Điển hình VAC tiên tiến/Mô hình vườn, VAC hiệu quả

Nuôi ốc nhồi sinh sôi thu nhập

13/09/2024, 14:13

Một trong những sản phẩm nông nghiệp đạt chất sản phẩm chứng nhận OCOP tại Thanh Hoá là sản phẩm ốc nhồi ống nứa được công nhận OCOP 3 sao do Công ty TNHH hữu cơ Thiên Bảo đóng trú tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hoá.

Bài 1: Tiềm năng, thực trạng và những vấn đề đặt ra
 
Theo nghiên cứu, khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cho thấy, ốc nhồi là thực phẩm được ưa chuộng, trước đây chủ yếu khai thác trong tự nhiên. Tuy nhiên, do khai thác, đánh bắt tự do quá mức và do nhiều nguyên nhân khác, nên ốc trong tự nhiên dần đã cạn kiệt.
 
Bù lại trong những năm qua, người dân nhiều nơi đã tự phát nuôi thả trong ao nhà, hoặc theo hình thức trang trại quảng canh, với quy mô ngày càng tăng và sản phẩm ốc nhồi ngày càng trở thành hàng hóa, được người sản xuất, tiêu dùng xếp vào con nuôi, sản phẩm đặc sản, mang lại gía trị kinh tế đáng kể cho người nuôi và ưa chuộng của người dùng.
 
Mặc dù giá trị kinh tế và ẩm thực như vậy, song thực tế sản xuất ốc nhồi của đa số các hộ vẫn ở tình trạng tự phát, bấp bênh, thiếu đầu tư nuôi chuyên sâu, thiếu liên kết ổn định, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của loại sản phẩm được ưa chuộng này.
 
 
P. Chủ tịch HLV Việt Nam Phan Huy Thông thăm cơ sở nhân giống ốc nhồi tại Quảng Xương, Thanh Hoá

Đáng chú ý, ở Thanh Hóa trong hơn một ngàn mô hình phát triển sản xuất thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) hơn mười năm qua, chưa có mô hình nào về nuôi, chế biến ốc nhồi; và trong gần 400 sản phẩm OCOP đã được xếp hạng trên địa bàn, đến trước năm 2024 cũng chưa có sản phẩm nào được sản xuất từ ốc nhồi.
 
Thâm nhập thực tế, nắm bắt, đánh giá sâu việc sản xuất chế biến về con nuôi này, Phóng viên đã gặp trực tiếp hầu hết các hộ nuôi ốc ở các xã trên địa bàn huyện Quảng Xương. Đồng thời, tiếp cận mô hình hoạt động của Công ty Thiên Bảo, có địa chỉ tại Thị trấn Tân Phong, do ông Bùi Văn Bình làm Giám đốc.
 
Qua tìm hiểu, được biết ông Công ty Thiên Bảo cũng như các hộ đã có thời gian nhiều năm gắn bó, thăng trầm với công việc sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ ốc nhồi trên địa bàn.
 
Tập trung tìm hiểu sâu ở 20 hộ mà Công ty Thiên Bảo mới liên kết hơn năm qua, được ông Bùi Văn Bình, Giám đốc Công ty cho biết: Kết quả sản xuất nuôi ốc nhồi của các hộ trước khi liên kết, có tổng diện tích ao nuôi 13 ha, trong đó: Xã Quảng Trạch: 4ha/5 hộ; xã Quảng Long: 3,7 ha/5 hộ; xã Quảng Văn: 2,3 ha/5 hộ; xã Quảng Hợp: 3ha/5 hộ (diện tích ao nuôi ở hộ thấp nhất là 0,2ha, hộ nhiều nhất là 1 ha).
 
Bình quân hàng năm: Về ốc giống, các hộ tự sản xuất được khoảng 200 vạn con, tương ứng giá trị là 60 triệu đồng; lợi nhuận mang lại từ sản 40 triệu đồng. Ngoài ra phải mua ốc giống bên ngoài để nuôi là khoảng 100 vạn con, tương ứng số tiền là 30 triệu đồng. Về ốc thịt: Sản lượng đạt khoảng 12,1tấn, doanh thu đạt 950 triệu đồng. Lợi nhuận mang lại là 480 triệu đồng. Tổng lợi nhuận đạt 520 triệu đồng; bình quân 40 triệu đồng/ha; 26 triệu đồng/hộ.
 
