Nghề trồng dâu nuôi tằm tại tỉnh Yên Bái được phát triển tại huyện Trấn Yên từ những năm 2000. Sau hơn 17 năm vừa thử nghiệm vừa đầu tư phát triển, đến nay toàn tỉnh đã có 1.168 ha cây dâu tập trung tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên và Văn Chấn, năng suất trung bình 28 - 30 tấn/ha tương đương sản lượng lá dâu hàng năm đạt 28.000 - 30.000 tấn, sản lượng kén tằm đạt trên 1.500 tấn, giá bán dao động từ 150.000 đồng - 195.000 đồng/kg kén tuỳ từng thời điểm và chất lượng kén tằm.
Có thể nói thu nhập từ việc trồng dâu, nuôi tằm cao hơn so với trồng lúa hoặc các cây rau màu khác 2,0 - 2,5 lần. Một hecta trồng dâu nuôi tằm cho sản lượng kén từ 1,5 - 2,0 tấn với giá trị đạt từ 200 - 220 triệu đồng/ha/năm, sản phẩm tơ tằm Yên Bái có chất lượng tốt, mang lại lợi thế cạnh tranh cao trong khu vực. Tuy nhiên việc trồng dâu nuôi tằm vẫn còn gặp không ít khó khăn, nuôi tằm đạt chất lượng, bội thu hay không còn tùy thuộc vào con giống, chất lượng cây dâu và công chăm sóc, kỹ thuật của từng hộ gia đình; đặc biệt là ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật mới, chọn giống dâu có chất lượng cao, kỹ thuật trồng thâm canh dâu và các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tằm chưa được áp dụng bài bản đúng quy trình, người dân vẫn phụ thuộc vào kinh nghiệm lâu năm là chính.
Xác định trồng dâu nuôi tằm là một trong những ngành nghề kinh tế trọng điểm gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Năm 2024 từ nguồn vốn Khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình trồng dâu, nuôi tằm phục vụ phát triển ổn định nghề trồng dâu, nuôi tằm ở một số tỉnh miền núi phía Bắc” với quy mô trồng mới 6 ha, thâm canh 6 ha, nuôi tằm con tập trung 720 vòng trứng, nuôi tằm lớn (tằm tuổi 4) 720 vòng tằm. Các hộ tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí giống dâu, giống tằm, vật tư và được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật. Giống dâu được đưa vào trồng là giống F1-GQ2. Sau 9 tháng triển khai cây dâu phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt bình quân 95,2%.
|
Các đại biểu tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm tại xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn |
Đối với mô hình thâm canh dâu sau khi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái cây dâu đã có sự thay đổi rõ rệt, cây sinh trưởng phát triển tốt, bản lá to dày hơn, năng suất lá dâu trung bình trên 3.000 kg/ha/lần hái, tính trung bình 9 lứa hái/năm thì năng suất lá dâu khi thực hiện mô hình là 32.000 kg/ha/năm, cao hơn năng suất dâu ngoài mô hình 500 kg/ha/lần hái (5000 kg/ha/năm).
Đối với mô hình nuôi tằm con tập trung, tằm lớn (tằm tuổi 4) các hộ đã biết áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tằm tại nông hộ như nuôi tằm trên nền nhà, nuôi tằm trên khay trượt, phòng trừ dịch bệnh cho tằm, xử lý môi trường, sử dụng né tre sang né gỗ nhằm nâng cao chất lượng kén tằm và phù hợp với công nghệ ươm tơ tự động. Qua theo dõi tằm phát triển tốt, tỷ lệ sống trung bình 92%; năng suất 15,5 kg kén/vòng tằm cao hơn ngoài mô hình 3,5 kg (ngoài mô hình 12 kg kén/vòng tăm), tiêu tốn lá dâu cho 1kg kén tằm trung bình 17-18 kg lá dâu, giá kén giao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg đã góp phần tăng thu nhập cho người nuôi tằm, các nông hộ tham gia mô hình đã thu lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với ngoài mô hình là 451.800.000 đồng, tăng 19 % so với sản xuất đại trà.
Việc “Xây dựng mô hình trồng dâu nuôi tằm phục vụ phát triển ổn định nghề trồng dâu, nuôi tằm ở một số tỉnh miền núi phía Bắc” nhằm giúp cho HTX và doanh nghiệp áp dụng các quy trình quản lý sản xuất để tạo ra sản phẩm kén tằm chất lượng cao, nâng cao năng lực của các cơ sở nuôi tằm, góp phần ổn định ngành dâu tằm tơ, tăng lợi nhuận cho người trồng dâu, nuôi tằm và các HTX, doanh nghiệp. Hợp tác xã, tổ hợp tác là đầu mối trung gian kết nối giữa các hộ nông dân và doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm; góp phần tăng thu nhập cho người trồng dâu nuôi tằm, tạo an sinh xã hội bền vững, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.