thải”, ông Bổng gợi mở.
Như một “vết dầu loang”, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 200.000 ha lúa phát thải thấp trong năm 2025 và tiếp tục mở rộng lên 1 triệu ha trong các năm tiếp theo.
Hệ thống thủy lợi đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi để nông dân ĐBSCL ứng dụng tốt các kỹ thuật canh tác tiên tiến. Ảnh: Kim Anh.
Hiện nay, trong bối cảnh khí hậu ngày càng khắc nghiệt, hạn mặn, triều cường và xâm nhập mặn diễn ra bất thường, hệ thống thủy lợi không chỉ giúp ổn định sản xuất mà còn là lợi thế cạnh tranh.
Riêng tại ĐBSCL, hệ thống thủy lợi không chỉ đơn thuần là những con kênh, trạm bơm hay cống đập, mà còn là nền tảng vững chắc để phát triển nền nông nghiệp bền vững và có khả năng thích ứng cao.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các địa phương rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Trong đó, lĩnh vực thủy lợi cần nạo vét 1.924 km kênh cấp II trong vùng sản xuất lúa; xây mới/nâng cấp 1.628 km đê bao khép kín kết hợp với lưu thông vận chuyển hàng hoá vật tư nông nghiệp; xây dựng 724 cống hở để tưới/tiêu và xây dựng 43 công trình điều tiết nước.
"Vết dầu loang" từ các mô hình thí điểm
Sau hơn một năm triển khai đề án, tại Sóc Trăng, bà con nông dân giảm được khoảng 20% chi phí đầu vào, đồng thời lợi nhuận tăng thêm khoảng 25% và lượng phát thải khí nhà kính khoảng 4 tấn CO2e/vụ. Đặc biệt, trong vụ đông xuân 2024-2025 vừa qua, giá lúa ST25 - đặc sản của địa phương, được thu mua với giá 11.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 - 3.000 đồng/kg so với mặt bằng chung, mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân.
Các mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ghi nhận mức giảm phát thải trung bình từ 5,52-7,05 tấn CO2e/ha/vụ. Ảnh: Văn Vũ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam cho biết, kết quả này là cơ sở thực tiễn để tỉnh tiếp tục ban hành chính sách nhân rộng. Tỉnh định hướng trong năm 2025 sẽ mở rộng 8 mô hình, quy mô trên 350 ha.
Thành công không chỉ thể hiện con số mà còn ở sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Như tại Trà Vinh, từ 98 ha thuộc hai mô hình thí điểm ban đầu, nông dân tỉnh này đã chủ động tăng diện tích trồng lúa giảm phát thải lên đến hơn 4.100 ha trong vụ hè thu 2025.
Nông dân sau 3 vụ canh tác liên tiếp theo quy trình mới tỏ ra phấn khởi khi chi phí đầu vào giảm từ 3-4 triệu đồng/ha, năng suất tăng 5-7%, lợi nhuận tăng 20-30% và giảm phát thải tới 50%.
Tại Kiên Giang có hơn 78.000 ha đang áp dụng quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải theo đề án, đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương đi đầu trong nhân rộng mô hình. Các mô hình tại đây đã chứng minh hiệu quả kinh tế rõ rệt: lợi nhuận tăng từ mức 24-26 triệu đồng/ha (ngoài mô hình) lên 38-55 triệu đồng/ha (trong mô hình). Sự chênh lệch này chủ yếu nhờ tiết giảm chi phí đầu vào, nông dân ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả thị trường.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hiện nay 5 tỉnh đã triển khai mô hình thí điểm của trung ương đã chủ động mở rộng 53 mô hình, diện tích ước đạt trên 3.600 ha. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp dẫn đầu với 16 mô hình, quy mô hơn 2.000 ha; kế đến là Trà Vinh với 14 mô hình, diện tích là 728 ha.
Quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang lan rộng khắp các địa phương vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.
Ngoài ra, các tỉnh không thuộc diện triển khai mô hình thí điểm của trung ương cũng chủ động thực hiện đề án. Riêng vụ đông xuân 2024-2025, 5 tỉnh gồm: Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang và Bạc Liêu đã triển khai 48 mô hình, với tổng diện tích là 865,3 ha từ nguồn ngân sách địa phương.
Những kết quả trên chính là “vết dầu loang” mà PGS. TS Bùi Bá Bổng kỳ vọng: Mục tiêu 1 triệu ha lúa giảm phát thải, chất lượng cao không còn xa vời và quá tầm.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã và đang xây dựng, cập nhật hệ thống dữ liệu thông tin của 620 HTX tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Bên cạnh đó, gần 200 doanh nghiệp tham gia đề án, trong đó có khoảng 40% doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, quy mô liên kết từ 200 ha trở lên.