Bên cạnh kết quả sản xuất mang lại tích cực, thì điều đáng nói ở đây, được ông Nguyễn Đình Thịnh, PCT Hội Làm vườn và Trang trại huyện Quảng Xương cho biết tình trạng chung cũng có một số khó khăn, bất cập, như:
Các hộ nuôi tự phát. Sản phẩm sản xuất ra chủ yếu là bán lẻ hoặc bán sĩ cho thương lái nhưng không có ràng buộc ổn định; sản lượng, giá cả bấp bênh. Cơ sở thu mua thụ động, không ổn định, thiếu sự liên kết bền vững. Kết quả sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu.
 
Kiến thức khoa học kỹ thuật nuôi ốc, có nhiều hộ nắm chưa vững, chủ yếu là kinh nghiệm truyền thống. Tư duy sản xuất hàng hóa ốc nhồi của các hộ còn bở ngỡ, hạn chế, nhất là chưa có liên kết hỗ trợ lẫn nhau, và chưa thực hiện chế biến sâu theo chuỗi giá trị.
 
Huy động vốn đầu tư của các hộ chưa mạnh dạn, chưa được đồng bộ và chưa được trở thành là đối tượng vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhân công lao động của các hộ còn hạn chế, vẫn còn tình trạng xem việc nuôi ốc là nghề phụ, nên chưa chú trọng huy động nhiều nguồn lực lao động chính và thường xuyên.
 
 Điều kiện nguồn nước cấp và khả năng tiêu khi ngập ao ở nhiều hộ còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
 
 Còn đối với việc thu mua, chế biến, tiêu thụ ốc nhồi tại công ty
Thiên Bảo trước khi diễn ra liên kết, được ông Bình chia sẻ: Bình quân thu mua ốc thịt hàng năm đạt khoảng 60 tấn, giá trị 4.200 triệu đồng.
Cụ thể mua trong địa bàn tỉnh Thanh Hóa 35tấn/giá trị 2.450 triệu đồng (trong đó thu mua tại 4 xã nêu trên khoảng 3 tấn/giá trị 210 triệu đồng); mua ở các xã ngoài địa bàn tỉnh 25tấn/giá trị 1.750 triệu đồng.
 Bình quân sơ chế biến thủ công ốc thịt hàng năm đạt khoảng 60tấn/chi phí 600 triệu đồng. Lợi nhuận thu được là 320 triệu đồng/năm.
 
Mặc dù điều kiện có những thuận lợi nhất định so với những hộ nuôi ốc, song qua tìm hiểu cũng cho thấy hoạt động thu mua, chế biến, tiêu thụ ốc thương phẩm của Công ty cũng gặp một số khó khăn nhất định, như: chưa có sự liên kết bền vững nên việc thu mua còn nhỏ lẻ, thiếu ổn định, thường bị cạnh tranh giá mua với thương lái bên ngoài, dẫn đến việc cung cầu cho thị trường nhiều khi bị động.
Đặc biệt là hoạt động sản xuất chế biến ốc của công ty mới đang ở bước sơ chế, bán sản phẩm thô là chủ yếu, mà chưa đầu tư được máy móc thiết bị chế biến sâu để có thêm sản phẩm đa dạng, đáp ứng thị hiếu của thị trường - Ông Bình cho biết.
 
Cũng theo ông Bình, chính từ những thực trạng này đã đặt ra và thúc đẩy công ty Thiên Bảo tạo dựng mối liên kết với nhóm hộ sản xuất chuyên sâu bổ sung nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp trong thu mua, chế biến, tiêu thụ ốc nhồi thương phẩm.
 
Bài 2: Thành công nở rộ từ liên kết sản xuất
 
Thiết lập chiều sâu, bề rộng của mối liên kết
 
Trở lại vấn đề đặt ra ở bài trước, từ việc nhận rõ tiềm năng cơ hội và xu hướng phát triển trong việc nuôi, chế biến ốc nhồi thương phẩm, Công ty Thiên Bảo đã chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan, tiến hành khảo sát sâu, lựa chọn liên kết với 20 hộ đang nuôi ốc nhồi theo phương thức truyền thống tại địa bàn 4 xã: Quảng Trạch, Quảng Long, Quảng Văn, Quảng Hợp (huyện Quảng Xương) để họ tự nguyện đăng ký hợp tác trong con giống, vật tư, thức ăn, nuôi, thu mua, chế biến ốc nhồi.
Trong đó việc thiết lập nền tảng liên kết bền vững, bao gồm các yếu tố: “Phạm vi, điều kiện địa lý, thực trạng quản lý quỹ đất, diện tích ao nuôi, đánh giá tình hình, khả năng xử lý môi trường” được xác định là điều kiện cần.
 Còn “Nhu cầu về đầu tư, khả năng đối ứng nguồn lực, những nội dung cần liên kết hỗ trợ, những việc chủ hộ cần phải đầu tư vốn, tài sản, nhân công thực hiện, thị trường, thu nhập và các yếu tố khách quan, chủ quan đầu vào khác” là điều kiện đủ- Ông Bình Giám đốc công ty Thiên Bảo, nhấn mạnh.
Theo ông Bình: Các điều kiện cần và đủ nêu trên, là cơ sở để cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu lâu dài trong sản xuất kinh doanh ốc nhồi thương phẩm quy mô lớn.
 
Trên cơ sở hợp tác liên kết, Công ty Thiên Bảo đã đóng vai trò làm hạt nhân tư vấn kỹ thuật, cung ứng con giống, vật tư, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Theo đó, công ty đã cử cán bộ có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm truyền giảng về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng ốc nhồi cho các hộ thành viên; đồng thời phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại ở tỉnh, ở huyện tổ chức cho các hộ tham quan thực tế, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm đầu bờ. Khi có sản phẩm, công ty trở thành một bên thu mua theo giá thỏa thuận.
Đối với các hộ: Khi trao đổi với ông Vũ Văn Khải, chủ hộ nuôi ốc ở xã Quảng Long, là thành viên trong nhóm liên kết. Ông phấn khởi cho biết: “Sau khi được tập huấn, tham quan và được kết nối chính thức của công ty Thiên Bảo, chúng tôi tự bảo nhau phải kiên trì, nhất quán, tin tưởng với mối liên kết. Từ đó đã chủ động triển khai thực hiện, cũng như tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc khó khăn phát sinh”.
Cho ý kiến về việc này, ông Trần Ngọc Bảo, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Văn, nhấn mạnh: “Lãnh đạo địa phương cũng rất quan tâm việc này, xem đây là cơ hội tốt. Vì vậy, đã nhắc nhở bà con nuôi ốc, là cần phải xác định trên tinh thần tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm là chính, không nên quá trông chờ ỷ lại công ty, song từ những kiến thức được tư vấn và sự hỗ trợ của Công ty cùng kinh nghiệm đã có, căn cứ vào điều kiện thực tế ao nuôi của mình, các hộ nên chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ theo quy trình kỹ thuật chăm nuôi. Đồng thời, thường xuyên thông tin, trao đổi, học tập kinh nghiệm hỗ trợ lẫn nhau. Nhất là khi có sản phẩm, nên dành bán cho công ty theo giá thỏa thuận, đôi bên phải trung thành với nhau”- ông Bảo thẳng thắn trao đổi lại như vậy.
 
 
Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Xương Hà Thế Anh thăm cơ sở chế biến của Công ty Thiên Bảo
 
 Quá trình thực tế đã được các hộ thực hiện cải tạo ao nuôi, như: tẩy dọn ao, làm sạch ao bằng cách hút cạn nước, cào sạch bùn, bừa, phơi đáy; tạo độ dốc về phía cống, tu sửa cống…; xây bờ kè để tránh các sinh vật (chuột, cua, rắn…) xâm nhập làm hại ốc; làm hàng rào lưới che chắn, ngăn ốc trong khu vực nuôi; tạo bùn bả hữu cơ làm nguồn thức ăn tự nhiên trong áo cho ốc. Trước khi thả ốc khoảng 10 ngày, thực hiện bón rơm rạ băm nhỏ khắp đáy ao với lượng 10-15 kg/100m2 và phân chuồng đã được ủ hoai với vôi bột, lượng 7-10kg/100m2). Lắp ráp các thiết bị điện nước phục vụ nuôi ốc, như các đường ống, cống thoát nước, hệ thống đảo chiều nước, máy bơm,…
Điều quan trọng được rút ra trong kỹ thuật nuôi ốc nhồi, đó là: Ốc nhồi có những đặc tính riêng biệt, chúng sinh sản và phát triển theo mùa, từ tháng 4 đến tháng 11 trong năm là thời gian tốt nhất, nên công tác chăm sóc, bảo quản con giống qua đông là vấn đề quan trọng đầu tiên; thứ hai là tạo giữ môi trường nước phải luôn sạch, tránh ô nhiễm để đảm bảo cho sự phát triển và sinh sản cũng như an toàn dịch bệnh cho ốc; thứ ba là nguồn thức ăn luôn phải phù hợp và thường xuyên đầy đủ, đây được xem là vấn đề then chốt quyết định đến sản lượng và chất lượng. Mặt khác, số lượng con giống được thả cần phù hợp với diện tích, và ao đã nuôi ốc thì không nên nuôi kết hợp, lẫn lộn với các con nuôi khác...
 
Kết quả sau một năm liên kết
 
Tổng hợp, đánh giá từ báo cáo của các hộ thành viên, được xác nhận của chính quyền địa phương, với diện tích ao nuôi ban đầu 13 ha (khả năng mở rộng thêm 7,5 ha), sau một chu kỳ sản xuất (Pha 1):
Sản lượng thu được 22.150 kg ốc thương phẩm (tăng 10,05 tấn so với trước khi liên kết); ốc giống đưa xuống ao nuôi và bán ra thị trương là 650 vạn con. Tổng doanh thu mang lại 1.744 triệu đồng.
Chi phí đầu tư 795 triệu đồng. Lợi nhuận: 949 triệu đồng, theo đó: bình quân lợi nhuận 73 triệu đồng/ha/năm; bình quân theo hộ là 47,5 triệu đồng/hộ (tăng tương ứng so với trước khi liên kết: 429 triệu đ, 33 triệu đồng, và 21,5 triệu đồng ).
Điển hình trong việc nuôi ốc mang lại hiệu quả cao hiệu quả, phải kể đến, như: hộ ông Nguyễn Văn Toàn (xã Quảng Long) diện tích ao nuôi 1ha, thu nhập 480 triệu đồng; hộ ông Vũ Văn Khải (xã Quảng Long) diện tích ao nuôi 1ha, thu nhập 330 triệu đồng; hộ ông Hàn Văn Thuyên (xã Quảng Văn) diện tích ao nuôi 0,25ha, thu nhập 324 triệu đồng, nhờ bán được nhiều con giống; hộ ông Hoàng Văn Toán (xã Quảng Trạch) diện tích ao nuôi 1ha, thu nhập 260 triệu đồng; hộ ông Trần Văn Thuấn (xã Quảng Hợp) diện tích ao nuôi 1ha, thu nhập 280 triệu đồng…
 
 Về thu mua, chế biến, tiêu thụ, ông Bùi Văn Bình, Giám đốc công ty Thiên Bảo cho biết: Song song với các hoạt động của hộ nuôi ốc (pha 1), Công ty Thiên Bảo đã chủ động đầu tư máy móc thiết bị mới và tiến hành thu mua sản phẩm ốc thịt, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm: ốc nhồi đóng gói nguyên con, ốc nhồi tách vỏ, ốc nhồi ống nứa, theo chuỗi giá trị đưa ra thị trường (pha 2), kết quả:
 
Tổng chi phí thu mua, chế biến năm 2022 đạt 75 tấn/giá trị 5.250 triệu đồng. Trong đó mua ở các hộ tham gia mô hình là 15 tấn/1.110 triệu đồng (tăng so với trước khi liên kết là 12 tấn/giá trị 900 triệu đồng). Doanh số bán hàng: 5.771. Lợi nhuận thu được là 521 triệu đồng.
So sánh hiệu quả giữa trước và sau khi thực hiện liên kết, được ông Bùi Văn Bình cho biết cụ thể:
 Pha 1: Chi phí tăng 1,6 lần, sản lượng tăng 1,8 lần, doanh thu tăng 1,7 lần, lợi nhuận tăng 1,8 lần.
 Pha 2: Chi phí tăng 1,09 lần, sản lượng tăng 1,25 lần (trong đó nhập từ số hộ tham gia mô hình tăng 5 lần), doanh thu tăng 1,25 lần, lợi nhuận tăng 1,62 lần.
 
Là chủ nòng cốt trong mối liên kết này, ông Bùi Văn Bình đánh giá: Sau một thời gian thực hiện, đến nay người dân đã khắc phục được việc nuôi tự phát, họ đã thình thành được phương thức nuôi theo kế hoạch. Đặc biệt họ đã cơ bản nắm được quy trình, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng .
Huy động vốn đầu tư của các hộ từ đó cũng đã mạnh dạn. Một mặt nhờ vào sản xuất hiệu quả, mặt khác là nhờ vào xác lập được điều kiện trở thành là đối tượng vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Theo đó, nhân công lao động chính của các hộ đã được chú trọng huy động và thường xuyên hơn.
Sản phẩm sản xuất ra chủ yếu được bán sĩ cho cơ sở thu mua của chúng tôi, có ghi nhớ, ràng buộc ổn định và sản lượng, giá cả cũng ổn định, nên đôi bên rất yên tâm hợp tác liên kết để cùng phát triển.
 
Khi hỏi ý kiến đánh giá về thành quả mang lại, được ông Hà Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết: “Mô hình liên kết nuôi, chế biến, tiêu thụ ốc nhồi thương phẩm gắn với định hướng phát triển sản phẩm ocop tại 4 xã thuộc huyện Quảng Xương đã đem lại hiệu quả kinh tế cao vượt trội, được bà con và chính quyền địa phương sở tại rất ghi nhận và huyện đang định hướng nhân rộng. Ở đây không những tạo thêm việc làm mà tư duy sản xuất hàng hóa cũng như liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị của các hộ cũng đã được nâng lên”.
Tuy nhiên, khi hỏi về những khó khăn hạn chế, được ông Hà Thế Anh cho biết thêm: Hệ thống tưới tiêu ở cục bộ một số vùng còn nhiều bất cập, mùa mưa thường bị ngập úng, chất thải công nghiệp tràn vào gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Một số trang trại muốn mở rộng quy mô nhưng khó khăn về đất, trong khi việc cho thuê, mượn hay tích tụ đất đai trong nông nghiệp còn chưa rõ ràng nên ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và hiệu quả trong quá trình đầu tư sản xuất…
 Kết quả nhân rộng bất ngờ
Những con số biết nói ở trên, đó chỉ mới là kết quả khởi đầu của sau một năm liên kết. Còn hiện tại kết quả nuôi, thu mua, chế biến ốc nhồi trên địa bàn đã nhân rộng, nâng tầm lên một quy mô rất đáng kể. Được ông Bùi Văn Bình cho biết, hiện nay công ty đã có hơn 200 hộ liên kết, với diện tích hơn 80ha. Tống sản lượng thu được từ chăn nuôi ốc giống ước đạt 3 triệu con, giá trị thu được khoảng 9 tỷ đồng; sản lượng ốc thương phẩm ước đạt 150 tấn, giá trị thu được trên 12 tỷ đồng. Bình quân thu nhập 260 triệu/ha năm
Đáng chú ý trong số lượng thu mua 150 tấn/năm, công ty Thiên Bảo đưa vào chế biến 70-80 tấn, bán thô 60-70 tấn. Tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động chính thức và 6 lao động thời vụ, với mức lương từ 6 tới 10tr/người/tháng. Doanh thu hằng năm 13 tỷ, lợi nhuận 600-800 triệu/năm. Và đã có 1 sản phẩm ốc nhồi ống nứa được công nhận OCOP 3 sao và 1 sản phẩm ốc nhồi tách vỏ đang chờ phân loại xếp hạng.


Trên cơ sở thành công trực tiếp và thấy được thuận lợi của việc nuôi ốc là nghề mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao. Trong đó nguồn thức ăn và con giống người nuôi hoàn toàn có thể tự sản xuất; quy mô sản xuất có thể lớn, vừa và nhỏ nên không đòi hỏi. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng ốc hoàn toàn có thể tận dụng được sức lao động hiện có ở nông thôn. Còn nhu cầu tiêu thụ của thị trường đối với ốc thương phầm là rất lớn, kể cả trong tương lai hàng chục năm tới.
Thực tế trên địa bàn, hiện nay đất đai vùng lầy trũng còn hoang hóa đáng kể, cho thấy tiềm năng này còn rất tốt. Thiết nghĩ việc khảo sát, đánh giá thực trạng những nơi có khả năng xây dựng ao nuôi cũng như tạo điều kiện thuận lợi cơ chế thuê mượn đất ở những vùng có tiềm năng, với thời hạn lâu dài để nông dân, người lao động yên tâm đầu tư sản xuất, mở rộng diện tích ao nuôi, cùng với đó, cần có cơ chế hỗ trợ chế biến sâu để sản phẩm ốc nhồi tiến tới thành sản phẩm ocop có thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường và phục vụ người tiêu dùng là công việc rất cần được quan tâm của các cấp chính quyền ở địa phương./.
 

Nguồn: /Trần Đức Năng (Thanh Hoá)